• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người trồng hoa ở Tây Tựu: Chân lấm, tay bùn... cưỡi xe máy xịn

Nguồn tin: Hà Nội Mới, 30/01/2008
Ngày cập nhật: 30/1/2008

Chúng tôi như chìm giữa bạt ngàn chợ hoa ngày áp Tết. Đây lay ơn, kia đào, hồng, cúc, lan... tươi rói, nguyên sơ. Phải nói là hoa bây giờ đẹp. Nhiều người chơi hoa cho rằng, hoa bây giờ đẹp là do lai tạo giống, đặc biệt là từ giống hoa Đà Lạt hoặc Hà Lan.

Nhưng theo những người trồng hoa, hoa bây giờ đẹp hơn, rực rỡ hơn phần nhiều là do kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa; do bàn tay cần cù chịu khó của những người trồng hoa. Bởi trồng hoa bây giờ đã thành một nghề, phải học, phải nghiên cứu tìm tòi.

Nói về kỹ thuật trồng hoa, anh Phạm Mạnh Cường, người làng hoa Tây Tựu (Từ Liêm) cho biết, hầu hết mỗi nhà đều có một bí quyết riêng nhưng có một điểm chung nhất là phải chịu khó, chăm chút từng nhành hoa, búp nụ. Để có được những bông hoa to, đẹp, ngày nào những người trồng hoa cũng phải có mặt trên cánh đồng từ sớm đến tối. Khi thì tưới bón, lúc thì bọc búp, rồi phun thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ tay ra cánh đồng hoa mênh mông, anh Cường nói: “Anh chơi hoa thì biết đấy. Hoa đẹp phải bông to, cánh dày, màu sắc tươi tắn. ấy là chưa kể cành phải thẳng, lá phải mượt... Khi hoa còn trên đồng, chúng tôi phải dùng giấy để bọc tất cả từ khi còn là búp để hoa không nở xòe quá trước khi đến tay người chơi”. Và để có được những tiêu chí ấy, những người trồng hoa phải làm cọc đỡ cho cành khỏi cong, chăm bón thường xuyên... Nhưng khổ nhất là cái anh sâu rầy thường xuyên cắn lá, cắn cánh hoa. Chính vì thế, gần như chỉ cách 2-3 ngày, họ lại phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật. Nâng một nhành hồng, anh Cường cười: “Nếu không được phun thuốc thường xuyên, sâu sẽ làm tổ trong búp hoa, là cắn trụi lá. Thế nên mỗi năm, một sào hoa có thể phải sử dụng đến cả chục lít thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bón lá...”. ấy là hoa hồng của anh Cường còn dễ bảo vệ, chứ hoa lan, hoa cúc, đồng tiền thì chăm còn hơn con mọn. Bởi chỉ cần một trận sương muối, mưa nặng hạt hoặc gió to cũng có thể làm hỏng, làm hoa kém sắc... Vả lại, nếu chăm bón không đúng dịp, không đón được đúng tiết trời thì hoa sẽ nở sớm hoặc muộn. “Như thế là vứt!”, anh Cường cho biết thêm.

Trồng hoa, những người nông dân ngoại thành mang theo mong ước làm giàu chính đáng. Nhưng, mỗi sự làm giàu đều có cái vất vả riêng. Tôi chợt nảy ra một so sánh: Nếu trồng lúa hoặc trồng rau, làm màu, những người nông dân chỉ có thể thu về được quãng dăm triệu một sào. Nhưng nếu trồng hoa, thu nhập có thể đạt mức 20 triệu một sào, tính ra một héc ta cũng trên dưới trăm triệu. Với mức thu nhập ấy, nếu đem so với cái mức phấn đấu của nhiều cánh đồng 50 triệu/ha thì trồng hoa có thể gấp đôi, thậm chí gấp ba. Nói đến mức thu nhập ấy, anh Cường có vẻ phấn chấn lắm. Anh cho biết, nhiều nhà đã sắm sửa được đầy đủ các vật dụng hiện đại, xây được nhà lầu, sắm được ô tô. Tất cả từ hoa. Như thế thu nhập còn cao hơn cả những công nhân đang ngày đêm làm trong các khu công nghiệp, các doanh nghiệp thương mại. Thế nên bây giờ, người trồng hoa đi làm đồng hay đi chợ cũng đều “cưỡi” xe “xịn” cả. Chỉ có một điều mà anh Cường cũng như những người trồng hoa còn băn khoăn, ấy là sức khỏe. Thức khuya, dậy sớm, nắng mưa đều có mặt trên cánh đồng, rồi phải tiếp xúc thường xuyên với thuốc bảo vệ thực vật... Với từng ấy công việc không có ngày nông nhàn, người khỏe lắm cũng chỉ lao động được đến ngoài 50 tuổi. Đấy là chưa kể nhiều người bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, phải mang trong người nhiều căn bệnh quái ác.

Thế nhưng, vượt lên tất cả, họ vẫn hằng ngày làm đẹp cho đời. Bởi với họ, đó là cuộc sống, là lao động chân chính cũng như biết bao người lao động khác đang hằng ngày tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Mùa xuân đang hiển hiện trên từng sắc thắm mỗi cánh hoa. Nhưng ẩn sau nó là cả công phu của bàn tay người trồng hoa chân lấm tay bùn.

Bảo Chân

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang