• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đô thị "rượt đuổi""... làng đào

Nguồn tin: SGGP, 25/01/2008
Ngày cập nhật: 27/1/2008

Ở quanh Hà Nội, nhiều năm qua đã có nhiều khu trồng đào tết mọc lên. Nhưng làng đào nào cũng chỉ tồn tại được vài năm rồi lại "chết yểu" bởi cuộc xâm lấn của các khu đô thị mới do quy hoạch liên tục "ăn xổi ở thì".

Sẽ chẳng còn hoa tết

Trước đây, chỉ có vùng Nhật Tân, Quảng Bá, Tứ Liên (Tây Hồ-Hà Nội) trồng đào, vậy mà "cơn lốc" đô thị hóa đã xóa sổ cả một vùng đào nổi tiếng này. Sau đó, đào ở Nhật Tân, Quảng Bá, Tứ Liên phải dạt về những rẻo đất nằm xa xôi tận xã Xuân Đỉnh, Xuân La, Phú Thượng… Từ "rẻo đất vàng" Hồ Tây, đào bị đẩy lên tận cầu Thăng Long, ra cả ngoài bãi sông Hồng. Song, cũng lại chỉ được 5 năm, cả cánh đồng đào bạt ngàn ở Phú Thượng, Xuân La lại tiếp tục… vướng vào quy hoạch. Và trước xu thế đô thị hóa như một sức mạnh không thể ngăn cản, những cánh đồng đào ở Phú Thượng, Xuân La, Xuân Đỉnh… lại phải nhường mặt bằng cho những khu đô thị mới với những chung cư cao tầng, biệt thự tới tấp mọc lên. Giờ đây, đi suốt một rẻo từ Quảng An, Quảng Bá, Tứ Liên cho đến Nhật Tân, Phú Thượng, Xuân La (Tây Hồ) đâu cũng chỉ gặp "rừng nhà" với những khối bêtông đan ken kín, đường ngang ngõ dọc chằng chịt, ngột ngạt. Từ những vườn hoa đào mênh mang trên đồng thuở trước, bây giờ muốn được tiếp tục chăm sóc hoa đào, người Tây Hồ (mà cũng chỉ còn số ít) phải đem chúng trồng vào chậu, trên sân thượng, trong mảnh vườn nhỏ sau nhà, với vài chục gốc đào thế theo kiểu "trồng cho khỏi nhớ".

Những vườn đào cuối cùng ở làng Nhật Tân và Phú Thượng (Tây Hồ - Hà Nội) nằm ngay sát khu đô thị mới Nam Thăng Long - Ciputra cũng sắp biến mất vì vướng quy hoạch.

Cho đến áp Tết Mậu Tý, theo khảo sát của PV Báo SGGP, cả vùng trồng đào Hà Nội chỉ còn lại một rẻo đất nhỏ nằm giữa xã Xuân La, Xuân Đỉnh và Phú Thượng là còn trồng đào tập trung. Nhưng hồi cuối năm 2007, UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt đặt tại đây một khu đô thị mới mang tên Xuân La-Xuân Đỉnh. Như vậy, cùng với khu đô thị Nam Thăng Long-Ciputra thì khu đô thị Xuân La-Xuân Đỉnh được khởi công chắc chắn sẽ góp thêm một cánh tay "dọn sạch" hoàn toàn làng đào Hà Nội.

Và như vậy, chỉ sau khoảng 3-4 năm nữa, Hà Nội sẽ không còn đào tết nữa. Thực tế, trong nhiều năm qua, người Hà Nội đã phải chơi đào, quất tết từ các tỉnh đưa về. Trong đó, đóng vai trò rất chủ lực trong việc cung ứng nguồn đào tết với trữ lượng lớn cho cả Hà Nội và nhiều khu vực, là làng đào La Cả - một cái tên thật xa lạ - nằm ở xã Dương Nội, ngoại ô TP Hà Đông (Hà Tây), cách Tây Hồ tới 20km.

Nhật Tân tơi tả, La Cả lên ngôi

Thật bất ngờ là đào La Cả (TP Hà Đông) lại có nguồn gốc từ chính cây đào Nhật Tân (Hà Nội). Và người đầu tiên đã có công đưa cây đào từ Hà Nội về La Cả là vợ chồng chị Dương Thị Yên, 43 tuổi, ở thôn Ỷ La. Chị Yên kể lại: "Cách đây khoảng 8-9 năm, tôi đã đến làng Nhật Tân để mua lại những gốc đào bị nhổ bỏ để làm dự án rồi mang về La Cả trồng ven con đường sang xã La Phù. Hồi đầu, trồng khó khăn lắm. 2-3 năm sau mới thành công".

Một góc cánh đồng trồng đào ở làng La Cả (TP Hà Đông), nay đã thuộc quy hoạch khu đô thị mới Dương Nội.

Dân làng La Cả vốn sống bằng việc ươm sợi dệt len. Tuy nhiên, do năm đó thị trường len Trung Quốc gặp nhiều biến động về giá nên bà con đã bỏ cả loạt, cùng nhau chuyển sang trồng đào khi thấy "cách làm ăn" của chị Yên có nhiều triển vọng. Từ những ruộng đào rải rác đã mở rộng thành cánh đồng đào. Từ một thôn đã lan ra nhiều thôn. Sau 7 năm, đào đã vây kín quanh làng La Cả, mọc giáp tận cánh đồng xã Đại Mỗ, Tây Mỗ (Từ Liêm-Hà Nội). Theo UBND xã Dương Nội, đến thời điểm này, cả làng La Cả đã có tới 103ha trồng đào. Từ những cành đào còn "vụng dại" khi xưa, giờ đây La Cả đã tung ra thị trường nhiều chủng loại, từ đào cành đến đào thế, từ đào bích đến đào phai, với chất lượng không hề khác đào Nhật Tân, Phú Thượng. Bằng cách đó, người La Cả đã làm sống lại giống đào Nhật Tân đang có nguy cơ tàn lụi hẳn. Năm nay, người Hà Nội cũng đã thay đổi thói quen, thay vì lên vùng Nhật Tân, Phú Thượng thì vào hẳn làng La Cả săn mua đào tết. Ngay cả những người trồng đào truyền thống ở Tây Hồ cũng phải vào La Cả buôn đem về để chăm sóc và bán lẻ. Cảnh sầm uất, không khí bán mua ở La Cả đã biến ngôi làng này thành một "Tây Hồ thứ 2" nằm ở phía Tây Nam thủ đô Hà Nội.

Nhưng giờ đây, làng đào La Cả cũng lại phải chung số phận như nhiều làng đào ở Tây Hồ (Hà Nội) khi có thông tin Hà Nội sẽ mở rộng về phía Tây. TP Hà Đông và nhiều khu vực sẽ được nhập vào Hà Nội, khi hàng loạt khu đô thị mới mọc ngay trên đất trồng đào, khi làng đào bị cắt xé bởi nhiều tuyến đường ngang dọc đã được quy hoạch...

Tất cả đều "dẫm" lên đất trồng đào. Những chỗ trồng đào chưa bị dính vào dự án thì người trồng đào đang thi nhau bán sạch, bởi giá đất cứ đội lên từng ngày. Cách đây 2 tháng, giá đất trồng đào (thổ canh) chỉ có 2 triệu đồng/m2 nhưng áp tết đã lên tới 3-3,5 triệu đồng/m2. Nhiều khách chủ động trả cao hơn để sớm được sở hữu đất đầu cơ. Ruộng đào nào cũng được quây kín tường gạch. Chỉ vào ruộng đào đang lớm chớm nụ của mình, chị Trần Thị Hà, hơn 40 tuổi, ở đầu thôn La Nội, bảo: "Đào thì vẫn là của tôi nhưng đất đã là của người ta rồi. Tiền nong đã xong xuôi cả. Họ ở tận Thái Bình lên đây mua. Chỉ sau vụ đào tết này là lô đất này sẽ không còn đào tết nữa".

Vậy là làng đào La Cả lại cũng chỉ "thọ" được có 7-8 năm. Trong khi, nhu cầu chơi đào tết thì không bao giờ thiếu được. Do đó, có thể sau khi làng đào La Cả mất đi thì sẽ có những làng đào khác mọc lên. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, với kiểu cách quy hoạch thiếu tầm nhìn, hụt hơi như hiện nay thì những làng đào mới mọc cũng sẽ tiếp tục bị trôi dạt

Văn Phúc Hậu

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang