• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đoạn kết buồn của cánh đồng hoa 600 triệu đồng/ha

Nguồn tin: SGTT, 11/8/2006
Ngày cập nhật: 14/8/2006

Gần cả ngàn hộ dân của ba xã Đoàn Thượng, Gia Xuyên và Thạch Khôi (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã tình nguyện bỏ ruộng giao đất để trồng hoa hồng theo dự án trồng hoa hồng xuất khẩu của tỉnh Hải Dương. Rồi cũng chính họ nhổ bỏ đi từng gốc hoa hồng mà hơn hai năm đổ mồ hôi trên từng luống hoa để mong được một cánh đồng hoa 600 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Thế Thuần, chủ nhiệm HTX dịch vụ Đoàn Thượng với tấm ảnh chụp lãnh đạo tỉnh tham quan dự án hoa hồng 600 triệu đồng/ha.

Dự án đổ vỡ, hơn hai năm dãi nắng dầm sương với hoa, ruộng lúa không còn, tiền công mà các xã của huyện Gia Lộc cam kết trả cho bà con xã viên làm công nhân cho dự án hoa hồng cũng không có. Bởi các xã tham gia dự án cũng đang mắc nợ tiền tỷ từ dự án hoa hồng.

Những những cánh đồng hoa hồng giờ đã là những luống dưa đang mùa cho quả. Nhắc đến chuyện cũ, bà Nguyễn Thị Xuyến, một xã viên tham gia dự án hoa hồng của thôn Đĩnh Đoài, xã Đoàn Thượng, lắc đầu: “Đừng tin... ở hoa hồng”. Bà Xuyến là một trong những xã viên gánh chịu hậu quả bởi việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không hiệu quả, và buồn hơn những nông dân như chị đã mất lòng tin vào hoa hồng từ những ý tưởng tốt của những nhà quản lý, nhưng lại không lường trước được rủi ro khi triển khai dự án về cấp cơ sở.

Giấc mơ hoa

Bà Nguyễn Thị Xuyến, một xã viên tham gia dự án hoa hồng của thôn Đĩnh Đoài, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, Hải Dương

Bà Xuyến vẫn còn nhớ như in những ngày đầu tiên của dự án trồng hoa hồng xuất khẩu vào năm 2003, khi lãnh đạo tỉnh Hải Dương, huyện Gia Lộc chọn xã Đoàn Thượng làm thí điểm trồng hoa hồng. Cán bộ xã đến từng nhà vận động người dân tham gia dự án, lãnh đạo tỉnh cũng đôn đốc đi về chỉ đạo triển khai dự án. Người người, nhà nhà nuôi ước mơ thôn xã của mình sẽ là một Vân Nam mới của Việt Nam trong nghề trồng hoa (dự án trồng hoa được triển khai từ mô hình trồng hoa của tỉnh Vân Nam , Trung Quốc). Và giấc mơ hoa gần hơn, thực tế hơn của bà con nông dân ở xã là khoản thu nhập 500.000 đồng/tháng/xã viên khi làm công nhân cho dự án hoa hồng – khoản thu nhập trong mơ đối với nông dân ở huyện thuần nông Gia Lộc.

Giấc mơ cũng sớm thành hiện thực vào tháng 6.2003, Dự án hoa hồng được ký kết giữa công ty TNHH Nhân Văn có trụ sở tại Hà Nội và ba xã Đoàn Thượng, Gia Xuyên và Thạch Khôi. Theo đó, thời gian hợp đồng trồng hoa là 4,5 năm, kể từ tháng 9.2003 đến tháng 3.2008. Công ty Nhân Văn chịu trách nhiệm hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng hoa, giống hoa, vật tư phân bón và lo đầu ra. Hợp đồng ghi rõ, nếu dự án gặp rủi ro và thất bại, hai bên cũng chia sẻ rủi ro, các xã tham gia dự án sẽ chịu 2/3 số thiệt hai, công ty Nhân Văn chịu 1/3, lợi nhuận cũng được cam kết phân chia với tỷ lệ trên. Nông dân sẽ trở thành công nhân trồng hoa trên mảnh đất của mình, với thu nhập ổn định 500.000 đồng/tháng. Cánh đồng hoa với giá trị 600 triệu đồng/ha sẽ không còn là xa vời, bởi theo tính toán, mỗi cây hoa hồng sẽ thu hoạch được 60 bông, với giá 300 đồng/bông, mỗi ha có thể trồng được hơn 50.000 cây hoa hồng. Dự án càng thuận hơn, khi UBND tỉnh Hải Dương trích từ ngân sách hơn 3 tỷ đồng hỗ trợ cho việc trồng hoa, thông qua hỗ trợ 50% chi phí cây giống với mức 1.500 đồng/cây. Những HTX tham gia dự án của huyện còn được hỗ trợ cho vay không tính lãi suất.

Giấc mơ hoa đã đâm chồi, những xã viên – “công nhân mới” của dự án đổi đời cho nông dân đã không tiếc sức mình cho dự án của tỉnh nhà. “Nhà tôi chỉ được chia có một sào trồng hoa, nhưng mê dự án này, cả đại gia đình chúng tôi từ con rể, con dâu, con trai, con gái đều xắn tay vào trồng hoa”, bà Xuyến chua chát kể lại. Gia đình bà nhận thêm 6 sào nữa để trồng hoa hồng, ngày mưa cũng như ngày nắng, vợ chồng bà vẫn dãi dầu với hoa. Không đủ tiền để nuôi dưỡng ước mơ hoa, bà Cát phải vay mượn thêm để đầu tư vào hoa, trả tiền công cho những xã viên cùng làm với gia đình. Kết quả mà gia đình bà nhận được là khoản nợ lên đến tiền triệu, và bà cũng là chủ nợ của hợp tác xã (HTX) Đoàn Thượng, với số tiền lên đến 30 triệu đồng, không biết khi nào mới nhận được.

Chưa nở đã... tàn

Anh Nguyễn Thế Cao, một xã viên tham gia dự án hoa hồng ở Đoàn Thượng kể và trưng ra tờ giấy khất nợ 14 triệu đồng của HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đoàn Thượng

Hoa hồng chưa kịp nở, đã rụng và dự án trồng hoa cũng phá sản. Như bao lý do khác trong nông nghiệp, cây thiếu chất dinh dưỡng, bệnh đốm nâu, sâu khoang, bệnh khô cành phát triển mạnh. Thêm vào đó, công ty TNHH Nhân Văn không phối hợp đúng trách nhiệm theo hợp đồng kinh tế, không cung ứng kịp thời giống, vật tư, phân bón thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến việc cây bị chết trắng... Trong báo cáo gởi cho Huyện ủy Gia Lộc vào tháng 6.2006 của xã Đoàn Thượng vẫn còn “thời sự” đối với những nông dân tham gia dự án. “Tình hình cán bộ và nhân dân hiện đang rất bức xúc và phức tạp. Nhiều hộ xã viên trong diện tích dồn điền đổi thửa để trồng hoa hồng và làm công cho HTX, cho đến nay sau hai năm vẫn chưa được thanh toán, cuộc sống của những gia đình này đang đặc biệt gặp khó khăn”.

Chuyện gì đến cũng đã đến, ngày 24.5.2005, công ty Nhân Văn chính thức phá vỡ hợp đồng, để lại cho những xã tham gia dự án món nợ khổng lồ từ hoa hồng, và giấc mơ bong bóng của bà con nông dân cũng tan vỡ. “Xót xa nhất là vụ đông năm đó, mùng một tết chúng tôi phải ra đồng, nhổ những cây hồng chết khô để chuẩn bị vào vụ mới”, anh Nguyễn Thế Cao, một xã viên tham gia dự án hoa hồng ở Đoàn Thượng kể và trưng ra tờ giấy khất nợ 14 triệu đồng của HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đoàn Thượng. Đó là tiền công mà anh Cao đã bỏ ra gần hai năm để làm công nhân trồng hoa cho dự án.

Theo ông Nguyễn Thế Thuần, chủ nhiệm HTX dịch vụ Đoàn Thượng, cả xã có 771 hộ dân tham gia, với 37ha đất trong tổng số 47ha của toàn dự án. Kết quả thu được từ dự án hoa hồng của xã Đoàn Thượng là khoản nợ tổng cộng gần 6 tỷ đồng. Theo ông Thuần, “không biết bao giờ mới trả được và đau xót hơn là xã không có tiền để trả nợ cho những nông dân đang gặp khó khăn, khi tham gia dự án”. Vị chủ nhiệm HTX nói: “Tôi như người đi lừa đảo bà con nông dân, bởi những lời hứa đắp đổi qua ngày, nhưng không thể nào thực hiện được”. Giải quyết khó khăn cho nông dân là vấn đề mà lãnh đạo xã đang gấp rút thực hiện, nhưng lực bất tòng tâm. Trong biên bản khất nợ của HTX có đoạn, do dự án hoa hồng thất bại, nên HTX chưa có nguồn thanh toán ngay cho các hộ xã viên. Tuy nhiên, HTX cam kết thanh toán trong thời gian sớm nhất. Sớm nhất là đến khi nào, vẫn chưa có câu trả lời.

Nghĩa Hoài

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang