• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chơi chim cảnh giữa mùa cúm

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị, 24/04/2013
Ngày cập nhật: 26/4/2013

Từ lâu chơi chim cảnh đã trở thành thú chơi tao nhã của người dân Hà thành. Trên những con phố của Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc lồng chim treo trước thềm nhà, nơi ngõ vắng hay ở một quán cà phê...

Tuy nhiên, giữa lúc tỉnh Ninh Thuận vừa công bố dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến, Trung Quốc tìm thấy virus cúm A/H7N9 trên chim hoang dã, công tác phòng, chống dịch tại các chợ chim cảnh và của người nuôi chim cảnh bị buông lỏng, thờ ơ khiến nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh nguy hiểm này là rất cao.

Thú chơi chim cảnh ngày càng thu hút nhiều người.

Theo các nhà khoa học, chủng cúm gia cầm A/H7N9 bắt đầu từ chim hoang dã. Về bản chất, chủng cúm H7N9 có tám đoạn gene, đều có nguồn gốc từ ba loại virus từng làm gia cầm nhiễm bệnh nhiều nơi trên thế giới và được phát hiện trong chim hoang dã ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Chim cảnh ở nước ta hầu hết đều có nguồn gốc từ chim hoang dã nhưng trong điều kiện nuôi nhốt, chăm sóc nhân tạo còn chưa đạt chuẩn nên chúng khó có khả năng tự đề kháng với dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm virus cúm là rất cao. Mặt khác, các nhà khoa học cho biết, do loại virus cúm gia cầm mới H7N9 khi lây nhiễm cho một số gia cầm có thể không gây ra những triệu chứng dễ nhận biết nên khả năng phát hiện còn khó hơn virus H5N1. Điều này rất đáng lo vì chim cảnh sống chung trong cộng đồng, hay thủy cầm hoang dã bị bắt bán trên phố Hoàng Hoa Thám (đoạn đối diện công viên Bách Thảo) vẫn gần gũi và tiếp xúc với con người, rất khó nhận biết con nào nhiễm bệnh hay không bệnh để phòng tránh. Trước tình hình diễn biến của bệnh cúm A/H5N1 và A/H7N9, chim cảnh đang trở thành một trong những nguy cơ thực sự.

Người chơi chim cảnh vẫn thờ ơ

Trong suốt gần một tháng qua, thông tin về nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H7N9 dường như không có tác động nhiều và khiến những người đã, đang chơi chim tỏ ra quá lo lắng. Ông Đỗ Văn Công, hiện sống ở phố Huế, khi được hỏi có biện pháp gì để bảo vệ cho gần 10 chú chim hiện nuôi trước dịch cúm không, tỏ ra khá chủ quan: "Ở Hà Nội đã làm gì có dịch. Chim của nhà tôi nuôi từ lâu rồi làm sao bị lây bệnh được…". Còn theo anh Nguyễn Minh Đức, chủ quán cà phê trên phố Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng), với hiểu biết của phần đông người chơi, việc chăm nuôi chim cảnh lâu nay khá đơn giản. Dăm ba ngày tắm cho chim và vệ sinh lồng một lần; cung cấp đầy đủ thức ăn cám kèm theo côn trùng và hoa quả tươi; chú ý tới việc bảo vệ đôi mắt cho chim nhằm tránh những kích ứng mạnh từ ánh sáng mặt trời, là cơ bản chim sẽ đủ khỏe mạnh. "Chim rất ít khi bị ốm, mà nếu ốm thì gần như sẽ chết luôn sau đó. Chim chết, mình đem chôn chứ không ăn thì làm sao bị lây bệnh sang người được… (?!)", anh Đức bộc bạch.

Hội thi chim chào mào miền Bắc tại trường Tiểu học Ngọc Lâm.

Có thể nhận thấy, hầu hết người chơi chim đều có cách nhìn khá đơn giản và chưa đầy đủ về dịch cúm đang diễn biến phức tạp hiện nay. Thậm chí ngay cả khi dịch cúm chưa bùng phát, phần đông người nuôi chim cảnh được hỏi cũng cho biết, họ không có bất cứ biện pháp cụ thể nào (như tiêm phòng hoặc nhờ cậy y bác sĩ thú y tới kiểm tra định kỳ) để phòng bệnh cho chim. Đối với nhiều người chơi chim cảnh, việc xuất hiện dịch cúm không phải là điều gì có tác động quá lớn. Những người đã và đang chơi vẫn sẽ tiếp tục chơi! Tuy nhiên thực tế cho thấy, dịch cúm A/H5N1 và H7N9 lại đang có tác động không nhỏ tới tâm lý của những người có ý định chơi mới.

Chợ đìu hiu...

Nghề nuôi và bán chim cảnh mang lại thu nhập khá cao cho một bộ phận người lao động nông thôn, ngoại tỉnh. Tuy nhiên, những thông tin gần đây liên quan tới việc bùng phát dịch cúm gia cầm (A/H5N1 và A/H7N9) lại đang có những tác động không nhỏ và những người buôn bán chim cảnh lại gặp không ít khó khăn.

Nổi tiếng là một trong những "chợ chim" của Hà Nội nhưng trong gần một tháng qua, khu vực cầu vượt Văn Cao - Hoàng Hoa Thám lại rất đìu hiu so với thời điểm trước khi có thông tin liên quan đến dịch cúm gia cầm. Bà Nông Thị Huệ, quê huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn), hiện đang thuê trọ tại gầm cầu vượt để bán chim cảnh bộc bạch: "Là người bán chim, chẳng lẽ lại bảo vì dịch mà người mua thưa thớt. Nhưng đúng là từ khi có thông tin dịch cúm bùng phát ở trong miền Nam thì khách tới mua chim vắng hẳn đi…". Bà Huệ cho biết thêm, làm nghề buôn chim cảnh từ Lạng Sơn về bán tại Hà Nội đã nhiều năm nay nhưng chưa khi nào rơi vào tình trạng ế ẩm như thời điểm hiện tại. Trong bối cảnh chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng vẫn phải đáp ứng đầy đủ mà nguồn thu từ việc bán chim cảnh gần như chững lại khiến không chỉ bà Huệ mà rất nhiều người buôn bán chim tại Hà Nội hiện lâm vào tình cảnh hết sức khốn đốn.

Chăm sóc chim cảnh.

Anh Lê Quang Hòa, ngụ thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) ra Hà Nội mưu sinh bằng nghề bán chim cảnh đã dăm năm nay. Anh cùng hơn 10 người khác cùng quê Thanh Hóa, cùng buôn bán chim cảnh hiện đang thuê trọ gần bến xe Giáp Bát. Khi được hỏi, anh Hòa buồn bã cho biết: "Dạo trước thu nhập cũng khá, đủ nuôi hai đứa nhỏ ở quê ăn học. Giờ thì ế lắm, người ta chỉ hỏi cho vui chứ chẳng ai mua vì sợ dịch. Một vài anh chị em trong xóm tôi đang tính đường về quê rồi…".

... nhưng vẫn còn nguy cơ

Tuy lượng khách tới mua chim cảnh giảm đáng kể nhưng không đồng nghĩa với việc chấm dứt nguy cơ bùng phát và lây lan dịch cúm gia cầm. Những lồng chim, tủ chim được bày la liệt nhưng người bán lẫn người mua đều không đeo khẩu trang, đặc biệt, khi chọn chim cảnh, trả tiền đều bằng tay không mà không mang bất kỳ một dụng cụ bảo vệ nào. Ông Nguyễn Trung Việt, Trạm trưởng Trạm Thú y quận Tây Hồ cũng tỏ ra lo ngại trước những nguy cơ tiềm ẩn đi kèm với các điểm chợ chim cảnh tự phát bày bán các loại chim trên địa bàn quận như hiện nay. Chim cảnh khi nhiễm dịch bệnh sẽ diễn tiến rất phức tạp, bởi công tác kiểm soát, ngăn chặn sự lây nguồn bệnh không phải dễ. Dù trong quý I/2013, Trạm Thú y quận Tây Hồ đã phối hợp với lực lượng chức năng của quận tiến hành kiểm tra xử lý gần 10 trường hợp kinh doanh gia cầm, chim cảnh không rõ nguồn gốc nhưng chắc chắn chưa thể kiểm soát được hết nguồn gốc của các loại chim cảnh được bày bán tại đây.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế dù đã rất tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh bằng cách khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp để chủ động phòng chống cúm A/H5N1 và A/H7N9 lây từ gia cầm sang người nhưng lại không nhắc gì đến con đường lây nhiễm từ chim cảnh, thủy cầm được bày bán công khai. Thiết nghĩ đã đến lúc, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm cần được quan tâm và nhanh chóng triển khai tại các khu chợ này, tránh tình trạng, xảy dịch rồi mới lo dập dịch.

"Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh gia cầm, chim cảnh không rõ nguồn gốc, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống dịch cúm gia cầm cho người dân, qua đó giúp người dân (người mua lẫn người bán) nhận thức rõ hệ lụy khôn lường đi kèm với hoạt động kinh doanh mua bán gia cầm, chim cảnh không rõ nguồn gốc." - Ông Nguyễn Trung Việt - Trạm trưởng Trạm Thú y quận Tây Hồ, Hà Nội.

"Để đảm bảo an toàn dịch bệnh và sức khỏe cho con người, các hộ kinh doanh, nuôi chim cảnh cần thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chuồng, lồng nuôi nhốt. Đối với khu vực có nguy cơ cao hoặc dịch bệnh xảy ra, người nuôi, bán chim cảnh cần có thiết bị bảo hộ như đeo găng tay, khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với chim." - Ông Văn Đăng Kỳ - Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT).

Trọng Tùng

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang