• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hoa nhiều nhưng khó bán

Nguồn tin: Thời báo KTSG, 20/12/2007
Ngày cập nhật: 24/12/2007

Gần 700 héc ta nhà kính trồng hoa tại Đà Lạt mỗi nơi làm một kiểu, mạnh ai lấy làm, biết gì làm nấy. Hậu quả là chất lượng hoa mỗi nhà một khác, rất khó xuất khẩu.

Kéo chiếc vòi tưới phun nước trắng xóa với đường ống lấm đất dài nhằng dọc theo các rãnh cây đồng tiền và hồng đang nở hoa, ông Vũ Hoàng Anh (ở số 58 Vạn Thành, Đà Lạt) có vẻ vui vì đợt này hoa được giá. Khu nhà kính rộng 3,6 sào để trồng hoa, khung bằng tầm vông, mái lợp nhựa bóng của ông đã được vài năm nhưng trông vẫn mới. Ông Anh nói: “Nhà kính này làm theo kiểu Hasfarm đó, tôi thuê thợ từng thi công nhà kính trong đó làm”. Trước đây, ông xây nhà mái vòm không theo quy cách nào nên rất bí, nóng, cây hoa hay sinh bệnh. Còn căn nhà mái đuổi hiện nay cao, thoáng hơn, hoa phát triển rất tốt. Rút kinh nghiệm những năm trước, thay vì chôn tầm vông làm trụ trực tiếp vào đất rất dễ mục do ngấm nước, ông thay thế các chân trụ bằng xi măng hoặc cọc sắt rồi nối cây vào nên nhà kính tầm vông hiện nay bền hơn trước. Về độ cao nhà kính, theo ông Anh, càng cao càng tốt, nhưng cao bao nhiêu là đạt chuẩn thì ông Anh chịu. “Cứ làm đại, chung quanh làm sao thì tôi làm vậy”, ông cười xuề xòa.

Cũng làm nhà kính tầm vông, mái đuổi trồng hoa hồng nhưng ông Nguyễn Công Hóa (nhà số 88C, Vạn Thành) lại yêu cầu thợ phải làm nhà có độ cao 3,5 mét. “Với hoa hồng đáng lý là phải cao hơn nhưng tôi không đủ tiền”. Đầu tư hơn 140 triệu đồng làm nhà kính rộng bảy sào - tính bình quân hơn 20 triệu đồng/sào, một số vốn đầu tư không nhỏ với những nông dân nghèo như ông Hóa. Nhưng đó là giá cách đây hai năm, còn hiện nay theo ông, do vật giá leo thang, muốn làm phải mất trên 200 triệu. Như nhiều người ở Vạn Thành, ông Hóa đã phải tìm cách vào Hasfarm để học hỏi, rồi về liệu túi tiền áp dụng được đến đâu thì làm đến đó.

Một thống kê của ngành chức năng cho biết tỉnh Lâm Đồng hiện có đến gần 2.500 héc ta đất đang trồng hoa, chủ yếu tập trung tại Đà Lạt và các vùng phụ cận như Hiệp Thạnh, Hiệp An thuộc Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương với sản lượng lên đến gần 800 triệu cành/năm. Năm 2001 diện tích trồng hoa tại Đà Lạt chỉ trên 200 héc ta, đến nay, tổng diện tích đã lên trên 1.000 héc ta. Trong số này, theo kỹ sư Nguyễn Văn Tới, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt, đã có khoảng 700 héc ta phủ nhà kính.

Ngoại trừ các công ty tên tuổi như Hasfarm, Bonie Farm... phần lớn nhà kính của người trồng hoa Đà Lạt được che bằng tầm vông tạm bợ, mái phủ bằng tấm nhựa, vách lưới, tưới tay, rất ít nhà có hệ thống tưới tự động, như trường hợp nhà ông Hóa, ông Anh. Không ít chủ nhân của những nhà kính loại này là nông dân lâu nay trồng rau, nay chuyển sang trồng hoa, với đồng vốn có hạn, kinh nghiệm ít nên ai bày sao làm vậy. Chính vì vậy, những nhà kính tại Đà Lạt mọc lên chẳng có cái nào giống cái nào, hay nói như ông Trần Huy Đường, Phó chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, chủ trang trại Langbian Farm: “Ai nghĩ ra kiểu gì làm kiểu nấy”.

Từ quy mô nhà kính, có thể thấy tính chất nhỏ lẻ manh mún trong sản xuất hoa tại Đà Lạt. Rất hiếm nhà kính lớn, thông thường mỗi hộ dân chừng vài trăm mét vuông, hộ lớn nhất không quá vài héc ta. Ngay trong từng nhà kính, rất nhiều hộ trồng xen kẽ nhiều chủng loại hoa, quy trình trồng, chăm sóc cũng chẳng nhà nào giống nhà nào nên sản phẩm thường không đồng nhất về mặt chất lượng. Ông Võ Đức Trung, Giám đốc Công ty Thái Sơn, Đà Lạt - doanh nghiệp có hợp đồng xuất hoa đi Nhật, cho biết công ty gặp khó khăn vì không tìm đủ lượng hoa cùng mẫu mã cho một lô hàng nếu khách yêu cầu số lượng lớn. “Chỉ là hoa cúc thôi nhưng nếu mua của hai nhà kính khác nhau thì hoa to, nhỏ khác nhau, màu sắc cũng khác nhau”, ông Trung nói. Một khảo sát gần đây của Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam, cho thấy lượng hoa Đà Lạt xuất khẩu hiện nay chiếm tỷ trọng không quá 5% (chủ yếu là của các công ty nước ngoài), còn lại được tiêu thụ nội địa, trong đó thị trường TPHCM chiếm 55%, các tỉnh miền Trung 30% và Hà Nội 10%.

Một số nông trại hoa hiện nay tại Đà Lạt đang cố hiện đại hóa nhà kính để trồng hoa cho xuất khẩu. Chẳng hạn như Langbian Farm đang xúc tiến mua lại 1 héc ta nhà kính sản xuất tại Trung Quốc với giá 250 triệu đồng/sào với đặc điểm có thể tháo lắp, có công nghệ tưới tự động và điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ bằng lập trình. “ Về lâu dài người trồng hoa Đà Lạt có thể áp dụng mô hình nhà kính như kiểu Hasfarm, Apollo hay nhập của Trung Quốc như tôi nhưng quả thật hiện nay còn rất ít người có thể kham nổi vì quá đắt tiền”, ông Trần Huy Đường nói.

Viết Trọng

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang