• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vườn đào “chuyên nghiệp” giữa cao nguyên

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 15/05/2013
Ngày cập nhật: 17/5/2013

Không còn là mùa tết với sắc tươi hồng của đào, vàng tươi của quất (tắc) nhưng vườn đào của gia đình anh Lê Văn Khương và chị Hoàng Thị Út xanh rờn màu lá non. Rời quê nhà Đông Hưng (Thái Bình) vào Đức Trọng (Lâm Đồng), anh chị đã mang theo cả một nghề truyền thống của quê cũ để làm giàu cho gia đình và mang thêm hương sắc cho vùng đất cao nguyên quê mới.

“Nhà tôi không chỉ trồng đào, tắc để bán vào vụ tết mà công việc thường xuyên là chăm sóc đào thế do khách chơi tết xong gửi lại vườn. Nhiều năm nay, nhà tôi đã là địa chỉ quen thuộc để người chơi đào tin tưởng gửi lại những gốc đào thế chăm sóc suốt một năm. Như năm nay, sau tết chúng tôi nhận chăm sóc lại 170 gốc đào với đảm bảo Tết Nhâm Ngọ tới, khách sẽ được chưng những gốc đào đẹp với mức giá rất rẻ”, anh Khương, chủ vườn đào kể lại công việc hàng ngày của mình với lời giới thiệu đơn giản. Trên diện tích đất 4 sào, hàng trăm gốc đào thế đang nảy chồi dưới những trận mưa đầu mùa của cao nguyên. Trên khắp tỉnh, đây là vườn đào hiếm hoi nhận chăm sóc đào chuyên nghiệp. Anh Khương cho hay, đào thế là loài cây càng để lâu càng đẹp, trồng qua mỗi năm, gốc đào càng thêm giá trị. Nhưng nếu không biết nghề, gốc đào không thể ra hoa đúng dịp tết Âm lịch. Bởi vậy, sau khi chơi tết, rất nhiều người có nhu cầu gửi lại nhờ nhà vườn có kinh nghiệm chăm sóc với chi phí không đáng kể so với việc mua một gốc đào mới vào dịp tết. Ví dụ như một cây đào mua với giá 2 triệu, anh nhận chăm sóc suốt 1 năm với giá 1 triệu đồng. Để tới dịp tết, họ sẽ nhận về những gốc đào thế nở hoa đúng độ với lời cam kết của chủ vườn, nếu là gốc đào do chính vườn anh bán ra, nếu không có hoa đẹp, khách sẽ được đền bù bằng một gốc đào đẹp hơn.

Vốn là dân gốc làng cảnh xã Hồng Việt, Đông Hưng (Thái Bình), khi vào Liên Nghĩa, Đức Trọng (Lâm Đồng) anh Khương đã nghĩ ngay tới việc trồng đào quất. Mới đầu anh chuyên trồng quất nhưng càng về sau, anh càng chuyển sang trồng đào và say mê với loài hoa đặc trưng xuân xứ lạnh này. Anh cho hay, vườn nhà anh có trồng hai giống đào là bích đào Nhật Tân Hà Nội và đào phai Tam Điệp. Hai giống đào này được ghép trên gốc đào dại Sơn La với ưu điểm chịu khắc nghiệt tốt hơn. Ở Lâm Đồng, khí hậu cũng có lạnh nhưng không tập trung như xứ Bắc quê gốc của cây đào nên cùng thời gian, anh rút ra nhiều kinh nghiệm để “hãm” đào nở đúng thời điểm. Đặc biệt, anh Khương không bán đào cành, mỗi năm anh trồng và cung cấp khoảng 600 gốc đào, đào thế cho thị trường. Chính vì chuyên cung cấp đào thế, anh mới thêm công việc chăm sóc đào sau tết bởi rất nhiều gốc đào anh chăm sóc có nguồn gốc từ chính vườn nhà. Theo anh Khương, đào bích, đào phai trồng trên đất Lâm Đồng không dày hoa và thắm màu như đào xứ Bắc nhưng bù lại, do đất đai, khí hậu nên bông đào rất to, đào phai Tam Điệp từ vườn anh có nhiều bông to bằng chiếc ly, cánh dày được khách rất ưa chuộng.

Không chỉ dựa vào màu sắc của hoa, đào từ vườn anh Khương còn được chủ nhân tạo thế theo nhu cầu “tài, lộc” của người chơi. Từ thế nhất long, song long cho tới ngũ phúc, tam đa, mỗi cây đào gửi gắm một niềm mơ ước của con người mỗi khi xuân tới. “Nghề chơi cũng lắm công phu”, để có được một gốc đào thế nở hoa đúng dịp tết, người trồng đào phải trải qua hàng chục công đoạn công phu như thiến, đào bứng rễ, nhặt lá… mà phải là người gắn bó cả đời với cây đào mới hiểu thấu. Anh Khương tâm sự, mỗi dịp sát tết, khi đào bắt đầu chúm chím nụ, không chỉ anh mà rất nhiều người xa quê đều nao nao nhớ cái lạnh gió bấc quê hương, vườn đào nhà anh trở thành nơi tham quan của rất nhiều người, không ít các cặp cô dâu chú rể cũng chọn vườn đào làm nơi chụp những tấm hình kỷ niệm ngày cưới.

Cây đào xứ Bắc nở hoa, bén rễ trên đất cao nguyên dưới bàn tay của người làm vườn nhiệt tâm. Và với nghề truyền thống ấy, anh Lê Văn Khương mang lại đời sống kinh tế khá giả cho gia đình cũng như góp phần làm đẹp thêm mùa xuân nơi quê mới.

Diệp Quỳnh

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang