• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người đánh thức hồn cây và đá

Nguồn tin: Khánh Hòa, 23/12/2007
Ngày cập nhật: 25/12/2007

Không học hàm, học vị, không phải là giáo viên nhưng nhiều người vẫn gọi ông là thầy với tất cả lòng kính trọng. Ông là Nguyễn Đình Huấn, một nghệ nhân cây, đá cảnh, hội viên Hội Nghệ nhân sinh vật cảnh TP. Nha Trang.

° Đam mê với nghề

Gặp ông tại một lớp trồng hoa, cây cảnh, tôi nghe nhiều người gọi ông bằng thầy. Ông Huấn có khuôn mặt vuông, đôi mắt sáng, toát lên nét cương nghị nhưng gần gũi. Ông sinh năm 1947, quê gốc Nam Định. Ông kể: Ông nội ông là người học giỏi, đỗ đạt nhưng không muốn làm quan, chỉ “thích” làm ông đồ. Bố ông cũng theo nghiệp dạy học, đi dạy tại một trường tư thục trong vùng nhưng cũng có “máu” chơi hoa, cây cảnh. Trước nhà, ông xây hẳn một non bộ bằng đá Ninh Bình, cao tới 6 - 7m và có vườn cảnh làm thú tiêu khiển. Ông Huấn mồ côi cha từ năm lên 7 tuổi nhưng có năng khiếu bẩm sinh, viết chữ bằng hai tay rất đẹp. Có lẽ năng khiếu “trời cho” đó đã giúp cho ông sau này có đôi “bàn tay vàng” của một nghệ nhân. 16 tuổi, Đình Huấn gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong và đi đến nhiều chiến trường ác liệt. Ông đã được tặng khá nhiều danh hiệu dũng sĩ trong chiến tranh. Ông vừa làm vừa học. Học hết cấp 3, do sức khỏe yếu ông trở về thi vào Trường Hàng hải. Học đến năm thứ 2 thì ông có tên trong danh sách đi du học ở Ba Lan. Nhưng do trục trặc nên ông không đi du học mà về làm cán bộ. Rồi sau đó, ông cưới vợ, sinh con, có một gia đình hạnh phúc.

Năm 1981, một số bạn bè cũ rủ ông vào Nam làm công nhân cho một công ty cung ứng tàu biển. Làm được một thời gian, vì nhiều lý do, ông quyết định nghỉ việc, và khởi nghiệp nghệ thuật làm cảnh. Nhà ông trở thành “hội quán”, nơi nhiều anh em nghệ nhân tụ tập, trao đổi. Người ta gọi nhóm nghệ nhân của ông với cái tên lãng tử: nhóm Hoàng Mai…

° Từ vườn bonsai “Trăm dáng”

“Đến giờ này tôi vẫn cố bảo thủ lối sống vì nghệ thuật. Cái sĩ diện của một người làm nghệ thuật không muốn đánh mất những gì mình trân trọng, vì vậy tôi không màng đến kinh doanh. Bán đi một cây cảnh ưng ý mình dày công tạo dựng, kiếm chút đỉnh tiền nhưng lại đánh mất niềm đam mê, cứ thấy trống vắng thế nào ấy…”, ông Huấn nói với tôi về nhân tình thế thái, giọng trầm xuống.

Để có đất “dụng võ”, ông thuê hơn 1.000m2 đất sau Nhà Thiếu nhi tỉnh để tạo dáng, sắp đặt và bố trí cây cảnh. Đến thăm vườn cây cảnh của ông, tôi như lạc vào mê cung của hàng trăm cây kiểng, mỗi cây một dáng, một thế, phong phú, đa dạng. Đây là vườn cây cảnh mà ông để tâm chăm sóc, gây dựng suốt hàng chục năm qua. Chỉ vào một cây nhỏ, xinh xắn trong chậu, ông nói: “Đây là cây lộc vừng mà tôi mua ở đường Nguyễn Thị Minh Khai với giá 1,5 triệu đồng, sau khi đưa về tạo dáng, phối với một vài viên đá, chuyển chậu, giá trị của nó đã tăng gấp 10 lần. Một số người ở Hà Nội vào chơi trả 15 triệu đồng nhưng tôi không bán. Chơi cây cảnh vô giá là vậy!”. Rồi ông say sưa giảng giải về nghệ thuật chơi cây cảnh: Thế dáng của cây, người ta chắt lọc từ thiên nhiên mà ra, tất cả đều “bắt chước” từ bàn tay của tạo hóa. Cây mọc khắp nơi, có khi trên đỉnh núi, vách đá cheo leo hay ở bình nguyên rộng rãi. Do địa hình, vị trí mà cây có dáng vẻ, thế đứng khác nhau. Mọc ở vách đá, cây có dáng thác đổ hay truy phong; mọc ven suối, có gió Đông Nam thổi, cây đâm ngang có dáng thác đổ; mọc ở khoảng rộng, dáng thẳng gọi là thế trực… Căn cứ vào đó, người ta chia cây cảnh thành 5 thế chính: thế trực, hơi nghiêng, nghiêng, bán thác đổ (thế huyền) và thác đổ.

Chơi cây kiểng là tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc. Đàm luận về cây, người ta còn thể hiện hàm ý nói về thế giới quan, nhân sinh quan của con người mang đậm triết lý Lão, Khổng. Ông Huấn lấy ví dụ: Thế mẫu tử là 2 cây cùng một gốc, cây lớn 5 tầng, cây bé 3 tầng như tấm lòng người mẹ bao dung, che chở cho con. Ngoài ẩn ý tình mẫu tử còn nói lên nhiều quan niệm khác như tam cương, ngũ thường. Nếu cây con 2, mẹ 4 gọi là nhị thập tứ hiếu, con 3 mẹ 4 là tam tòng tứ đức. Hai cây song song với nhau (song thụ) thì gọi là phu phụ, tỉ muội hay huynh đệ… Nói chung, có vô vàn cách gọi tùy theo chủ ý của người chơi.

Theo ông Huấn, vị trí đặt cây cũng vô cùng quan trọng. Không phải cứ thừa tiền mua cây về chơi, muốn đặt ở đâu cũng được. Cây đưa về phải đặt trong một không gian, vị trí phù hợp với tổng quan của ngôi nhà, với nội, ngoại thất. Nếu đặt không đúng chỗ sẽ làm giảm giá trị của cây. Việc sắp đặt, bài trí đòi hỏi chủ nhà phải có con mắt nghệ thuật hay được tư vấn của người sành chơi. Trong nghệ thuật tạo bonsai, người ta thường dùng gốc ghép, ghép giữa một cây “cao niên” với một cây “trẻ” phát triển nhanh, vừa tăng sức sống cho cây, vừa tạo cho cây có dáng lão “cổ thụ”. Bonsai thực ra là hình ảnh thu nhỏ của cây ngoài tự nhiên.

° Đến “công viên”… đá cảnh

Ông Huấn đưa tôi về nhà xem bộ sưu tập “đá” ở số 41 Nguyễn Trãi, Nha Trang. Hàng trăm viên đá nằm trơ trơ, lớn có, nhỏ có, đủ các hình khối. Bước vào khu vực “tập kết” đá, ông bảo: “Đá này tôi phải đặt mua nhiều nơi. Có khi xe chở tới, tôi lựa chẳng được viên nào nhưng cũng phải hỗ trợ tiền xăng xe cho người ta. Công lao động của mình quý thì của họ mình cũng quý, có khi bồi dưỡng tiền xe tới 500.000đ/xe”. Phía trong là xưởng đá, 2 người thợ trẻ đang loay hoay bên những viên đá. Ông Huấn nói có vẻ triết lý: “Nghệ thuật chơi đá cảnh không phải như những loại cảnh khác là gia công, thêm bớt mà ở đây, việc phát hiện ra ý nghĩa của viên đá và làm chân đế cho nó mới là một công trình hoàn chỉnh. Đá mang ý nghĩa trường tồn. Đá có trước ta hàng vạn năm và đá “sống” mãi khi ta đã mất hàng vạn năm. Đá là vĩnh cửu, bất di bất dịch, làm sao ta có thể can thiệp vào đời sống của đá”. Ông Huấn đã lựa chọn được hàng trăm viên đá, nhưng ông tâm đắc nhất là viên đá mà ông đặt tên là Tiết hạnh. Đúng như tên gọi của nó, viên đá có hình thù giống như một phụ nữ với dáng ưu tư, thủ tiết. Đặt tên cho đá đối với ông cũng là một công việc hết sức khó khăn. Ông chỉ mới đặt tên cho khoảng vài chục viên trong số hàng trăm viên đá đủ mọi hình thù, góc cạnh.

Công việc làm chân đế cũng không đơn giản. Ông Huấn bảo: Nhiều thợ giỏi từ các làng mộc Đồng Kỵ, Từ Sơn vào đây cũng chào thua. Và bây giờ, 2 người thợ còn làm việc ở đây, nghĩa là họ đã thỏa mãn độ “khó tính” của ông. Đá có nhiều góc cạnh, để cho đá đứng và chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của đá thì phải tạo cho viên đá một thế “vững như bàn thạch”. Điều đặc biệt hơn là, chân đế phải có hình dáng thế nào để tôn vinh nét đẹp hồn đá.

Hiện nay, “gia tài” làm cảnh của ông có hơn 300 loại bonsai, 200 viên đá cảnh các loại. Đây là một tài sản kếch sù, kết tinh biết bao công sức, tâm huyết của ông mà không phải nghệ nhân nào cũng có được. Ông Huấn không nói giá trị của chúng là bao nhiêu nhưng tôi biết, đó là một kho tàng vô giá.

Quang Viên

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang