• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“Sốt” đào thế cho thuê

Nguồn tin: SGGP, 10/1/2008
Ngày cập nhật: 14/1/2008

Thời tiết ở Hà Nội từ đầu Tết Dương lịch đến nay cứ liên tục rét ngăm ngăm khiến hàng ngàn nông dân ở vùng trồng đào truyền thống Tây Hồ (Hà Nội) và vùng trồng đào mới ở La Cả (Hà Đông-Hà Tây) mừng hớn hở vì nắm chắc Tết Nguyên đán năm nay sẽ trúng mùa lớn. Cũng vì tiết trời thuận lợi, gây nhiều cảm hứng nên hàng trăm người ở Hà Nội cũng đã bắt đầu đổ về các vùng trồng đào để săn lùng, đặt chọn những cây đào thế chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, nhà hàng, công ty…

Đào thế không đủ cho thuê

Ở Hà Nội, vào buổi trưa, dọc đường Thanh Niên, Cổ Ngư, Nghi Tàm, Âu Cơ, Yên Phụ, Lạc Long Quân… đã bắt đầu rộn ràng những người kéo lên vườn đào ở Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng Bá (Tây Hồ) “xem” đào thế. Năm nay, cũng như năm ngoái, xu hướng chung của người dân là “đặt thuê” những gốc đào thế cổ thụ để chơi trong những ngày tết. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là đến thời điểm này, mặc dù còn khoảng gần 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng hầu như các vườn đào thế ở Tây Hồ đã kín danh sách khách hàng đặt thuê.

Anh Lê Trung Nguyên, chủ nhân của 270 gốc đào thế ở vườn Nhật Tân, cho rằng có 2 nguyên nhân của tình trạng trên. Một là hiện nay diện tích đào của Tây Hồ không còn nhiều như trước nữa, dẫn đến cung không đủ cầu. Hai là mốt thuê đào thế đang nở rộ.

Trong số 270 gốc đào thế đang ươm, anh Nguyên cho biết chỉ có 100 gốc đang được trồng ngoài cánh đồng với diện tích rất eo hẹp. Số còn lại, anh phải đem về nhà trồng vào chậu và gửi anh em, họ hàng chăm sóc hộ. “Mặt bằng để trồng đào hiện nay rất thiếu đối với người làng Nhật Tân”- anh Nguyên tâm sự. Ban đầu, anh dự tính chỉ ươm khoảng 90-100 gốc vì không còn chỗ để chứa. Nhưng phán đoán khả năng năm nay đào thế trúng mùa, cách đây 1 tháng, anh đã sưu tầm thêm 170 gốc đào thế ở các tỉnh lẻ đưa về.

Nằm dưới chân đê Nghi Tàm, căn nhà của anh Nguyễn Hữu Hải cũng đặt chật cứng các chậu đào thế. Từ cổng vào đến sân sau, đào đã được tuốt sạch lá, nụ non lớm chớm, đợi ngày khai hoa. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi giá để đặt mua thì anh Hải điềm nhiên bảo: “Tất cả đã có khách đặt mua rồi”. Chỉ cho chúng tôi xem những mẩu giấy gim trên 5-6 chậu đào đặt cạnh bể nước, gốc sù sì bằng bắp chân, cành tán vươn rộng, bên trong ghi cụ thể từng công ty, đơn vị đặt mua, anh nói: “Mấy chậu đào này đã được mấy ngân hàng ở Hà Nội đặt cọc tiền từ tuần trước. Họ hẹn 2 tuần nữa sẽ lên chở về”.

Do năm nay “sốt” từ sớm nên giá thuê đào cao hơn nhiều lần năm ngoái. Theo chị Nghiêm Thị Dung, chủ của một “công ty” chuyên buôn đào thế ở Nhật Tân, thì giá thuê một gốc đào thế loại trung bình hiện đã lên tới 1,5-2 triệu đồng. Riêng với những gốc đào thế 15-20 năm tuổi, dành cho các công ty, tập đoàn, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương thì giá lên tới 6-7 triệu đồng. So với năm ngoái, giá trên cao hơn từ 1-2 triệu đồng. Thế nhưng nhiều khách đến sau vẫn đòi được trả cao hơn để được sở hữu những gốc đào thế đặc biệt trong ngày tết.

Săn lùng đào thế

Theo chị Dung, do lên “cơn sốt” đào thế nên hiện nay, hàng trăm chủ vườn ở Nhật Tân, Nghi Tàm, Tứ Liên (Hà Nội) bắt đầu chạy đua săn lùng đào thế cổ thụ đang được ươm tại các làng trồng đào mới ở quanh Hà Nội như Văn Giang (Hưng Yên), Đình Bảng, Từ Sơn (Bắc Ninh), Nam Trực (Nam Định), Gia Xuyên (Gia Lộc-Hải Dương)… đặc biệt là từ “vựa đào” La Cả, nằm ở ngoại vi TP Hà Đông (Hà Tây)- chỉ cách Hà Nội hơn 10km, để đem về “mông má”, tỉa tót, tuốt lá rồi gắn mác “đào Nhật Tân”.

PV Báo SGGP đã tìm về làng đào La Cả. Cảnh mua bán ở đây hiện cũng đang ồn ào không kém ở Tây Hồ (Hà Nội). Khách hàng chủ yếu ở đây là những ông chủ vườn ươm, “công ty” buôn đào đến từ Nhật Tân, Nghi Tàm, Quảng Bá, Phú Thượng (Hà Nội)… Ông Dương Bá Chân, một chủ vườn đào hơn 1.000 gốc đào thế ở xóm Quang Minh, làng La Cả, cho biết trong tuần qua, đã có hơn 50 gốc đào thế được các chủ ở Tây Hồ đặt cọc. Cả tết năm ngoái, ông bán được hơn 200 gốc đào thế cho chủ vườn đào Hà Nội. Ông Chân cũng thẳng thắn khẳng định, phần lớn đào ở Hà Nội hiện nay là do người làng La Cả ươm trồng sau đó mới “chuyển giao” cho Hà Nội.

Chị Dương Thị Huệ, 40 tuổi, chủ một vườn đào 200 gốc ở đầu thôn La Nội, làng La Cả cũng cho biết, cách đây 3 ngày, vợ chồng chị đã bán được 5 gốc đào thế tuyệt đẹp cho một lái buôn tên Phú ở Nghi Tàm (Hà Nội) với món tiền khoảng 20 triệu đồng. Số đào này ông Phú sẽ tự tuốt lá, cho vào chậu, ép nụ rồi cho người Hà Nội thuê, tất nhiên là sẽ phải mượn cái tên của “đào Nhật Tân”.

VĂN PHÚC HẬU

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang