• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Duyên nợ với xương rồng

Nguồn tin: BCT, 10/3/2007
Ngày cập nhật: 11/3/2007

Nhiều năm nay, ngôi nhà tọa lạc tại số 10/6 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã trở thành địa chỉ thân thuộc của những người yêu thích một loại cây có nhiều gai góc: xương rồng. Chủ nhân của ngôi nhà này là ông Nguyễn Minh Kiếm. Với vai trò là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Xương rồng Cần Thơ, ông đã có rất nhiều tâm tư, hoài vọng và cống hiến trong việc sưu tập, lai tạo, nhân giống... giúp cây xương rồng phát triển ở Cần Thơ và nhiều tỉnh thành trong cả nước.

GẦY DỰNG PHONG TRÀO

Ông Nguyễn Minh Kiếm trong vườn xương rồng. Ảnh: THANH LONG

Ông Kiếm trạc ngoài 50 tuổi. Trông bề ngoài, ông có vẻ “khó gần”. Thế nhưng, ông rất cởi mở và thân thiện khi trò chuyện, nhất là chuyện về cây xương rồng - loại cây mà ông biết, rồi đam mê đã hơn 20 năm nay. Vậy mà, ông dứt khoát không chịu khi mọi người gọi ông là “lão làng” trong việc sưu tập cây xương rồng. Bởi như ông Kiếm nói, ở Cần Thơ, trước ông còn nhiều “cây đại thụ” yêu thích, đam mê sưu tập loại cây có nhiều gai này. Cụ thể là, từ những năm 1970, ở đất Tây Đô đã có các ông Phán Dinh, ông Phán Thiện, ông Bình, ông Thiết, ông Lê Chu... nổi tiếng trong việc sưu tập cây xương rồng.

Còn ông Kiếm, cơ duyên nào đã đưa ông đến với cây xương rồng? Ông kể: “Tôi có một anh bạn, hồi trước, nói chuyện, ảnh cứ nhắc đến cây xương rồng. Tôi bảo: hoa lan, hoa cúc, hoa hồng... mới đẹp chứ cây xương rồng mà đẹp nỗi gì? Thú thật, hồi đó tôi cứ nghĩ xương rồng là loại cây trồng làm hàng rào thôi”. Khoảng năm 1977 - 1978, ông Kiếm ghé nhà ông Mai Văn Nên (một người rất mê cây xương rồng và sau này là Chủ nhiệm CLB Xương rồng Cần Thơ) và thấy thích thú với “bộ sưu tập” xương rồng để trên... nóc nhà ông Nên. Nhưng sau lần đó, ông Kiếm cũng chỉ mới nhận ra là xương rồng rất đẹp. Vậy thôi, rồi ông phải chăm chút làm kinh tế để lo cho cuộc sống gia đình. Nhưng như một cơ duyên, đến năm 1989, ông Kiếm có dịp ở gần ông Nên và có điều kiện gần gũi, chăm sóc vườn xương rồng. Từ đó, ông Kiếm thực sự mê loài cây gai góc này.

Năm 1992, gia đình ông Kiếm chuyển về sống tại đường Nguyễn Thị Minh Khai. Tại đây, ông Kiếm mới có điều kiện cùng nhiều người tâm huyết gầy dựng phong trào sưu tập cây xương rồng. Nhưng lúc bấy giờ, giống cây xương rồng ở Cần Thơ còn hiếm lắm, cộng đi, cộng lại chỉ có khoảng vài chục giống. Ông Kiếm hạ quyết tâm: Không để cho giống cây xương rồng bị mai một. Phải làm sao tạo lập cho Việt Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng có thật nhiều giống xương rồng, nhất là các loại giống quý hiếm, mới lạ. Qua đó, giới thiệu cho nhiều người Việt biết và chơi xương rồng như là một thú chơi tao nhã.

Năm 1996, CLB Xương rồng Cần Thơ được thành lập, thu hút 25 thành viên tham gia. Bằng việc thành lập CLB, cùng với sự năng nổ, nhiệt tình của Ban chủ nhiệm, trong đó có ông Kiếm, phong trào sưu tập cây xương rồng ở Cần Thơ dần dần phát triển. Cũng từ đó, một số bạn bè Việt Nam ở nước ngoài gởi cả những bao hạt giống xương rồng về; rồi các thành viên câu lạc bộ qua những chuyến công tác ở nước ngoài tìm cách mang những cây xương rồng quí hiếm về bổ sung, làm phong phú thêm cho bộ sưu tập. Nhờ thế, ngày càng có nhiều người nhận ra vẻ đẹp và triết lý của thú chơi tao nhã này, đã tự nguyện tham gia vào CLB, hình thành những góc vườn xương rồng riêng của mình.

“TRIẾT LÝ” XƯƠNG RỒNG

Hôm tôi đến nhà, hỏi về những “thành tựu” trong việc sưu tập cây xương rồng, ông Kiếm tươi cười khoe: “Số thành viên của CLB Xương rồng Cần Thơ giờ đã trên 50 người. Trong số này, có nhiều người ở Vĩnh Long, An Giang, Cà Mau, Trà Vinh, TP Hồ Chí Minh... Hiện nay, CLB lưu giữ và phát triển khoảng 1.500 giống cây xương rồng và cây mọng nước các loại, được bố trí ở 4 khu nuôi trồng và trưng bày với hơn 1.500m2 nhà kính, khoảng 1ha cây ngoài trời. Hàng năm, CLB Xương rồng Cần Thơ đều tham gia các hội thi hoa cảnh, hội hoa xuân... vào các dịp Tết Nguyên đán, lễ hội, các kỳ hội chợ khu vực... Không chỉ ở các tỉnh ĐBSCL, CLB còn trúng thầu cung cấp và trang trí ngoại cảnh vườn xương rồng cho Công viên Đầm Sen (TP Hồ Chí Minh), khu Du lịch Đồi sứ (Phan Thiết), vườn sưu tập xương rồng Đà Nẵng (miền Trung); Công ty Du lịch Hải Phòng, Công ty Du lịch Quốc tế Hoàng gia Hạ Long (miền Bắc)...”.

Vườn xương rồng của ông Kiếm rộng trên dưới 100m2 cặp nhà. Dẫn tôi tham quan vườn, ông Kiếm nói cho tôi nghe rất nhiều về những đặc tính của từng loại xương rồng. Niềm đam mê, vẻ phấn chấn, sự gần gũi, thân thiện với thiên nhiên... thể hiện rõ trong đôi mắt, khuôn mặt của ông. Ông kể: Trước đây, hàng ngày, cứ khoảng 5 giờ sáng là ông thức dậy. Sau khi tập thể dục xong, ông lại “biến” vào vườn xương rồng. Tai thì nghe đài, mắt thì nhìn sách viết về cây xương rồng, rồi lại nhìn vào thứ cây đầy gai góc, kỳ bí này. Ngày nào cũng vậy, hễ có thời gian rảnh, ông lại ra vườn xương rồng, chăm chút cho từng cây một.

Nghe ông Kiếm kể, tôi hỏi:

- Gia đình chú không phàn nàn sao?

Ông đáp:

- Có độ, thấy tôi “mê” xương rồng quá, bà xã bảo tôi giăng mùng trong đó luôn mà ngủ... Nhưng riết rồi bả cũng chiều tôi, vì tôi mê xương rồng thôi chứ đâu có thứ gì khác. Thú thật, ngày trước khi tôi trong vườn xương rồng rồi, ai đến rủ rê đi đâu nhiều khi cũng bực bội lắm”.

- Sao cây xương rồng mê hoặc được chú đến vậy?

Không chần chừ, ông Kiếm trả lời:

- Nghệ thuật bonsai, hòn non bộ do chính tay con người tạo nên. Loài hoa lan thì dù có sự chăm chút của con người mà nếu không trổ hoa thì cây lan ấy cũng chỉ là loài cây bình thường. Còn mỗi một loài cây xương rồng đều có hình thù, cấu trúc gai khác nhau và tất cả đều do tạo hóa. Theo tôi, thú chơi xương rồng cũng mang chút triết lý của cuộc sống: Dù gian khổ, thử thách, đói khát của cuộc đời, của thiên nhiên khắc nghiệt, cây xương rồng vẫn tồn tại, vẫn ngạo nghễ trong hoang mạc, bất ngờ cho ra những đóa hoa rực rỡ, kỳ lạ đến mê hồn...

ĐỂ XƯƠNG RỒNG MÃI ĐẸP

Tính ra, ông Kiếm biết và mê cây xương rồng đã hơn 20 năm. Khoảng thời gian ấy đủ để ông thuộc rất nhiều tên khoa học của nhiều loại loại xương rồng. Bây giờ, nhìn hạt xương rồng nào mới nẩy mầm, thậm chí chỉ nhìn hạt thôi ông có thể biết chính xác nó thuộc họ gì. Trong số đó, có nhiều giống xương rồng đối với ông đã thuộc về kỷ niệm mà ông còn tiếc nuối khi nhắc đến. Điển hình như cây Kim Hổ. Hồi trước ông mua cả 1-2 chỉ vàng. Vậy mà khi để ngoài trời ông phát hiện cây này bị nấm do mưa. Lấy dao mổ khều từng lớp vỏ bị nấm bên ngoài để cứu cây, nhưng khều riết hết lớp vỏ bên ngoài. Thế là cây chết. Ông tiếc đến ngẩn ngơ! Hay như cây Trúc Ngọc có tuổi thọ chừng 20-30 năm. Một hôm, vào buổi trưa tự dưng cây gãy ngang. Sau hơn một tuần đem trồng lại, thấy cây “phún” đầu trắng, ông mừng rỡ báo cho ông Nên: “Anh Nên ơi! Nó ra rễ rồi! Bạc đầu rồi!”. Nhưng khi chạm vào cây thì biết cây đã bị mọng nước chết từ bên trong... “Lúc đó, tôi buồn đến muốn bệnh cả tháng trời vậy đó” - ông Kiếm tâm sự.

Nghe ông Kiếm kể chuyện, chợt tôi nghĩ đến một thị trường xương rồng “đầy hứa hẹn”, đáp ứng nhu cầu cho người chơi xương rồng. Tôi hỏi ông Kiếm thì được biết, hiện nay trong CLB có rất nhiều thành viên thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ cây xương rồng như anh Ân, anh Long, anh Lam... Nhưng đối với ông, yêu thích, đam mê xương rồng chỉ vì ông muốn giữ gìn bộ sưu tập cho thế hệ mai sau. Ông Kiếm giải thích: “Đem cây xương rồng ra làm kinh tế, chắc chắn sẽ tạo thêm được việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động nông thôn trong việc trồng cây chân tháp hay ghép... Nhưng chú thử nghĩ coi, một ngày nào đó, mình cứ chạy theo các bản hợp đồng ký kết, từ từ, các loại xương rồng được ưa chuộng sẽ lấn sân và chắc chắn rằng sẽ có nhiều giống xương rồng bị mai một”. Và ông tâm sự: “Tham vọng lớn nhất của các thành viên trong CLB Xương rồng Cần Thơ là muốn xuất bản một tập tài liệu hoặc ấn phẩm về lịch sử phát triển cây xương rồng, việc phân loại cây, cách trồng và chăm sóc... Chúng tôi cũng mong muốn rằng nhiều nhà khoa học có công trình nghiên cứu về cây xương rồng để nó phát triển ngày càng vững chắc”...

Chia tay ông Kiếm, miên man suy nghĩ về những trăn trở của ông, tôi chợt nhớ đến những câu thơ viết về xương rồng mà ông đọc tặng:

“Đất sinh ra mẹ trăm gai góc

Trời sinh ra em vạn nét tơ

Đứng bên lan cúc không thu thắm

Xen giữa hồng mai chẳng nhạt nhòa”...

ĐÔNG TRIỀU

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang