• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bay xa hoa kiểng đồng bằng

Nguồn tin: CT, 15/2/2007
Ngày cập nhật: 16/2/2007

Tết đến, nhiều người lại rủ nhau thăm chợ hoa Xuân. Đi trong rừng hoa kiểng Xuân muôn màu, muôn sắc, ít ai ngờ rằng để có được những mầm xuân tinh túy ấy, biết bao nhà vườn, những người trồng và kinh doanh hoa kiểng đã phải trăn trở, miệt mài, chắt chiu qua bao tháng ngày lao động. Không đơn thuần là việc chăm tỉa, vun xới những luống hoa, chậu kiểng, giờ đây, trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, những người trồng hoa ở ĐBSCL đã tìm cách xuất ngoại đưa những loài hoa kiểng từ xứ người về ươm mầm, nhân giống; đồng thời cũng tìm cách đưa hoa kiểng đồng bằng vươn xa ra nhiều vùng miền đất nước và cả nước ngoài.

Ý tưởng kinh doanh hoa kiểng trên Inernet, gắn nghề kinh doanh hoa kiểng với du lịch; liên kết hợp tác để quảng bá sản phẩm, giữ thương hiệu hoa kiểng… có thể xem là những nét mới trong nghề trồng và kinh doanh hoa kiểng ở ĐBSCL.

Mầm xuân ở làng hoa Sa Đéc

Chiều cuối năm, trời se lạnh, những làn gió mát vờn nhẹ làm nhiều khóm hoa lung lay, lung lay như lả lơi khoe sắc trong những sợi nắng vàng ươm. Dẫn tôi đi tham quan, sau khi giới thiệu hàng chục loại hoa kiểng mới lạ trong khu vườn hoa kiểng rộng khoảng 5.000m2, chị Thanh Lan - chủ vườn hoa kiểng Hồng Lan - dừng lại ở những chậu hoa đang nở bông màu tím rất đẹp. Chị cho biết đây là hoa Hồng Phúc - giống mới nhập từ Thái Lan. Tết năm nay, chị nhân giống được 1.000 chậu để tung ra thị trường. Cạnh những chậu hoa Hồng Phúc là những chậu hoa Hoàng Hôn (cũng là giống mới nhập từ Thái Lan) đang hé nở những nụ hoa. Hoa hoàng hôn to, màu trắng hồng, giống hoa loa kèn, tỏa hương về đêm, hoa nở hơn 1 tháng vẫn chưa tàn. Kế đó là một số giống hoa mới như: Nguyệt Quế Thái, Mai Địa Thảo đang chuẩn bị ra chợ hoa Xuân...

Chị Thanh Lan nói rằng trồng hoa kiểng bây giờ, muốn thành công ngoài sự đam mê, cần phải biết thay đổi cách trồng, cách kinh doanh và điều quan trọng là phải luôn có giống mới để cạnh tranh. Để đạt được mục tiêu đó, tháng 11 năm ngoái, vợ chồng chị đã cất công sang Thái Lan lùng kiếm những loài hoa mới, lạ. Khi đi tham quan cung điện của hoàng hậu Thái Lan, thấy nhiều hoa lạ, rất đẹp, chị đã nhanh tay “nhặt” một số hạt giống về ươm trong vườn nhà. Nói xong chị cười bẽn lẽn. Khi tôi ngỏ ý muốn xem những giống hoa mới mang từ Thái Lan về, chị Lan ngập ngừng bảo: “Chú thông cảm! “Bí mật nghề nghiệp” mà…”. Được biết, ngoài các giống hoa mới lạ, tại đây còn có hàng chục loại kiểng, bonsai, trong đó có nhiều loại có giá vài triệu đến hàng chục triệu đồng/cây. Đó là một trong những nét độc đáo làm nên bản sắc riêng của vườn hoa kiểng Hồng Lan ở Sa Đéc, Đồng Tháp.

Theo những nghệ nhân thâm niên trong nghề hoa kiểng ở Sa Đéc, trồng hoa kiểng, trong xu thế cạnh tranh hiện nay, muốn giữ được lợi thế, người trồng hoa kiểng phải luôn có vài giống hoa mới. Có giống mới rồi, phải biết giữ bí mật để nhân giống, khi tung ra thị trường chỉ với số lượng hạn chế. Hoa kiểng Sa Đéc giờ không chỉ được tiêu thụ ở các tỉnh ĐBSCL mà đã vươn xa hơn ra tận Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Hải Phòng… Mỗi ngày, hàng chục xe tải tập kết chợ đầu mối hoa ở đường Lê Lợi, bên sông Sa Đéc chở hoa cho khách hàng các tỉnh miền ngoài. Nhưng có điều ít ai ngờ là chuyện kinh doanh hoa kiểng ngày nay đã không còn bó hẹp trong những khu vườn hay những chợ hoa xuân mà đã vươn xa, lên đến mạng Internet và gắn với ngành du lịch.

Anh Nguyễn Phước Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Cây xanh Sa Đéc, được nhiều người biết đến bởi anh là người đầu tiên xây dựng Website cayxanhsadec.com để giới thiệu làng hoa Sa Đéc. Không chỉ vậy, để có thể phát huy tiềm năng làng hoa Sa Đéc, anh Lộc đã đầu tư 7 tỉ đồng xây dựng vườn du lịch sinh thái diện tích 1,5ha, ở xã Tân Khánh Đông, tiếp giáp với làng hoa Tân Qui Đông. Hiện vườn sinh thái đang mở cửa đón khách tham quan.

- Vì sao anh không chuyên tâm trồng hoa kiểng mà chuyển sang làm du lịch sinh thái ? tôi hỏi.

Anh Lộc trầm ngâm một lúc rồi đáp:

- Làng hoa Sa Đéc nổi tiếng từ lâu nhưng khi du khách đến tham quan chưa có nơi nào để giữ chân họ lại. Vườn sinh thái sẽ là “cầu nối” giữa các vườn hoa kiểng với khách tham quan. Du khách đến đây có thể ngắm hoa kiểng, các loại thú; được giới thiệu lịch sử, truyền thống của làng hoa, được hướng dẫn tham quan theo yêu cầu. Tôi nghĩ, đó là cơ hội cho làng hoa Sa Đéc tiếp tục phát triển.

- Còn Website “cayxanhsadec.com” của anh phát huy tới đâu rồi?

- Tới đây, sau khi vườn sinh thái hoàn thành, tôi sẽ xây dựng lại Website giới thiệu làng hoa Sa Đéc theo công nghệ mới, với đường truyền tốc độ cao để tăng khả năng truy cập nhanh của khách hàng. Lãnh đạo địa phương, Công ty cổ phần Du lịch tỉnh, các nhà vườn đều ủng hộ ý tưởng của tôi. Tôi tin chắc rằng cách làm này giúp thương hiệu hoa Sa Đéc vươn xa khắp cả nước và có thể đi ra nước ngoài.

(THANH TÂM)

Ước mơ của Thiện Đức

Chuẩn bị đón Tết Đinh Hợi 2007, cơ sở hoa kiểng Thiện Đức (khu vực Thới Nhựt, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đưa ra thị trường cả trăm loại hoa kiểng mới do chính chủ cơ sở Trần Thiện Đức nhân- ghép giống. Trên 10 năm thâm nhập thị trường hoa kiểng, Thiện Đức đã xây dựng cho mình một tên tuổi, phong cách mới trong làng hoa Cần Thơ…

Trông cái dáng cao to, nước da mặn mòi vì sạm màu sương nắng, giọng nói đặc sệt nông dân miệt vườn… ít ai biết được Trần Thiện Đức lại là người đam mê trong việc ghép giống, tạo dáng cho các loài hoa. Bây giờ có ai hỏi về những cái tên mà anh đã đặt cho “các nàng hoa” do mình ghép tạo, anh thường nói: “Nhớ hổng nổi! Nhiều khi mới vừa đặt cho một loại hoa ghép mới, khách hàng đến thấy khoái quá, rinh mất luôn!”.

Qua mấy người bạn sành chơi hoa kiểng, tôi được biết Thiện Đức nổi trội với biệt tài ghép sứ Thái. Nhiều dân chơi hoa kiểng ở Hà Nội rất ưa chuộng hoa sứ Thái do chính anh ghép. Có lần, nghe đồn anh mới ghép mấy chục gốc sứ Thái để cho màu sắc mới lạ, “hình thù” cũng “độc” lắm, tôi và mấy người bạn yêu hoa canh tới lúc sứ vừa đâm chồi nẩy lộc là tới định mua luôn một thể. Vậy mà… Vừa tới nhà anh đã thấy mọi người chất sứ vô kiện hàng cho lên xe để kịp chuyển ra Hà Nội giao cho khách theo đơn đặt hàng.

Thiện Đức bước vào nghề trồng hoa kiểng cũng là duyên nghiệp “cha truyền con nối”. Ba, bốn chục năm trước, cha anh đã từng gắn bó với nghề trồng hoa kiểng. “Hồi đó, cha tôi làm chủ yếu để bán tết chứ không quanh năm suốt tháng như bây giờ. Trồng hoa kiểng nay đã khác xưa nhiều. Mình phải biết ứng dụng khoa học kỹ thuật những khi cần thiết để cho ra những sản phẩm theo nhu cầu thị trường; phải nhắm vào nhu cầu của số đông khách hàng, theo những xu hướng tiêu dùng mới” – Thiện Đức vừa nói vừa nâng niu những cây hoa dây leo mới được đem từ đất vào những chiếc chậu xinh xắn với đủ hình dạng...

Không phải chỉ mới mấy năm gần đây khi nhu cầu sử dụng hoa kiểng gia tăng Thiện Đức mới nghĩ đến xu hướng tiêu dùng. Anh đã nhận ra điều này cách đây trên 10 năm nay. Nhờ được cha giúp đỡ, lúc mới vào nghề, anh có điều kiện để giao du với những “bậc tiền bối” trong nghề khắp các tỉnh, thành ĐBSCL, có khi ra đến miền Đông. Thiện Đức cứ đi suốt, đi để tìm tòi, để học hỏi, để vườn hoa kiểng ngày càng có nhiều giống hoa kiểng mới. “Cũng có đôi lần ghép hoa màu này ra màu khác, dáng này ra dáng nọ, nhưng nhiều lúc như vậy lại có những cái hay riêng!” – Thiện Đức tỏ ra rất lạc quan khi nói về công việc của mình.

Mấy năm nay, anh gia nhập nhóm trồng hoa kiểng của khu vực Thới Nhựt. Nhóm qui tụ được 16 người trồng hoa kiểng, mỗi người có lợi thế về một loại hoa, kiểng đặc thù (như Thiện Đức nổi tiếng với sứ Thái ghép vậy). Hễ đến đây, ghé vườn hoa kiểng này không có loại mình cần thì khách hàng được giới thiệu đến một vườn khác ở gần đấy, mà không phải mất công tìm kiếm. Nhóm còn là nơi anh em trong nghề trao đổi kinh nghiệm, cây giống mới,… “Chúng tôi đã giao ước hỗ trợ nhau cùng hướng tới hoạt động tốt để không mất đi thương hiệu làng hoa Thới Nhựt”.

Trần Thiện Đức ước mơ một ngày không xa sẽ thành lập một cơ sở quy mô chuyên nhân giống, sản xuất hoa kiểng và chọn một nơi khá lý tưởng để giới thiệu sản phẩm. Hiện tại, anh chỉ có mỗi điểm bán tại nhà – cũng là nơi sản xuất. Anh nói: “Bây giờ người trồng hoa kiểng phải chuyên nghiệp. Nếu không mình sẽ thua ngay trên “vườn nhà”. Bởi nước mình đã vào WTO, hoa nhập từ các nước khác sẽ tràn vào đây. Hoa của xứ người ở một số nơi đã trở thành công nghiệp trồng hoa từ lâu. Họ có điều kiện đưa sản phẩm đi khắp nơi đem lại giá trị kinh tế cao. Mình cũng phải tính cách nào để hoa kiểng Việt Nam tiến xa hơn nữa chứ!”.

(XUÂN QUYÊN)

“Nữ hoàng kiểng lá” Bến Tre

“Nữ hoàng kiểng lá” là biệt danh mà nhiều người đặt cho chị Nguyễn Thị Nguyệt Thu (Út Thu) ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Những năm qua, chị Út Thu đã tốn nhiều công sức lặn lội tìm kiếm, đem về Chợ Lách những giống kiểng lá có nguồn gốc từ nước ngoài để trồng và nhân giống. Giờ đây, chị là chủ vườn kiểng lá lớn nhất tỉnh Bến Tre - vườn kiểng Hoàng Duy - với khoảng 400.000 cây các loại.

Tôi tìm đến nhà “nữ hoàng kiểng lá” vào một ngày cuối năm. Với vẻ hối hả, chị Út Thu vừa mở cổng nhà mời tôi vào vừa nói: “Tết nhứt sắp tới nơi, phải dọn dẹp, sắp xếp lại vườn kiểng chuẩn bị đưa ra chợ, lu bu quá trời! Nghề kiểng lá làm quanh năm, nhưng cực nhất là dịp Tết”. Rồi chị dẫn tôi đi quanh khu vườn hơn 1,5 ha, vừa đi vừa chỉ và kể tên từng loại kiểng đang trồng. Nào là: Kim Phát Tài, Hòn Ngọc Viễn Đông, Trúc Bách Hợp, Cau Vua, Cau Sâm Banh, Cau Đuôi Chồn… hầu hết là những loại kiểng mà chị Út sưu tầm giống, học hỏi cách trồng ở Thái Lan, Đài Loan, rồi đem về nhân giống.

- Chăm vườn kiểng lớn như vậy chắc mệt lắm hả chị ? tôi hỏi.

Chị Út Thu cười nói:

- Nếu chỉ có khu này thôi thì hổng mệt. Lo cho vườn kiểng ngoài lộ vừa mới đầu tư mới mệt.

Vườn kiểng ngoài lộ, như lời chị Út nói, nằm trên Quốc lộ 57 thuộc địa phận xã Hưng Khánh Trung (huyện Chợ Lách), gần cầu Hòa Khánh rộng 1,7 ha, có kinh phí đầu tư gần 3 tỉ đồng - trong đó chi phí mua đất 1,8 tỉ đồng. Đầu tư thêm vườn kiểng rộng lớn này, “nữ hoàng kiểng lá” muốn tranh thủ lợi thế gần đường giao thông để tăng số lượng kiểng, dễ dàng buôn bán, vận chuyển. Tại đây, chị Út Thu giới thiệu với tôi loại kiểng ngoại Nguyệt Quế Thái có hoa rất thơm chị mới đem về mà dân trồng kiểng Chợ Lách chưa ai có. Chị nói Tết này sẽ tung Nguyệt Quế Thái ra thị trường.

- Kiểng nhiều quá, Tết này chị có bán hết không?

- Tết chỉ là dịp để tăng lượng kiểng bán ra so với ngày thường thôi - chị Út Thu đáp. Nếu như những loại kiểng ra hoa chỉ bán trong đợt Tết, (qua Tết hoa tàn) thì kiểng lá hấp dẫn ở chỗ cây luôn mang dáng vẻ sạch, đẹp càng để lâu giá trị càng cao và đặc biệt là bán được quanh năm.

Quan sát vườn kiểng Tết của chị Út Thu, tôi nhận ra điều lạ là trong khi thị trường kiểng Kim Phát Tài ở Bến Tre gần đây đang chựng lại vì cung nhiều hơn cầu, nhiều người trồng kiểng gần như đã buông cây Kim Phát Tài thì chị Út Thu vẫn chọn đây là cây chủ lực. Trong vườn kiểng của chị, Kim Phát Tài chiếm gần 1 ha đất với hàng chục ngàn cây lớn nhỏ. “Nhiều người không trồng Kim Phát Tài, tới đây cây này sẽ có giá. Tôi đã tính đến chuyện thay đổi cách trồng để bán lại cho các công ty ở TP Hồ Chí Minh xuất khẩu sang nước ngoài”- chị Út Thu cho biết. Hiện nay, Kim Phát Tài và nhiều loại cây kiểng của chị đang được cung cấp thường xuyên cho 20 bạn hàng để đem bán ở nhiều nơi trong nước.

Chăm sóc mấy hecta kiểng không đơn giản chỉ nhờ vào kinh nghiệm. Để không bị thất bại trên thương trường, chị Út Thu có hợp đồng với một kỹ sư nông nghiệp để tư vấn về cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho từng loại kiểng. Chỉ riêng chi phí phân bón, tiền công cho 35 công nhân làm việc ở vườn kiểng, mỗi tháng chị Út Thu phải trả không dưới 50 triệu đồng.

Khi được hỏi về giá trị vườn kiểng, chị Út Thu lắc đầu nói: “Không thể tính hết được. Cứ bán xong là đầu tư làm thêm giống kiểng đang thịnh hành và giống mới. Những loại kiểng có giá trị cao như Cau Đuôi Chồn đầu tư vốn đến 500 triệu đồng, Cau Sâm Banh đầu tư đến 400 triệu đồng, còn những thứ khác đầu tư từ vài ba chục đến cả trăm triệu đồng. Hồi trước, mỗi cây kiểng ngoại tôi có thể thu lợi nhuận bằng với vốn bỏ ra. Giờ giá có giảm nên mình phải bù lại bằng cách tăng số lượng đưa ra thị trường”.

CAO DƯƠNG

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang