• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cận tết, thăm những “vua” mai xứ cát…

Nguồn tin: NNVN, 24/01/2008
Ngày cập nhật: 25/1/2008

Cái lạnh tê buốt của mấy ngày cuối đông đã phải nhường chỗ cho những tia nắng vàng nhè nhẹ, ấm áp của mùa xuân. Những ngày cận tết, bận bịu bao việc nhưng nghe người ta bảo ở vùng cát Điện Nam (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có nhiều người trở thành tỷ phú nhờ trồng mai kiểng, máu nghề nghiệp nổi lên, tôi quyết định làm một chuyến viếng thăm…

Con đường bê tông dẫn về thôn 2A, xã Điện Nam Bắc nhộn nhịp người và xe, sắc xuân như ngập cả đất trời. Tôi gõ cửa nhà ông Vương Công Lào lúc sắp hoàng hôn. Cánh cửa sắt mở, bước vào sân, tôi có cảm giác như mình đang lọt thỏm giữa “Vương quốc mai”. Quanh khu vườn rộng gần 2.000 mét vuông, đâu cũng thấy mai, lớn có, nhỏ có, nào Hồng Diệp, Xuân Lai, Thanh Mai… tất cả đều đã đơm nụ, chờ ngày tỏa sắc, đua hương.

Từ lúc còn ngồi trên lưng trâu, người đàn ông ngoài tuổi 50 này đã nổi tiếng mê cây cản. Mỗi khi tết đến, xuân về là ông phải tìm cho bằng được một chậu mai kiểng chưng giữa nhà. Và, chính cái thú đam mê ấy đã dẫn ông đến với nghề trồng mai chuyên nghiệp. Nghỉ công tác ở công ty lương thực huyện, Vương Công Lào quyết định chặt hết vườn ổi trĩu quả trong vườn nhà, rồi lặn lội khắp nơi để tìm mua mai về trồng. Nhìn vợ, ông bảo: “Hồi mới vào nghề, lương tháng của tôi đều tấp hết vào vườn mai, một mình bả làm nuôi 4 miệng ăn; nhiều đêm bả nằm thở dài, tôi trăn trở lắm nhưng không thể dứt tình với loài cây được mệnh danh là sứ giả của mùa xuân…”. Những cây mai đầu tiên đến với tay ông, giờ đã tròn 20 tuổi. Chỉ tay về phía 6 chậu mai triệu triệu búp, chồi non tua tủa, ông phấn khởi: “Những cây ni đều có thế 5 tầng (ngũ phúc), rất nhiều người chuộng; mấy ông chủ khách sạn ở Hội An lên trả mỗi chậu 50 triệu đồng nhưng tôi vẫn chưa muốn bán”. Dẫn tôi dạo vườn mai một lần nữa, Vương Chí Trung – con trai ông Lào cho biết, tổng thảy ngoài đất, lẫn trong chậu khoảng hơn 3 nghìn cây; loại nhỏ và không có dáng chỉ chừng 2-3 triệu đồng, còn mấy cây có thế đẹp thì mỗi chậu từ 20 đến 50 triệu đồng. Sờ tay vào chậu mai nhỏ xíu, có dáng nàng tiên đang ngủ, cậu con trai út của ông Lào cười: “10 triệu đồng là họ bưng ngay nhưng ông già em quyết không bán, ổng bảo để chơi cho sướng con mắt…”. Kế bên nàng tiên đang ngủ là một cây mai khác bé tí tẹo, 3 cành sà xuống sát đít chậu, nhìn tựa như một thác nước ở núi rừng Tây Nguyên, cũng đã có rất nhiều người lui tới gạ mua với giá 8 triệu đồng nhưng ông Lào vẫn không gật đầu…

Cuộc trò chuyện giữa tôi với ông Lào cứ luôn bị gián đoạn vì điện thoại di động và máy bàn của ông liên tục đổ chuông. Ông bảo, mấy ngày nay, nhiều đại gia và một số lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp thay phiên gọi đến để đăng ký thuê mai về chơi tết. Được biết, gần chục năm nay, cứ mỗi dịp tết, chỉ riêng tiền cho thuê mai, ông Lào đã ẵm gần 100 triệu đồng. Ông tâm sự: “Năm ngoái, bán vài chục chậu, cộng thêm tiền chăm sóc và cho thuê, tôi thu hơn 300 triệu đồng; tết ni, bán chừng 50 chậu thuộc dạng thường thường, cũng kiếm thêm vài trăm triệu nữa. Thú thật, nhờ mai mà vợ chồng tôi mới nuôi nổi 2 đứa con suốt mấy năm đại học; chừ nó đã trưởng thành, mình thấy người nhẹ tênh…”. Quay lại nhìn vườn mai hơn 3 nghìn cây của ông lần cuối, tôi nhẩm tính cái gia sản ấy có bèo mấy cũng trên 2 tỷ đồng.

Cách nhà ông Lào chừng 5 phút chạy xe máy là vườn mai hàng trăm cây của “ông vua” Huỳnh Nam (thôn Quảng Lăng, xã Điện Nam Trung). Cặm cụi bên những gốc mai, thấy khách lạ, ông Nam nghỉ tay, mở cửa cổng. Người đàn ông với gương mặt đen sạm vừa rót trà mời khách vừa thỏ thẻ: “Ban đầu vì thú đam mê, trồng vài cây để chiêm ngưỡng mỗi khi tết đến; nhưng rồi, chẳng hiểu sao mình bị nó mê hoặc luôn…”. Vì bị mê hoặc mà mỗi lần bán được sào rau, ghè lúa là ông Huỳnh Nam dồn hết tiền để trút vào cây mai. Cùng thú mê mai như Vương Công Lào nhưng cái khác của Huỳnh Nam là chọn “mai gốc” để làm “mũi nhọn”. Ông cho biết, hiện vườn mai gần 400 cây của ông đã có đến 70% là gốc. Bây giờ, tất cả đều đơm nụ, khoảng 28 tết là đồng loạt trổ, đến sau 20 tháng giêng vẫn chưa thể hết bông. Nhìn gốc mai có thế tam đa (Phúc – Lộc – Thọ), ông Nam bảo, một chủ doanh nghiệp ở Nam Phước đánh ô tô tải xuống, trả với giá 40 triệu đồng nhưng chưa đồng ý cho chở. Quanh gốc mai đắt đỏ ấy còn hàng chục gốc khác cũng có thế rất đẹp, nào ông Tiên, Rồng bay, Thiếu nữ… mỗi cây có giá 15-35 triệu đồng, số còn lại thuộc dạng xoàng xoàng thì 1 gốc chừng 5-8 triệu đồng. Ông cho biết, tết này, chỉ cần bán 20 gốc “loại 2” là đã nắm trong tay ít nhất 300 triệu đồng; cho thuê chừng 10 chậu có dáng đẹp thì kiếm thêm 60 triệu đồng. Huỳnh Nam cũng là một tay có uy tín trong việc nhận chăm sóc mai. Mỗi năm, số tiền mà ông thu về từ công việc này cũng đã hơn 50 triệu đồng. Nhìn căn nhà ngói khang trang, tiện nghi không thiếu thứ gì, tôi thầm khâm phục nghị lực và thú đam mê của người nông dân vốn dĩ nghèo khó này…

Ở vùng đất Điện Nam, không chỉ có ông Vương Công Lào và Huỳnh Nam trở thành tỷ phú nhờ mai mà danh sách những ông “vua” mai theo phòng Kinh tế huyện Điện Bàn thì còn dài lắm.

Nguyễn Văn Sự

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang