• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kiểng lá, trồng chơi “ăn thiệt”

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 12/08/2012
Ngày cập nhật: 15/8/2012

“Chỉ cần 100 m2 là có thể để được vài trăm chậu trúc đóm, thu nhập vài trăm ngàn đồng/tháng nên rất phù hợp với hộ nghèo, ít đất sản xuất”.

Nghề trồng hoa kiểng đã gắn với xứ sở Chợ Lách (Bến Tre) bao đời nay, nhưng trồng kiểng để kinh doanh lá thì chỉ mới phát triển mạnh khoảng mười năm trở lại đây. Câu chuyện bắt đầu từ một thanh niên còn rất trẻ tên Đặng Văn Thanh (xã Long Thới) tình cờ phát hiện nhiều cửa hàng hoa tươi ở TP. Hồ Chí Minh rất cần lá xanh để kết hoa. Những liếp kiểng chuyên “ăn” lá đầu tiên xuất hiện trong vườn nhà anh Thanh (năm 2003). Và đến nay, “kiểng lá” đã trở thành loại cây trồng hấp dẫn không chỉ với người dân Long Thới, nhiều xã ở Chợ Lách mà còn lan rộng đến các huyện khác.

Phát tài, trúc bách hợp, trúc đóm, trúc xanh, đinh lăng, dạ lan thanh, nguyệt quế, ngũ gia bì, cọ, thiên điểu… chen chúc nhau trong khoảnh đất khoảng chưa đầy 1.000 m2 trước hiên nhà anh Thanh. Thoạt nhìn như thể trồng để trang trí không gian xanh, nhưng những loại cây thấp bé này, số được trồng theo liếp, số khác trồng trong bịt nylong đã mang về cho anh Thanh trên 100 triệu đồng mỗi năm. Từng thuộc diện hộ nghèo, rồi nhờ kiểng lá, vừa trồng vừa kinh doanh, anh Thanh phát triển dần thành cơ sở và nay là doanh nghiệp tư nhân Thanh Kiểng Lá nghệ thuật với nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội. Nghề trồng kiểng lá bây giờ cũng không còn giới hạn ở gia đình anh Thanh, quanh vùng đã có đến trên 100 hộ tham gia. “Những người chuyên trồng kiểng xanh trước đây, nay tận dụng lá bán nên cũng có thêm nguồn thu nhập đáng kể” - anh Thanh nói.

Dễ trồng, ít vốn, thu hoạch hàng ngày, tận dụng được đất trống và đặc biệt rất lý tưởng khi trồng xen dưới tán cây lâu năm là nét ưu việt của kiểng lá. (Ông Nguyễn Văn Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thới).

Cũng từng thuộc diện hộ nghèo và thoát nghèo nhờ trồng kiểng lá, chị Đoàn Thị Chu (Long Thới) vui vẻ cho hay, chị chỉ có 1 công đất, phía dưới trồng kiểng lá, không gian phía trên trồng lan son môi và cho thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng.

Đặc điểm của kiểng lá là trồng dưới bóng râm, nên việc trồng xen trong vườn cây lâu năm như dừa, măng cụt, sầu riêng… đang được xem là lý tưởng. Theo ông Lâm, những loại cây nhỏ như trúc bách hợp, trúc đóm, trúc xanh, ngũ gia bì, cọ… có thể trồng trong túi nylong nên việc trồng xen sẽ tận dụng triệt để đất trống và không ảnh hưởng gì đến cây hiện hữu. Anh Dũng, người đầu tiên đem kiểng lá từ Chợ Lách về trồng trên đất Châu Thành cho biết, anh bỏ vốn 45 triệu đồng mua cây giống để trồng xen kiểng lá trong vườn ổi rộng 8.000 m2 của mình ở xã Phước Thạnh, từ tháng 7-2011. Dù anh Dũng dành phần lớn các sản phẩm thu hoạch để nhân giống, chuẩn bị mở rộng thêm 1 ha, nhưng thu nhập hàng tháng cho mỗi công đất cũng trên dưới 1,5 triệu đồng.

Cái hay của mô hình trồng kiểng lá ở Chợ Lách hiện nay là có sự hợp tác chặt chẽ giữa người trồng và người tiêu thụ. Hiện tại, hầu hết sản phẩm kiểng lá đều do doanh nghiệp Thanh Kiểng Lá thu mua. Song, để mở rộng thị trường, tăng diện tích trồng thì bấy nhiêu như hiện tại vẫn chưa thật sự đảm bảo tính bền vững. Theo anh Thanh, đã có những lô hàng kiểng lá từ Chợ Lách xuất khẩu sang một số nước, đứng tên doanh nghiệp của anh nhưng vẫn phải “nhờ” một trung gian giới thiệu mà chưa có đơn hàng chính thức nào. Đã có một số doanh nhân Nhật Bản đến đặt vấn đề xuất khẩu kiểng lá vào thị trường Nhật. Tuy nhiên, do yêu cầu về chất lượng lá kiểng khá cao, cũng như những yêu cầu về qui chuẩn trong quá trình trồng trọt nên doanh nghiệp không đáp ứng được. “Tôi đã thuê gần 1,5 ha đất ở Châu Thành, lựa chọn một số giống kiểng lá sẵn có và nhập thêm một số loại nữa để thực hiện mục tiêu thâm nhập vào thị trường ngoài nước” - anh Thanh nói về hy vọng chinh phục thị trường kiểng lá.

Hoa kiểng, nghệ thuật hoa kiểng là thú chơi tao nhã, làm thỏa mãn cảm xúc thẩm mỹ của con người. Cảm thụ, hưởng thụ cái đẹp trong nghệ thuật hoa kiểng là nét riêng của mỗi người nhưng có một điểm chung, khi kinh tế càng phát triển, nếp sống càng văn minh hơn thì hoa kiểng trở thành một phần không thể thiếu trong không gian sống và sinh hoạt của họ. Và, kiểng lá trang trí nội ngoại thất, kiểng lá điểm xuyết cho những giỏ hoa, lẵng hoa… sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển.

Phương Yến

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang