• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hoa lan Đà Lạt vẫn chưa chiếm lĩnh được thị trường quốc tế.

Nguồn tin: Lao Động, 01/04/2007
Ngày cập nhật: 1/4/2007

"Nếu không mở được cửa vươn ra ngoài biên giới quốc gia thì hoa lan Đà Lạt chỉ còn nước tiêu thụ ở... Đà Lạt! Trong khi đó, thị trường lan Đà Lạt cũng đang có những dấu hiệu bão hoà" - ông Trần Huy Đường, GĐ Cty TNHH trang trại Langbian (Đà Lạt), lo ngại nói.

Có thể nói, nghề trồng lan Đà Lạt mấy năm nay đang "nở rộ": Không chỉ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đua nhau trồng lan, mà nhiều hộ gia đình cũng đang sở hữu những vườn lan trị giá bạc tỉ; không chỉ người Kinh mà ngay cả người dân tộc thiểu số ở những vùng ven Đà Lạt cũng mạnh dạn bỏ ra vài trăm triệu đồng để đầu tư cho hoa lan.

Tuy nhiên, như ông Trần Đức Tấn - Chủ tịch Hiệp hội Hoa lan Đà Lạt - cho biết: "Trước những diễn biến gần đây của thị trường, hiệp hội chúng tôi dự báo rằng hoa lan Đà Lạt đang đứng trước một tương lai không mấy sáng sủa".

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, mỗi năm Lâm Đồng sản xuất khoảng 300 triệu cành hoa, trong đó lượng hoa lan chiếm chưa đến 1/10. Lượng hoa xuất khẩu chỉ đạt 15% lượng hoa sản xuất, trong đó hoa lan chiếm một vị trí rất khiêm tốn: chưa đến 1/15.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm cho hoa lan Đà Lạt chưa vươn ra được thị trường quốc tế là do VN chưa có bản quyền về hoa lan ở nước ngoài. Trong khi đó, để vào được thị trường nước ngoài, hoa lan cần phải được đăng ký bản quyền, đăng ký thương hiệu qua các hiệp hội, các công ty kinh doanh quốc tế.

Ông Trần Huy Đường nói: "Việc đưa hoa lan Đà Lạt ra thị trường nước ngoài từ trước đến nay hầu hết do các doanh nghiệp nước ngoài đảm trách. Nói đến hoa Đà Lạt xuất khẩu là nói đến các đơn vị Dalat Hasfarm, Bonie Farm..., còn những cơ sở trồng hoa trong nước như chúng tôi chẳng hạn, không thể tự thân xuất khẩu hoa được, mà có chăng là cũng chỉ làm "gia công" cho các Cty nước ngoài mà thôi".

Trong vài năm gần đây, việc nhập khẩu nhiều giống lan ngoại (chủ yếu là để gia công giống rồi xuất ngược trở lại ra nước ngoài) cũng là một tín hiệu đáng lo ngại đối với những chủng loại lan trong nước.

Những chủng loại lan đặc hữu hoặc bị biến mất, hoặc bị nhân giống tràn lan ở nước ngoài, việc nghiên cứu để cho ra những giống lan mới, độc đáo hầu như chưa phát triển - Đó cũng là những lý do làm giảm sức cạnh tranh của hoa lan VN.

"Có thể nói, hoa lan Đà Lạt chưa thực sự tìm được cánh cửa mở ra thị trường nước ngoài, trong khi đó, thị trường trong nước đang có dấu hiệu bão hòa. Đặc biệt, tại thị trường hoa các tỉnh phía Bắc (đáng kể là Hà Nội - thị trường chủ yếu của hoa Đà Lạt ở phía Bắc), cánh cửa cũng đã bắt đầu khép lại bởi thời gian gần đây tràn ngập hoa nhập ngoại, nhất là các loại hoa Trung Quốc.

Còn với thị trường TPHCM, mặc dầu có lúc hoa lan tiêu chuẩn (từ 16 bông trở lên) có giá lên đến đỉnh điểm trên dưới 200.000 đồng một cành, nhưng ngay tại TPHCM và một số địa phương lân cận cũng đang ngày càng có nhiều vườn lan mọc lên" - ông Trần Huy Đường nhấn mạnh.

Theo Sở NNPTNT Lâm Đồng, người trồng hoa lan theo công nghệ cao có thể có thu nhập cao gấp 4-5 lần trồng rau sạch, thậm chí có thể lên đến hàng tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà chuyên môn, hoa lan Đà Lạt không thể chỉ dừng lại ở các giống thông thường mà cần phải chú trọng phát triển các giống "độc". Có vậy, mới mong cạnh tranh được trên thị trường - chưa nói đến thị trường nước ngoài mà ngay cả thị trường trong nước cũng vậy.

Một chủ trang trại trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh tiết lộ trang trại của ông đang thực hiện việc tạo ra một số giống mới từ các loại lan hài, đặc biệt là lan hài trắng và lan hài hồng - những giống chưa từng có trên thị trường trong và ngoài nước - và đã có những thành công bước đầu.

"Hiện tại, tôi đang cùng với một nhóm cán bộ khoa học ở TPHCM hoàn thiện quy trình kỹ thuật để có thể sản xuất hàng loạt thứ sản phẩm mới này và sẽ tung ra thị trường trong một ngày gần đây" - ông chủ trang trại này phát biểu.

TS Dương Tấn Nhựt khẳng định: "Với công nghệ nuôi cấy mô kết hợp với nuôi cấy bằng dung dịch bioreactor - công nghệ tiên tiến nhất hiện nay - thì việc lai tạo các giống mới từ các giống lan hài quý của Đà Lạt là việc làm không còn quá khó khăn. Vấn đề là cần có thị trường nước ngoài để sản phẩm lan Đà Lạt nói chung và lan quý hiếm nói riêng vươn ra".

Cuối năm 2006, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đồng ý hỗ trợ cho tỉnh Lâm Đồng phát triển ngành công nghiệp hoa để hội nhập với thế giới. Cùng đó, một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về hoa Đà Lạt, trong đó có hoa lan, sẽ được thành lập. Và, một vài đơn vị trồng hoa ở Đà Lạt hiện đã được chọn là những đơn vị trong số các doanh nghiệp VN được Đan Mạch hỗ trợ về nhiều mặt nhằm tăng khả năng cạnh tranh về hoa trên thị trường quốc tế ngay trong năm 2007 này.

Khắc Dũng

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang