• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cơn sốt “săn” đá cảnh

Nguồn tin: VNN, 04/11/2007
Ngày cập nhật: 5/11/2007

Xã Suối Giàng (Văn Chấn - Yên Bái) nổi tiếng bởi giống chè san tuyết, giờ đây còn trở thành “công trường” khai thác đá cảnh. Bất chấp sự nguy hiểm, bất chấp lệnh cấm của chính quyền, nhiều người vẫn lao vào bãi đá để khai thác.

Theo đó, nguồn tài nguyên quý giá này đang bị “chảy máu”. Sau những gốc chè cổ thụ ở Suối Giàng bị đào bật gốc chở về xuôi, giờ đến mỏ đá cảnh đang bị triệt hạ.

Lấy của trời cho

Sáng sớm, mây còn vần vũ trên đỉnh Suối Giàng, nhiều chiếc xe máy của cánh thợ khai thác đá đã tập kết ở dưới chân suối Lóp. Phải vất vả lắm, chúng tôi mới thuyết phục được cánh thợ cho đi cùng. Người cầm cuốc, người vác xẻng, búa, đục, dây thừng... cứ nối gót chân nhau mà leo dốc. Từ chỗ để xe lên bãi đá mất gần một giờ đi bộ.

Lên tới nơi, cả một bãi đá rộng lớn ở thôn Giàng Cao đã bị đào xới bung bét. Người đục, người đẽo, người đào... tiếng búa đập vào đá nghe chát chúa làm vang cả một góc rừng, cả bãi đá giống như một “công trường”. Anh Tuân (người dẫn đường) cầm một hòn đá nhỏ trên tay nói: “Đây là tiền cả đấy!”.

“Tiền quái gì cái hòn đá vô tri vô giác này?”, tôi thắc mắc. Anh Tuân liền với chiếc chổi cứng, quét sạch hòn đá, rồi giơ lên dội một ít nước và đưa cho tôi xem. Hòn đá tự nhiên đổi màu, các đường vân hiện lên rõ nét. Dưới ánh nắng sớm, hòn đá lung linh với nhiều màu sắc.

Càng nhìn kỹ càng đẹp. Hòn này mang về Hà Nội bán ít cũng có vài trăm nghìn đồng. Theo anh Tuân, đá ở Suối Giàng quý hơn ở nơi khác vì có nhiều vân và nhiều màu sắc khác nhau. Có ngày các thợ khai thác đá kiếm được hàng triệu đồng ở bãi đá này, nếu tìm được “tác phẩm” đẹp.

Cánh thợ đi cùng tôi ban nãy vừa lên đã lao vào làm. Thường thì cứ 5-6 người chung một nhóm. Người tìm, người đào, đục đẽo, ai cũng cố gắng tìm cho được những phiến đá đẹp. Tôi tiến gần tới một tốp thợ đang tách một miếng đá rộng chừng 4 mét vuông. Mấy thanh niên thay nhau quai búa hàng giờ vẫn chưa tách xong tảng đá.

Một người trong nhóm bảo: Hôm rồi, có một “đại gia” chơi đá ở thị trấn Văn Chấn muốn mua tảng đá này làm cái sập đá, nhưng chẳng ai chuyển xuống được. Tiếc của, mấy anh em tôi bóc cái mặt kiếm chút. Giờ tìm được hòn đẹp trên mặt khó lắm, chỉ còn đá ở dưới sâu thôi.

Theo cánh thợ đào đá, Suối Giàng có hai mỏ đá cảnh ở thôn Giàng Cao và suối Lóp. Đá ở suối Lóp có màu xanh hồng và nhiều vân, còn đá ở Giàng Cao không đẹp bằng. Nhưng mỏ ở suối Lóp đã khai thác hết đá trên mặt, giờ các thợ đá đổ dồn về mỏ Giàng Cao.

Khoảng 4h chiều, tốp thợ mới chuẩn bị đưa đá xuống núi. Hòn nhỏ thì cho vào bao, hon to thì chằng dây thừng, 5-6 người cùng khiêng. Việc tìm đá khó bao nhiêu thì việc vận chuyển xuống khó gấp trăm lần. Những hòn to và nặng hàng chục người mới đưa xuống được.

Thường thì khi đào được hòn đẹp, phải chằng dây rồi dùng đòn khiêng xuống. Cứ theo dốc núi mà đi. Thợ khai thác đá nào cũng dính đầy sẹo ở chân, tay. Nhẹ thì chảy máu, nặng thì đứt ngón chân như chơi vì đá rơi phải. Khó khăn, nguy hiểm là vậy mà cánh thợ chẳng ai bỏ.

Vì bỏ thì chẳng có việc gì kiếm ra tiền. Công mỗi buổi được vài chục, hôm nào vớ được hòn đẹp thì có vài trăm. Cứ như thế mấy tháng gần đây cánh thợ này đã đưa xuống trót lọt hàng vạn hòn đá cảnh khác nhau.

Trời sẩm tối, nhiều chiếc xe ngựa, công nông được đưa lên đợi sẵn ở chân núi Khỉ để vận chuyển đá về xuôi. Khi mang được đá về nhà, các ông chủ mới phân loại và tỉa lại cho đẹp. Từ ngày có nghề khai thác đá cảnh, nhiều người đã ăn lên làm ra trông thấy, có người bỗng dưng trở thành tỷ phú.

Tài nguyên chảy vào túi ai?

Thực ra phong trào khai thác đá cảnh chỉ bắt đầu sốt từ đầu năm 2007. Người có công phát hiện ra mỏ đá này là một người dân tộc Thái, biết người Trung Quốc rất thích chơi đá cảnh có vân. Vô tình anh ta đã phát hiện được ở núi Khỉ và suối Lóp có loại đá này.

Một mình anh ta âm thầm khai thác. Khi ấy dân địa phương chỉ biết làm thuê, kiếm mấy chục nghìn tiền công mỗi ngày, chứ không hề biết giá trị của loại đá cảnh. Khai thác được bao nhiêu, họ mua bấy nhiêu. Mãi sau này, dân địa ở các xã mới phát hiện đá cảnh được giá. Thế là mọi người mới đổ xô về bãi đá tìm kiếm.

Bất kể ngày đêm từng đoàn người nô nức kéo nhau lên bãi đá. Những lúc đông nhất có vài trăm người. Chẳng mấy chốc đá trên mặt (đá mồ côi) đã bị khai thác hết. ở Nghĩa Lộ và thị trấn Văn Chấn cũng rộ lên phong trào chơi đá cảnh.

Dọc đường lên suối Giàng, cạnh chân nhà sàn, đá cảnh được bày bán rất nhiều. Phải thừa nhận qua bàn tay chỉnh sửa những hòn đá tưởng như vô tri vô giác trở lên có hồn. Thường thì khi đã đưa trên bãi về phải qua nhiều công đoạn khác nhau. Đầu tiên phải rửa sạch bụi bẩn bám quanh, sau đó dùng xà phòng đánh sạch một lần nữa. Để hòn đá nổi hết vân họ dùng vecni hoặc dầu ăn.

Nhờ vậy đá mới bóng và sáng, quan trọng hơn là đá không mất màu. Theo đó giá đá cũng tăng lên gấp nhiều lần. ở Sơn Thịnh có hàng trăm người chơi đá và bán đá. Tuy nhiên, số lượng đá mà các ông chủ ở Sơn Thịnh có được chưa thấm tháp vào đâu.

Dân chơi đá thực sự phải kể đến những “đại gia” ở thị trấn Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Trong vai người mua đá, tôi có vào nhà anh Nguyên - một người chơi đá ở thị trấn Văn Chấn. Anh Nguyên như bị đá bỏ bùa mê. Từ sân, góc nhà, cầu thang, giường ngủ... đều trở thành nơi trưng bày đá.

Theo anh Nguyên, dân chơi đá đúc kết các tiêu chuẩn của một viên đá đẹp phải đạt các yếu tố, đó là hình, vân, sắc, thể, chất. Vừa nói, anh vừa chỉ vào những phiến đá đủ hình quy, xà, sư, nghê... nói một cách hào hứng: Điều đầu tiên mà bất cứ người chơi đá cảnh nào cũng phải quan tâm là viên đá đó có hình dáng gì.

Theo quan niệm của dân chơi nghệ thuật, một viên đá đẹp phải có những “tiêu chí” sau: Nhất nhân, nhị vật, tam vân, tứ cảnh (quí nhất hình người, thứ hai đến con vật, sau đó mới đến đường nét, phong cảnh hiện lên trên phiến đá). Ngoài ra, còn phải xét đến màu sắc và độ cứng của đá. Dân sành chơi bao giờ cũng tìm đến những viên đá nguyên khối. Đó là những phiến đá mồ côi hàng triệu năm được thiên nhiên mài giũa, đẽo gọt mà nên. Đã chơi đá cảnh mà có bàn tay chế tác của con người là vứt.

ở thị xã Nghĩa Lộ cũng có một “đại gia” chơi đá có tiếng là anh Sơn. Anh vốn là một thợ sửa xe máy. Từ khi nghe tin suối Giàng có đá cảnh anh dồn tiền tích góp hơn chục năm trời mua đá hết. Cách đây mấy năm, đá còn rẻ, nên Sơn mua được rất nhiều.

Chẳng mấy chốc anh đã có một bảo tàng đá cảnh. Vào thăm nhà anh từ ngoài cổng, sân, trong nhà đâu đâu cũng thấy trưng bày đá. Hôm rồi mấy khách ở TP.HCM ra thăm đã trả anh trên tỷ đồng cho bộ sưu tập đá này, nhưng anh không bán.

Cần xử lý nghiêm việc khai thác đá cảnh

Vừa qua, một công ty ở Yên Bái đã lên khảo sát và sẽ có kế hoạch tiến hành khai thác với quy mô lớn hơn và bài bản hơn. Tuy nhiên, đến nay mọi việc mới chỉ dừng lại ở đó, chưa có động tĩnh gì. Trong khi đó tình trạng khai thác vẫn diễn ra. Trước tình hình trên, ngày 26-6-2007, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Văn Chấn cũng đã có công văn gửi xã Suối Giàng, yêu cầu chính quyền địa phương ngăn chặn việc khai thác đá cảnh trái phép ở thôn Suối Lóp chứ chưa thấy nói gì đến thôn Giàng Cao.

Chính vì thế, người dân ở đây bỏ không khai thác đá cảnh ở suối Lóp nữa mà lại đổ lên Giàng Cao hòng bán cho các “cai đá” từ Yên Bái vào. Tại UBND xã Suối Giàng đã đặt biển cấm khai thác đá cảnh ở đường lên thôn Giàng Cao, nhưng vẫn có hàng trăm người dân lên khu quy hoạch du lịch sinh thái này để đào bới, khai thác trái phép.

Ông Vàng A Dao, phó Chủ tịch xã Suối Giàng cho biết, để ngăn chặn việc khai thác đá trái phép huyện Văn Chấn đã tổ chức cuộc họp có sự tham gia của chính quyền xã gồm Suối Giàng và 3 xã có người thường xuyên lên khai thác là Sơn Thịnh, Phù Nham và Đồng Khê họp bàn về cách bảo vệ bãi đá. 4 xã cùng cử người thành lập

Đội bảo vệ bãi đá. Trong quá trình hoạt động Đội bảo vệ này khiến việc khai thác đá trái phép giảm hẳn. Tuy nhiên, Đội bảo vệ này hoạt động chưa được một tháng thì giải thể. Thế là các tốp thợ lại quay lại đào bới. Xã Suối Giàng cũng không thể ngăn chặn được.

Ông Dao nói: “Lực lượng của xã quá mỏng, nên không thể lúc nào cũng túc trực ở bãi đá. Hơn nữa, không có tiền mua thức ăn và trả công cho người đi bảo vệ, nên không ai đi nữa”.

Chính quyền xã thì không quản lý nổi, nên bãi đá bị bỏ đấy ai muốn làm gì thì làm. Trong khi đó đá cảnh là nguồn tài nguyên quý giá ở Suối Giàng, nó cần được bảo vệ.

Hơn nữa, sắp tới sẽ có vài dự án du lịch sẽ được đầu tư vào Suối Giàng, nhằm biến nơi đây trở thành điểm đến của du khách. Sau những gốc chè cổ thụ bị bật ngốc, giờ đến đá cảnh bị khai thác vô tội vạ thì Suối Giàng sẽ còn gì? Mong rằng các cơ quan chức năng của Yên Bái sớm có biện pháp giải quyết tình trạng này, trước khi mọi việc quá muộn.

Theo Thanh Sơn (ANTĐ)

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang