• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mong manh đời thợ săn cá cảnh biển

Nguồn tin: NLĐ, 01/08/2008
Ngày cập nhật: 4/8/2008

Săn cá cảnh biển vất vả, nguy hiểm, đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng đã trở thành sinh kế của nhiều thợ lặn. Cũng vì nghề mà nhiều người bỏ mạng hoặc đánh mất tuổi thanh xuân của mình nơi biển khơi. Tôi đã hòa vào những người săn cá cảnh biển ở Nha Trang (Khánh Hòa) để hiểu những nhọc nhằn, hiểm nguy của nghề này

Mới 3 giờ sáng mà làng thợ lặn ở xóm Chụt thuộc khóm Tây Hải, phường Vĩnh Nghiên, TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã đông đúc lạ thường. Đàn bà, trẻ con í ới gọi chồng, gọi cha thức dậy ra biển bắt đầu một hành trình mới. Những bữa cơm sáng được cánh thợ lặn đánh nhanh rút lẹ. Anh em Nguyễn Văn Vũ, Nguyễn Văn Phong cũng tay xách nách mang nào ống lặn, lưới, bếp than và nồi cơm nhỏ thẳng tiến ra biển. Chiếc ghe máy nhỏ nổ bành bạch, đưa anh em Vũ cùng những thợ lặn khác ra khơi.

Việc nguy hiểm nhưng đồ nghề sơ sài

Cạnh ghe Vũ, hơn 20 chiếc ghe khác cũng nhanh chóng lướt sóng. Trên ghe, Vũ huyên thuyên kể với tôi chuyện nghề. Bị tiếng sóng át mất giọng, miệng Vũ mở to hết cỡ, nói như hét: “Mùa này cá ít, nước biển lại lạnh nên nhiều thợ lặn không săn được cá cảnh, chỉ những người chuyên nghiệp, làm thường xuyên thì mới được chút đỉnh. Cá thường như Domino, các loại Thia, Mao Tiên, Kẽm Bông, Thù Lù, Nàng Đào... có khá nhiều và dễ lưới hơn, giá lại rẻ chỉ từ 1.000 đến 20.000 đồng/con nhưng ít được khách hàng ưa chuộng. Còn các loại cá hiếm, đẹp đang được giới chơi cá ưa chuộng như Hoàng Đế, Hoàng Gia, Hoàng Hậu... giá từ 150.000 đồng trở lên vừa ít, lại khó tìm.

Đang kể, bỗng Vũ ngừng chuyện, bảo tôi ngồi trên ghe đợi, rồi anh em Vũ nhanh chóng mặc đồ nhái, tháo ống hơi cột vào người, ngậm trên miệng và nhảy tùm xuống biển. Hai cái thân nhỏ xíu, mong manh nhảy xuống làm nước biển văng vào mặt tôi lạnh ngắt. Dụng cụ mà anh em Vũ mang theo khá sơ sài, ngoài bộ đồ nhái thì chẳng có gì “ngon” hơn; không có bộ đồ lặn chuyên nghiệp, trên người chỉ có 200 m ống dây nhựa được đưa vào miệng để truyền hơi từ chiếc máy nổ đang vận hành.

Một chuyến ra khơi săn cá cảnh biển vất vả nhưng trang thiết bị của các thợ lặn rất sơ sài

Lặn được 1-2 giờ, Vũ trồi lên, nhả ống hơi, khoe với tôi vài chú cá cảnh vừa lưới được. Toàn những thứ rẻ tiền, chỉ được một con Bông Thụt mà Vũ cho là hiếm, trị giá 15.000 đồng. Chốc chốc, thằng Phong, em Vũ, cũng trồi lên trút vài con mực, tôm, cá... khác xuống ghe, rồi khoe: “Dù săn cá cảnh nhưng thấy gì tụi em cũng bắt, được cá, mực thì bán cho mối lái ở chợ; còn sắt, thép, đồng thì bán cho cửa hàng phế liệu; sò, ốc bán riêng. Như thế mới sống khá được”. Cứ thế, khoảng 2 giờ một lần, anh em Vũ lại trồi lên, nghỉ mệt. Phong hút thuốc cho ấm bụng, còn Vũ không biết hút thuốc nên miệng tóp tép nhai kẹo. Rồi bữa trưa vội vàng từ những thứ có trên ghe được họ lùa nhanh vào miệng...

Đến 15 giờ, chúng tôi lên ghe quay vào bờ, kết thúc một ngày lặn. Nhìn mớ cá, mực, sò trên ghe, Vũ cười, nói: “Cũng được gần cả triệu bạc rồi. Chưa kể một ít cá cảnh nữa cũng hơn 1 triệu đấy”.

Ghe chúng tôi vừa tấp vào bờ, hơn chục bạn hàng đã ngồi sẵn ở đó. Họ chia từng nhóm, nhóm chuyên thu cá, mực ngồi một bên, nhóm chuyên phế liệu một bên và cá cảnh một bên. Cảnh buôn bán tấp nập diễn ra nhanh chóng. Mối lái vừa thu mua của các ghe xong, họ nhanh chóng sang tay cho các mối khác chuyên phân phối cá cảnh cho các cửa hàng ở TPHCM. Mỗi lần sang tay như vậy, các mối lái lời đến gấp 2 lần.

Công phu, mánh lới

Có một điều ít ai biết là công đoạn mang những chú cá cảnh lên bờ khó hơn cá thịt rất nhiều. Một thợ lặn có thâm niên hơn 15 năm săn cá cảnh biển cho biết để đánh được dòng họ Hoàng Đế, Hoàng Gia, Hoàng Hậu..., thợ lặn phải lặn sâu hơn, khoảng từ 20 m -

Những con cá cảnh biển Vũ và Phong bắt được sau một buổi lặn

30 m, nước rất lạnh và nguy hiểm hơn nhiều. Chưa kể, cá thường trốn trong hốc đá, hang sâu, đôi khi thợ lặn phải chui vào tận hang mới lưới được, nếu không được phải dùng tiểu xảo”. “Tiểu xảo”, theo một thợ lặn, là vì cá ở trong hang, thợ phải dùng thuốc mê cho vào ống xi lanh rồi bơm vào hang cá. Cá lừ đừ bơi ra thì dùng vợt vớt. Sau đó ngâm cá trong nước một thời gian để cá tỉnh. Giai đoạn tiếp theo là dùng kim tiêm nhẹ vào bong bóng cá cho xì bớt hơi, rồi từ từ mang cá lên bờ. Nếu mang gấp quá, cá bị sốc nước, lồi mắt xem như mất giá trị. Có khi lạnh và đuối sức nhưng thợ lặn phải cố nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cá. Việc này công phu còn hơn cả nghệ sĩ nấu bếp.

Riêng San Hô, Hải Quỳ, Đồi Mồi được liệt vào danh sách phải bảo tồn nên thợ lặn không dám rớ vào, nếu lên bờ, bị đội kiểm tra phát hiện thì phải đóng phạt, cá bị tịch thu. Tuy nhiên, khi gặp các loại quý như Hải Quỳ tím toàn thân, San Hô nhiều màu, các thợ cũng tranh thủ bắt và bí mật bán.

Đầu nậu lời, thợ lặn lỗ

Một đầu nậu thu mua cá cảnh biển tại đây khoe mỗi ngày anh đóng khoảng 300-400 con các loại vào TPHCM, chưa kể San Hô, Hải Quỳ tổng cộng hơn 400 con. Mùa biển êm, cá nhiều, có ngày anh xuất cả 700-800 con. Cứ mỗi lần như vậy, anh lãi không dưới 4 triệu đồng. Anh này còn bật mí: “Đấy là tôi lấy qua trung gian chứ nếu thu mua tại bãi còn lời cao gấp mấy lần”. Ở xóm Chụt, một con Hoàng Đế, Hoàng Gia tại bãi được mối lái mua với giá 330.000 đồng, nhưng qua một lần trung gian “đôn” lên đến 420.000 đồng, đến tay người mua với giá khoảng 500.000 - 600.000 đồng. Riêng những con quý hiếm như Đồi Mồi, mua tại bãi chài rất rẻ, chỉ khoảng vài trăm đến 1 triệu đồng (cỡ bàn tay) nhưng khi đưa vào TPHCM, giá bán ít nhất là 2,5 triệu đồng.

Chỉ một buổi thu mua tại bãi, một đầu nậu bỏ túi bạc triệu. Một thợ lặn có thâm niên trong nghề ngao ngán nói: “Biết là vậy nhưng chúng tôi không thể tìm đại lý để cung cấp hàng, đành còng lưng làm. Mỗi ngày kiếm được 200.000 đồng, chẳng thấm vào đâu mỗi khi chúng tôi đổ bệnh, nằm liệt giường hay mất mạng để lại vợ góa con côi. Nghĩ mà xót lòng”.

Bài và ảnh: Hải Phong

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang