• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tết này sẽ hiếm đào và quất

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 09/11/2008
Ngày cập nhật: 11/11/2008

Cho đến sáng nay, 9-11, hàng chục vựa đào, quất chuẩn bị cho tết ở La Cả (Hà Đông), Nhật Tân (Tây Hồ), Văn Giang (Hưng Yên)... và rất nhiều nơi khác nữa vẫn chìm trong dòng nước lũ. Sau hơn 1 tuần, đào quất đã bắt đầu héo lá và chắc chắn không sống được. Thế là, cả một năm trời long đong lận đận, làm ăn miệt mài, chăm chỉ để hy vọng vào một mùa bội thu đào, quất tết đã tan theo dòng nước lũ.

Đợi 10 năm sau mới có đào thế đẹp

Nông dân ở làng trồng đào La Cả lớn nhất Hà Nội xót xa trước cánh đồng đào đã chìm trong dòng nước lũ, cho đến nay vẫn chưa rút cạn. Ảnh: Văn Phúc

La Cả thuộc xã Dương Nội (TP Hà Đông) là làng trồng đào lớn nhất Hà Nội hiện nay sau khi nhiều diện tích trồng đào, quất ở Nhật Tân, Tứ Liên, Phú Thượng (Tây Hồ-Hà Nội) đã nhường đất cho các khu đô thị mới. Khi chúng tôi đến, làng La Cả lớn nhất nhì miền Bắc vẫn còn đang bị bao vây bốn bề nước lụt.

Nước còn dâng ngập hàng trăm ngôi nhà của dân và chỉ rút đi chút ít. Còn cánh đồng trồng đào rộng mênh mang ở quanh làng thì hoàn toàn chìm nghỉm trong làn nước sâu ngang đầu gối, có chỗ sâu hơn 1m. Có những chỗ vài ngọn đào nổi phất phơ trên mặt nước. Nhưng nhiều nơi chỉ còn là nước mênh mông.

Sau hơn một tuần ngập nước, những ruộng đào còn nổi lên đã bắt đầu úa héo. Ông Nguyễn Hữu Tựu, 55 tuổi, nhà ở xóm Thống Nhất, thôn La Nội chua xót nói: “Chưa năm nào nước lụt kinh hoàng như thế. Hiện nay, bốn bề nước sông vẫn còn rất đầy, nước trong cánh đồng chưa thể rút được, sẽ còn ngập thêm vài ngày nữa”.

Đứng bần thần giữa ruộng đào có tất cả 250 gốc, cành lá xác xơ, lòng người cũng ngổn ngang, xót tiếc, ông Tựu bảo: “Nước ngập 3-4 ngày đào đã chết. Thế mà đến hôm nay nước đã ngập gần 10 ngày rồi. Chúng tôi trồng đào đã lâu, chúng tôi biết rõ, cây đào không hề ưa nước. Đào chắc chắn sẽ chết hết. Thế là chúng tôi trắng tay rồi”.

Chỉ tay xuống những cành đào, ông chứng minh: “Đây, lá đang bắt bắt đầu úa héo. Cứ 2-3 hôm nữa, khi nắng lên là lá đào sẽ rụng sạch. Cây cũng bắt đầu khô quắt dần”.

Tôi hỏi một câu hơi ngớ ngẩn: “Thế đào chết thì có tận dụng cành để trồng lại được không?”. Ông chua xót: “Đào đã chết là phải nhổ về làm củi. Muốn trồng lại thì phải làm lại từ đầu, phải mua hạt giống về gieo lại, có nghĩa là phải quay lại làm như cái thời cách đây đã 10-15 năm”.

Anh Nguyễn Tiến Quỳnh, chừng 45 tuổi, nhà ở xóm Hoàng Hanh, thôn Ỷ La, dẫn tôi lội bì bõm ra cánh đồng đào của thôn La Nội. Đứng ở đây nhìn rõ sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Chỉ tay ra những ruộng đào đang chìm giữa biển nước lụt, anh bảo: “Những cây đào cành chết thì cũng không đáng tiếc bằng những cây đào thế. Giờ đào thế cũng chết sạch. Trong khi, chúng đều đã có tuổi 10-15 năm, thậm chí có cây đã 20 năm. Nếu muốn có đào thế mới thì phải đợi ít nhất là 8-10 năm nữa”.

Trên đồng, cứ chốc chốc lại có một bóng nông dân tất tả lội nước trở về. Ai cũng lắc đầu, ngán ngẩm: “Đào chết hết rồi, không cứu được”.

Tiền tỷ trôi sông

Đào chết, đồng nghĩa với cả một núi tiền của trôi theo nước lũ. Ông Tựu tính, cứ mỗi gốc đào chỉ cho thu hoạch một cành đào. Giá một cành đào bán trong ngày tết là 100.000đ (trong đó 30.000đ là tiền cành giống, phân đạm còn lại 70.000đ là món tiền công còm cõi của gần 11 tháng trời chăm bẵm, nâng niu để chờ mong cây đơm hoa trổ lộc ngày xuân). Vả lại, trồng đào thì phải nhỏ mồ hôi cả năm trời mới cho thu hoạch một lần vào dịp tết. Nào ngờ nước lụt bất kỳ, họ như thua một canh bạc lớn!

Có những gia đình có hơn một mẫu, tức là khoảng 1.500 gốc đào chết héo, tính ra nước lũ đã nhấn chìm khoảng 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, thiệt hại nhất là những hộ trồng đào thế cổ thụ. Trung bình một cây đào thế có giá 6-7 triệu đồng, cây non tuổi cũng có giá 1-2 triệu đồng. Anh Quỳnh kể: “Ruộng của tôi đang có hơn 100 cây đào thế. Bán rẻ mỗi cây 2 triệu đồng thì tính ra, năm nay ông trời đã cướp của tôi 200 triệu đồng. Song anh bảo, có những gia đình còn mất trắng hơn 1 tỷ đồng. Khi nước lụt, chỉ còn mỗi một cách là đứng bưng mặt khóc. Thậm chí, “ngoài kia, có hàng trăm gốc đào thế có giá lên tới 10 triệu đồng/gốc. Nhiều nhà năm ngoái, dân chơi, dân buôn cây cảnh từ Hà Nội, Hải Phòng về tận vườn để đòi mua mà chủ vườn không chịu bán. Giờ thì đào đã thành củi để đun rồi”.

Chúng tôi trở về UBND xã Dương Nội. Ông Nguyễn Trung Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã - buồn bã: “Cả làng La Cả có 2.250 hộ trồng 105ha đào tết. Thế nhưng đến thời điểm này, đã có 70% đào chết. Còn lại 30% khả năng sống sót rất ít, mà nếu sống được thì cũng hỏng vì không thể “lái” cho cây nở hoa đúng tết được nữa, chất lượng hoa cũng giảm rất nhiều”. Tính ra, tổng thiệt hại từ đào là 40 tỷ đồng.

Chúng tôi trở lại vùng trồng đào, quất ở Tây Hồ (Hà Nội). Hàng ngàn chủ vườn cũng đang xót xa, khổ sở nhìn đào, quất chết đen như que củi mà không làm sao cứu được. Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ, khoảng 90ha trồng đào, quất bị úng ngập. Trong đó, 70% có thể hoàn toàn mất trắng.

Trong khi đó, hàng loạt vựa đào, quất lớn ở Gia Lộc (Hải Dương), Từ Sơn (Bắc Ninh), Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Nội), Văn Lâm, Văn Giang (Hưng Yên)… cũng đang chìm trong nước lũ. Đào, quất chết sạch. Điều đó cũng đồng nghĩa việc dịp Tết Nguyên đán năm nay, người dân sẽ không có đào, quất để chơi tết nữa. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, tổng mức thiệt hại riêng về nông nghiệp trong đợt mưa lũ vừa qua ở miền Bắc đã có 5.000 tỷ đồng. Trong đó, chắc chắn có phần thiệt hại của những người dân trồng đào, quất để phục vụ thú chơi tao nhã ngày xuân cho cả nước.

Ngay trong cuộc họp chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng nhận định: Năm nay có thể sẽ không có đào, quất tết. Bà con nông dân đang bị thiệt hại nặng nề, các địa phương cần nhanh chóng giúp bà con ổn định lại sản xuất, có chính sách hỗ trợ giống cho bà con.

VĂN PHÚC HẬU

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang