• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hà Nôi: Sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu ở làng hoa Tây Tựu

Nguồn tin: QĐND, 21/07/2008
Ngày cập nhật: 21/7/2008

Làng Tây Tựu (huyện Từ Liêm, Hà Nội) xưa nay vẫn nổi tiếng với nghề trồng hoa. Ai đến Tây Tựu bây giờ cũng đều được ngắm những cánh đồng hoa tươi tốt, ngút ngát với rất nhiều loại hoa: hồng, cúc, huệ, đồng tiền… chen nhau đua sắc. Nhưng không mấy người biết được, để có những nhành hoa rực rỡ phục vụ người tiêu dùng thì người dân nơi đây đã phải nhọc nhằn hai sương một nắng. Không những thế, nhiều người đã phiêu lưu chấp nhận đánh đổi cả sức khỏe của chính bản thân mình.

Đến Tây Tựu, được ngắm hoa nhưng cũng ai phải chấp nhận hít thở một bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí trong vùng lại bắt đầu từ những người trồng hoa. Cứ vào mỗi buổi chiều (khoảng 4 – 5 giờ) cả một vùng rộng lớn được bao phủ bởi một màn sương mờ ảo do thuốc bảo vệ thực vật. Không khí trên cánh đồng hoa như đặc lại, mùi nồng nặc của thuốc bảo vệ thực vật phát tán khắp nơi. Người dân nơi đây đã rất quen thuộc với hình ảnh này trên những cánh đồng hoa nên họ có vẻ vẫn rất “vô tư” làm việc. Ông Nguyễn Quang Thành, nhà ở xóm 3, Tây Tựu một nông dân đã gắn bó với nghề trồng hoa cả mấy chục năm nay tâm sự với chúng tôi ngay bên thửa ruộng còn nồng nặc mùi thuốc trừ sâu: “Nghề trồng hoa vất vả hơn nghề trồng lúa, trồng rau nhiều lắm. Chị có biết mỗi tuần chúng tôi phải phun thuốc diệt sâu bao nhiêu lần không? Ít nhất là 2 lần một tuần, còn nhiều thì 4 lần. Ngoài ra còn phải phun các hoá chất khác như sun-fát đồng để hãm hoa và trừ sâu đục cánh hoa. Nói chung là các loại thuốc phun trên luống hoa đều rất độc hại. Làm người trông hoa, chúng tôi đều biết việc ấy, nhưng không có cách nào khác. Chúng tôi cũng nghe nói bây giờ ở nước ta có một số nơi đang áp dụng cách phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng bằng phương pháp sinh học. Nhưng là chỉ nghe nói thế thôi chứ trong số chúng tôi đã ai được “thực mục sở thị” đâu…”.

Người dân phun thuốc sâu vườn hoa hồng, không có áo bảo hộ

Anh Đặng Thành Chung, sinh viên lớp XM2, trường Đại học Công nghiệp cho biết: “Mỗi khi đi qua hơn một cây số cánh đồng hoa ở Tây Tựu, tôi đều cảm thấy nhức đầu vì mùi thuốc trừ sâu quá đậm đặc. Ở nhiều thửa ruộng người ta như đang “đua nhau” phun thuốc trừ sâu. Khi đi qua Tây Tựu chưa bao giờ tôi ngửi thấy mùi thơm của hoa chỉ thấy nồng nồng mùi thuốc trừ sâu”.

Khổ nhất là các cụ già mắc bệnh mãn tính, dị ứng với thuốc bảo vệ thực vật đang sinh sống cạnh các ruộng hoa. Tâm sự với chúng tôi, cụ Lê Văn Phà ở xóm 5 có vẻ bức xúc: “Tôi bị viêm mũi dị ứng, nên mỗi lần ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu là lại hắt hơi, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Cứ đến buổi chiều, khi các anh, các chị ấy phun thuốc cho hoa là tôi lại phải “sơ tán” khỏi nhà. Tôi có một ước ao đó là làm thế nào để bà con đỡ phải phun thuốc hằng tuần mà hoa vẫn đẹp, vẫn tươi...”. Ước mơ của cụ có lẽ chỉ các nhà khoa học nông nghiệp may ra mới giải quyết được.

Đi dọc các thửa ruộng trồng hoa, chúng tôi thấy cả đống các loại vỏ hộp thuốc trừ sâu vứt vung vãi khắp nơi. Trên bờ ruộng, dưới mương nước, trong bụi cỏ đều xuất hiện vở hộp thuốc trừ sâu. Nhiều vỏ hộp không hề có nhãn mác, hoặc là thuộc danh mục bị cơ quan chức năng cấm sử dụng do mức độ độc hại quá cao và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh. Ngay cạnh ruộng hoa nhà ông Nguyễn Quang Thành chúng tôi cũng thấy hàng chục vỏ hộp thuốc trừ sâu vứt lăn lóc. Khi được hỏi tại sao không thu gom để tiêu hủy, ông Thành vô tư trả lời: “Mấy tháng đầu tôi cũng đã tiến hành gom vỏ hộp thuốc, nhưng sau thấy các nhà khác vẫn vứt vỏ hộp bừa bãi nên tôi...Vả lại tôi cũng chả thấy ai bị chính quyền nhắc nhở hay xử phạt gì...” Có lẽ từ thói quen “tự do chủ nghĩa”, từ sự thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương nên đồng ruộng vốn đã ô nhiễm nay lại càng thêm ô nhiễm.

Những hiểm họa khôn lường

Trên thửa ruộng trồng hoa hồng, cạnh thửa ruộng của ông Thành, chúng tôi thấy người đàn ông dáng gầy gò đeo trên lưng chiếc bình phun thuốc trừ sâu lớn hơn cả thân mình. Chiếc máy có động cơ đang chạy rè rè và từ vòi phun một luồng sương trắng đục cứ thế tuôn ra khắp luống hoa. Chúng tôi quan sát và thấy người đàn ông này không mang bất cứ một phương tiện bảo hộ nào ngoài một chiếc khẩu trang nhỏ. Chờ cho anh trở lại đầu luống hoa, chúng tôi bắt chuyện: “Phun thuốc trừ sâu thế này mà anh không mặc quần áo bảo hộ à?” Người nông dân nhìn tôi với ánh mắt đầy ngạc nhiên rồi cười khùng khục: “Cô này nói lạ, từ bé đến giờ tôi chưa nhìn thấy bộ bảo hộ lao động nào chứ nói gì đến mặc. Nhà tôi ba đời trồng hoa, chả ai phải “mặc bảo hộ” như cô nói bao giờ”. Qua câu chuyện tôi được biết anh tên là Lê Quang Trình, hàng xóm nhà ông Thành. Chưa hết câu chuyện, anh Trình đã lại vội vàng “quay vòng” sang luống hoa khác. Nhìn dáng người nhỏ bé của anh như chìm vào trong màn sương thuốc trừ sâu, chúng tôi chỉ biết lắc đầu. Qua câu chuyện chớp nhoáng với ông Thành và anh Trình chúng tôi biết được, đã từ rất lâu người dân Tây Tựu quá quen với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và coi đó như...chuyện thường ngày. Trong các loại hoa thì hoa hồng phải phun nhiều và thường xuyên nhất, theo như anh Trình thì “Mỗi lần phun phải pha trộn tổng hợp ít nhất phải 4-5 loại thuốc. Có thế nồng độ của nó mới cao, mới diệt được sâu và cũng vì thế nó càng trở nên độc hại”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết trong việc trồng hoa phải dành tới 55% chi phí để mua thuốc bảo vệ thực vật. Thông thường, mỗi sào hoa (360m2) người dân Tây Tựu phải chi phí khoảng 500 đến 600 nghìn đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật/vụ. Khối lượng thuốc bảo vệ thực vật ấy sẽ có một phần không nhỏ ngấm vào đất làm ô nhiễm môi trường và có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm trong khu vực. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Tựu cho biết: “Cách đây một thời gian, có một đánh giá cho rằng, riêng lượng thuốc trừ sâu xã Tây Tựu sử dụng xấp xỉ bằng lượng sử dụng của cả tỉnh Ninh Bình. Chúng tôi cũng đã nhận thấy tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan như vậy là đáng báo động, nhưng thực ra giải quyết vấn đề này khó lắm. Xã cũng đã nhắc nhở bà con qua hệ thống loa truyền thanh, nhưng “lời nói gió bay”, vả lại không dùng thuốc trừ sâu thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất nên bà con mặc dù biết là nó độc hại không còn cách nào khác...”.

Cho tới nay chưa có một đánh giá cụ thể nào về ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đối với sức khỏe của người trồng hoa. Tuy nhiên người trồng hoa ở Tây Tựu khi phải tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc trừ sâu độc hại sẽ mang nhiều hiểm họa đe dọa đến sức khỏe con người: bệnh tật treo lơ lửng trên đầu người trồng hoa nhất là khả năng ung thư sẽ cao hơn.

Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng: Do đặc thù của việc sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng hoa nói riêng bắt buộc người nông dân phải tiếp xúc với các loại hóa chất bảo vệ thực vật. Nhưng làm thế nào để người nông dân được giảm bớt ảnh hưởng độc hại của các loại thuốc trừ sâu mà vẫn bảo đảm được năng suất cây trồng là việc mà các cơ quan chức năng cần phải bàn đến. Trước mắt, chính quyền địa phương cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực hướng dẫn người dân về cách sử dụng thuốc trừ sâu một cách khoa học bảo đảm an toàn và hiệu quả.

Đỗ Quyên

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang