• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khi nhà nhà nuôi chuột kiểng, thú kiểng:Điều gì sẽ xảy ra?

Nguồn tin: SGGP, 15/02/2008
Ngày cập nhật: 26/2/2008

Dư luận bạn đọc đang quan tâm đến hiện tượng mua bán và nuôi chuột kiểng - Hamster tràn lan ở TPHCM và các đô thị lớn. Ai quản lý và kiểm soát tình trạng nhập khẩu, kiểm dịch loại thú kiểng này?

Thú chơi cao cấp…

Loài thỏ kiểng cũng được bạn trẻ yêu thích. Ảnh: K.H.

Mấy tháng gần đây, tuổi teen-học sinh, thanh niên ở TPHCM và Hà Nội đều lên cơn sốt tìm nuôi loại chuột kiểng Hamster (Ham). Không ít các blog của học sinh phổ thông trung học đều nóng lên bởi chuyện mua và nuôi chuột Ham như thế nào.

Đến một số cửa hàng bán chuột Ham ở TPHCM, dễ thấy nhiều cô cậu tuổi từ 9-10 đến những thanh niên trên dưới 20 tuổi thuộc các gia đình khá giả dám bỏ ra vài trăm ngàn đến cả triệu đồng để sở hữu 1 cặp đến vài cặp Ham với các tên gọi khác nhau như panda, winter white, Isabel, ro bo, bear…

Thậm chí, có phụ huynh chìu con sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng mua những con chuột kiểng có tên gọi roborouski với giá trên dưới 1 triệu đồng/con. Theo Công ty Nhà Vật Yêu, ban đầu họ nhập khẩu giống chuột kiểng này từ nước ngoài, sau đó tự nhân giống và bây giờ có cả một trang trại có khả năng phân phối cho đại lý cùng một lúc hàng trăm con.

Sau khi mở rộng đại lý phân phối chuột kiểng này ra Hà Nội, đầu tháng 3-2008, công ty tiếp tục đưa những chú Ham “di cư” ra TP Đà Nẵng. Vào năm con chuột thấy kinh doanh Ham có ăn, nhiều công ty ở TPHCM tăng tốc nhập khẩu loại chuột kiểng về bán.

Ngoài nguồn nhập ban đầu là Thái Lan, Hồng Công, Singapore, hiện nhiều chủ kinh doanh nhập chuột trái phép từ Trung Quốc về với giá rẻ – vài chục ngàn đồng/con. Không chỉ có chuột, nhiều công ty còn nhập khẩu loại thỏ kiểng, bọ kiểng (giống chuột lang) về bán với giá bình quân 600.000-800.000 đồng/con.

Tuy nhiên, sáng 25-2, sau khi một số báo thông tin về việc chưa cho phép nhập khẩu, kinh doanh loại chuột này, thị trường mua bán Ham có vẻ lắng xuống và bớt công khai hơn. Bước vào cửa hàng bán thú kiểng ngay ngã tư Xô Viết Nghệ Tĩnh-Ung Văn Khiêm phường 25 quận Bình Thạnh, chúng tôi chỉ thấy bày bán nhiều loại bọ (còn gọi là chuột lang) và chuột bạch.

Thử dò hỏi mua chuột Ham, người bán lắc đầu và thật thà đáp: “Trước đây tui có mua về bán thử, 50.000 đồng/con. Nhưng vì loài chuột này hung dữ, cắn phá và cắn người dữ lắm nên không lấy về bán. Hơn nữa tôi cũng sợ lỡ bọn chuột kiểng này lây truyền bệnh thì khổ…”.

Một phụ nữ ở cư xá Thanh Đa phường 27 quận Bình Thạnh kể rằng hôm trước tết chị có mua một cặp chuột kiểng cho con chơi. Sau đó một con chuột bị sổng chuồng. Nó bò vào góc tủ và cắn đứt cả dây điện, dây loa âm thanh…

Vòng qua chợ thú kiểng ở đường Lê Hồng Phong quận 10, cũng chỉ thấy bày bán loại bọ, chuột bạch là chủ yếu. Giới kinh doanh lo sợ ngành thú y TP đi kiểm tra đột xuất. Tuy vậy, trên internet vẫn còn đầy các trang web quảng cáo, chào bán chuột Hamster mập đẹp, 7 tuần tuổi. Mua một con chuột được tặng thêm bịch thức ăn… Khách hàng muốn mua là có ngay.

Hiểm họa?

Mặc dù báo chí đã phản ánh hiện tượng kinh doanh - mua bán tràn lan các loài thú kiểng, nhất là chuột Ham ở các TP lớn nhưng đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào có ý kiến về việc có được phép kinh doanh, nuôi tại gia các loài thú nhỏ này hay không?

Ngoài lo ngại về dịch bệnh, nhiều người lo xa là đến khi bọn trẻ hết ham muốn chơi Ham thì thả nó đi đâu. Đến lúc đó xử lý chuyện nuôi chuột ở các đô thị như thế nào?

Tại một điểm bán Ham trên đường Võ Văn Tần quận 3 TPHCM, khi được hỏi có giấy phép kinh doanh chuột kiểng hay không, chị Thủy chủ Happy Shop cho biết cửa hàng có giấy phép kinh doanh do UBND quận 3 cấp và có giấy kiểm dịch của Thái Lan. Tuy nhiên, trả lời vấn đề này, ông Đông Mạnh Hòa, Giám đốc Trung tâm Thú y vùng 6 khẳng định rằng dù được cấp giấy phép kinh doanh loại chuột kiểng nhưng chủ kinh doanh bắt buộc phải đăng ký kiểm dịch với cơ quan chức năng-đó là Cục Thú y.

Nếu chưa có giấy kiểm dịch mà tiến hành kinh doanh, mua bán loại chuột này là bất hợp pháp. Cũng theo Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN-PTNT, đến nay chưa hề có cơ quan, đơn vị nào chính thức xin đăng ký nhập khẩu giống chuột Hamster như báo chí thông tin. Còn Cục Thú y khẳng định rằng VN mới chỉ cho phép nhập khẩu một số loại chuột về làm thí nghiệm mà thôi.

Như thế, việc phổ biến nuôi chú chuột Hamster và các loài thú kiểng khác là bất hợp pháp. Tuy chuyện nuôi chuột Hamster hiện khá phổ biến ở nhiều nước trên giới nhưng họ có kiểm dịch chặt chẽ, còn ở ta tất cả đều đang thả nổi.

Theo các chuyên gia về y tế, giống chuột nhỏ này là loại gặm nhấm nên nó có khả năng sinh sôi rất cao. Nếu không được kiểm dịch thì khi có mầm bệnh - hiểm họa này rất dễ lây sang người.

Thanh - Hà

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang