• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thú chơi chim cảnh: Đôi điều suy ngẫm

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 04/03/2013
Ngày cập nhật: 5/3/2013

Phong trào nuôi chim cảnh được xem như một thú vui tao nhã, một loại hình sinh hoạt văn hoá thời thượng. Tuy nhiên, thú vui này vô tình và gián tiếp làm hại nông dân, tiếp tay tàn phá rừng và thúc đẩy sử dụng nông dược độc hại trong sản xuất.

“Chiến sĩ” cần mẫn bắt sâu đáng tuyên dương khi sống tự nhiên

Xin đừng quên rằng, ngoài thiên nhiên, các loài chim săn mồi hay còn gọi là “chim cảnh” tuy nhỏ bé nhưng là những “chiến sĩ” cần mẫn vô cùng hữu ích.

Chúng là những loài chim săn mồi, tự tìm những loài côn trùng gây hại mùa màng, tàn phá cây rừng để bắt làm thức ăn, giúp cho nhà vườn chống lại các loài sâu hại đục cành, đục trái, bảo vệ các chồi non và những hoa, quả non vừa mới hình thành trước nhiều loài dịch hại đang chực chờ tấn công.

Trên đồng ruộng, chúng giúp cân bằng sinh học, khống chế mật độ cào cào, châu chấu và nhiều loài côn trùng gây hại khác không cho sâu bọ phát triển bầy đàn để phát sinh thành dịch lớn. Hằng ngày, chúng trực tiếp bảo vệ đồng lúa, rẫy mía…

Hội thi chim cảnh ở TP Cà Mau. Ảnh: NHẬT HUY

Chính vai trò của chim cảnh ngoài tự nhiên quan trọng, trực tiếp và có ý nghĩa to lớn đối với sản xuất nông lâm nghiệp và môi trường sinh thái nên rất cần được cộng đồng chung tay bảo vệ, tạo điều kiện tốt để sinh sản phát triển lâu dài.

Những “trưởng giả” yểu thọ đáng thương trong lồng son

Hiện nay trên khắp tất cả các thành phố, khu dân cư đô thị trong cả nước có hàng chục vạn cá thể các loài chim nhỏ bé, trong đó có cả những loài quý hiếm bên bờ tuyệt chủng đang bị nuôi nhốt riêng biệt trong lồng son. Chúng được mang một cái tên chung rất sang trọng là “chim cảnh”.

Và mỗi ngày chúng được những ông chủ, bà chủ phục vụ tận tình bằng thức ăn công nghiệp hay bằng sâu bọ mua từ người nuôi hoặc săn bắt bán lại. Những chú chim nuôi này không được bay nhảy chuyền cành như ngoài thiên nhiên để tự do bắt những con mồi ưa thích và tìm bạn đời duy trì nòi giống.

Mỗi cá thể của những loài chim cảnh vốn có đời sống rất ngắn ngủi, chỉ trên dưới chục năm, tuỳ loài, tuỳ điều kiện sống và tình hình dịch bệnh. Trong điều kiện nuôi nhốt liệu chúng sống được bao lâu? Và quan trọng hơn, cảnh “cá chậu chim lồng” riêng biệt làm sao duy trì được loài, thì chỉ trong một vòng đời của chúng là chấm dứt.

Người chơi muốn tiếp tục thì phải mua cá thể khác thay thế, mà hàng vạn người chơi như thế hiện nay, vậy là ngoài tự nhiên tiếp tục mất đi hàng vạn cá thể mới do bị săn bắt để bổ sung vào đội “chim cảnh” ăn không ngồi rồi và chỉ biết hót, bỏ mặc ruộng vườn cho nhà nông vật vã với sâu bọ, côn trùng ngày càng phát triển thì làm sao không lạm dụng thuốc trừ sâu?

Đáng quan tâm hơn, chim cảnh có khả năng nhiễm nhiều loại vi-rút và là mầm mống lan truyền những loại bệnh cúm nguy hiểm có thể lây cho người và gia cầm, nhất là vào những mùa dịch bệnh.

Còn có người chơi chim cảnh thì còn có kẻ mua bán chim, sẽ kích thích nhiều người ra sức săn lùng, tìm bắt để bán. Các nguồn gen chim quý ngoài tự nhiên sẽ sớm mai một, mất giống mà không thể nào khôi phục được.

Thiếu vắng bóng chim thì sâu rầy sẽ càng phát triển, buộc nhà nông phải dùng thuốc hoá học để bảo vệ mùa màng, sẽ càng tích luỹ độc chất trong môi trường sống, trong chuỗi thức ăn, cuối cùng bệnh tật cho người ngày càng nhiều và nguy hiểm hơn.

Cần một cuộc giải cứu từ cộng đồng

Đã đến lúc các ngành chức năng và các địa phương cần thực thi nghiêm chỉnh Luật về bảo vệ thiên nhiên môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Cần sớm có những quy định cụ thể ngăn cấm việc mua bán, nuôi nhốt chim săn mồi với tên gọi “chim cảnh” tại các khu dân cư, rồi triển khai tuyên truyền, vận động mọi người cùng thực hiện các biện pháp bảo vệ các loài chim, đặc biệt là chim cảnh để tránh cho chúng không bị tuyệt chủng do săn bắt, nuôi nhốt theo kiểu “cá chậu chim lồng”.

Cần có cơ chế khuyến khích và điều luật buộc mọi người, nhất là người mua bán, nuôi nhốt phải thả chim về với thiên nhiên và cấm săn bắt dưới mọi hình thức, mọi lúc mọi nơi, nếu vi phạm phải xử phạt thật nặng.

Hãy thả chim về với thiên nhiên, cho chúng tìm đến bầy đàn, sinh sản để duy trì nòi giống.

Khi được tự do, chúng chắc chắn sẽ hót hay hơn, con người cũng được giải thoát khỏi những điều phiền toái và những nhà vườn, nhà nông sẽ vui hơn sau mỗi mùa bội thu hoa trái. Chúng ta sẽ được thưởng thức gạo thơm, trái ngọt mà không sợ bị nhiễm thuốc trừ sâu.

Mục Đồng

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang