• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tết này mất mùa hoa?

Nguồn tin: Lao động, 27/01/2008
Ngày cập nhật: 30/1/2008

Chăm bón mãi cũng chỉ cao chưa tới gang tay.

Khí hậu đột ngột nóng lạnh thất thường và khắc nghiệt vào lúc Tết sắp đến, báo trước một mùa hoa xuân khan hiếm và đắt đỏ, nhất là mai. Nhưng bên cạnh đó, thị trường hoa lại rộn ràng bởi những giống cây lạ nhập ngoại, là những lựa chọn mới cho người tiêu dùng.

Miền Nam, Trung - mai nở sớm

Theo các nhà vườn tại khu vực Hóc Môn, Thủ Đức và quận 12 (TPHCM) thì năm nay, mai lại mất mùa. Dù đã cố gắng "kềm", áp dụng nhiều kỹ thuật như tỉa lá chậm, không bón thúc... để tránh tình trạng hoa nở sớm, nhưng nhiều cây mai vẫn cứ "nở tưng bừng" ngay từ những ngày đầu năm dương lịch. Vì thế, những cây này không thể có hoa vào mùa Tết âm lịch năm nay là điều gần như cầm chắc.

Anh Nguyễn Văn Thanh - chủ vườn hoa cảnh Thanh Mai (quận Hóc Môn) - tâm sự: "Tôi chuyên nhận nuôi mai và đã có một thời gian rất phát đạt với nghề này nhờ vào tay nghề ép hoa nở đúng vào ngày 30 Tết. Vậy nhưng hai mùa mai năm trước và năm nay đều bị "tổ trác", không thể ép cho hoa nở đúng nữa. Thậm chí, mai còn bị nở sớm hơn nhiều, trước cả tháng chứ không phải chỉ sớm một tuần nữa. Nhà vườn nuôi mai chỉ nhờ vào dịp Tết vì nếu mai có nở đúng thì chủ mai mới trả tiền công (trung bình giá từ 250.000-300.000 đồng/cây mai lớn). Còn mai không ra hoa đúng dịp Tết thì coi như nhà vườn tụi tui khỏi ăn Tết vì không chỉ không có tiền công mà tiền bỏ ra mua phân, mua thuốc chăm mai cũng mất trắng vì chủ mai sẽ không chịu chi" - anh Thanh than thở.

Lý giải thêm cho tình trạng liên tục mất mùa mai, chú Sáu Thêm - một chủ vườn khác ở quận 12 - cho biết: "Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, ngày càng nóng hơn hoặc lạnh hơn, đã vậy lại không theo quy luật mùa nắng mưa như những năm trước nên nhà vườn rất cực công. Hoa cảnh thì vốn rất "đỏng đảnh", nắng không ưa, mưa không chịu nên nhà vườn vài mùa Tết gần đây đều lỗ và thậm chí không có Tết".

Các hộ trồng mai ở Thừa Thiên-Huế năm nay cũng khốn đốn vì thời tiết thay đổi, hết mưa lũ lại nắng nóng triền miên, nên gần như các vườn mai ở Huế đều nở sớm. Gặp tôi, chị Hồ Thị Gái (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) mếu máo vì gần 100 chậu mai nhà chị, mỗi chậu trị giá từ vài đến vài chục triệu đồng, mới đầu tháng 12 mà đã nở hết. Chị nói: "Tết ni rứa là mất gần trăm triệu. Nhà tui trồng mai cảnh như ri đã gần hai chục năm, kinh nghiệm đối phó với thời tiết đầy mình, đã làm đủ cách nhưng vẫn không cách chi cứu được".

Người trồng mai thất thu nên buồn đã đành, người chơi mai ở Huế cũng buồn không kém vì "Tết mà không có được một chậu, thậm chí một cành mai để cắm trong nhà thì không khí tẻ nhạt lắm" - Anh Huế, người dân ở thành phố Huế, nói: "Mấy năm trước, tui đã thử chơi đào HN, nhưng nói thiệt, đào vẫn không thể nào thay thế cho mai trong tâm thức của người Huế được". Lác đác một số vườn mai còn giữ được vài chục chậu, hứa hẹn sẽ nở trong dịp Tết thì giá lại đắt gấp rưỡi, gấp đôi so với mọi năm, nên người chơi bình dân không thể nào với tới được.

Chị Vân - một chủ vườn mai ở phường Phú Hậu, thành phố Huế, hiện có khoảng 20 chục chậu mai cảnh có thể nở kịp trong dịp Tết - cho biết: "Thất thu nhiều quá nên không còn cách nào khác phải tăng giá để bù lại". Mua mai ở thành phố không nổi, nhiều người chơi mai ở Huế mấy hôm nay đổ xô về các vùng quê để lùng, nhưng tình hình vẫn không khả quan, vì "mai ở quê cũng bị nở sớm nên giờ cũng hiếm và đắt đỏ không khác chi ở phố" - Anh Huế lắc đầu.

Miền Bắc có thể sẽ "cháy" đào

Mặc dù được chăm sóc tốt cũng như phát triển khá đúng theo chu trình "ép" hoa của thợ làm vườn, nhiều khả năng đào sẽ bị ba bốn đợt rét liên tục ở miền bắc làm hoa nở không được như mong muốn. Anh Cộng - một trong những chủ vườn đào nhỏ còn sót lại ở khu vực Nhật Tân (Hà Nội) - cho biết đào năm nay phát triển tốt, nắng và mưa khá thuận lợi cho việc chăm sóc nên cành lá khoẻ mạnh, búp nụ dồi dào, hứa hẹn một Tết thắm hoa.

Thế nhưng trời đột ngột trở rét ba, bốn đợt liên tiếp đã khiến một số lớn cây có hiện tượng cháy lá, thui nụ và khô cành. Các chủ vườn đang tích cực làm đủ biện pháp để cứu cây như giữ ấm gốc, quây lưới chống giá phòng sương... Một lo lắng khác của chủ vườn là thường sau khi đợt rét đậm qua đi, thời tiết sẽ trở nên nóng ẩm đột ngột và đào rất dễ nở bung, như vậy cũng sẽ bị "trượt" những ngày tết.

"Nếu thời tiết tiếp tục thất thường như hiện tại, rất có thể sẽ có khả năng đào cháy chợ hoặc rặt cành là cành. Càng ngày khí hậu càng ảnh hưởng rõ rệt đến hoa tết hơn" - Anh Cộng than phiền.

Lao đao làng hoa

Cuối năm về các "làng hoa" chuyên canh nổi tiếng của Huế như Phú Mậu Phú Thượng (Phú Vang), Vĩ Dạ, Lựu Bảo, Thuỷ Biều (thành phố Huế)..., đâu đâu cũng thấy buồn như có tang. Mọi năm độ này ở Hợp tác xã trồng hoa chất lượng cao Phú Mậu, ngoài đồng rực rỡ những sắc màu của những cúc Hà Nội với các giống: vàng nghệ, vàng mai, đỏ nhung, tía sao, thọ đỏ, pha lê...; hồng và đồng tiền. Nhưng năm nay chỉ thấy mỗi màu xanh của lá và lưa thưa vài luống cúc đâm chồi.

Ông Hồ Văn Ngọc - người trồng hoa ở Phú Mậu - buồn bã: "Trong năm, tui trồng hai luống (khoảng 1.500 gốc cúc Hà Nội) đã lên chồi, đang chăm bón, khấp khởi chuẩn bị bán trong dịp Tết này thì mấy trận lũ liên tiếp đã cuốn trôi và chết không còn một gốc. Sau lũ, chính quyền địa phương hỗ trợ giống để trồng lại, nhưng đến thời điểm ni, như chú chộ đó, chăm bón mãi cũng chỉ cao chưa tới gang tay. Tình hình ni đến rằm tháng giêng, may ra mới có hoa để bán".

Tất cả 20 hộ trồng hoa của Hợp tác xã Phú Mậu đều chịu chung tình cảnh như ông Ngọc. Trung bình mỗi hộ ở đây bị thất thu từ 6-10 triệu đồng, chưa kể vốn bỏ ra mua giống, cũng như phân bón và công chăm sóc hàng tháng trời.

Không như người dân Phú Mậu, chị Lê Thị Oanh, cùng hàng chục hộ dân trồng hoa ở xã Thuỷ Biều (TP.Huế), khi mấy luống hoa bị lũ cuốn trôi đã không buồn trồng lại mà cày đất ra trồng cải. Chị nói: "Trồng cải may ra còn kịp bán trong mấy ngày Tết chứ trồng hoa sao kịp. Mấy năm ni, đặc biệt là dịp Tết, thu nhập của gia đình tui chủ yếu trông chờ vào mấy luống hoa, năm ni trời hại như ri thì Tết chắc treo niêu...".

Ở miền bắc, làng hoa Tây Tựu (Hà Nội) xác xơ như qua bão. Các đợt rét đậm, rét hại đột ngột khiến người dân trở tay không kịp. Mặc dù các hộ dân đều giăng bạt, nilông quây che chắn cho hoa nhưng hầu hết đồng tiền - loại hoa rất được ưa chuộng trong dịp Tết, cũng là thế mạnh của Tây Tựu - đều chết, thối cành và chỉ còn toàn là lá. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân vừa bón thúc cho cây để nhắm hoa đúng dịp tết thì không khí lạnh tràn về, khiến hoa héo rũ và không thể hồi phục đúng ngày đón năm mới cổ truyền.

Mất mùa mai không có nghĩa là năm nay Thừa Thiên-Huế trắng hoa tết. Nhiều hộ trồng hoa ở Phú Mậu, Phú Thượng, Thuỷ Biều... do vườn cao, không bị ngập lũ nên tết này vẫn có hoa để bán. Tuy nhiên do vườn nhỏ nên số lượng cũng không được bao nhiêu. Cá biệt có một số hộ như chị Hồ Thị Gái ở Phú Thượng, rút kinh nghiệm mấy năm trước, chị không trồng cúc theo luống mà trồng theo chậu, kê cao lên giàn nên gần 500 chậu cúc không bị ảnh hưởng của lũ. Đây là một cách làm hay, cần được nhân rộng. Đáng nói là những hộ dân biết rút kinh nghiệm như chị Gái ở Huế năm nay chưa được nhiều.

Nhóm PV thực hiện

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang