• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làng hoa và nỗi lo thương hiệu

Nguồn tin: Sức khỏe & đời sống, 29/12/2007
Ngày cập nhật: 3/1/2008

Tết đang đến gần, người trồng đào Nhật Tân lại rậm rịch chuẩn bị những cây đào đẹp nhất để người Hà thành đón Tết. Người già, người trẻ cần mẫn trong vườn đào của gia đình, chăm sóc cho những cây đào lên đúng tầm, chỉnh lại thế cho đẹp mắt. Họ chăm sóc, yêu quý cây đào như ông cha họ truyền cho đến bây giờ. Nhưng, cùng với những đôi bàn tay và tấm lòng nhiệt thành ấy, trong họ còn một nỗi lo lớn, nỗi lo về thương hiệu đào Nhật Tân sẽ bị mai một.

"Dinh" mới của làng đào

Những ngày cuối đông, chúng tôi đến thăm những vườn đào ngoài bãi sông Hồng, nơi được gọi là "dinh mới" của vùng đào Nhật Tân. Những cây đào đang vào độ, sẽ cho hoa vào đúng dịp Tết Mậu Tý đang được người dân cẩn thận chăm sóc, nâng niu. Người thì tưới nước, chị khác lại tỉ mẩn bắc ghế cao bứt từng chiếc lá của mỗi cây. Những ai đến đây dù chỉ một lần cũng nhận ra rằng, tình yêu của người trồng đào mãi như vậy, hết mực yêu quý. Họ coi cây đào như thứ hoa thiêng liêng và nghề trồng đào là một nghề cao quý, đem công sức để tạo nên những cây hoa làm đẹp cho thành phố, cho đời, góp phần làm nên cái tươi mới, rực rỡ của mùa xuân. Và cũng bởi vì để trồng được cây đào không hề đơn giản. Phải mất một năm chăm sóc, đúng kỹ thuật, đúng cách, cộng với đôi bàn tay khéo léo và niềm say mê mới có thể có những thế đào đẹp.

Chúng tôi đến thăm vườn đào của anh Nguyễn Văn Việt khi anh đang chỉnh sửa những gốc đào mình vừa nhập từ trên rừng về để trồng xuống đất, chuẩn bị cho mùa xuân 2009. Anh nói: "Chưa đến xuân Mậu Tý mà đã phải chuẩn bị cho xuân sang năm rồi. Nghề này công phu lắm". Vườn nhà anh Việt có 250 gốc đào thế, hầu hết đang được "tĩnh dưỡng" trong chậu to. Hỏi anh Việt một cây đào này sẽ được bao nhiêu tiền. Anh nói: "Thường thì được 4 đến 5 triệu đồng. Nếu được giá thì lên đến 6 triệu đồng. Còn vào năm nồm nhiều, đào ra hoa trước, thì coi như hỏng...". Nhìn anh chăm sóc cho những gốc đào, càng hiểu rằng công sức anh bỏ ra là rất lớn. Những chủ vườn đào xung quanh đến đây, đều khen những gốc đào của anh Việt có giá trị. Nhất Nhật Tân là cái chắc!

Anh Việt nói rằng, năm vừa qua thành phố Hà Nội đã quyết định chuyển "dinh" đào ra bãi mới. Mặc dù cũng đã có những chính sách cụ thể, nhưng người dân trồng đào vẫn mang trong mình tâm trạng không vui. Bản thân anh cũng chẳng thể vui được, bởi vì ra đất mới, chắc chắn cây đào chưa thể thích nghi ngay. Và dù sao, người dân cũng rất ngại di chuyển, nhất là di chuyển cả một làng đào.

Nghe anh Việt giới thiệu, bà Mão người có thâm niên trong nghề trồng đào. Tôi tìm gặp người đàn bà gầy gò này có dáng đi nhanh nhẹn, tiếng nói sang sảng, những tưởng bà chỉ biết những công việc làm sao để có một cây đào giá trị, nhưng xem ra bà còn biết rõ cả nguồn gốc của nghề trồng đào Nhật Tân. Bà Mão nói: các cụ chúng tôi kể rằng, nghề trồng đào này đã có hàng mấy thế kỷ. Xưa cụ Nguyễn Trãi (1380-1422) có thơ đề về đào Nhật Tân "Một đóa đào hoa khéo tốt tươi. Tường xuân mơn mởn thấy xuân cười. Trông phong ắt có tình hay nữa. Kiện tiễn mùi hương dễ động người". Còn chuyện này nữa: Vua Quang Trung sau khi đại phá quân Thanh, giải phóng thành đô vào ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789) đã sai quân sĩ vượt đèo băng suối đem một cành đào Nhật Tân về Phú Xuân để tặng vợ là công chúa Ngọc Hân làm tin chiến thắng.

Bà Mão còn nói: "Chỉ cách đây chừng 25 năm thôi, ai đến làng đào cũng phải thốt lên thích thú vì khắp các con ngõ, các mảnh vườn vào mùa xuân đều bung nở những cây đào. Nhà nào cũng trồng, không trồng không phải người Nhật Tân. Đào của Nhật Tân lạ lùng lắm, cả ba mùa đều khẳng khiu, mốc thếch, khi hơi xuân thổi tới thì bung hoa rực rỡ".

Đẹp đẽ thế, cây đào Nhật Tân đang bị cạnh tranh thương hiệu bởi những làng hoa khác ở Thường Tín (Hà Tây), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Đông Anh, Bắc Ninh... Người ta trồng đào ở mọi nơi, rồi đem đi bán, nói là đào từ Nhật Tân. Người không sành hoa chẳng phân biệt được, cho nên ảnh hưởng xấu đến một thương hiệu lâu đời.

Đào Nhật Tân, thương hiệu Hà thành

Đã thành lệ, mùa xuân Hà Nội không thể không có hoa đào, cũng như Sài Gòn chẳng thể thiếu hoa mai. Vì thế mà có chợ hoa, chợ hoa xuân Hàng Lược, Quảng Bá, Nhật Tân, trong rực rỡ của hàng ngàn hoa thì hoa đào đặc trưng nhất.

Tôi gặp chị Hiền trong vườn đào, khi chị đang bắc ghế cao để bứt lá cho từng cây đào. Nhà chị có khoảng 200 gốc. Hỏi về nét đặc trưng về đào của Nhật Tân, chị nói: "Đào nào cũng đẹp, nhưng đặc trưng của đào Nhật Tân là thanh nhã nhưng mặn mà; mỏng manh mà tràn trề sức sống, cành tíu tít nhưng không hề rậm rạp, sai hoa chẳng tẻ nhạt chút nào”. Đó có phải là thương hiệu riêng của hoa đào mà không nơi nào có được?

Chị Hiền không giấu giếm chuyện gia đình. Chị nói những ngày đào phải dời đi “dinh” mới, chồng chị cứ đứng ngồi không yên, lúc nào cũng buồn bã. Chị Hiền nói:

"Các cậu cứ đến làng hoa Ngọc Hà mà xem. Một làng hoa nổi tiếng như thế. Người trồng hoa cuối cùng ở Ngọc Hà giờ cũng chẳng còn "sống" được bao lâu nữa. Nhiều vườn nhà đã biến thành những móng nhà đầy bê tông cốt thép để mọc lên những ngôi nhà cao vút. Có khi nào làng đào Nhật Tân cũng chịu chung số phận như vậy? Điều đó thật là khủng khiếp".

Tiêu chuẩn của đào Nhật Tân dù là đào bích, thắm hồng như môi thiếu nữ, đối với đào phai phớt hồng thì năm hay mười cánh đều mỏng tang, có chút gì đó e lệ thẹn thùng. Đối với đào cành thì nụ và hoa phải đều tăm tắp, đậu trên cành vút thẳng. Để có được những tiêu chuẩn thành thương hiệu đó, đâu phải đơn giản. Người trồng đào phải bỏ ra bao công sức của nhiều năm trời và đúc rút kinh nghiệm. Người trồng đào, người chơi đào ngày càng tiến đến sự tinh hoa, chơi hoa là thú chơi tao nhã. Và điều gì sẽ xảy ra, nếu Hà Nội mất đi thương hiệu đào Nhật Tân? Mỗi mùa xuân Hà thành, sẽ vắng bóng những chợ hoa đào trên phố. Không ai muốn như vậy, những người yêu hoa càng không. Tôi chào tạm biệt, mang theo tâm nguyện của người trồng đào, là không thể để mất thương hiệu. Đào Nhật Tân là của người Hà thành, và họ có trách nhiệm gìn giữ.

Cái hồn cốt của hoa thì không có giá. Cũng như chẳng ai trả lời được hạnh phúc giá bao nhiêu vàng. Thôi Hộ đã viết: Hoa đào năm ngoái... Có lẽ, chẳng có hoa nào là hoa năm ngoái cả, nàng trinh nữ đào sẽ mãi thắm như xuân nào cũng tươi mới. Mà sự đóng góp của đào đã đến biết bao xuân. Đào là xuân mà xuân là đào. Cái đẹp ấy là sức mạnh để chiến thắng thời gian.

Phóng sự của Nguyễn Văn Học

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang