• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thú chơi cá chọi

Nguồn tin: VNN, 29/04/2007
Ngày cập nhật: 30/4/2007

Thuở ấu thơ, có được một con cá chọi (còn gọi là cá thia thia hay lia thia) hay nhất xóm là niềm tự hào của mỗi chúng tôi. Thời đó chơi chọi cá, cá đứa nào thắng cùng lắm chỉ được cây kem. Bao nhiêu năm “vật đổi sao dời”, những con cá chọi ngày xưa giờ được lai tạo đủ bảy sắc cầu vồng, lại còn cả cá lia thia Xiêm (nhập từ Thái) về làm mê mệt nam phụ lão ấu! Những trận quyết chiến của những con cá có giá hàng triệu đồng giờ có khi tính ăn thua hàng trăm, hàng ngàn USD…

Tại bất cứ tiệm bán cá cảnh nào, cá chọi đều được dành cho khu riêng. Không đắt hay sang trọng quý phái như hoàng long, ngân long, la hán hay cả đầu lân đang có giá hàng triệu đồng/con, cá chọi nếu chưa có chiến tích và không rực rỡ chỉ trên dưới 10.000 đ/con. Nhưng với dân chơi cá thì những chú cá bán tiệm chỉ dành cho trẻ con hay người mới "tập tễnh" chơi cá, còn với người “sành điệu” thì cá phải kiếm từ nguồn trên “giang hồ” hay lấy giống từ các con cá lừng lẫy chiến tích hoặc ở các trại cá tên tuổi.

Cá chọi có một đặc điểm hiếm có ở loài vật nào khác: bầy cá cùng mẹ đều chọi khá như nhau, ít con nào trội hơn con nào, mua được cả bầy hay xem như có một đàn cá chiến! Những con cá vây đuôi càng lộng lẫy, càng hiếu chiến và càng nhiều trận chiến bất bại giá càng cao. Giữa năm 2003, ông Tư Keo ở Q.11 (TP. Hồ Chí Minh) đã từng bán cho một thương gia Đài Loan chú cá 1.250USD bảy tháng tuổi và đã chiến đấu 13 trận bất bại!

Cái thời xách vợt, rổ ra ngoại thành lùng sục dưới ao hồ vớt cá về chơi đã lui vào dĩ vãng. Mà nếu còn những chú ấy cũng khó mà đọ nổi với lại cá Xiêm (dân Thái gọi là Plakat morh) đang tung hoành từ hơn chục năm nay. Nhưng với dân chơi cá, cá Xiêm tuy lì đòn nhưng không nhanh và có răng bén, vảy sắc như cá ta! Kết hợp được hai đặc tính ấy thì “vô địch thiên hạ“ nên hiện nay loại cá lai giữa hai giống ta và Xiêm đang có giá nhất.

Chỉ nhỉnh hơn hai, ba đốt ngón tay nhưng loài cá này hung hăng và hiếu chiến vào loại đệ nhất thiên hạ… cá! Những con cá đực bước vào tháng tuổi thứ 4 nếu không tách bầy hay nuôi riêng là chúng bắt đầu "sống mái" với nhau ngay! Không như nhiều loại động vật khác chỉ thích thách đấu trong mùa sinh sản, cá lia thia sẵn sàng choảng nhau bất cứ lúc nào (có lẽ vì thế dân gian gán cho từ cá chọi). Đặc tính ấy của chúng đã kéo bao lớp đàn ông vào cuộc: nuôi, mua bán, đổi chác và đem ra chọi?

Không chỉ thế cá chọi ngày nay còn được con người lai tạo ra rất nhiều màu sắc rực rỡ, đủ bảy màu cầu vồng và lạ hơn chúng pha trộn với nhau đẹp như một bức tranh biết bơi (dân chơi cá thường gọi là cá phướn, có lẽ giống lá cờ phướn)! Càng hăng tiết “phùng mang trợn má” chúng càng đẹp và oai hùng, không hổ danh được các nhà khoa học đặt tên là cá Splendens (rực rỡ, lộng lẫy).

Dân chơi cá không bao giờ đem cá mới về ra chọi liền như lũ trẻ chúng tôi ngày trước. Họ thường nuôi hàng chục con rồi tuyển chọn dần, lựa những con “ngon lành” ra chăm sóc đặc biệt và “quần” cá rồi cho chúng “đá bóng” với nhau (để hai lọ cá sát nhau) để vừa kích thích vừa cho chúng quen mùi chiến trận. Chỉ có những con thấy địch thủ xáp vào liền và thật khoẻ (luôn bơi giữa lưng chừng nước) mới được dành để chờ ngày thư hùng. Thường thì chúng được nuôi trong keo (lọ) thuỷ tinh nhỏ nhưng trước khi xung trận chúng được nhốt trong hũ đất nung khoảng 3 ngày.

Cá chọi nuôi không kén như cá cảnh, chẳng cần máy lọc, thổi oxy chỉ cần đủ thức ăn và nước sạch là chúng “bình yên vô sự”, tuy nhiên nuôi ra sao để chúng ngày càng lộng lẫy và “thích đá là chiều, ra trận là thắng” thì đã trở thành nghệ thuật, khó ai chịu truyền nghề.

Nếu tưởng rằng dân nuôi cá chọi chỉ để đem chọi phân tài cao thấp (tài chọi của cá và tài nuôi của chủ) thì e rằng lầm! Có rất nhiều người nuôi cá chọi chỉ vì vẻ đẹp lộng lẫy của nó và những người này không bao giờ đem cá ra chọi bởi cá không chết vì thương tích thì cũng sứt mẻ vây và đuôi, thứ đáng quý nhất của con cá chọi đối với họ.

Theo dân chơi cá để chiêm ngưỡng thì “cá đẹp không đá mà cá đá thường không đẹp”. Còn đối với dân nuôi cá để chọi thì đẹp xấu bất kể (nhưng đẹp mã mà giỏi võ nữa thì tuyệt vời), miễn sao chọi thắng giúp chủ hả hê là được! Bởi thắng không chỉ “sướng” mà còn có tiền độ, giá trị con cá, lò nuôi cá cũng tăng lên bội phần.

Trường chọi cá ít ai để ý và hầu như chưa có cơ quan chức năng nào ngó ngàng chứ thật ra đây là “chiếu độ” không thua kém gì trường gà và đủ loại thủ thuật, mánh khóe và số tiền độ lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm triệu!

Không chỉ quanh quẩn trong TP. Hồ Chí Minh mà ngược về miền Tây, thậm chí ra miền Trung, dân chơi cá không ngại xa xôi sẵn sàng mua bán, trao đổi và chọi độ “liên tỉnh”. Trước đây tại Khu du lịch Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh) cũng từng tổ chức các giải thi cá chọi, dân chơi đổ về rất đông nhưng có lẽ độ ồn ào quá lên lâu nay không “đến hẹn lại lên” nữa.

Nếu đã từng xem hai con cá chiến chọi nhau một trận "sống mái", khó ai cưỡng lại lòng say mê môn này: không thăm dò lao thẳng vào nhau và chọi kịch liệt cho đến khi một con tơi tả và quay đầu bỏ chạy, phải vớt riêng ra cuộc chiến mới tạm dừng! Những con nào có bộ vây đuôi lộng lẫy thì lượn lờ diễu võ giương oai, nhưng khi đã say máu rồi thì chỉ còn biết hạ đối thủ mặc cho vây đuôi tả tơi…

Thị hiếu trong nước đang chuộng cá Xiêm nhưng Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông và cả Mỹ lại rất chuộng cá ta bởi những đặc tính của loại cá này: dễ nuôi, vảy cứng, răng sắc…! Từ giữa những năm 90 nông dân ở Củ Chi, Hóc Môn, Q.9… đã hình thành những trại nuôi cá chuyên để xuất khẩu và thu về nguồn lợi không nhỏ.

Theo Hội chim cá cảnh TP. Hồ Chí Minh thì hàng năm doanh thu cá chọi xuất khẩu không dưới 200.000USD! Và hiện nay loại cá chọi Xiêm lai Việt đang có giá trị nhất trên thị trường cá chọi thế giới! Loại cá này đang được xem là “độc quyền” của vùng Đông Nam Á, nhất là Thái Lan và Việt Nam.

Không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới đều có dân mê cá chọi. Thử vào Google, gõ chữ fighting fish (cá chọi) hay bettas splendens (tên khoa học của cá chọi) bạn sẽ thấy ngay không ít trang web hay những đề mục riêng của dân chơi loại cá này mà thế giới cá chọi “ảo” này có khi sôi động hơn cả làng chơi ngoài đời!

Tại châu Âu, Đông Á, Bắc Mỹ hay Mỹ la tinh đều có Hiệp hội của những người yêu thích loại cá này! Dù đã biến tướng và nhuốm mùi tiền bạc đỏ đen hơi nặng nhưng chơi cá chọi vẫn là một thú vui tao nhã theo suốt cuộc đời của không ít người, gắn liền với nhiều kỷ niệm ấu thơ và mùi vị sông nước quê nhà.

Yến Trang

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang