• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi chim hót - thú chơi tao nhã

Nguồn tin: Đồng Nai, 20/02/2008
Ngày cập nhật: 22/2/2008

Nuôi một con chim đạt đến trình độ hót hay, múa đẹp là rất công phu. Anh Chu Văn Tiến, một nghệ nhân chơi chim cho chúng tôi biết như thế.

* Uống "cà phê chim"

Mỗi sáng, cứ khoảng 6 giờ, ông Hai Long, chủ quán cà phê 198 ở đường Trịnh Hoài Đức (khu vực chợ đêm Biên Hùng, thuộc phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa) lại kê bàn ghế, chuẩn bị cà phê, trà nóng, sẵn sàng đón các nghệ nhân chơi chim đến nghe và "luyện" chim. Ông là chủ nhiệm CLB chim hót 198. Trên giàn sắt trước sân, dưới tán lá dừa, tràm bông vàng, gần 20 lồng chim của ông Hai Long với những "danh ca" như: họa mi, chích chòe, sơn ca... líu lo chào đón khách. Những người uống cà phê ở quán cũng đủ thành phần, nhiều người trong số ấy không quên xách theo lồng chim được trùm vải kỹ lưỡng. Anh Phúc, một người kinh doanh xe máy cẩn thận treo lên giàn lồng chích chòe lửa mới mua với giá hơn 1.000 USD. Anh cho biết: "Tôi cũng như những người khác đến uống cà phê chủ yếu để thưởng thức tiếng chim hót líu lo vào buổi sáng, tạo tâm trạng thoải mái cho một ngày làm việc. Đây cũng là dịp cho "con lửa" thi thố tài năng, tiện thì trao đổi thêm kinh nghiệm nuôi, nghe thông tin về các loại chim mới...".

Ở cà phê "căn tin" trong khuôn viên Nhà văn hóa phường Tân Biên, nơi có CLB chim hót 30-4 hoạt động sôi nổi nhất ở Đồng Nai, vào những ngày cuối tuần cũng chật cứng. Anh Chu Văn Tiến, chủ quán cà phê và là phó chủ nhiệm CLB chim hót 30-4 cho biết: "Đây không chỉ là nơi giao lưu của các nghệ nhân, những người yêu thích thú chơi chim hót, chim kiểng trên địa bàn mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi của giới chơi chim từ Đà Lạt, Bình Thuận, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu qua những hội thi chim hót được tổ chức đều đặn mỗi năm vài lần". Khách uống cà phê ở quán cóc của anh Tiến cũng chỉ với mục đích thưởng thức màn vũ ca của những chú chim mà người chơi chăm sóc và yêu quý như con trẻ. Hầu hết anh em nghệ nhân "đóng đô" ở những CLB này đều có cùng sở thích nuôi chích chòe lửa, chích chòe than và họa mi. Ông Huỳnh Văn Châu, một người khá thâm niên với thú chơi tao nhã này, cho biết: "Đây là giống chim vốn có tài hót hay, múa đẹp, thi thố cũng rất chiến. Buổi sáng ngồi uống cà phê nghe cô họa mi hoặc chú chích chòe cất cao tiếng hót thì còn gì thú bằng!".

* Thú chơi tao nhã

Bây giờ, thú chơi chim đã trở nên phổ biến. Đó là những người cao tuổi đã nghỉ hưu, bác sĩ, công nhân viên chức, giáo viên, học sinh, nông dân... Tất cả đều bình đẳng trong sự đam mê tìm thú vui từ những lồng chim - một thú vui lành mạnh, tao nhã, giúp tâm hồn thanh thản sau thời gian làm việc căng thẳng.

Giới chơi chim hót lâu năm công nhận rằng, một trong những người tiên phong về chơi chim ở Biên Hòa phải kể đến ông Hồ Văn Hưng - một người Việt gốc Hoa - chủ tiệm đồng hồ Văn Hưng nổi tiếng trước đây ở chợ Biên Hòa. Những con sơn ca, họa mi đầu tiên ở Biên Hòa được ông nhập từ Hồng Kông, Thái Lan về. Mỗi khi nghe đâu đó ai bắt được con chim lạ, có màu màu lông khác thường là ông tìm tới, thấy "bắt mắt" là mua cho được. Những dân chơi khá giả ở khu vực phường Hòa Bình, Thanh Bình như thầy Cội, ông Bảy Hòa lui tới với mấy con chim nhà ông Hưng riết đâm ghiền cũng đầu tư chơi chim.

Bây giờ phong trào chơi chim hót lan rộng, thu hút nhiều tầng lớp. Ông Năm vườn dâu, anh Đức bán bia, anh Nam chụp hình, anh Tùng cà phê, ông chủ quán Năm Ri, anh Phúc xe máy, thầy Năm Trên... trở thành những "đại gia" có tên tuổi trong giới chơi chim hót. Nhưng "máu" nhất phải kể đến ông Năm vườn dâu: từ thập niêm 80 của thế kỷ 20, ông đã nổi tiếng là một người chuyên chơi và có tài luyện chim khướu.

Ở Biên Hòa, hình như mỗi độ tuổi có một cách chơi chim. Với người già, họ thích nuôi cu đất - loại chim có rất nhiều ở nước ta - vì tiếng gù của nó man mác như gợi nhớ về nguồn cội. Những người trung niên thì thích chơi "con lửa", "con mi" vì loài này có giọng hót đa âm và thần sắc rất độc đáo. Trẻ hơn một chút thì thích nuôi vành khuyên bởi giọng hót và vóc dáng rất đáng yêu. Còn người trẻ nữa thì mê "sắc" hơn "thanh" nên thường nuôi yến phụng... Nhưng dân chơi chim "máu" nhất vẫn là chích chòe và họa mi.

* Nghề chơi cũng lắm công phu...

Để luyện được một con chim thành đẳng cấp, các nghệ nhân phải rất công phu. Thông thường trong năm, mùa chim hót sung sức nhất là từ sau Tết âm lịch đến đầu tháng 5, sau đó bước vào mùa mưa thì chim bắt đầu... rớt lông (thay lông) - giai đoạn này "sắc" không chuẩn mà "thanh" cũng kém phong độ. Là một tay chơi chim khá kinh nghiệm, anh Chu Văn Tiến hiện đang "sở hữu" khoảng 40 con chim, chủ yếu là chích chòe và họa mi. Độc hơn, trong bộ sưu tập của anh còn có một cô họa mi với bộ lông vàng nâu điểm bông trắng khá đẹp và quý hiếm với giá gần chục triệu đồng. Anh Tiến cũng như những nghệ nhân khác sắm cho chú chim thân yêu một cái lồng được chạm trổ rất đẹp, thêm vào đó là bộ đựng thức ăn bằng sứ trắng tinh.

Khi chứng kiến những tay chơi chim chuyên nghiệp tự tìm ra cho mình phương thức chăm sóc riêng cho chim hót và những loài chim kiểng khác nhau, chúng tôi thấy nghề chơi này lắm công phu. Đối với chim hót, phải thêm thức ăn bột được chế biến kỹ lưỡng từ nhiều nguyên liệu như bột gạo, bông cỏ, trứng gà, đậu phộng, mật..., rồi phải bổ sung chất sắt và thuốc để giọng hót của chim thánh thót hơn, hót bền hơn. Đó là chưa kể, cứ mỗi sáng phải tắm nắng, 2-3 ngày thì tắm nước và thường xuyên được ông chủ đưa đi giao lưu... Tốn kém và công phu, nhưng khi đem đi thi thố, chúng hót hay và múa đẹp, chủ nhân cũng "nở mày nở mặt" với bàn dân thiên hạ.

Thế nhưng, không phải nghệ nhân nào cũng được "trả ơn" một cách thích đáng khi có chim bỗng nhiên lăn đùng ra chết, hoặc khi luyện ở nhà nó rất "buôn chuyện", nhưng lúc lên giàn thì... im bặt vì sợ vía những con chim khác. Lúc ấy, những nghệ nhân chỉ biết... kêu trời vì tiếc của, tiếc công.

Phương Liễu

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang