• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nam Định: Vui, buồn với nghề cây cảnh

Nguồn tin: Báo Nam Định, 25/05/2012
Ngày cập nhật: 28/5/2012

Nghề làm cây cảnh không khó nhưng cũng không phải ai cũng có thể làm được. Điểm khác biệt so với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác là cây cảnh không cần phòng trưng bày, không có quảng cáo rầm rộ và cũng không có quá nhiều sự cân đo, đong đếm ở người chơi. Người mua cây cảnh cũng thật đặc biệt, khi mua bán, người ta cũng chỉ dựa vào sở thích cá nhân, tuổi thọ, kiểu dáng của cây để quyết định giá cả và mua bán với nhau…

Giữa lúc nhiều doanh nghiệp và người dân thị thành đang loay hoay với khủng hoảng, bão giá thì ở một số vùng nông thôn như xã Vĩnh Hào, Đại Thắng (Vụ Bản - Nam Định), Yên Phúc (Ý Yên) lại xuất hiện thêm nhiều người có trong tay hàng trăm triệu đồng, thậm chí có người kiếm được tiền tỷ nhờ bán cây cảnh. Nhiều gia đình xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm các đồ dùng sinh hoạt hiện đại, khách thập phương cũng như những người con xa quê trở về không khỏi ngạc nhiên vì có sự “thay da đổi thịt” đó. Anh Vũ Văn Điệp, ở xã Vĩnh Hào (Vụ Bản), người có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề ươm trồng cây cảnh và khá nổi tiếng trong vùng vì có những vụ mua bán cây trị giá hàng trăm triệu đồng cho biết: Mấy năm trước, cây cảnh nói chung và cây sanh nói riêng bán rất được giá. Những cây sanh cảnh có tuổi thọ trên 10 năm tuổi trở đi có giá không dưới chục triệu đồng, thậm chí có những cây lên đến cả vài trăm triệu đồng. Nhiều nhà giàu lên vì bán được cây cảnh. Ông Mai Đình Bao ở thôn Đồng Lạc, xã Yên Phúc (Ý Yên) cho biết: Năm 2011 vừa qua ông đã thu được khoảng 3 tỷ đồng nhờ việc bán cây cảnh. Tuy vậy, đó mới chỉ là những cây có giá vài trăm triệu, những cây giá tiền tỷ ông vẫn chưa muốn bán vì chưa có đối tượng nào mua “xứng” với cây! Đặc biệt là bộ 3 cây có tuổi thọ trên 110 năm tuổi đã được một số khách ở Hà Nội về trả với giá 6 tỷ đồng một cây nhưng ông vẫn không bán mà giữ lại như vật… gia bảo của gia đình. Hiện nay nếu bán đi những cây tiền tỷ thì vườn cây của gia đình ông có giá trị tới hơn 20 tỷ đồng. Số tiền mà có nằm mơ cũng không ai có thể nghĩ tới một nông dân lại có được. Nhờ tiền bán cây cảnh, ông Bao đã xây được nhà mới khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, con cái được học hành đàng hoàng. Với ông Bao, thú vui chơi cây cảnh đã có từ rất lâu, ông đã được đền đáp xứng đáng với những long đong, vất vả trong suốt những năm tháng rong ruổi với cây cảnh…

Ông Mai Đình Bao ở thôn Đồng Lạc, xã Yên Phúc (Ý Yên - Nam Định) bên cây sanh 110 năm tuổi đã được trả giá 6 tỷ đồng.

Giàu lên nhờ… cây cảnh, đó là một thực tế không phủ nhận của một số gia đình ở các vùng nông thôn. Người có kinh nghiệm làm cây cảnh đã kiếm bộn tiền. Ông Bao chia sẻ: Thực ra chăm sóc các loại cây này không có gì quá đặc biệt, chỉ cần ít phân mục hoặc chút phân lân là có thể đảm bảo cho cây phát triển. Tuy nhiên làm cây cảnh cần nhất là thời gian để tạo thế sao cho đẹp và bắt mắt… Nhiều khi giữa trưa nắng phải ra uốn cành, tạo thế cho cây vì lúc này các nhánh cây thường rất dẻo, có thể uốn theo tùy ý mình. Có những cây trồng “xổng” (cây không cần tạo thế) nhưng cũng có thể mang tới tiền triệu vì người chơi thích gốc cây già, càng mốc than càng giá trị. Cây sanh cảnh là vô giá, chỉ cần người mua thích là họ sẵn sàng mua với giá cao hơn mức bình thường. Vì vậy, nghề cây cảnh cần có sự khéo léo, gặp thời thì mới thành công. Phổ biến trong xu hướng chơi cây sanh cảnh hiện nay chính là các cây có tuổi thọ lâu năm, rễ cây càng quắn lại càng được ưa thích. Ngoài ra còn phải kể đến các loại cây thế, cây thế quái, dáng long, cây mini để trang trí trong nhà… đáp ứng với không gian ngôi nhà, sân vườn nhỏ hẹp là xu hướng của dân chơi cây cảnh ở các thành phố lớn.

Tuy nhiên, nghe thì có vẻ đơn giản và nhiều người nhầm tưởng về một khả năng ai cũng có thể làm được. Nhiều người thành công là sự thật song với những gì đang diễn ra hiện nay thì số người thất bại, chuốc lấy gánh nặng nợ nần vì cây cảnh cũng không phải là hiếm. Theo ông Vũ Ngọc Sứu - một “thợ” chơi cây cảnh ở xã Đại Thắng thì chơi cây cảnh là một nghệ thuật và phải có duyên mới có thể thành công. Nhiều người không có sự hiểu biết cần thiết về nghệ thuật chơi cây cảnh cũng đầu tư tiền của, công sức mong tìm kiếm sự đổi đời từ nghề làm cây cảnh nhưng đã… thất bại. Nhiều gia đình đi vay ngân hàng để đầu tư vào trồng cây cảnh. Chính việc làm tự phát này đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, với số nợ ngân hàng hàng trăm triệu đồng. Mặt khác, chơi cây cảnh còn được xem là một trong những thú chơi của những người có điều kiện về kinh tế. Vì thế mà hầu hết các loại cây có giá trị cao về nghệ thuật, tuổi thọ… đều được đưa về các thành phố lớn để bán cho những đại gia, thậm chí còn được thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản… Tuy nhiên, số lượng bán ra ngoài thị trường trong nước và xuất khẩu không được nhiều như một số người đồn thổi. Và cũng chính thiểu số người này đã gây nên cơn sốt giả của thị trường khiến cho nhiều người bị rơi vào ảo tưởng về nghề làm cây cảnh. Những người có kinh nghiệm trong nghề đều nhận ra điều này. Với họ dù giá cả có lên xuống thế nào thì giá trị những cây có tuổi thọ vẫn không có gì thay đổi. Làn sóng nhà nhà trồng cây cảnh, người người học cắt tỉa, uốn thế, tạo dáng cho cây được sinh ra từ giá trị ảo đó. Không ít người còn có cách hiểu sai lệch về nghề ươm trồng cây cảnh, khi thấy người khác “ăn may” bán được một vài cây có giá vài trăm triệu đồng, cũng sinh ra ảo tưởng “người khác làm được mình cũng có thể làm được!”. Đây là một cách nghĩ và cách làm sai lầm của không ít người trong thời gian qua khiến họ phải nhận “trái đắng”. Không có điều kiện đầu tư thu mua cây, họ đi vay ngân hàng, thậm chí vay nặng lãi để làm cây cảnh. Trong lúc người khác đã “no xôi, chán chè” thì những người “có máu” làm giàu từ cây cảnh mới bắt đầu đi “gom” hàng, tạo thế. Hậu quả sau cơn sốt là con sóng lớn nhấn chìm ước mơ của họ. Gia đình anh Phạm Văn D ở xã Đại Thắng (Vụ Bản) đã đi vay hơn 200 triệu đồng về làm vốn đầu tư làm cây cảnh. Với diện tích canh tác gần 1 ha anh đã cho san phẳng, chặt hết cây cối để lấy chỗ chứa hơn 300 cái chậu để ươm cây, anh còn phải mò mẫm vào cả Ninh Bình, Thanh Hóa để tìm mua đá cho cây nhanh phát triển rễ. Mặt khác anh còn lăn lộn đi tìm mua những cây ở thị trường đang có giá trị cả chục triệu đồng để thực hiện giao dịch mua bán trao tay như một số người đang làm. Lúc cao điểm anh đã thuê cả chục người về làm chậu, ký đá, tạo thế cho cây. Nhưng thật không may khi cơn sốt của cây cảnh đi qua, để lại cho gia đình anh ngổn ngang những cây, chậu và đá. Cực chẳng đã, món nợ ấy là mối lo tột độ của anh, lãi suất hằng tháng vẫn phải trả và nhất là khi đến kỳ hoàn gốc mà chưa lấy đâu ra số tiền đó để trả…

Quả thực cây cảnh đối với một số người (cả người mua và bán) mang lại những giá trị của cuộc sống, song số lượng người đích thực sống, đam mê, có điều kiện để chơi cây cảnh trong xã hội hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn. Vì thế, vô hình chung nếu như có sự đầu tư quá nhiều về cả công sức và vật chất cho lĩnh vực này sẽ tạo nên tình trạng cung vượt cầu, khiến cho sức mua giảm. Do vậy, giá bán cây bị đẩy xuống kịch đáy là điều dễ hiểu. Và cũng chính vì thế mà nhiều gia đình cảm thấy cây cảnh là “của nợ”. Điều đáng suy nghĩ ở đây chính là việc một số hộ gia đình đã san lấp ao hồ, vườn tược, thậm chí cả đất bồi ven sông để trồng cây cảnh, giờ đây tiến thoái lưỡng nan, không thể canh tác được gì khác ngoài việc để cho cây sanh cùng với cỏ mọc cùng nhau.

Rõ ràng cái sự “kẻ khóc, người cười” với nghề cây cảnh không còn xa lạ trong cộng đồng dân cư hiện nay. Cần phải có giải pháp phù hợp giúp những người làm cây cảnh có được hướng đi chung, tránh việc làm tự phát dẫn đến những “nghịch cảnh” như đang diễn ra.

Văn Thứ

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang