• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thanh Hóa: Thăng trầm nghề trồng và kinh doanh cây cảnh

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 29/07/2012
Ngày cập nhật: 30/7/2012

Một chủ hộ kinh doanh ở TP Thanh Hóa chăm sóc vườn cây cảnh.

Chơi hoa và cây cảnh là một thú vui tao nhã và hiện nay đang ngày càng trở thành nhu cầu của người dân. Vì vậy, nghề trồng và kinh doanh cây cảnh ngày càng phát triển, mở ra hướng làm giàu mới cho nhiều hộ nông dân tại các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, cũng không ít người đã và đang “dở khóc, dở cười” từ chính nghề này.

Theo thống kê của Hội Sinh vật cảnh tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có hơn 4.400 hội viên và có gần 16.000 người chuyên sản xuất, kinh doanh cây cảnh, với diện tích trồng và kinh doanh khoảng trên 300 ha, trong đó có hơn 55% số người có thu nhập chính từ nghề trồng cây cảnh, tập trung ở các huyện Triệu Sơn, Yên Định, Đông Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, TP Thanh Hóa... Doanh thu trồng cây cảnh trong 2 năm 2010 - 2011 (thời điểm “sốt” cây cảnh) ước tính khoảng hơn 230 tỷ đồng. Hiện tại, toàn tỉnh có 8 trang trại sinh vật cảnh, mỗi trang trại rộng khoảng 2,5 ha, được đầu tư khoảng từ 5 đến 7 tỷ đồng/trang trại. Doanh thu hàng năm của các trang trại từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.

Đến xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, từ đầu xã đến cuối xã chỗ nào cũng thấy cây cảnh với nhiều chủng loại, dáng thế khác nhau, như những cây sanh, tùng La Hán, tùng kim, lộc vừng, bách tán... Toàn xã có 900/1.300 hộ chuyên trồng và kinh doanh cây cảnh, trong đó có 300 hộ chuyên sống và làm giàu từ cây cảnh. Hiện tại, xã đã có 50 ha chuyên canh cây cảnh. Thu nhập bình quân của các hộ trồng cây cảnh khá cao. Hộ đầu tư vốn ít, thu nhập thấp nhất cũng được từ 30 đến 40 triệu đồng/năm, còn đối với những hộ có số vốn đầu tư cao thì mỗi năm cho thu nhập lên tới hàng tỷ đồng.

Ở thời điểm giá cây cảnh tăng cao và sức mua cũng tăng mạnh thì chỉ sau hơn một năm kinh doanh cây cảnh, nhiều người có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí có người kiếm được tiền tỷ nhờ bán cây cảnh. Anh Đỗ Xuân Thủy, ở xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) là người chơi và kinh doanh cây cảnh lâu năm, cho biết: Những năm qua, các loại cây cảnh bán rất chạy, giá lại cao. Nhất là năm 2010 và đầu năm 2011, cây cảnh nói chung và các cây thế nói riêng có tuổi thọ cao, giá bán tăng gấp 2 - 3 lần, thậm chí có những cây gấp đến cả chục lần so với những năm trước. Ở thời điểm đó, anh Thủy bán 3 cây sanh, có giá hơn 500 triệu đồng.

Làm giàu từ trồng và kinh doanh cây cảnh là một điều đáng mừng đối với các hộ gia đình ở các địa phương trong tỉnh. Song, cũng không ít người lâm vào tình cảnh khốn đốn từ cây cảnh. Trong đó, đa phần những người mới bước vào nghề bị “cơn sốt” cây cảnh “quật” cho thua lỗ. Thời điểm cây sanh đang bán được giá, giới “ôm” cây sanh cho rằng kinh doanh cây sanh cảnh còn giàu nhanh hơn cả buôn đất, nên nhiều người không chỉ sử dụng số tiền tự có mà còn huy động của bạn bè, vay lãi ngân hàng để đầu tư vào loại cây này. Ông Phạm Ngọc Diến, ở thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn), cho biết: Năm 2010, ông mua một cây sanh lâu năm ở huyện Thiệu Hóa với giá 40 triệu đồng, chở về đến nhà đã có người trả 100 triệu đồng. Thấy lãi từ cây cảnh quá lớn, ông gom tiền thu mua cây cảnh về để vừa chơi vừa bán nếu được giá cao. Nhưng, khi ông đầu tư mua được gần trăm chậu cây cảnh các loại về thì “cơn sốt giá hạ nhiệt”, đến nay chưa bán được gốc cây nào, thậm chí có gốc cây giờ chỉ bằng một phần ba giá khi mua vào. Chỉ tay ra vườn giới thiệu, dù không đánh tiếng bán nhưng tại thời điểm “sốt giá” mỗi ngày ông phải tiếp hàng chục lượt khách đến ngắm, hỏi mua cây sanh cảnh. Giá cây cảnh thời kỳ đó tăng lên theo từng ngày. Nhưng bây giờ, cả tuần không thấy ai đến hỏi mua.

Còn anh Lê Văn Trường, ở thôn 4, xã Thiệu Thành (Thiệu Hóa), cho biết: Vào thời điểm đang sốt cây cảnh, gia đình anh đang làm nhà. Thấy thị trường cây cảnh làm ăn được, anh liền dừng làm nhà, vay thêm tiền mua cây cảnh về để bán kiếm lời. Do không am hiểu về cây cảnh, anh mua phần lớn cây dưới dạng phôi về trồng, được một thời gian bỗng dưng giá cây cảnh xuống đột ngột. Bây giờ, nhìn vườn cây nhà anh ai cũng ngao ngán lắc đầu, không biết đến khi nào bán được cây để làm nhà?.

Ông Hà Giang Sơn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh, cho biết: Từ cuối năm 2011 đến nay, thị trường cây cảnh bắt đầu trầm lắng. Có cây cảnh lúc cao điểm được định giá hàng trăm triệu đồng, đến giờ chỉ còn giá từ 30 đến 40 triệu đồng mà vẫn không có người mua. Điều chắc chắn là do kinh tế suy thoái nên mọi người thắt chặt chi tiêu, một phần thị trường Trung Quốc dừng nhập khẩu, cộng với nhu cầu của người chơi cây sanh đã bão hòa. Những người ít kiến thức về cây cảnh, về thị trường đầu tư vào cây cảnh đều thua lỗ, người ít thì vài chục triệu đồng, người nhiều lên đến vài trăm triệu đồng, có khi lên đến cả tỷ đồng.

Trước kia, một thời cây vạn tuế lên ngôi khiến nhiều người trồng, kinh doanh cây cũng đã lùng sục để mua, nhưng giờ cây vạn tuế nói không ngoa cho không ít người muốn lấy. Những năm 2004 - 2006 là thời điểm “lên ngôi” của cây lộc vừng - là loại cây cổ thụ dễ giâm ghép, dễ chăm sóc, dễ tạo dáng, nhưng nay không còn giá trị như trước nữa.

Cây cảnh đã trở thành một sản phẩm hàng hóa có giá trị đối với một số người. Việc đầu tư cho nghề trồng, kinh doanh cây cảnh nếu không được tính toán kỹ lưỡng sẽ có nguy cơ gây thiệt hại không nhỏ cho người đầu tư nếu thị trường cây cảnh có sự biến động. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp để giúp những người trồng, kinh doanh cây cảnh có được hướng đi chung, tránh việc làm tự phát dẫn đến tình trạng “dở khóc, dở cười” như hiện nay.

Lê Hợi

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang