• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Câu cá “tài tử”

Nguồn tin: TN, 26/07/2008
Ngày cập nhật: 28/7/2008

Nhiều bạn trẻ cũng khoái đi câu cá, nhưng “câu cho vui” mà mê đến mất ăn mất ngủ như nhiều bạn trẻ ở Cần Thơ thì thật đáng... phục!

Nghiệp câu

Từ ngày sắm được chiếc xe, "đường" câu của anh Sơn càng rộng thêm. Dịp lễ 30.4, anh đánh xe ra tận biển Hà Tiên câu cá hường. "Ba người câu, bốn người khiêng cá mới nổi". Dù vậy, anh vẫn khoái câu cá dồ hơn. "Hồi tôi mới đi câu, con sông phía sau trường ĐH Cần Thơ cá dồ rất nhiều. Có ngày, tôi câu được 9 con, mang cho khắp xóm vẫn còn dư mấy con xẻ khô. "Trận" câu đó khiến tôi sướng suốt mấy tháng liền!" - anh Sơn nói.

"Thế trận" câu trên nhà bè - Ảnh: Trường Phong

Tuy nhiên, anh Sơn cũng thừa nhận: "nghiệp câu sướng ít, khổ nhiều". Để có thể gia nhập vào "làng câu", trước hết phải có... tiền! Bình quân mỗi cây câu (gồm cần và máy quay) hàng Trung Quốc giá khoảng 400.000 đồng. Thường mỗi người phải sắm ít nhất 5 cây, tính sơ sơ tốn 2 triệu đồng. Cần câu "xịn" thì giá lên đến 3, 4 triệu đồng/cây, những người ít tiền phải "thắt lưng buộc bụng" nhiều tháng liền mới sắm nổi. Ngoài cây câu còn phải sắm nhiều thứ linh tinh khác như dây câu, lưỡi câu, vợt, rộng đựng cá. Những thứ này lâu lâu mới sắm một lần, còn mồi câu thì chuyến nào cũng phải mua. Mồi câu thường khó kiếm và đắt tiền. Chẳng hạn câu cá dồ thì mua con gián, con dế than làm mồi; Câu tôm thì mua trùn; câu cá bông lau thì phải mua sên biển với giá đến 350.000 đồng/kg.

Chi phí nhiều như thế nhưng dân đi câu luôn giữ nguyên tắc: tài tử (câu cho vui) và phi thu nhập (không bán cá, ăn không hết thì... cho). Bởi vậy, ngoài chi phí đi câu lại phải tốn thêm tiền điện thoại gọi bạn bè đến... lấy cá nữa. Một “dân câu” nói: "Nhiều bữa đi làm về oải cả người, định nghỉ câu một hôm cho khỏe. Vậy mà mới nằm một chút đã thấy... nhớ, đành phải vác câu đi. Câu tới 11 - 12 giờ đêm mới về, mình mẩy mắc mưa ướt như chuột lột...".

Đêm trắng trên sông

Thứ bảy. Khanh rủ tôi đi câu. Khanh là một luật sư trẻ, có văn phòng riêng ở TP Cần Thơ và một chi nhánh ở TP.HCM. Ngày thường, Khanh tất bật công việc nhưng đến thứ bảy là "stop" tất cả, vác đồ nghề đi câu cá. Chúng tôi chạy xe máy đến dạ cầu Trà Nóc, mướn ghe qua bên kia sông Hậu. Những ngày đầu tháng 5 trời cứ hay "cà giựt": đang nắng ngon lành bỗng dưng nổi gió, mây đen kéo đến ùn ùn. Đôi khi trời đang mưa, bỗng ngừng đột ngột, nắng lóa cả mắt. Mọi người bày đồ nghề la liệt ra sàn nhà bè, chuẩn bị "xung trận". Khanh nói: "Cá khoái sống dựa vào bè nuôi cá để ăn thức ăn thừa. Mình thả câu, thế nào cũng dính"!

Tôi được phát cho một cần câu nhỏ, lưỡi câu đã được móc nguyên con gián làm mồi. Ngồi cạnh tôi là một bạn trẻ tên Tiền, làm nghề giữ xe ở chợ Cái Khế. Những con gián làm mồi câu này Tiền phải nhờ người quen bên Vĩnh Long mua giùm - riêng tiền xe đã mất 100 ngàn đồng. Ngoài gián ra, còn có mồi dế than, trùn, tép nữa. Đang nói chuyện bỗng thấy ngọn câu liệt xuống nước. Tiền quay câu, lưỡi câu móc tòng teng con cá sát bằng ngón chân cái. Anh càu nhàu: "Con cá nhỏ xíu làm tốn mất 2 con dế"! Ai đó chen vào: "Cá sát mà đem nhúng vô lẩu mắm, ăn bể bụng không hay đó!".

Từng con cá một bị kéo lên, cho vào trong thau nước... Nhìn những con cá lượn lờ trong thau, bỗng dưng tôi có cảm giác như bánh xe thời gian đang quay ngược về phía tuổi thơ. Nơi đó, tôi cũng có những ngày câu đầy ắp kỷ niệm. Tiếng reo lớn phía góc trái nhà bè kéo tôi về thực tại. Một con cá cóc bằng bắp tay đang oằn mình giãy giụa, cố thoát khỏi lưỡi câu trên mép. Nhưng tất cả đã quá muộn. Tiền cột sợi dây vào cái kỳ lớn trên lưng cá rồi mang đi "vèo" trên sông để nó khỏi chết. Cột xong con cá cóc, ai đó lại mang vào con cá dồ đém bằng bắp chân, rồi một con tôm càng nữa.

Cứ thế, mọi người lặng lẽ thả mồi câu, ngồi chờ. Càng về khuya, không khí càng trở nên trầm lắng hơn. Gió từ sông Hậu thổi từng cơn như cắt da cắt thịt. Ai đó ước: "Phải chi giờ này có cái lẩu, nhúng cá sông vô nhậu chắc đã lắm!".

Chúng tôi ra về với một đống cá còn giãy đành đạch. Tôi được ưu tiên chia phần 3 con cá ngon nhất: một con cá cóc, một con dồ đém và con dồ thường, con nào cũng nặng trên 1 kg. Những cần thủ khác chỉ bắt mỗi người một con nhỏ như để làm minh chứng cho chuyến đi để câu hơn là để ăn. Khanh nói: "Bữa sau đi câu mình mang theo "đồ nghề" nấu ăn tại chỗ luôn, mới đã"!

Lên bờ, mọi người hối hả xách đồ nghề nhảy lên xe rồ máy, không kịp từ giã nhau. Nhìn cách "rút quân", có cảm giác như họ đã xa nhà lâu lắm rồi. Đây chính là lúc họ quay về với thực tại. Còn khi câu, họ như hòa tan vào trời mây, sông nước.

Trường Phong

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang