• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cần ngăn chặn nạn “săn cây cảnh” tại Hà Tĩnh

Nguồn tin: Nhân Dân, 06/03/2008
Ngày cập nhật: 7/3/2008

Tại các huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh, chiến dịch “săn lùng cây cảnh” đang diễn ra cực kỳ ráo riết. Đã có nhiều khu rừng tự nhiên bị những lâm tặc kiểu mới này triệt hạ. Thực trạng này đòi hỏi lực lượng kiểm lâm cũng như chính quyền Hà Tĩnh phải có biện pháp ngăn chặn tích cực.

Mốt tầm cây đại thụ trong giới dân chơi cây cảnh ở các thành phố lớn ngày một phát triển đã khiến một số người dân các vùng thượng quê tôi đã chuyển sang nghề “săn cây cảnh” quý trong rừng mang về bán. Hàng trăm, hàng nghìn cây đại thụ bị đào phá không thương tiếc ùn ùn kéo về vườn. Cùng thú chơi độc bình gỗ, “săn cây cảnh” giữa đại ngàn lại thêm mối lo cho rừng...

Vào rừng "săn cây"!

Một phần vì tò mò, phần cũng muốn chứng kiến cái thực tế trong rừng, tôi thổ lộ ý mua cây cảnh nhưng với điều kiện trực tiếp đi tìm cây cho vừa ý, N.V.L, một thợ săn cây cảnh lâu năm ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đồng ý ngay, bởi họ sắp có chuyến vào rừng.

Nhóm thợ săn cây - lâm tặc mới gồm 15 người “cơm đùm, cơm nắm” lang thang trong rừng sâu. Khổ nhất là đêm, lạnh cắt da, hôm nào trời nhiều mây thì ngán nhất vẫn là lũ vắt.

Nhóm thợ săn cây phải đốt một đống lửa to để chống thú dữ và chống rét, thỉnh thoảng, một người trong nhóm lại luồn tay vào lớp áo quần bắt ra một con vắt xanh căng tròn, ném vào lửa, kèm theo tiếng nổ bem bép đầy máu.

Với cái giọng của người đầy kinh nghiệm đi săn cây cảnh trong rừng, L. kể với chúng tôi: “Trong rừng có đủ các loại cây từ Sanh, Si, Sơn trắng…đến Lộc Vừng, Sộp... tất cả đều bị thợ săn cây cảnh đua nhau bứng về. Những cây có đủ tiêu chuẩn về kích thước, thế, dáng đều được các thợ săn cây cảnh tập trung đào gọn cả gốc lẫn rễ vận chuyển về xuôi đem bán.

Đặc biệt những cây tuổi thọ càng cao có giá trị đồng tiền kiếm được càng lớn. Trước thì dễ nhưng giờ đây muốn kiếm cây trăm tuổi khó lắm, mất cả tuần trong rừng xanh, may mắn lắm mới săn được một cây…

Cây cổ thụ được vận chuyển ngang nhiên giữa ban ngày. Đến ngày thứ ba, may mắn đã đến, chúng tôi tìm được một cây. Thấy ông trưởng nhóm gật gù, tôi cũng gật… mặc dù không biết cây gì, nhìn kích thước thì ước đoán cũng không dưới 100 năm nhưng tôi không dám hỏi. Tìm được cây ưng ý rồi,cả nhóm dừng lại căng bạt nghỉ ngơi để bắt đầu dốc sức đào. Đầy đủ cuốc, móc, xà beng, cưa... L hướng dẫn, khi đào phải mở miệng hố thật rộng như miệng giếng làng để lấy được nhiều rễ, cắt được phần rễ nào lại phải lấy vải ướt bọc ngay để chúng khỏi mất nước.

Thắng, một thanh niên lực lưỡng trong nhóm còn kể với tôi: “Cây này nằm ở vị trí dễ đào, chứ hôm áp tết vừa rồi, tụi em buộc phải dùng cưa xăng để phát quang diện tích cả 100 m2 rừng cây đường kính 50-60 cm để đào một cây cảnh nằm lọt thỏm trong đó”.

Cả nhóm chăm chút, tỉa, moi, vật lộn hai ngày trời mới đào được cây lên. Để cõng cây cảnh ra đến cửa rừng, cả nhóm lâm tặc này làm không biết bao nhiêu cây rừng khác bị chết oan bởi họ phải cưa, chặt để mở đường tắt tránh kiểm lâm.Khi chuyển cây cảnh lên xe, họ dùng một bao tải cỡ lớn có sẵn đất trộn với tro trấu buộc lại "trị vết thương" rồi mới tìm cách vận chuyển về…

Cũng tại cửa rừng ở xã Kỳ Lâm (Kỳ Anh) này, mấy chục gốc cây lớn, nhựa cây tuôn chảy ròng ròng đang được một nhóm thợ săn lực lưỡng khác khuân vác lên xe tải chở về xuôi. “Sau khi tập kết tại một vài địa điểm, số cây này chủ yếu được vận chuyển bằng xe tải lớn ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ”. L. giải thích.

Không chú ý lời của L nói vì tôi đang mải tính, để đưa mấy chục cây cảnh từ giữa đại ngàn ra khỏi cửa rừng, các nhóm lâm tặc này đã phá ít nhất hơn chục ha rừng. Tôi không dám nhẩm tính thêm nữa vì thấy “máu rừng” vẫn tiếp tục đổ!

Theo những tay săn cây cảnh lão luyện thì “tìm được một cây có giá trị không phải là chuyện dễ. Họ phải bỏ ra nhiều công sức, tiền của, ngày công đi lùng. Khi tìm được trong rừng để mang về đều phải xác định là 5 ăn - 5 thua. Nếu như sau khi mang về cây sống được thì ít nhất mỗi cây cũng lãi vài triệu đồng, cá biệt có cây lãi đến dăm, bảy chục triệu đồng, còn nếu không biết chăm sóc đúng cách để cây chết coi như trắng tay”.

N.V.L, cho biết: "Mỗi chuyến vào rừng săn cây cảnh cũng kiếm được vài triệu đến vài chục triệu đồng. Nếu cây nào chưa bán được thì ươm tại vườn chờ thời. Đây là nghề "mốt" nhất hiện nay ở Hà Tĩnh đấy".

Tại vườn nhà L cũng có đến mấy chục gốc đang chờ ngã giá. Nhưng nếu bị kiểm lâm phát hiện thì công sức, tiền của bỏ ra coi như toi. Để tránh bị “quân xanh” kiểm tra, một số đầu nậu đã phát quang rừng, tạo ra những con đường mòn. Và để đưa được cây cảnh về xuôi theo lời L, họ đã phải “làm luật”. Nhưng tiền luật bao nhiêu thì L lại không trả lời.

Thôn Hải Hà, xã Kỳ Lâm (Kỳ Anh), nơi được giới sành cây cảnh đánh giá là có các loại cây đủ tiêu chuẩn và số lượng nhiều nhất. Thậm chí ở đây được xem là làng cây cảnh. Điều trớ trêu đây lại là điểm tập kết, luân chuyển cây các loại được khai thác từ rừng về xuôi và cách không xa một trạm kiểm lâm nhưng chẳng mấy ai quan tâm.

Dân làng chủ yếu sống nhờ vào việc lùng cây đem về bán. Mỗi nhà đều cố gắng tạo cho mình một vườn ươm. Rộng thì cả ha, còn hẹp cũng 5-7 trăm m2 với hàng trăm gốc cây cảnh đang nằm chờ thời cơ thích hợp là “xuất". Không chỉ Kỳ Anh mà tại huyện Hương Khê, Hương Sơn số lượng làng cây cảnh theo kiểu như vậy cũng không ít.

Những chuyên gia “cây cảnh” lậu

Một khu vườn ven QL 12A chúng tôi thấy vô số cây cảnh các loại đã được cắt tỉa cẩn thận cho vào những chậu cảnh chờ chuyển đi. Có đủ loại, từ lộc vừng, me, cho đến dầu, cóc, rồi hoa sữa, sương muối, si… cây nào cũng sù sì, cằn cỗi, trông rất đẹp mắt. Tất nhiên giá cũng không phải vừa.

Hải, một tay chơi cây khá trẻ nhưng được giới sành cây cảnh đánh giá cao, cho biết: “Các cây ở đây không cây nào giá dưới 10 triệu đồng, để có những cây như trên phải lặn lội nhiều vùng rừng giáp ranh với huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) hay sang vùng giáp Lào mới có. Si, Lộc vừng…là những loại cây được ưa chuộng nhất”.

Sau khi đem cây về điểm tập kết, các thợ cây bắt đầu cắt tỉa chăm sóc tỉ mỉ rồi mới cho vào chậu. Khi cây cảnh bắt đầu đâm lộc non, mới có thể thở phào nhẹ nhõm vì cây sống. "Đây là vườn cây vừa mới bán cho một khách hàng ở tận Hà Nội toàn cây lộc vừng cả giá là 160 triệu đồng trong khi đó vốn bỏ ra chỉ 60 triệu đồng”, Hải khoe.

Khi hỏi cách vận chuyển cây về xuôi để liên ngành không bắt? Hắn cười rồi nói: “Chuyện đó tui lo được. Nếu anh mua cây thì phải trả thêm tiền, muốn chở bao nhiêu thì chở”. Mỗi vụ làm ăn trót lọt đã có trong tay hàng chục triệu đồng. Vì vậy chỉ mấy năm bán cây cảnh “lậu” Hải đã trở thành một triệu phú.

Tuy nhiên, Hải chưa là “đại gia” trong “nghề” này mà chỉ là một trong nhiều thợ săn cây bình thường ở huyện Kỳ Anh. Khi nhắc đến cái tên Tuấn L, thôn Bắc Hà, xã Kỳ Lâm, ở miền sơn cước này không ai không biết Tuấn L là một "ông vua cây cảnh" thực sự. Ngôi nhà khang trang toàn gỗ quý, ô tô, tiện nghi đầy đủ. Tất cả đều nhờ cây cảnh.

Trong mảnh vườn rộng gần 2 ha có đủ loại cây cảnh to nhỏ khác nhau, Tuấn L chỉ cho tôi một cây lộc vừng có kích cỡ hai người ôm mới xuể với giàn rễ phụ chằng chịt rồi cho biết: “Cây này về khoảng một tuần, có người trả giá 36 triệu nhưng không bán.”.

Theo Tuấn L, để có được cây này và đem về tận đây, chỉ tính riêng tiền mướn xe cẩu đã tốn hết 8 triệu, và còn phải mất đứt một tuần với năm thanh niên lực lưỡng mới mang cả tận gốc về đây được. Nói chung những cây quí mà khu rừng này có thì vườn nhà Tuấn L cũng có.

Theo kinh nghiệm đi rừng, muốn có cây cảnh đẹp thì phải vào sâu trong vùng núi Khe Mưng, hay lên vùng núi Tuyên Hoá - Quảng Bình, thậm chí còn sang tận cả rừng của Lào. Hàng của Tuấn.L phần lớn là cây Sương Muối, Hoa sữa, cây có tuổi thọ cả trăm tuổi, dáng rất đẹp và giá cũng rất cao.

Và ở cái miền quê nghèo truyền kiếp ấy bây giờ những tỷ phủ kiểu như Tuấn L không còn hiếm. Những cái tên như Lộc si, Lam sơn trắng…đã trở thành những “thương hiệu” nổi tiếng.

Cần ngăn chặn tích cực

Không chỉ ở huyện Kỳ Anh mà ở các huyện miền núi khác của tỉnh Hà Tĩnh, chiến dịch “săn lùng cây cảnh“ đang diễn ra cực kỳ ráo riết. Với “lộc trời cho”, nhiều người đã không bỏ qua cơ hội vào rừng săn.

Tuy nhiên “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, chẳng mấy chốc nhiều khu rừng tự nhiên bị những lâm tặc kiểu mới này triệt hạ. Nhìn vào những dãy núi trơ trụi hẳn chúng ta sẽ lý giải được nguyên nhân chính vì sao thời gian gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, Quảng Bình lại liên tiếp xảy ra những trận lụt khủng khiếp.

Đã đến lúc lực lượng bảo vệ rừng, đặc biệt ngành kiểm lâm Hà Tĩnh cũng như chính quyền địa phương phải ra tay, có biện pháp tích cực hơn nhằm ngăn chặn, không cho khai thác các loại cây rừng quý, hiếm một cách ồ ạt như hiện nay.

Thành Châu - Hoài Nam

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang