• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ông lão mê chim cảnh

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 16/11/2013
Ngày cập nhật: 19/11/2013

Chơi chim cảnh là một thú chơi tao nhã đã có từ lâu đời, được xem là thú vui lành mạnh, giúp tâm hồn thảnh thơi sau một ngày lao động vất vả. Những năm gần đây, phong trào chơi chim cảnh đang lan rộng trong mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, không phân biệt giàu nghèo. Ở một góc khuất giữa lòng Thành Cổ, có ông già dám cầm sổ đỏ để theo đuổi thú chơi này...

Cầm sổ đỏ để chơi chim cảnh

Ở Thành Cổ, thị xã Quảng Trị, ông Phạm Như Tưởng nổi tiếng là người mê chim cảnh, mê đến nổi ông cầm cả sổ đỏ để theo đuổi thú chơi của mình. Điều khiến chúng tôi thấy lạ là cơ ngơi của ông rất bề thế nhưng lại đi cầm sổ đỏ để chơi chim cảnh. Sau tách trà đá mát lạnh, ông cho chúng tôi hay: “Gia đình tôi cũng thuộc bậc khá giả ở đây, con cái đều đã lập gia đình và thành đạt nên vợ chồng tôi cũng không túng thiếu gì trong việc an hưởng tuổi già. Thế nhưng tôi trót mê chim cảnh từ thời niên thiếu nên đành nặng nợ với thú chơi này. Để theo đuổi đam mê mà lại ngửa tay xin con vài chục triệu đồng thì bậc làm cha mẹ như tôi không đành lòng nên...”.

Ông Tưởng gia công gỗ để làm lồng chim

Thích chơi chim từ khi còn là cậu bé nhưng phải đến năm 2000, khi kinh tế gia đình đã khấm khá, con cái trưởng thành thì ông Tưởng mới bắt đầu thú chơi này. Chính ông cũng không thể lý giải được vì sao lại yêu quý những chú chim đến vậy. “Giống khi yêu một cô gái, chỉ biết mình yêu thôi chứ không biết cụ thể yêu vì lẽ gì”, ông Tưởng hóm hỉnh.

Ban đầu, khi ông Tưởng trình bày chuyện mua đồ nghề làm lồng chim và sưu tầm chim cảnh thì gặp phải sự ngăn cản của vợ con. “Vợ con cứ khuyên tôi già rồi nên nghỉ ngơi, nếu có thích thì các con sẽ mua tặng một vài con chơi cho vui chứ đừng nên quá say mê với chúng. Thế nhưng tôi vẫn muốn tự thân vận động để gây dựng cho mình một phòng trà chim cảnh và tạo ra những chiếc lồng chim theo thiết kế của riêng mình cho thỏa chí đam mê”, ông Phạm Như Tưởng từ tốn kể lại.

Hiểu được khát vọng và cá tính của ông nên vợ con không ngăn cản nữa mà tạo điều kiện cho ông thực hiện ý tưởng đó. Ngày mang sổ đỏ lên ngân hàng thế chấp, ông cầm 20 triệu rồi rong ruổi khắp nơi mua chim cảnh. “Lúc cầm tiền trên tay trong người tôi rất rạo rực, chỉ nghĩ đến chim cảnh chứ chẳng lo lắng gì nợ nần hay lãi suất gì cả”, ông tươi cười nói.

Sau một thời gian dài lặn lội tìm kiếm, ông mang về nhà hơn 10 chú chim bao gồm: chào mào, họa mi, chòe than. Còn lại 5 triệu đồng ông dành mua bào, đục, máy khoan tay để làm lồng chim. Ông bắt đầu thiết kế ra những chiếc lồng bằng gỗ để nuôi chim. Ban đầu ông vẽ các mẫu lồng lên giấy rồi đến quán phô tô nhờ chủ quán in ra cho thợ chạm làm theo, các phần còn lại thì ông tự gia công. Sản phẩm ông làm ra tuy không đẹp bằng các lồng nhập từ Huế, Hà Nội nhưng được người nuôi chim đánh giá cao vì mẫu mã lạ, lại có kết cấu vững chắc, độ bền cao.

Những phút bình yên bên “Tứ đại anh hùng”

Mới bắt tay vào làm lồng chưa được bao lâu nhưng đơn đặt hàng đã bắt đầu xuất hiện. Lúc đầu khách hàng chỉ là những người bạn già cùng sở thích nuôi chim cảnh, sau đó là anh em trong Hội chơi chim Thành Cổ. Ngày càng có nhiều đơn đặt hàng nên ông Tưởng làm cả ngày lẫn đêm cho kịp lời hứa với bạn. Thấy ông Tưởng làm lồng “quên ăn, quên ngủ” nên vợ ông, bà Phạm Thị Hoa rất lo lắng: “Ông nhà tôi rất trọng chữ tín vì thế đã hứa ngày giao lồng là phải trước thời hạn chứ không để khách nhắc. Thấy ông ấy cứ hết cưa gỗ rồi lại bào, đục suốt ngày mà tôi đâm lo. Đã 62 tuổi rồi chứ còn trẻ nữa đâu mà làm việc nặng nhọc ấy...”. Ông trấn an vợ bằng những câu hóm hỉnh: “Tôi lao động là để có sức khỏe chứ có nặng nhọc gì mà bà cứ lo xa. Khi nào đủ tiền lấy sổ đỏ về tôi sẽ thôi không làm nữa”.

Suốt 2 năm làm lồng chim cảnh, ông đã lấy được sổ đỏ về và dành dụm thêm một khoản tiền kha khá đủ để “tậu” những chú chim ưng ý. Bây giờ khi nợ nần không còn, ông chỉ nhận làm lồng cho hội viên và người quen để dành trọn vẹn thời gian cho thú chơi chim cảnh. Căn phòng rộng hơn 50 m2 ngay tại tiền sảnh là nơi “trưng bày” trên 70 chú chim cảnh các loại. Ông mở phòng trà chim cảnh không để bán mà để phục vụ mình, bạn chơi chim và cả những ai qua đường muốn ghé lại thưởng thức tách trà nóng, nghe chim hót hay đàm đạo về chim. Ở thị xã nhỏ bé này, tài sản chim cảnh chẳng ai sánh được với ông Tưởng: “Tính sơ bộ từng này chim và lồng cũng ngót nghét trên 300 triệu đồng. Đó là chưa kể đến những chú chim chiến nức tiếng mà ông tâm đắc. Người chơi chim ở đây rất nể ông ấy ở cái tài chọn và chăm sóc chim, đặc biệt là tình yêu mà ông dành cho chúng”, anh Trần Thế Lai, một người chơi chim cho biết.

“Chim cảnh cảm hóa tâm hồn tôi”

Ông Phạm Như Tưởng sinh năm 1952, ở xã Hải Tân, huyện Hải Lăng. Lúc 20 tuổi, ông cùng gia đình vào miền Nam mưu sinh, đến khi chia tỉnh Bình Trị Thiên cũ, ông mới trở về. Lập gia đình và định cư trên mảnh đất Thành Cổ, không có việc làm và đất canh tác nên ông chọn cho mình nghề mổ lợn để mưu sinh. Hàng ngày ông mổ lợn để vợ mang ra chợ bán, ban đầu chỉ 1 đến 2 con nhưng thấy nghề này mang lại lợi nhuận cao nên ông mở rộng lò mổ và tăng số lượng lên 5 đến 7 con để cung cấp cho các lái buôn, tiểu thương trên địa bàn. Vì thế, khi mới bước sang tứ tuần, ông đã có một cơ ngơi bề thế nhất ở khu phố 6, phường 3, thị xã Quảng Trị. Nhưng rồi hàng đêm, cảnh giết mổ cứ bủa vây ông trong những cơn ác mộng. Ngẫm nghĩ lại thấy mình đã có của ăn của để, các con cũng học hành thành tài nên ông quyết định bỏ nghề từ dạo đó.

Qua nhiều năm chơi chim, ông nghiệm ra rằng, để có thể theo đuổi đam mê này, người chơi phải có tình cảm với những chú chim và phải kiên trì bởi đây là một thú chơi tỉ mỉ, công phu. Mỗi người chơi chim đều mê một “đặc tính” riêng của chúng. Có người mê hình dáng, có người mê bộ cánh, có người chỉ thích chiếc mỏ, còn ông lại mê tiếng hót của chim. Ông cho rằng, tiếng hót chính là ngôn ngữ tuyệt diệu nhất, là yếu tố quyết định con chim đó có “chất” hay không. Chính vì vậy mà ông đã chọn cho mình nhiều loại chim hót hay như: họa mi, vành khuyên, chòe lửa, chào mào, khướu, cu gáy. “Mỗi con chim đều có một giọng hót riêng biệt, với những cá tính khác nhau nhưng tựu trung lại là nó cảm hóa và làm say đắm tâm hồn người chơi”, ông Tưởng cho biết.

Nuôi nhiều loại chim nhưng ông thích nhất là chim chào mào và loại chim này chiếm 2/3 số lượng chim cảnh hiện tại của ông. Trong số đó, ông Tưởng “cưng” nhất là 4 con chiến binh được người chơi chim nơi đây mệnh danh là “tứ đại anh hùng” vì nó hội tụ được rất nhiều yếu tố khiến người chơi bị mê hoặc, đó là con Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi, đặc biệt là con chim trẻ Kiều Phong được ông mua ở vùng Cùa (huyện Cam Lộ). Không để tôi phải chờ đợi, ông nắm tay tôi kéo lên tầng 2 để được nghe “tứ đại anh hùng” đua giọng. “Đây là 4 báu vật của tôi, có người trả gần 100 triệu nhưng tôi sẽ không bao giờ bán. Bởi lý do đơn giản đó là những người bạn thân thiết của tôi”, ông Tưởng khẳng định.

Mỗi khi nghe “tứ đại anh hùng” hót, ông như tìm thấy được tính cách mình trong đó, có chút xô bồ, liều lĩnh của thời trai trẻ, lại có tính nhẫn nhịn, đằm thắm lẫn suy tư của tuổi già. Tiếng hót lảnh lót của những chú chim có khi như chuông chùa đều đặn, có khi tiếng hót rộn ràng, lắm lúc mạnh mẽ như muốn phá tan u buồn, lo âu. Những tiếng hót đó đã cảm hóa tâm hồn ông, làm ông sống lạc quan yêu đời, biết vị tha và bao dung hơn. Không những thế ông còn tìm thấy những cách ứng xử đẹp khi chơi chim cảnh.

“Tôi thấy con Trương Phi mỗi lần giáp mặt con Kiều Phong là cứ chét liên tục, khua cánh, cáp lồng đòi đánh nhưng con Kiều Phong chỉ chét và hót lại. Cuối cùng, con Trương Phi cũng nản, đành đứng yên hót đáp trả bằng giọng êm dịu và không “nghênh chiến” nữa vì nhận ra đó là bạn. Có lần ông bạn đem con chim “nhất” sang “đánh” con Kiều Phong của tôi. Con chim đó cứ liên tục khoe mẽ bằng cách xòe cánh, chét lớn hăm dọa nhưng con Kiều Phong lại tĩnh tại hơn, chỉ hót nhỏ nhẹ. Cuối cùng con chim kia quá hiếu chiến và liên tục thể hiện nên đã ăn ngay cú tước giáng trời của con Kiều Phong. Kết quả, con chim của ông bạn lông đuôi rụng gần hết, im tiếng và mào cúp lại vì sợ”, ông hãnh diện khoe với tôi.

Ông bảo, chim dạy cho ta nhiều “chước” như lấy nhu thắng cương, hay sống thì đừng nên khoe mẽ, bạn bè thì chỉ đàm đạo chứ không dùng đấm đá, giữa đám đông nên biết ta là ai... Theo ông, nếu không biết cách chăm sóc thì chim sẽ suy yếu về thể chất và khó khoe được giọng hay, thậm chí còn bị chết. Vì thế, thức ăn cho chúng phải được chú trọng theo từng loài. Nếu như cu gáy chỉ ăn lúa thì chào mào, khuyên, khướu phải dùng thức ăn tổng hợp từ đậu xanh, trứng gà, tôm tươi và cám tổng hợp trộn lại đem rang lên rồi xay nhuyễn. Ngoài ra, ông cũng thường bổ sung thêm sâu tươi, hoa quả để chim có sức khỏe tốt và cho chim tắm để lông mượt mà hơn. Đồng thời phải chú ý đến thời điểm chim chuẩn bị thay lông, phải có nơi đặt lồng yên tĩnh, tránh nơi quá nắng, nhiều gió. Khi chim ngủ cũng cần phải khoác áo lồng để hạn chế ánh sáng, tránh gió, hay các yếu tố làm chim giật mình. Để làm được điều đó, người chơi chim phải thực sự đam mê và yêu chúng. “Như con chim cu gáy này tôi nuôi từ khi đỏ hỏn nên bây giờ thân thiết lắm. Chỉ tôi mới có thể sờ và xoa đầu nó chứ người lạ thì nó không bao giờ chịu”, ông Tưởng chia sẻ.

“Như con chim cu gáy này tôi nuôi từ khi đỏ hỏn nên bây giờ thân thiết lắm. Chỉ tôi mới có thể sờ và xoa đầu nó chứ người lạ thì nó không bao giờ chịu”, ông Tưởng chia sẻ.

TRẦN NHƠN BỐN

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang