• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hư thực massage cá: Cá bác sĩ hay cá lang băm?

Nguồn tin: Sài Gòn tiếp thị, 19/11/2008
Ngày cập nhật: 21/11/2008

Một dịch vụ massage bằng cách cho cá rỉa da đang được đồn thổi với nhiều công dụng chữa bệnh, làm giảm stress. Điều đáng nói hơn, lai lịch của những con cá này được giới thiệu rất mập mờ. Trong khi một số bang của Mỹ đã thận trọng cấm, tại Việt Nam, dịch vụ này đang nở rộ

Bỏ tiền mướn cá massage

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dịch vụ massage bằng cá bác sĩ (doctor fish) xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội cách đây vài tháng. Thấy dịch vụ này lạ và đắt khách, một số công ty kinh doanh massage ở Hà Nội, TP.HCM và miền Tây bắt đầu nhảy vào. Một công ty kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5) đã cho nhập năm ngàn con cá bác sĩ từ Hàn Quốc về nuôi thử, chuẩn bị khai trương dịch vụ massage này vào cuối năm. Một tổng công ty kinh doanh về thuỷ sản ở miền Tây cũng đã khởi động dự án xây dựng khu massage cá hiện đại bậc nhất Việt Nam bên bờ sông Hậu (Cần Thơ), và đang làm thủ tục nhập 40 ngàn con “doctor fish” từ Thổ Nhĩ Kỳ. Dự kiến công trình này sẽ hoạt động vào đầu năm 2009.

Người mẫu D., một trong những khách hàng ở TP.HCM vì tò mò đã “bay” ra Hà Nội thử loại hình massage này, cho biết cảm giác mới đầu rất… nhột, tê tê, nhưng vài phút sau, thấy dễ chịu. “Mấy con cá nhìn giống cá rô, nhưng nhỏ hơn. Nghe nhân viên họ bảo kiểu massage này, có nhiều tác dụng hay lắm. Giúp giảm stress, lấy đi những tế bào chết trên người, làm cho khí huyết lưu thông, tim mạch ổn định, đẩy lùi bệnh thấp khớp. Có thật như vậy không, thì tôi không rõ, nhưng cho cá rỉa xong, thấy người mình nó sảng khoái cực kỳ”, D. kể. Theo D., giá trọn gói của một lần massage cá là 350.000đ, luôn cả xông hơi.

Không có tác dụng trị bệnh

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị ngày 17.11, PGS-TS Võ Thanh Tịnh, nguyên giảng viên học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, phương pháp massage bằng cá rỉa da, chỉ mới xuất hiện gần đây ở một số nước. “Doctor fish là một giống cá xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ, có tên Garra Rufa. Chúng trở nên nổi tiếng, sau khi có bài báo khoa học ghi nhận miệng cá có dịch tố trị bệnh ngoài da. Tuy nhiên, vì Garra Rufa là loài cá hiếm, nên Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm khai thác thương mại. Quy trình nuôi chúng rất khó khăn, tốn kém, nên trên thực tế, chúng không đáp ứng nhu cầu massage cho thị trường châu Á. Một số công ty kinh doanh massage ở Trung Quốc đã dùng một loài cá khác, có tên chin chin, thay thế với giá thành rẻ hơn. Cá chin chin thực ra là loài cá rô phi được nuôi làm thực phẩm. Các công ty Trung Quốc đã chọn lấy những con cá rô phi con, bỏ đói để chúng trở nên hiếu động, khi gặp da chân, sẽ rỉa vào ăn. Từ đó tạo cảm giác giống như được cá massage. Hiện các điểm massage bằng rô phi này đã bị khách hàng tẩy chay, vì giả danh doctor fish, và có thể gây nguy hiểm cho da”, ông Tịnh nói.

Việc cho cá rỉa các tế bào chết trên da, có thể có tác động lên dây thần kinh cảm giác ngay dưới da, tạo cảm giác dễ chịu, giảm stress. “Nhưng không nên ngộ nhận đó là một kiểu massage trị liệu để trị bệnh, bởi cá rỉa chỉ tác động nhẹ ngoài da, chứ không như phương pháp bấm huyệt. Không điều hoà được khí huyết, tạo cân bằng âm dương, thu hẹp tà khí gây bệnh tật, thì không thể có tác dụng trị bệnh. Ngay cả với cá Garra Rufa, cũng cần phải có thêm nhiều nghiên cứu nữa, mới có thể kết luận tác dụng của nó. Hiện chỉ mới có một nghiên cứu từ chính nơi phát hiện ra nó, thì cũng chưa thật sự khách quan”, ông Tịnh nhấn mạnh.

Hai bang của Mỹ cấm dịch vụ cá rỉa da

Theo BBC và nhật báo Calitoday (Mỹ), sau khi tiến hành kiểm tra vệ sinh và xét nghiệm mẫu nước ở các dịch vụ cho cá rỉa da, nhận thấy không thể nào vô trùng cá, và dụng cụ hành nghề một cách an toàn tuyệt đối, đầu tháng 10.2008, hai bang Washington và Texas của Mỹ đã cấm dịch vụ này hoạt động.

Ông Dennis Arnold, chuyên gia chữa bệnh về chân (người đã đứng ra thành lập hiệp hội Săn sóc chân quốc tế cách đây bốn năm) cho biết ông chưa hề nghe nói đến một cách thức chăm sóc da nào kỳ lạ như thế, và tỏ ý nghi ngờ việc phát triển dịch vụ này tại Mỹ.

Vĩnh Huy

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang