• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lão nông sang Singapore trồng kiểng

Nguồn tin: Thanh Niên, 12/02/2013
Ngày cập nhật: 13/2/2013

Thật bất ngờ khi bắt gặp ở nhiều nơi danh tiếng tại Singapore những bộ kiểng thú - vốn là tác phẩm của một lão nông Nam bộ.

Vua kiểng thú

Không phải ngẫu nhiên mà cơ sở sản xuất cây kiểng của ông Năm Công từng vinh dự được Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm. Nghệ nhân này từ lâu đã nổi tiếng với biệt danh “Vua kiểng thú xứ miệt vườn”. Anh Sơn Râu, một nghệ nhân bon sai của Hội Sinh vật cảnh Bến Tre, khi nghe chúng tôi nhờ dẫn đường đã nói chắc: “Tìm ai chứ tìm ông Năm Công dễ như chơi à. Từ đây (TP.Bến Tre), cứ chạy theo QL57 về hướng tây khoảng 45 km, đến đoạn xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, nhìn bên tay phải vườn nhà nào rợp bóng kiểng thú, kiểng hình thì đó là nhà ổng”.

Nghệ nhân Năm Công chăm sóc vườn kiểng độc đáo ở nhà mình - Ảnh: Ngọc Hải

Hàng chục năm trước, ông Năm Công đã được biết đến là người tiên phong tạo kiểng thú (12 con giáp), kiểng hình (độc bình, nhà dài 2 mái, lục giác...) từ cây si. Có một thời gian dài người ta chỉ tạo kiểng từ cây bùm sụm hoặc mai chiếu thủy. Hai loại cây này chỉ tạo được mô hình kiểng có quy mô nhỏ để ngắm chơi, tuổi thọ của cây rất ngắn nên không mang lại lợi ích kinh tế bao nhiêu. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Năm Công phát hiện ra cây si - loại cây có sức sống mãnh liệt, lá dày, bung chồi đầy đặn, thân dẻo nên có thể ghép thành những ngôi nhà dài che mát được cả trăm người - mọc đầy ở miệt vườn Chợ Lách có thể làm nguyên liệu tạo kiểng rất phù hợp, giá trị thẩm mỹ và kinh tế rất cao.

Mang chuông đi đánh xứ người

Bây giờ tài nghệ của Năm Công không chỉ vang danh khắp miệt vườn Nam bộ mà còn nức tiếng với nhiều bận “mang chuông đi đánh xứ người”.

Thú kiểng do nghệ nhân Năm Công thực hiện tại công viên Gardens by thê Bay, Singapore

Nghệ nhân Năm Công nói ông không giàu nhưng toàn gặp đại gia cũng chỉ nhờ tài làm hoa kiểng. Sau khi để lại dấu ấn trồng kiểng trong nhiều khu resort, ông lọt vào tầm ngắm của một đại gia làm ăn xuyên quốc gia. Người này đã đặt làm hàng loạt bộ kiểng, chất vào container chuyển sang Singapore, rồi rước ông cùng sang tham gia lễ hội hoa kiểng. Nào ngờ sản phẩm không đụng hàng từ đôi bàn tay tài hoa của lão nông miệt vườn gây ấn tượng mạnh với ban tổ chức và những ông chủ hoa kiểng lớn ở Singapore. Ông bảo giờ vẫn còn sướng rơn khi kiểng của mình được tuyển chọn trồng ở kỳ quan công viên Gardens by the Bay, công viên Bách thảo Singapore, trong khuôn viên tổ hợp kinh doanh, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp và lớn nhất châu Á - Marina Bay Sands. Tết này tiếp tục “xuất ngoại” một chiếc máy bay tạo thế từ cây si.

Đã 65 tuổi, nhưng mấy năm nay, năm nào ông Năm Công và người con trai Nguyễn Văn Vũ cũng thường xuyên bay sang Singapore để lắp ghép những bộ kiểng của mình, rồi sau đó chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cho thợ làm vườn người Ấn Độ, Philippines... Ông bảo xuất ngoại cũng vui, nhưng đôi lúc nhớ nhà da diết. Ở đảo quốc Singapore hoa lệ, “mọi thứ không đơn giản như ở miệt vườn quê tui”. Muốn có một chiếc xe máy để chạy tà tà ngắm cảnh nhưng chẳng thể nào có được. Đi đâu cũng lên xe buýt, xuống tàu điện ngầm. Chiều chiều muốn nhâm nhi vài ly rượu đế cho đỡ nhớ nhà cũng đành bó tay. “Tui thấy vầy cũng khổ thiệt chú ơi! Ai dè cứ làm xong rảnh tay muốn châm điếu thuốc cũng không được. Rượu một chai nhỏ xíu mất mấy trăm đô, bia thì mua một lon mà đắt bằng một thùng ở quê nên tui đành phải nhịn...”. Ông tiếp chuyện chúng tôi với quần cộc, chiếc áo thùng thình lấm lem bùn đất “vì suốt ngày cặm cụi với cây, thay đi thay lại chỉ tổ mất công”.

Khi trồng những bộ kiểng lạ mắt trên đất đảo Singapore, phóng viên đài truyền hình đã đến làm phóng sự về ông. “Trưa quay thì tối được phát lên truyền hình liền à. Tui xem có hiểu họ nói gì đâu chú. May mà cô hướng dẫn viên cũng có xem, kể lại cho biết nôm na là họ khen nông dân Việt Nam giỏi thiệt, tác phẩm cây kiểng độc đáo và lần đầu tiên xuất hiện ở Singapore”, ông chân chất kể chuyện.

Cơ hội xuất khẩu bon sai, hoa kiểng

Là một đầu mối từng xuất khẩu nhiều bon sai và hoa kiểng sang một số nước Đông Nam Á trong những năm qua, nghệ nhân Hoàng Ni, Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật bon sai Thanh Tâm (TP.HCM), cho biết Singapore cũng có khí hậu nhiệt đới nên nhiều loại hoa kiểng Việt Nam, đặc biệt là những loại kiểng độc đáo như của nghệ nhân Năm Công, đều thích nghi tốt. Chính phủ Singapore có chủ trương biến Singapore từ “một thành phố công viên” thành “một thành phố trong một công viên” nên có thể nói việc làm tiền đề của nghệ nhân Năm Công là cơ hội để nông dân và nghệ nhân Việt Nam tìm lối ra xuất khẩu bon sai, hoa kiểng của mình.

Đình Phú - Ngọc Hải

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang