• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lên "suối tiên" ngắm "cá thần"

Nguồn tin: Nhân Dân, 16/11/2008
Ngày cập nhật: 17/11/2008

Suối "cá thần" là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú ở xứ Thanh. Ngoài biển Sầm Sơn, thành nhà Hồ, Vườn Bến En và động Từ Thức..., đây là điểm du lịch hấp dẫn nhiều du khách. Nét độc đáo của suối cá đã được xếp vào một trong những cảnh đẹp Việt Nam, được công nhận di tích lịch sử và di sản văn hóa từ năm 1993.

Từ đường Hồ Chí Minh đi hơn chục km, cầu treo Cẩm Lương nối ngang dòng sông Mã vào suối cá thần đã hiện ra.

Suối "cá thần" nằm ở chân núi Trường Sinh, thuộc bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa), cách dòng sông Mã chưa đầy hai km. Nằm giữa bốn bề núi đá vôi sừng sững, dòng "suối tiên" Lương Ngọc chỉ dài hơn một trăm mét, rộng từ hai đến ba mét và sâu khoảng 30 - 50 cm, nhưng có tới hàng chục nghìn con cá ken đặc, nối đuôi nhau thành từng hàng bơi quanh miệng hang đá đường kính chừng một mét, có nguồn nước xanh biếc từ trong lòng núi đổ ra. Người dân Mường ở bản Ngọc gọi loài cá sống trong "suối tiên" này là cá giốc, phần đầu giống cá chép nhưng thân lại giống trắm sông. Cá ở đây rất lạ, chỉ quẩn quanh phía trên dòng suối gần hang đá, con nhỏ khoảng từ ba đến năm kg, có con nặng tới hàng chục kg. Chúng thoải mái đùa giỡn, lộ rõ phần bụng và lưng mầu đen óng ánh có pha sắc vàng, môi và vây đỏ rất đẹp.

Theo phân tích của một số nhà khoa học, đàn cá giốc ở suối Cẩm Lương thuộc bộ cá chép, tên khoa học là Spinibarbichthys denticulatus, cá quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra, còn có cá chài, cá mại hình thù nhiều hoa văn, mầu sắc ấn tượng. Ðàn cá rất thân thiện với con người. Không ai giải thích được từ đâu mà cá lại có nhiều đến thế, có lẽ là sự thiêng liêng của sông núi tích tụ từ nghìn đời nay. Ban ngày, từng đàn nối đuôi nhau bơi lượn chào đón du khách, đêm đến lại chui vào hang trú ẩn.

Từ đầu nguồn suối lần lên đỉnh dãy Trường Sinh, du khách sẽ đến động Ðăng ở độ cao khoảng 70 m so với mặt đất. Trong động, có những thạch nhũ thiên tạo mang nhiều hình thù khác nhau lấp lánh sắc mầu, có tiếng róc rách của con suối nhỏ, khởi nguồn của dòng nước trong hang cá Cẩm Lương. Dọc dãy Trường Sinh, hiện có nhiều hang động nguyên sơ chưa được khám phá và hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động vật, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương.

Bên cạnh suối Ngọc, có đền thờ Thần Rắn.

Truyền thuyết của người Mường kể rằng: Ngày xưa, bản Ngọc dưới chân dãy Trường Sinh thường xuyên bị hạn hán, mất mùa. Có hai vợ chồng hiếm muộn con, hằng ngày thường ra ven suối trồng trọt và bắt tôm cá. Một hôm, bà ra suối mò cua, vớt được một quả trứng lạ. Bà thả quả trứng xuống nước rồi tiếp tục mò, nhưng vẫn chỉ mò được quả trứng đó. Ba bốn lần như vậy, thấy lạ bà mang trứng về nhà. Ông bà đem trứng cho gà ấp thử, ít hôm sau, trứng nở ra một con rắn. Ông lão mang rắn ra suối Ngọc thả, nhưng cứ sáng thả thì tối rắn lại quay về nhà và dần dần sống trong nhà thân quen như những con vật khác.

Từ khi có rắn, đồng ruộng trở nên tốt tươi, dân bản Mường được ấm no, hạnh phúc, họ yêu quý gọi là chàng Rắn. Cuộc sống yên bình cứ trôi đi, bỗng một đêm trời mưa to gió lớn, sấm rền chớp giật. Sáng hôm sau, người ta thấy xác chàng Rắn dưới chân núi Trường Sinh, bên bờ suối Ngọc. Thần linh báo mộng cho dân làng biết, chàng Rắn vì chiến đấu với thủy quái về phá hại bản làng mà bỏ mình, cho nên được Ngọc Hoàng phong Thần và chức Tứ phủ Long vương. Nhân dân bèn lập đền thờ bên bờ suối để tưởng nhớ công lao. Cũng từ đó, suối Ngọc có đàn "cá thần" hàng chục nghìn con ngày đêm về chầu thần và canh gác nơi đền Ngọc.

Với đức tin suối cá là nơi linh thiêng để che chở cho bản làng, sự sung túc của đàn cá trong dòng suối là sự bình yên, no ấm cho cuộc sống dân làng, cho nên từ bao đời nay, bà con dân tộc Mường luôn gìn giữ loài cá thiêng. Do đó, đàn cá ở suối Ngọc không bao giờ vơi, ngày càng thêm đông đúc và to ra, có những con "cá chúa" nặng tới 20 - 30 kg.

Bỏ qua các yếu tố tâm linh, du khách không khỏi thấy lạ lùng là số lượng cá nhiều như thế, nhưng nguồn nước vẫn rất sạch, còn được dân bản sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy suối nhỏ, nước nông, nhưng đàn cá vẫn sinh sôi nảy nở, đông đàn dài lũ. Các nhà khoa học phỏng đoán, có thể ở hồ nước ngầm bên trong chứa nguồn thức ăn dồi dào cho đàn cá. Một số người cao tuổi trong bản kể lại, cách đây chừng 50 năm, người trong làng từng chui vào hang cá thám hiểm. Sâu tít trong lòng núi Trường Sinh, họ phát hiện rất nhiều suối ngầm, chia thành hai dòng nước nóng, lạnh khác nhau, dòng nước ấm khi ra đến cửa hang hòa với dòng nước lạnh. Ðàn cá giốc sống bám theo dòng nước ấm. Có lẽ vì thế mà chúng chỉ sống quanh khu vực có nguồn nước tinh khiết tiết ra từ lòng núi.

Sự nổi tiếng của suối "cá thần" đã thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong nước và ngoài nước tới tham quan. Trước đây, đi từ TP Thanh Hóa vào Cẩm Lương rất vất vả, qua hàng trăm cây số, vượt đò ngang sông Mã nước xiết rất nguy hiểm, lượng khách du lịch ít, suối cá còn giữ được vẻ hoang sơ. Từ ngày có cầu treo Cẩm Lương và tuyến đường Hồ Chí Minh, lượng khách đổ về đây khá đông. Chung quanh khu vực suối Ngọc, đã mọc lên nhiều cơ sở dịch vụ du lịch nhỏ kinh doanh các mặt hàng thổ cẩm, cơm lam và một số đồ lưu niệm miền sơn cước. Nhiều đơn vị du lịch đã xây dựng những tua tham quan các thắng cảnh xứ Thanh, trong đó có điểm du lịch suối cá.

Phong cảnh nơi đây tuy hữu tình, nhưng tiềm năng du lịch ở suối "cá thần" chưa được quan tâm đầu tư đúng mức và thiếu tính chuyên nghiệp. Xe chúng tôi đến cầu treo Cẩm Lương, vài người dân sống gần đó ra chặn lại, đếm người trên xe đòi thu tiền cước. Tuy đây chỉ là chuyện nhỏ và có thể là tự phát của người dân sở tại, song cũng khiến khách du lịch không hài lòng.

Cơ sở hạ tầng thiếu sự đầu tư đồng bộ, các dịch vụ, mặt hàng lưu niệm cũng nghèo nàn, đơn điệu. Trong suối cá, có một tấm biển nhắc nhở du khách không cho cá ăn, nhằm bảo vệ môi trường nguồn nước, nhưng phía ngoài, người dân vẫn bán những chét rau nhỏ cho du khách. Việc du khách sử dụng rau cỏ, bắp rang, mì tôm,... cho cá ăn quá nhiều sẽ vô tình làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến đàn cá. Mặt khác, người dân trong bản thường xuyên xuống suối tắm giặt, cũng làm suối bị nhiễm bẩn.

Chính vì vậy, cần có những biện pháp thiết thực để chăm sóc, bảo tồn loài cá cũng như việc khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch hấp dẫn này. Mặc dù huyện Cẩm Thủy đã thành lập Ban Quản lý khu du lịch suối cá, nhưng hoạt động của Ban quản lý này hình như mới dừng lại ở chỗ đặt gác chắn thu tiền, chứ không đủ người quản lý, theo dõi sát sao các hoạt động của du khách nhằm hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Sự sinh tồn của suối cá đang bị đe dọa do nạn phá rừng đầu nguồn ngày càng tăng. Nguồn nước ngầm trong lòng núi nuôi dưỡng loài cá giốc được chắt lọc từ hơn 500 ha rừng đầu nguồn của xã này. Muốn giữ được suối cá, phải bảo vệ và giữ nguyên trạng rừng nguyên sinh, bảo đảm vệ sinh môi trường. Việc này rất cần các cơ quan chức năng có biện pháp thực hiện nghiêm ngặt.

QUANG HƯNG

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang