• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làng hoa miền Ðông Bắc

Nguồn tin: Nhân Dân, 22/11/2008
Ngày cập nhật: 24/11/2008

Không phải là vùng đất trồng hoa truyền thống như các làng hoa Nghi Tàm, Nhật Tân... ở Thủ đô Hà Nội, cây hoa đến với người dân xã Lê Lợi (huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh) mới chỉ khoảng mươi, mười lăm năm trở lại đây và cũng hết sức tình cờ...

Đã thành một tiết tấu mới của quy trình lao động sản xuất, lâu nay cứ vừa thu hoạch xong vụ mùa, có khi lúa chưa kịp tuốt, thóc chưa kịp phơi, người dân xã Lê Lợi (Hoành Bồ, Quảng Ninh) lại rậm rịch xuống giống cho vụ hoa mới.

Nào là lay-ơn, huệ, vi-ô-lét, cúc vàng, cúc tím,... tất cả đã làm nên những thảm cây xanh ngút ngàn và mát mắt. Rồi khi chỉ còn cách Tết khoảng mươi ngày, các vườn hoa lại đua nhau khoe sắc, rực rỡ muôn mầu.

Thời gian này nườm nượp người từ nơi khác đến mua hoa hoặc có khi chính những người trong xã mang hoa đi bán. Từ các thửa ruộng của xã Lê Lợi, hoa đi ra thị trấn Trới, vào TP Hạ Long và tỏa khắp Cẩm Phả, Cửa Ông, Ðông Triều, thậm chí còn lên cả Hà Nội...

Có lẽ do hợp với thổ nhưỡng của vùng đất pha cát này mà cây hoa từ vị trí thứ yếu đã dần trở thành cây đem lại nguồn thu chính cho nhiều gia đình ở xã Lê Lợi, hơn cả cây lúa hay các loại rau màu khác.

Chủ tịch UBND xã Lê Lợi Vũ Thị Oanh, cho biết, hiện nay diện tích trồng hoa của xã ước tính hơn 30 ha, tập trung chủ yếu ở ba thôn Tân Tiến, An Biên I, An Biên II. Các thôn khác như Ðồng Tâm, Ðề E, Yên Mỹ trồng hoa ít hơn vì diện tích đất nông nghiệp ở các khu vực này không nhiều. Nhưng chỉ với ba thôn trồng hoa, xã Lê Lợi đã cung ứng được lượng hoa khá lớn cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh bạn.

Không phải là vùng đất trồng hoa truyền thống như những làng hoa Nghi Tàm, Nhật Tân... ở Thủ đô Hà Nội, cây hoa đến với người dân Lê Lợi chỉ khoảng mươi, mười lăm năm trở lại đây và cũng hết sức tình cờ...

Trước đây, người dân xã Lê Lợi, nhất là dân ba thôn Tân Tiến, An Biên I, An Biên II nghèo lắm, cả năm chỉ biết trông cậy vào cây lúa, củ khoai vốn không bội thu ở vùng đất nhiễm phèn, chua mặn. Làng nằm bên con sông Bang cuồn cuộn nước đổ ra Cửa Lục - Bãi Cháy, cho nên người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề chài lưới nhỏ lẻ...

Ngay cả nguồn nước, người dân có khi cả năm chẳng được uống một hớp nước ngọt mát lịm ngoài thứ nước giếng chua mái, dùng nấu cơm dù là gạo tám thơm cũng trở nên rời rạc. Nhưng dù vậy, người dân còn sống được nhờ vào con tôm, cái tép, con ngán, con vạng... bắt được dưới sông ngòi.

Người dân xã Lê Lợi vốn nổi tiếng với tài xỉa ngán, đánh nhệch (một loại cá thân dài giống rắn nước, thịt rất thơm ngon) và chỉ cần bắt lên bờ đã có người vào mua tận nơi.

Nhưng tất cả chẳng thể giúp người nông dân đổi đời, cả xã hiếm lắm mới có được một chiếc ti-vi, cũng không thể tìm đâu ra một chiếc xe máy. Cuộc sống của vùng bán nông ngư này cứ quanh năm suốt tháng vất vả và buồn buồn như thế nếu như không có cây hoa.

Từ khi có chính sách giao ruộng cho dân, nhiều gia đình đã mạnh dạn nhận thêm đất để mở rộng sản xuất. Có gia đình nhận một mẫu hoặc hai mẫu và có khi đến cả bốn mẫu đất như ông Dũng thôn Tân Tiến, ông Thắng thôn An Biên II...

Nhưng nhận đất rồi họ cũng chưa tìm đến với cây hoa ngay mà còn loanh quanh với các loại cây trồng khác. Nào na, đậu tương, ớt, bầu bí... nhưng có loại không thích hợp với chất đất nên năng suất thấp, có loại thì giá thành bán ra lại quá rẻ, như bầu bí chỉ bán được từ 800 đến 1.000 đồng/kg nên đều không đem lại hiệu quả kinh tế.

Trong quá trình trồng thử nghiệm, một số người mạnh dạn trồng hoa. Ban đầu chỉ là các loại hoa huệ, hoa lay-ơn (dơn), vi-ô-lét trên một diện tích khiêm tốn. Các giống cây được mua từ vườn hoa ở Ðồng Chè (Hoành Bồ) hay Cột 8 (TP Hạ Long) hoặc bất cứ một địa chỉ nào mà người dân biết. Mua giống hoa và học hỏi kinh nghiệm của những người bán giống về áp dụng trên đất của mình, một chuỗi công việc không hề đơn giản, nhất là khi người dân xã Lê Lợi xưa nay chỉ quen trồng lúa và một số loại rau màu khác.

Nhưng thật bất ngờ, cây hoa phát triển rất tốt, cho bông mập, các bông phụ nở đều, đúng thời điểm, khi bán ra được người mua khen ngợi. Thế là diện tích trồng hoa được mở rộng theo thời gian, tính đến thời điểm này, hầu hết các gia đình ở ba thôn trên đều trồng hoa, trung bình mỗi nhà từ hai đến bốn sào. Trong một năm, ngoài trồng các vụ lúa chính và trồng xen kẽ các loại rau màu như ngô, lạc, khoai lang, bầu, bí... người dân Lê Lợi dành hẳn thời gian và công sức cho một vụ hoa ngay sau khi thu hoạch vụ lúa mùa để có hoa phục vụ Tết Nguyên đán và các lễ hội mùa xuân.

Kể từ khi đưa hoa vào trồng với diện tích lớn, đời sống nhân dân xã Lê Lợi đã gần như thay đổi hoàn toàn. Nhà nhà đều được sửa sang khang trang hơn, các vật dụng như ti-vi, đài, xe máy trở nên phổ biến. Nhờ cây hoa, người dân có điều kiện trùng tu lại di tích lịch sử của địa phương là đền thờ Vua Lê Thái Tổ để hoang phế hàng chục năm trời; hay dễ dàng huy động các nguồn lực xây dựng đường liên thôn, hệ thống mương máng tưới tiêu hoặc những việc chung khác của xã.

Hiện nay, hoa của xã Lê Lợi phong phú hơn rất nhiều. Bên cạnh các loại hoa truyền thống, như dơn, huệ, người dân đã trồng thêm nhiều giống hoa mới để phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng như giống dơn của In-đô-nê-xi-a (người dân quen gọi là "dơn đô") bông lớn, mầu đỏ thẫm, trồng hoa lys (ly) hay các loại cúc...

Năm nay, cùng với việc trồng đại trà các giống hoa khác nhau, Hội Khuyến nông của tỉnh đã chỉ đạo hình thành các vùng quy hoạch tại ba thôn, mỗi thôn khoảng bốn ha để trồng một số giống hoa nhất định áp dụng những phương thức mới về thời gian, phân bón, nước tưới. Nếu các phương thức này cho hiệu quả cao sẽ được nhân rộng khắp xã và chắc chắn lợi ích kinh tế từ cây hoa sẽ lớn hơn nhiều.

Khi được hỏi, với diễn biến khí hậu như hiện nay, vụ hoa năm nay năng suất thế nào, ông Nguyễn Văn Ðồng năm nay đã 96 tuổi, một trong những người trồng hoa tiên phong của Lê Lợi, bảo rằng:

- Năm nay thời tiết khắc nghiệt nên cây hoa cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Nếu trời không ấm lên thì có thể hoa dơn sẽ nở muộn. Còn hoa cúc, vì đều là hoa cúc điện, chỉ cần cung cấp điện đầy đủ trong quá trình sinh trưởng thì hoa vẫn sẽ đẹp và nở đúng thời vụ.

Tôi hỏi thêm ông Ðồng về hoa "cúc điện" thì được biết, giống hoa này phong phú về mầu sắc và kiểu dáng, ưa ánh sáng nên trong thời kỳ sinh trưởng phải thường xuyên thắp điện vào buổi đêm đến khi hoa ra nụ, chi phí cho một sào cúc, cả tiền điện, giống, phân bón, khoảng một triệu đồng. Nếu hoa nở đúng vụ và có chất lượng tốt, người trồng hoa có thể thu lãi chín triệu đồng trên một sào hoa, một con số đáng khích lệ người nông dân xã Lê Lợi đầu tư cho cây hoa cúc điện. Khác với hoa cúc điện, hoa dơn năm nay do thời tiết lạnh kéo dài và bị ảnh hưởng khói bụi từ các khu công nghiệp lân cận nên cây lớn chậm, lá bị táp, người trồng hoa cũng không khỏi lo lắng hoa sẽ nở muộn hơn dự định.

Nói về các giống hoa mới đưa vào trồng ở xã Lê Lợi vài năm trở lại đây như "dơn đô", ly, các hộ trồng hoa ở thôn Tân Tiến cho biết, các giống hoa này rất thích hợp với đất đai ở đây nên phát triển rất tốt, hoa nở đẹp, chỉ có điều chăm sóc cầu kỳ hơn một chút về thời gian xuống giống, bón phân... Những loại hoa mới này dễ bán, dù rằng giá đắt hơn những loại hoa truyền thống. Rất may là, tuy thời tiết có khắc nghiệt nhưng nhờ áp dụng phương pháp mà Hội Khuyến nông tỉnh đưa xuống, các hộ trồng hoa vẫn rất tin tưởng vào một vụ bội thu.

Những ngày cuối năm, đi trên những con đường thôn phong quang sạch đẹp của xã Lê Lợi, nghe trong gió đã thấy vị thơm ngọt của vi-ô-lét, hương nồng nàn của hoa cúc, hoa ly... Nghe tiếng í ới của mấy bác, mấy chị đang gọi nhau đi làm cỏ cho cây hoa, ít người biết rằng hoa đã làm hồi sinh mảnh đất này chỉ trong vòng hơn mười năm trở lại đây.

Với quãng thời gian không nhiều đó, hoa đã bén rễ, đơm bông và làm thay đổi cả một vùng đất. Nhiều gia đình đã có bát ăn, bát để, có dư giả, đời sống sung túc hẳn lên.

Nếu lâu lâu không có dịp trở lại nơi này, ai cũng phải ngạc nhiên vì làng hoa Lê Lợi đã thay đổi quá nhiều với những ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Hoa đã trở thành người bạn chung tình, góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng quê miền núi nghèo khó ở Quảng Ninh.

VŨ THẢO

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang