• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát kiến thú vị của một thương binh: Nuôi chim ngoài lồng

Nguồn tin: QĐND, 23/07/2008
Ngày cập nhật: 25/7/2008

Ngạn ngữ Việt Nam có câu “Cá chậu, chim lồng” nghĩa là nuôi cá trong chậu, nuôi chim trong lồng. Bác thương binh Trần Văn Vĩnh ở làng Ngọc Hà (Hà Nội) đã phá được quy luật tự nhiên ấy, ông có thể nuôi chim ở ngoài lồng.

Ông Vĩnh, 65 tuổi, là thương binh nặng hạng 4/4, từng tham gia chiến đấu tại Thừa Thiên - Huế trong mùa Xuân Mậu Thân 1968. Trải qua thời kì bao cấp khó khăn, ông đã nuôi ba người con ăn học trưởng thành. Men theo con đường nhỏ của làng hoa Ngọc Hà, chúng tôi đến nhà ông Vĩnh. Từ bên ngoài bước vào, trước mắt chúng tôi là khung cảnh quen thuộc ở bất cứ ngôi nhà nào: một chiếc bàn uống nước ở giữa, bên cạnh là chiếc đi-văng. Cửa sổ mở rộng, căn phòng thoáng đãng, ánh sáng chan hòa.

Ông Vĩnh và đàn chim “nhà”.

Ngồi xuống ghế, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên bởi khung cảnh được bày ra trước mắt. Trên những cành cây dựng trong phòng, các chú chim tự do bay nhảy từ cành này sang cành khác. Đây là đôi uyên ương trắng đang chuyền cành, kia là chú cu gáy đang lim dim. Đôi khi chúng còn cất cao tiếng hót. Bên góc dưới nhà là mô hình ngôi nhà sàn trong khung cảnh chiều hôm ở bản làng của người Vân Kiều, nơi ông Vĩnh gắn bó trong thời gian chiến đấu ở Thừa Thiên-Huế những năm 1967, 1968. Ngày đó ông bị thương gãy cả hai chân, những người dân Vân Kiều và bà con thành Huế thay nhau khiêng từ thành Huế ra vùng căn cứ. Nhớ tới ân nghĩa của người Vân Kiều cùng nhiều kỷ niệm ở nơi đây, ông dựng lại cảnh bản làng người Vân Kiều thân thiết…

Chúng tôi tò mò bước lại gần đàn chim, chúng chẳng có biểu hiện gì là sợ hãi, vẫn tự nhiên chuyền cành, ríu rít hót vang. “Tách”, “tách” ánh sáng phát ra từ chiếc máy ảnh của chúng tôi nhưng đàn chim vẫn đậu nguyên chỗ cũ, không hề tỏ ra sợ hãi.

Ý tưởng đầu tiên

Ông Vĩnh kể lại, những ngày mới về hưu ông thấy hụt hẫng. Ở nhà buồn, nhìn cảnh những chú chim bị nhốt trong lồng mất tự do, sống trong môi trường chật hẹp. Ông phân tích nuôi chim trong lồng, chim cảm thấy sợ sệt, đập cánh liên tục do đó mà hay bị sứt mỏ, giập cánh, chim yếu, nhanh chết. Ông nảy ra ý tưởng nuôi chim ở ngoài lồng để chúng được tự do mà vẫn gắn bó với con người.

Bắt tay vào một công việc mới, gặp khó khăn là lẽ thường tình. Ông mua chim ở chợ Bưởi về, nuôi thử nghiệm, nhiều lần chim đã bay mất. Không nản lòng, ông lại tiếp tục dày công nghiên cứu. Qua nhiều lần thất bại, ông rút được nhiều kinh nghiệm, bài học và ông đã thành công, nuôi nhiều loại chim: uyên ương, chích choè, sáo, vẹt… kể cả loại khó nuôi như chim gáy (Tên khác của chim gáy là bạc điểu-loài chim “bạc tình” khó ở với người). Chim gáy nhìn thấy người là vỗ cánh phành phạch; dù nuôi lâu năm nhưng hễ mở cửa lồng là bay đi mất. Theo kinh nghiệm của những người nuôi chim, loại này phải nuôi ở lồng chật và kín để dễ thuần dưỡng nhưng ông Vĩnh làm được cái việc không ai tưởng tượng được, nuôi chim gáy không cần lồng. Dưới bàn tay chăm sóc của ông Vĩnh, những chú gáy thật hiền lành, dễ gần vì thế có người đến thăm căn phòng chim tự do của ông đã trầm trồ: nên đổi tên bạc điểu thành loài chim trung hiếu, nghĩa điểu.

Các chú chim nuôi ngoài lồng thật khỏe mạnh, những ngày nhiệt độ chỉ từ 8-90C chúng vẫn tắm. Không chỉ sống khỏe mạnh, đôi uyên ương, hoàng yến còn đẻ trứng và đã ấp nở thành công.

“Ăn cháo còn sướng hơn vua”

Đó là câu nói quen thuộc mà các cụ trong làng Ngọc Hà dành cho ông Vĩnh. Vua chúa ngày xưa thích nuôi chim, chim được nuôi trong lồng son, lồng tía, chăm sóc cẩn thận. Song chúng sẵn sàng bay đi khi cửa lồng mở. Ông Vĩnh nuôi chim không cần bất cứ thứ lồng cao cấp nào mà đàn chim vẫn gắn bó với gia đình ông. Chúng là niềm vui của các bạn già và của các cháu thanh niên, thiếu nhi trong xóm. Có những chú chim đã bay đi một thời gian sau đó lại quay trở về. Nhờ sự quan tâm, săn sóc chu đáo của chủ nhân, những chú chim sống ngôi nhà này như là sống trong môi trường tự nhiên. Chúng rất vâng lời người chủ của mình. Cần sự yên tĩnh chỉ cần nhắc nhỏ “đừng hót nữa” và vẫy tay là chúng lập tức ngừng ngay. “Có mến nó, yêu thương nó thì nó mới gắn bó với mình” đó là lời tâm sự của người cựu chiến binh.

Đàn chim không chỉ là những người bạn thủy chung mà còn là bác sĩ riêng của ông nữa. Ông Vĩnh bày tỏ: “Trước lúc nuôi chim, tôi chỉ có 42 cân, bị bệnh trầm cảm. Nhờ “bác sĩ chim” chăm sóc, tôi tăng được 10 cân, khỏi bệnh, da dẻ hồng hào, phấn khởi, yêu đời”. Làm bạn với đàn chim, hằng ngày cho chúng ăn, quét dọn vệ sinh ông cảm thấy khoẻ hơn, đầu óc thư giãn, tinh thần sảng khoái.

Ông Vĩnh cho rằng: Nuôi chim trong lồng khó 10 phần, nuôi ngoài lồng khó 4 phần. Và ông khẳng định: “Đứa trẻ 8, 9 tuổi cũng có thể nuôi được”. Nhà nào hẹp thì nuôi ít, nhà nào rộng thì nuôi nhiều, có thể bố trí phía trên nuôi chim, dưới là bể cá nuôi những loại cá bình thường (cá chép, cá rô…). Phân chim là thức ăn của cá. Cảnh trí bao gồm cá dưới nước, chim trên cao trong căn phòng hoặc là tiền sảnh khách sạn, trong quán cà phê…

Ông tiết lộ nuôi chim ngoài lồng gồm có 7 công đoạn. Chọc thủng nhiều lỗ trên lồng chim là công đoạn đầu tiên, quan trọng nhất, chim thường có xu hướng rúc đầu lên do vậy đầu, mỏ hay bị toét nên phải mở đường cho nó ra. Chim không bị đau và ức chế, đó là tiền đề để chúng gắn bó với môi trường trong nhà.

Ông Vĩnh mong muốn tìm người thật sự hiểu biết, đam mê để chia sẻ cách nuôi chim này, sau đó phổ biến rộng rãi để ai cũng nuôi được.

THU TRANG

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang