• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khu rừng "hộ mệnh"

Nguồn tin: Báo Quảng Nam, 23/11/2013
Ngày cập nhật: 25/11/2013

Đối diện trụ sở UBND xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) có một khu rừng cây cối rậm rạp với nhiều loài gỗ quý, trong đó phần lớn là gỗ muồng. Người dân quanh khu rừng bao đời nay luôn ý thức việc gìn giữ và tôn tạo khu rừng vì nó được xem như “lá bùa hộ mệnh” của họ.

Khu rừng hàng trăm năm tuổi

Trong khi rừng ở các nơi, dù gần hay xa, không ngừng bị “chảy máu” thì khu “rừng cấm” ở Đại Đồng bao đời nay vẫn được người dân bảo vệ rất cẩn thận. Ông Nguyễn Văn Ánh - Trưởng thôn Hà Nha (xã Đại Đồng) cho biết, người dân trong vùng thường gọi khu rừng muồng quý là “cấm Hà Nha”. “Tôi cũng không biết tên gọi khu rừng có từ khi nào nữa, chỉ biết là nó có từ rất lâu rồi. Ngay tên gọi “cấm Hà Nha” cũng để nhắc nhớ bao thế hệ trong làng phải có ý thức gìn giữ và không ngừng chăm sóc khu rừng này” - ông Ánh chia sẻ. Cũng theo ông Ánh, khu rừng muồng “cấm Hà Nha” có chiều dài khoảng 1,5km, chiều rộng tầm 500m. Khu rừng kéo dài từ động Hà Sống cho đến giáp với khu chợ Hà Nha.

Trong khu rừng muồng Hà Nha, nhiều cây cổ thụ có đường kính rất lớn.Ảnh: TIỂU AN

Bà Bạch Thị Ty (SN 1919, trú thôn Hà Nha) cho biết, từ khi còn nhỏ bà đã biết khu rừng này. Tuy năm nay đã 94 tuổi nhưng bà Ty vẫn còn minh mẫn. Bà nói: “Lúc tôi còn nhỏ thì thấy khu rừng muồng ấy có nhiều cây lắm. Cây cổ thụ mấy người ôm cũng có”. Theo bà Ty thì khu vực động Hà Sống rất linh thiêng. Thời chống Mỹ, nhiều cán bộ cách mạng khi bị địch bắt rồi cho vào bao tải rồi vứt xuống sông Vu Gia chỗ động Hà Sống. Nói về điều này, ông Ánh cho biết thêm: “Động Hà Sống thời chống Mỹ đã ghi nhận biết bao tội ác của giặc với cán bộ cách mạng.

Có một thông tin khá thú vị về “cấm Hà Nha” này, đó là ở phía ngoài cấm là dòng Vu Gia chảy qua thôn Hà Nha, phía trong là một cái vũng nước. Theo ông Ánh, điều đặc biệt là vũng nước này không bao giờ cạn. “Dù mùa mưa hay mùa khô nhưng chưa bao giờ tôi thấy vũng nước ấy khô nước cả. Trước đây tôi còn nghe nhiều người cao tuổi kể lại câu chuyện là nếu thả một quả bưởi ở trong vũng nước ấy thì quả bưởi sẽ nổi lên ở phía ngoài sông Vu Gia. Điều này khiến nhiều người tin rằng có một mạch nước ngầm rất lớn thông từ vũng nước và dòng sông. Tuy nhiên, đến nay chưa ai phát hiện ra được mạch nước đó. Có thể qua thời gian, mạch nước ngầm đó bị bồi lấp rồi” - ông Ánh nói.

“Bùa hộ mệnh” của làng

Bao đời nay khu rừng muồng Hà Nha được xem như “bùa hộ mệnh” cho hàng trăm hộ dân sống gần đó tránh được thiệt hại do bão, xói lở và cây rác từ thượng nguồn đổ về mỗi mùa mưa lũ. “Nếu không có khu rừng muồng đó thì thôn Hà Nha với gần 700 hộ dân này đã bị xói lở và bão đánh tan tành lâu rồi. Mà không chỉ thôn Hà Nha, các thôn phía dưới như Lam Phụng, Bàn Tân và cả xã Đại Quang cũng sẽ bị “giải tán” hết mỗi khi bão lũ xảy ra” - ông Nguyễn Thanh Hữu, một người dân thôn Hà Nha tâm sự.

Theo quan sát của chúng tôi, khu rừng muồng có rất nhiều cây to. Có cây to phải 3 - 4 người ôm. Trong rừng, nhiều nhất là cây muồng. Hệ thống thực vật của khu rừng khá đa dạng, ngoài các loài cây cổ thụ tán rộng, các cây ở tầng thấp thì cây bụi cũng rất um tùm. Tất cả tạo nên một khu rừng che chắn bão lũ và chống xói lở đất rất tốt.

Ông Nguyễn Văn Ánh cho biết thêm, ngoài việc gìn giữ cây cổ thụ, hằng năm các đoàn thể của thôn Hà Nha từ Đoàn Thanh niên đến Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... đều có kế hoạch trồng mới cây muồng trong khu rừng. “Gần đây nhất, thôn chúng tôi đã trồng được 500 cây muồng xen vào chỗ các cây già, bị ngã do bão vừa qua. Người dân thôn Hà Nha từ già đến trẻ ai cũng ý thức được việc bảo vệ khu rừng muồng này là bảo vệ cuộc sống của chính mình. Do đó mà khu rừng đến nay vẫn còn tồn tại” - ông Ánh tâm sự. Còn theo ông Lê Viết Mai - Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 (thuộc Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam), việc người dân thôn Hà Nha chung tay bảo vệ khu rừng muồng để góp phần phòng tránh bão lũ và xói lở đất là hành động rất có ý nghĩa. Việc làm này cần được phát huy và nhân rộng.

Động Hà Sống nằm ở độ cao chừng 40m so với mực nước biển, trên một đoạn đường đèo dài khoảng 200m rất hiểm trở, bên trái là vực sâu nằm sát sông Vu Gia, bên phải là vách núi. Phía tây của động là những dãy núi cao hàng nghìn mét, xung quanh động có cả những khu rừng già bao bọc và chỉ có con đường duy nhất lên động. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, động Hà Sống là một trong những chiến trường ác liệt của tỉnh Quảng Nam. Hiện nay động Hà Sống đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

TIỂU AN

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang