• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ông cá biển

Nguồn tin: Lao Động, 14/10/2006
Ngày cập nhật: 16/10/2006

Có một người muốn mang đại dương về thành phố, đó là anh Lê Hữu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH TM & DV Hải Thanh. Một góc đại dương ấy nằm tại khu du lịch Tân Quy - quận 7, chuyên kinh doanh dịch vụ giải trí tham quan tại các công viên lớn (đầu tư các thuỷ cung tại Đầm Sen - Suối Tiên - Sở Thú TPHCM).

Tôi gặp lại anh có dễ gần chục năm quen biết sau bài viết đầu tiên về anh. Anh vẫn thế, có điều đã mập hơn vì tuổi tác nhưng vẫn còn cái dáng tất bật và giọng nói oang oang... Con người này đã rời biển hàng chục năm mà vẫn mê biển lạ kỳ. Hơn 11 năm sống với biển, lênh đênh qua các vùng biển miền Trung, Phú Quốc, Thổ Chu..., rời quân ngũ, có thời gian làm thuỷ thủ tàu viễn dương, anh may mắn có cơ hội được đi nhiều nước. Hồi ấy thuỷ thủ ta lên bờ thì chỉ mua hàng về "đánh quả" kiếm lời, còn anh, mỗi dịp có triển lãm sinh vật biển tại Hồng Kông, Singapore... anh đều vào xem. Anh thấy bộ môn cá biển rất được các nước bạn ưa chuộng và đánh giá cao, nhưng theo anh cá của họ không đẹp bằng cá nước mình.

Và hôm nay, anh đã thực sự đạt được ước mơ của mình với mô hình công ty du lịch tư nhân. Anh đưa tôi đi thăm công viên Đại Dương và làm tôi kinh ngạc bởi sự tinh tường tên từng loại cá trong hồ. Chợt anh quay qua hỏi tôi: "Muốn lặn xem cá mập không?". Tôi lắc đầu. Gì chứ vụ lặn cùng cá mập thì không "dấn thân" được, dù đây là mô hình thu hút khách du lịch mới. Khách có thể thuê đồ lặn và lặn xuống hồ kính bơi cùng cá mập, thậm chí có thể sờ vào chúng, nhưng tất nhiên đó là những chú cá mập con.

Với tôi những hồ bơi và trò trượt nước hấp dẫn hơn nhiều. Tuy là công viên du lịch tư nhân nhưng mẫu mã trò chơi ở đây cũng xinh xắn và thu hút đông đảo khách, kể cả khách nước ngoài. Và tôi nhận thấy rằng, không chỉ sự ra đời của khu đô thị hiện đại Phú Mỹ Hưng làm thay đổi bộ mặt quận 7, mà ngay một khu du lịch như công viên Đại Dương của tư nhân cũng làm được điều đó ở một mức độ khác.

Khi người ta giàu thì người ta làm gì? Tôi cứ lẩn quẩn câu hỏi đó trong đầu khi biết tổng số vốn của anh hiện nay gồm đất và trang thiết bị đã lên đến 90 tỉ đồng. Còn nhớ hơn mười năm trước, tôi gọi anh là tỉ phú anh đã ngại, cho rằng tôi đại ngôn.

Bây giờ anh có cơ ngơi như thế mà không nhậu nhẹt chơi bời, suốt ngày chỉ cá, hết nuôi cá lại sản xuất cá giống. Tỉ phú mà hễ đến bữa cơm trưa là về nhà ăn cơm. Có lẽ đồng tiền từ mồ hôi nước mắt có lý lẽ riêng của nó. Vạn sự khởi đầu nan. Kinh nghiệm không có, vốn liếng cũng không, chỉ có bản lĩnh người lính và niềm đam mê thôi thúc anh phải biến ước mơ thành hiện thực nên anh rất biết quý trọng thành quả lao động của mình. Anh làm rất nhiều việc từ bán cá khô, trồng cây cảnh đến dịch vụ rửa ôtô... tất cả để gom góp chuẩn bị thực hiện ý tưởng đem đại dương về thành phố. Đó là những năm 1996-1997.

Con người lãng mạn và liều lĩnh này chưa bao giờ từ bỏ ý định của mình. Anh lao vào nghiên cứu về hải dương. Hàng trăm cuốn sách bằng tiếng nước ngoài được anh nghiền ngẫm dù chỉ nhìn vào hình vẽ và suy luận rồi bắt chước làm theo.

Anh ra tận Nha Trang, Phú Quốc, Cà Ná... kiếm hàng ngàn con cá mang về, nhưng chỉ vài ngày sau chúng lăn đùng ra bơi ngửa, chỉ còn sống được vài con. Không nản chí, anh tiếp tục nghiên cứu và phát hiện ra khi thay đổi môi trường sống thì cá sẽ chết, do đó phải có hệ thống lọc nước tuần hoàn xử lý bằng tia cực tím giúp tiêu diệt những loại vi khuẩn có hại nhưng vẫn giữ lại những vi sinh có lợi cho sự sống của cá. Anh áp dụng thử và thật bất ngờ chỉ ba tháng sau kết quả thật khả quan khi tỉ lệ sống của cá đã lên đến 70%-80%.

Sự nghiệp cá biển của anh đánh dấu từ Tết năm 1994, khi khu du lịch Đầm Sen mời tham gia triển lãm cá biển, chỉ với 10 hồ cá của anh nhưng khách tham quan đã tăng đến hàng trăm lần. Tháng 2.1994 anh đầu tư làm thuỷ cung tại Đầm Sen, chưa đầy ba tháng sau đi vào hoạt động liên tục cho đến nay với diện tích tăng lên gấp ba lần. Thừa thắng xông lên, anh mở thêm thuỷ cung Suối Tiên và Thảo Cầm Viên.

Tiếng lành đồn xa, nhiều khách nước ngoài tìm đến tham quan khu xử lí nước biển của anh. Họ rất ngạc nhiên khi trước năm 1975, nhiều nhà đầu tư đã từng làm mô hình này nhưng đều thất bại, càng ngạc nhiên hơn khi biết hệ thống này một thời gian dài không thay nước nhưng cá vẫn sống được. Tuy nhiên, ít ai biết anh đã trải qua nhiều thăng trầm trong đời mình như thế nào.

Thật ra khi mở khu du lịch Đại Dương, anh cũng mong muốn đối tượng khách hàng của mình là những người sang trọng, nhưng anh vẫn luôn quan tâm đến khách hàng có thu nhập thấp. Xuất thân từ gốc nông dân, anh đồng cảm với họ. Anh cho biết: "Có những nông dân ở Nhà Bè, Cần Giờ, quận 7, đến mua vé nhưng trả giá bớt vài ba ngàn như mua hàng ngoài chợ và tôi không thể từ chối được". Nhưng anh biết, nếu mình phục vụ đối tượng thấp thì đối tượng khách sang trọng không đến, bởi những người sang trọng họ không thích chơi cũng như xuống bơi chung với những người bình dân: "Khách của tôi có người còn mặc cả quần bò xuống hồ bơi, mà như vậy khách sang trọng không thích. Còn nếu mình chỉ phục vụ khách sang, tăng giá vé gây khó khăn cho người có thu nhập thấp thì về mặt chính trị mình đã sai, sai với cái lương tâm, sai với lời đã hứa với chính quyền địa phương".

Trong khi nói chuyện với tôi, anh luôn nhắc đến vai trò của vợ con anh, những người bị lây cái bệnh mê cá biển như anh - chị Hồ Thị Thanh Thuận, người vợ gầy nhỏ lúc nào lo lắng cho anh. Khi cản anh không được, chị chỉ còn biết đứng phía sau động viên anh. Nỗi lo của chị khiến anh cảm thấy trách nhiệm của mình càng lớn.

Những khi công viên vắng khách quá, anh không dám vào nhà mà ra ngoài sân ngồi nhìn mấy hồ cá vì sợ vợ cằn nhằn. Tuy bố là ông chủ nhưng các con anh rất ngoan, không phá phách đua đòi, học giỏi và rất chăm chỉ cùng anh làm việc trong khu du lịch. Anh tự hào khoe: "Trong ví các con tôi lúc nào cũng có ảnh của tôi". Chính vì lý do đó mà anh thấy mình là chuẩn mực, là động lực, là trụ cột để các con noi gương theo. Phải sống sao cho thật tốt. Anh quan niệm: "Cuối đời, nợ rồi sẽ hết, tài sản không biết là bao nhiêu, cũng có thể là con số không, nhưng các con trưởng thành là điều tôi mong muốn nhất, và làm ăn không để lại tiếng xấu cho đời, cho xã hội".

Chúng tôi hỏi anh: "Sắp tới VN vào WTO, anh có sợ là mô hình công viên du lịch đại dương thu nhỏ của mình sẽ bị lép vế không?". Anh hơi lúng túng trước câu hỏi có vẻ rất chính trị này, nhưng rồi quả quyết: "Tôi là loại doanh nhân không biết tiếng Tây tiếng Tàu gì, tôi chỉ biết làm ăn bằng kinh nghiệm và khả năng của mình. Tôi biết nếu có nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch đại dương như tôi, họ sẽ rất mạnh về vốn. Có nhà đầu tư nước ngoài đã ngấp nghé nhảy vào với số vốn mấy chục triệu đô, còn tôi chỉ có mấy chục tỉ đồng VN. Nhưng tôi tin mình sẽ làm được". Khi ấy ông xem ai ngon hơn ai nhé?".

Lần này, đến lượt tôi cho là anh hơi liều, hơi "đại ngôn". Có mấy chục tỉ mà dám thách thức với người hàng chục triệu đô. Nhưng làm ăn là thế, không có gan, không có chí sao làm được?

Huỳnh Dũng Nhân - Phạm Kim

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang