• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhiều loài lan trước nguy cơ tuyệt chủng

Nguồn tin: Lao Động, 01/04/2007
Ngày cập nhật: 1/4/2007

Hoa lan không chỉ đem lại "tiếng thơm" cho Thái Lan, mà còn là một nguồn thu nhập lớn của quốc gia này. Còn VN - nơi có nhiều chủng loại phong phú không kém gì Thái Lan, và còn có nhiều loài lan đặc hữu - thì bao năm nay vẫn "chập chững" trên thị trường lan quốc tế. Không những thế, theo cảnh báo mới đây của các nhà khoa học, nhiều loài lan quý hiếm của VN đang có nguy cơ tuyệt chủng nếu chúng ta không có ngay những biện pháp cấp bách để bảo tồn nguồn gen.

Theo thạc sĩ Nông Văn Duy - người đang chủ trì một đề tài nghiên cứu khoa học về hoa lan ở Lâm Đồng, nhiều loài lan tại Lâm Đồng, đặc biệt là các loài lan hài, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Bên cạnh đó, việc nhân giống một số loài lan tự nhiên tại VN đang rất khó khăn.

Ông cho biết: "Hoa lan ở VN thường sống trong các khu rừng nguyên sinh. Trong khu vực rừng thứ sinh, rất ít hoa lan". Khu vực Tây Nguyên là nơi chiếm phân nửa số loài lan được phát hiện cho tới thời điểm này (415/897 loài); trong đó, riêng tỉnh Lâm Đồng chiếm từ 180-200 loài.

Đặc biệt đối với lan hài, ở VN có 15 loài trong tổng số 75 loài hiện hữu trên thế giới, chiếm tỉ lệ đến 20%. Nhiều loài lan hài đặc hữu của VN trong gần một thế kỷ qua luôn hấp dẫn các nhà khoa học và những người chơi lan nhiều nước trên thế giới đến khảo sát và nghiên cứu.

Khu vực tỉnh Lâm Đồng giáp ranh với Khánh Hòa, Ninh Thuận hiện đang có một số loài lan hài đặc hữu. Đơn cử là loài lan hài đỏ (cách gọi trước 1998, sau 1998 gọi là lan hài hồng - Paphiopedilum Delenatii).

Theo tư liệu trên trang web "hoa lan Việt Nam", loài lan này được phát hiện lần đầu tiên tại VN bởi một sĩ quan Pháp tên Delenat, vào năm 1913, song không rõ nơi chốn. Đến năm 1922, lan hài hồng đã được tìm thấy ở Nha Trang, và đã được khai thác ồ ạt xuất khẩu sang Pháp. Nhưng sau thời điểm này, lan hài hồng bỗng nhiên vắng bóng.

Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã cất công lần tìm ra phía bắc, từ Nghệ An trở ra nhưng vẫn không tìm thấy. Cho đến năm 1990, loài lan này được tìm thấy lại ở núi Hòn Giáo (Nha Trang), nhưng giờ đây cũng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Điều đáng lưu ý là, rất lâu trước khi được tìm thấy trở lại tại Nha Trang, lan hài hồng đã được bày bán trên các thị trường Hồng Kông, Nhật, Đài Loan... Các nhà buôn trong và ngoài nước sau khi vét sạch lan hài hồng tại VN đã xuất sang một số nước, sau đó nó được nhân giống và thương mại hóa rộng rãi.

Ông Nông Văn Duy nói: "Có một giống lan hài VN được chào bán trên một trang web của Đài Loan với giá từ 300-400 USD/chậu, được giới thiệu là "lan hài Hồ Chí Minh, có nguồn gốc từ VN".

Một thời kỳ dài, những giống lan hài đặc hữu và quý hiếm tìm thấy tại Nha Trang, Ninh Thuận, Lâm Đồng đã bị khai thác cùng kiệt để bán cân, giá chỉ 2-3USD/1kg. Những nước và vùng lãnh thổ có trình độ công nghệ sinh học cao như Nhật, Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông hoặc các nước Châu Âu... đã nhân giống thành công những giống lan hài VN và đưa vào thương mại hoá. Nhiều người chơi lan tại VN thậm chí đã phải nhập ngược những loài lan này về VN với mức giá cao hơn rất nhiều lần.

Đến nay, ông Nông Văn Duy và nhóm nghiên cứu đã sưu tầm được 150 loài lan tự nhiên ở Lâm Đồng để đưa vào bảo tồn: "Qua việc thăm dò, khảo sát trong giới chơi và buôn bán hoa lan, chúng tôi đã chọn ra được hơn 10 loài đặc biệt quý. Từ đây chúng tôi lại tách ra 5 loài có cánh hoa to, đẹp, lâu tàn, được ưa chuộng và chơi nhiều để đưa vào nhân giống".

Đó là các loài (có tên thường gọi) bạch lan, thuỷ tiên, thuỷ tiên trắng, thuỷ tiên râu và bò cạp. Các mẫu hoa này mới được đưa vào cấy thử.

Thế Lâm

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang