• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vạn Thành hoa

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 09/10/2013
Ngày cập nhật: 14/10/2013

Mưa phố núi trắng trời, dầm suốt tháng. Nhưng đời người - đời hoa vẫn nhẫn nại, thao thiết thủy chung. Sinh nghề tử nghiệp, nửa thế kỷ nay người Vạn Thành neo duyên phận với hoa, làm nên sản lượng hoa hồng 70-80% cho Đà Lạt. Phải chăng, loài thực vật này có danh pháp về chi là Rosa (họ Rosaceae) - biểu tượng của sự tái sinh bởi hợp ngữ nghĩa latinh giữa rosa là hoa hồng với ros là mưa và sương. Và hoa hồng là biểu tượng của phục sinh, của tình yêu và dâng hiến.

Hoa hồng thủa khai sơn

Năm 1954, rời vùng đất đồng bằng sông Hồng, vốn xưa cổ là đáy biển, những cư dân tỉnh Hà Nam di cư vào vùng cao nguyên lập nghiệp ở Vạn Thành. Sơ khai, họ trồng rau và hơn chục năm sau đó mới bắt đầu trồng hoa. Những người khởi thủy trồng hoa đếm chưa hết hai bàn tay. Hai người tiên phong là cụ Nguyễn Văn Sáu và cụ Vũ Như Lâm, cùng quê huyện Duy Tiên. Cụ Sáu sinh năm 1920, mất năm 1987 và cụ Lâm sinh năm 1932, mất năm 2012. Cụ Lâm được thành phố Đà Lạt suy tôn nghệ nhân trồng hoa cách đây 6 năm, tiếc là cụ Sáu mất khi thành phố chưa có chủ trương này. Những ngày đầu, hai cụ bàn bạc tìm tòi mang giống hoa hồng về ghép trồng thí nghiệm để chơi. Ông Nguyễn Văn Quỹ, người con trai cả của cụ Sáu nay đã 70 tuổi nhớ lại: Ban đầu, vợ chồng cụ Sáu vỡ đất bên mép dòng suối cạnh triền núi hầm đá bây giờ trồng một khoảnh nhỏ. “Tôi chở cụ bằng chiếc xe 67 đi mua giống. Đến Thái Phiên mua mấy bụi hoa chong chóng (hoa đồng tiền); đến Trại Hầm mua giống hoa hồng bê bê và sang khu 18 (gần thác Cam Ly) mua giống hoa sắc pháo”, ông Quỹ kể. Còn anh Vũ Thế Hào, người con thứ hai của cụ Vũ Như Lâm, nay hơn 50 tuổi, ngừng ghép những gốc hồng đứng dậy chỉ cho tôi:

- “Chính chỗ này là nơi cụ Lâm nhà tôi trồng hồng hồi đó. Tôi nhớ mãi lúc giải phóng Đà Lạt năm 1975, cả nhà chạy loạn xuống Sài Gòn, sau một tháng quay lại Đà Lạt, cả một vườn hồng nở đỏ rực”.

Ông Quỹ cũng xác nhận, những năm 1973, 1974, hoàn cảnh chiến tranh ác liệt nên bông không ai chơi. Mãi đến những năm 90 mới gầy dựng trở lại và bắt đầu có người mua bông. Có gần 10 năm, bông chuyển sang rau, su su để chống đói chứ ai nghĩ đến bông. Năm 1972 trở về trước là thời hoàng kim của hoa hồng ở vườn cụ Sáu. “Nhà tôi chỉ có khoảng 5 sào bông hồng nhưng giá cao lắm, 3 hào một bông, ngày lễ tết lên đến 1 đồng. Cụ nhà tôi tự hào nói thu nhập của cụ bằng lương của bộ trưởng (100 ngàn đồng/tháng đấy”, ông Quỹ kể…

Người làm tự ý bỏ việc, chị Đỗ Thị Thanh Thúy tranh thủ cắt cành cho kịp

Nghề gắn nghiệp

- Cũng kỳ công, hồng khó chăm hơn trồng rau. Sử dụng thuốc không đúng dễ bị mẫn cảm hư hại bông. Nhưng nghề gắn nghiệp mà. Chúng tôi biết làm gì khác đâu, ôm vườn mà sống. Một sào hồng và một sào đồng tiền thôi nhưng sức khỏe không còn phải thuê người làm. Đi tới đi lui vậy thôi, ngồi nhà cũng không được”, ông Quỹ trầm tư chia sẻ.

Chìm nổi đời hoa đời người nhưng thật may mắn, con cháu cụ Sáu, cụ Lâm nối nghiệp tiền nhân. Cụ Lâm có hai anh Vũ Hoàng Anh và Vũ Thế Hào hiện trồng hoa hồng cùng một ít hoa đồng tiền trên diện tích khoảng 1,3 ha. Cụ Sáu có 5 người con trai nối nghiệp, trong đó ông Quỹ có 6/7 người con trai và gái tiếp nối. Cả Tổ Vạn Thành nay có 240 hộ, trong đó 90% trồng hoa. Tổng diện tích hơn 200 ha, 80% là hoa hồng, 20% hoa các loại như ly ly, cẩm chướng, cát tường, cúc, salem... Một sào hồng thu hoạch mỗi tháng 4-5 ngàn cành, Vạn Thành cung ứng cho thị trường trung bình mỗi năm gần 80 triệu cành, trong đó chỉ hơn 10% ra chợ Đà Lạt.

Khoảng năm 1997, ông Nguyễn Văn Quỹ ghép hồng đỏ Hà Lan. Ông nói: Hồi đó ghép 1 mắt 3 ngàn đồng, nhưng mỗi ngày người ta chỉ cung cấp cho một ít thôi. Nay thì không thịnh hành nữa vì năng suất thấp, giá không cao nên bị đào thải theo quy luật. Các loại hoa hồng đỏ tim heo, hồng bê bê, hồng vàng cổ mềm hay sắc pháo cũng vắng bóng. Thay vào đó là hàng chục loại hoa hồng mới như cánh sen, vàng ánh trăng, trắng xoáy, cam ù, hồng nhung, hồng phấn, hồng song tỉ, hồng kiss… Giống mới màu sắc phong phú, thân cứng, cành mập và cổ dài. Thịnh hành nhất hiện nay là trắng xoáy, vàng ánh trăng, đỏ mới… Nhưng cũng từng loại “ăn” theo mùa. Ví dụ trắng xoáy mùa cưới từ tháng 10 trở đi giá cao; vàng ánh trăng giá đều, cao hơn bông đỏ.

- “Hà Nội “ăn” bông kỹ lắm, cành phải mập, dài 80 cm trở lên. Một thiên chỉ lựa được khoảng 30%; tỷ lệ phải 10/8, xuống 7 là không chọn. Bông tuyển Hà Nội giá cao, Sài Gòn “ăn” hầm bà lằng hết”, ông Quỹ diễn giải.

Hàng Hà Nội giá cao gấp 3 lần hàng Sài Gòn cũng đúng thôi vì Sài Gòn hàng nhì, hàng 3, hàng xả cũng có. Nhưng hàng Hà Nội giao dịch thanh toán không thoải mái, nông dân Vạn Thành chẳng mặn mà đóng hàng. Thị trường Sài Gòn chiếm 80%, còn lại là các tỉnh, thành trong đó cả miền Tây Nam bộ lên mua trực tiếp.

Đầu ra cho hoa

Để được cành hồng chất lượng cần một quy trình kiên nhẫn dài, nhà nông bắt nhịp với công nghệ cao. Đầu tiên phải cắm hom hồng dại, sau 6 tháng ghép hoa thật vào gốc cây dại và chăm sóc, sau 3 tháng có hoa bói và cả năm sau mới thu hoạch trong khoảng 10 năm. Hai ngày cắt một lần, nhưng trúng vào khí trời lạnh quá hoa không “đẻ” nhiều. Dù tính ngày nhưng thời tiết ấm lạnh thất thường lắm lúc thất bại. Đầu tư nhà kính 1 sào hơn 100 triệu đồng; hệ thống tưới nhỏ giọt 12 triệu đồng/sào, tưới phun 4-5 triệu đồng/sào. Cành đẹp độ dài 50-60 cm trở lên, hoa to, màu tươi, cổ to và dài, đài cao và ôm đầy, lá không sâu bệnh.

Nhắc đến Làng hoa Vạn Thành, ai cũng biết đến võ sư 60 tuổi Nguyễn Công Hóa, người áp dụng thành công công nghệ ướp hoa tươi để bảo quản lâu dài. Bản thân ông Hóa cũng như mọi người rất muốn Đà Lạt có một chợ hoa riêng, trong đó đầu tư hệ thống làm lạnh. Trước mắt cần thành lập hiệp hội làm trung gian để hoa hồng có đầu ra ổn định chứ trôi nổi như bây giờ không ăn thua. Theo ông Quỹ, lắm lúc nông dân rơi nước mắt vì hoa nở rộ; nhất là dịp tháng 4 đến tháng 6, không có người mua, cắt bỏ để mầm lên. Có vườn phải bỏ đi 70% hoa vì người ta gọi điện lên ngưng lấy. “Giá nông dân không quyết định được mà do vựa ở thành phố quyết định. Trong lúc đầu vào đầu tư nông dân cõng hết trên vai, từ vận chuyển, nhân công, phân bón, thuốc men và cả một dây chuyền không có một sự hỗ trợ nào”, Chủ tịch Hội Nông dân phường 5 Nguyễn Đức Học không giấu nỗi niềm bức xúc thay cho nhà nông trồng hoa.

Mặt khác, để hoa Vạn Thành và hoa Đà Lạt xuất khẩu được nhà nông rất cần đến hỗ trợ kỹ thuật. Khi thị trường thuốc bảo vệ thực vật chưa quản lý chặt thì nông sản xuất khẩu là vấn đề nan giải. Chuyện mấy năm trước, giờ ông Quỹ “vẫn ấm ức vì mình thiệt thòi chính bởi người mình chưa có khoa học, vẫn mắc kẹt không ra được”. Ông tìm được mối xuất khẩu sang Úc 3 thùng 3 thiên hoa hồng các loại. Cầm tiền đô đặt cọc của bạn, ông chuyển hàng xuống thành phố Hồ Chí Minh và bị “ngâm” 3 ngày tại Sân bay Tân Sơn Nhất không đi được. Quay về héo hon cả người lẫn hoa. “Gần như hoa của bà con nông dân Đà Lạt chưa xuất khẩu được vì chúng tôi chưa được tập huấn khoa học thì làm sao có hoa sạch ra được với bạn bè”, ông Quỹ trăn trở. Đem chuyện hỏi Chủ tịch Hội Nông dân, ông Nguyễn Đức Học giải thích rằng, công nghệ sau thu hoạch dân chưa được tiếp cận nhiều. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc trong nhà kính có nhưng không nhiều và không thiết thực. Cán bộ tập huấn chưa có một quy trình chuẩn, họ học từ nông dân rồi tập huấn lại cho nông dân nên không có gì mới đối với bà con khi đã có hàng chục năm đúc rút kinh nghiệm trồng hoa. “Biết rồi khổ lắm nói mãi”, hèn gì những cựu trào như ông Quỹ nói “chưa được tập huấn”(!).

Đóng hoa tự tìm đầu ra

Triệu bông hồng quyến rũ

Dẫu còn những khó khăn nhưng người dân Vạn Thành những ngày này đang chuẩn bị đón Lễ hội hoa. Ông Hóa cho biết sẽ triển lãm tranh hoa, hoa ướp, đã tạo tác xong 20 bức tranh khổ lớn từ 1m x 90 cm, 80 x 80. Anh Nguyễn Hùng Vỹ cho biết, công trình “Đà Lạt, miền đất hoa” bà con đã hoàn thành. Gồm cổng chào lớn và 10 bồn hoa, mỗi bồn diện tích 10m x 1 m, trồng 1.000 gốc hồng đỏ và cam; tổng kinh phí 75 triệu đồng, dân góp 50%. Đang tiến hành khởi công làm hội trường 70 m2 đón tiếp khách, kinh phí 150 triệu đồng, dân góp 50 triệu. Người dân cùng nhà nước làm đường vào các vườn hoa 13 ha trên đồi Trạm xá từ thiện để du khách tham quan. Các vườn hoa của anh Vỹ, ông Anh và một số hộ tiêu biểu dọc đường 725 cũng là những điểm đón khách thưởng lãm.

- Mong muốn của bà con qua dịp lễ hội này là làm sao tìm được đầu ra cho hoa Đà Lạt. Cung càng ngày vượt cầu, nhất là thời điểm thời tiết thuận, hoa “đẻ” mạnh, anh Nguyễn Hùng Vỹ nói.

Không phủ nhận nông dân Vạn Thành có cuộc sống khá là nhờ từ hoa. Hiện tổ có hơn 100 xe hơi, trung bình 2 hộ có 1 chiếc. Tuy vậy, người dân so sánh cách đây khoảng 10 năm, giá bông hồng từ 500-1.000 đồng/bông nhưng đầu tư ít. Hiện giá đầu tư cao hơn nhiều nhưng giá cũng trên dưới 1 ngàn đồng/bông, thậm chí có khi rớt xuống 300, 400 đồng. Ông Nguyễn Văn Quỹ lý giải: “Hồi xưa, Đà Lạt đâu phải làm nhà lồng, nhưng khí hậu lạnh nên năng suất đạt cao. Bây giờ công làm nhiều hơn, thời điểm giao mùa phải xịt thuốc liên tục. Cây hồng chịu nóng ngày, lạnh đêm không ổn định phải đầu tư nhiều mới chế ngự được với thời tiết”.

Hưởng ứng Lễ hội hoa, người dân Vạn Thành muốn giới thiệu, quảng bá và khẳng định thế mạnh của sản xuất, kinh doanh hoa. Đại biểu trong và ngoài nước đến với hoạt động kỷ niệm Đà Lạt 120 năm có dịp tham quan làng hoa Vạn Thành. Đây cũng là gợi mở tiềm năng du lịch tại chỗ của thành phố. Vạn Thành đã thành lập các tổ chức cùng những nội dung cụ thể để đón ngày hội này. Làng hoa Vạn Thành mong chờ nhiều niềm vui mới.

TĨNH XUYÊN

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang