• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi cá Bảy màu để phòng chống Sốt xuất huyết

Nguồn tin: TG, 7/9/2006
Ngày cập nhật: 8/9/2006

Tại 19 tỉnh, thành phía Nam, dịch sốt xuất huyết (SXH) xảy ra hàng năm, thường chiếm 60-70% số mắc của cả nước. Tuy nhiên, tần suất mắc bệnh khác nhau ở các tỉnh: Các tỉnh miền Đông SXH thường ít xảy ra; trong khi ở các tỉnh miền Tây dịch lưu hành nặng và liên tục. Từ sự khác biệt về dịch tễ, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc hội thảo tìm biện pháp diệt lăng quăng thích hợp, dễ áp dụng và đạt hiệu quả cao, trong đó sử dụng tác nhân sinh học nuôi cá 7 màu diệt lăng quăng, được xem là phương pháp hữu hiệu nhất. Một số địa phương đã làm tốt phương pháp này, trong đó có huyện Gò Công Tây

Đây là là phương pháp dùng các sinh vật làm hại lẫn nhau hoặc có khả năng gây bệnh cho sinh vật khác. Những sinh vật này có thể là côn trùng, virut, vi khuẩn, sinh vật đơn bào, nấm, giun và cá. Ở Việt Nam, năm 1988, Viện sốt rét Hà Nội, Phân viện sốt rét TP. Hồ Chí Minh kết hợp với các chuyên gia nước ngoài đã tiến hành nhiều thử nghiệm dùng vi khuẩn Bti (Bacillus thuringinensis israelensis) để diệt lăng quăng tại các loại thủy vực (ao, ruộng lúa) ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh cho kết quả tốt nhưng hiệu lực chỉ kéo dài 7-10 ngày do các hạt Bti chìm xuống đáy ao, làm mất tác dụng.

Thả cá ăn lăng quăng là phương pháp được nghiên cứu và phổ biến rộng rãi. Cá ăn lăng quăng phải đạt một số tiêu chuẩn: Có kích thước cỡ 5cm trở xuống; dễ nuôi và sinh sản nhanh; là loài phổ biến, dễ cung cấp, giá rẻ; không hoặc ít làm ảnh hưởng đến môi trường nước. Cá 7 màu đáp ứng các tiêu chuẩn trên và được áp dụng rộng rãi tại thực địa. Loài cá này có khả năng diệt lăng quăng rất cao, đã được thử nghiệm. Đây là loài cá rất phổ biến ở các tỉnh phía Nam, có thể gặp chúng ở mọi nơi, trong nhiều loại thủy vực (ao, hồ, kênh rạch, ruộng lúa…) Theo BS Trần Khánh Tiên, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, thành phần hóa học của nước nuôi cá 7 màu so với nước máy không có sự sai biệt lớn; tuy độ hữu cơ có tăng nhưng nước không bị tanh, không có mùi khó chịu, còn nằm trong hạn sử dụng được. Qua kết quả thử nghiệm ngoài thực địa tại nhiều nơi, các chỉ số muỗi và lăng quăng đều giảm nhanh sau khi đồng loạt thả cá vào các vật chứa. Đặc biệt, các chỉ số lăng quăng đều giảm 100% sau 3 tuần lễ. Sau 2 năm thực hiện dự án, kết quả số bệnh nhân mắc SXH giảm rõ rệt ở 2 xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An (năm 2004: 14 cas; năm 2005 không có cas SXH nào); xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang (năm 2004: 24 cas; năm 2005 chỉ có 10 cas SXH). Tại xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang đã có cách làm hay trong cách nuôi cá 7 màu trong toàn xã, được các tổ chức y tế của Đài Loan, Trung tâm Y tế Dự phòng các tỉnh phía Nam đến khảo sát và rút kinh nghiệm. Xã này nhiều năm liền chỉ xuất hiện rải rác vài cas SXH. Từ việc thiết lập điểm nhân nuôi cá gốc của Trạm y tế xã đã nhân ra tất cả các Tổ y tế ấp. Mỗi điểm đều có hồ xi măng để thả nuôi. Hưởng ứng phong trào này có ông Đoàn Văn Khuyên, ở ấp Bình Tây, xã Thanh Nhựt. Ông nhân nuôi cá gốc phân phối cho người dân trong ấp và bán rẻ cho các địa phương lân cận. Ông còn duy trì nguồn cá giống, hỗ trợ kỹ thuật nhân nuôi cá; hỗ trợ cá cho những nơi bị thiếu, đặc biệt là khi xử lý ổ dịch nhỏ, trong chiến dịch diệt lăng quăng. Anh Lý Kim Bình, nguyên Trưởng Trạm y tế xã Thạnh Nhựt, người đã đi tiên phong trong “chiến dịch” này cho biết, việc cần thiết phải thiết lập điểm phân phối cá ở các Tổ y tế ấp; nhà cộng tác viên; những nhà người tình nguyện trong ấp. Từ đây, thực hiện nhân nuôi nguồn cá do Trạm y tế cấp; tự tìm trong ao, hồ tự nhiên… cho 1 khu vực 70-100 hộ gia đình sử dụng. Các cơ sở y tế có nhiệm vụ giáo dục sức khỏe cho người dân trước; thuyết phục cộng đồng chấp nhận thả cá vào lu nước uống thông qua các đợt vãng gia, họp tổ. Sau đó phân phối cá đến nhà dân bằng cách trực tiếp đem cá đến tận nhà thả hoặc giới thiệu, mời hộ gia đình đến điểm phân phối nhận cá về; các đợt đưa con, em đến tiêm chủng; phát cá miễn phí cho học sinh và vận động các em thả cá vào các vật chứa nước trong nhà định kỳ hàng tháng hoặc trong các dịp chiến dịch diệt lăng quăng do ngành y tế phát động… Các tổ y tế ấp có nhiệm vụ phóng thả cá trong chiến dịch diệt lăng quăng trong toàn ấp; xử lý ổ dịch nhỏ bằng cách thả cá vào toàn bộ vật chứa nước trong phạm vi 200m quanh nhà bệnh nhân. Phải kiểm tra định kỳ, bổ sung cá mất trong phạm vi phụ trách (50-100 hộ). Các mô hình phân phối cá tại cộng đồng thông qua mạng lưới cộng tác viên, nhà trường sau một thời gian đã có sự thay đổi hành vi: Dân tự tìm cá (bắt, mua) hoặc đến điểm phân phối cá xin khi phát hiện lu hồ của gia đình không có cá.

Từ những thử nghiệm và thực địa ở các địa phương trong thời gian qua, BS Trần Khánh Tiên, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đi đến nhận xét: Dùng cá 7 màu để diệt lăng quăng Aedes aegypti cho kết quả rất cao. Nếu được tổ chức tốt, giám sát và bổ sung cá hàng tuần, sau 3 tuần lễ, các chỉ số lăng quăng giảm 100% và kéo dài liên tục. Để đảm bảo hiệu quả của biện pháp thả cá diệt lăng quăng, công tác tổ chức cần được chuẩn bị và triển khai thật tốt. Thực tế cho thấy khi giám sát hàng tuần, lượng cá mất từ 15-20% do rửa lu, vại hoặc nước mưa làm tràn vật chứa. Nếu không phát hiện và bổ sung kịp thời, tỷ lệ cá còn sẽ rất thấp, kém hiệu quả để diệt lăng quăng. Cần vận động, tuyên truyền người dân tự giác tham gia thành phong trào thả cá ăn lăng quăng và giám sát thường xuyên, coi đó là trách nhiệm của mọi người đối với việc bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng.

Báo Ấp Bắc

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang