• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhọc nhằn với hoa

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 30/01/2012
Ngày cập nhật: 31/1/2012

Không ít người nghĩ rằng nghề trồng hoa cũng thi vị đẹp đẽ như những đóa hoa. Nhưng không phải vậy, để làm đẹp cho đời, người trồng hoa Đà Lạt phải một nắng hai sương nhọc nhằn lo toan trên từng thửa vườn của mình.

Ông Nguyễn Văn Thắng trong vườn hoa hồng của mình

1- Mỗi ngày, gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, người ở làng hoa Vạn Thành - Đà Lạt dậy từ lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị mọi thứ rồi vào vườn. Vườn ông cách nhà không xa, trong nhà những đứa con lớn lần lượt đi học xa, có việc làm, có đứa lập gia đình ra riêng nên nay 2 thửa vườn gần 1 ha trồng hoa hồng chỉ còn 2 vợ chồng ông chăm sóc. Ông thuê một người làm công thường nhật đã 6 năm nay, ăn ở tại vườn nhưng vừa có việc nhà phải trở về Bắc nên những ngày này ông thuê thêm 1 người trong làng để cùng cắt hoa. Mọi chuyện còn lại như làm cỏ, tưới nước (tưới bằng điện, có hệ thống tưới phun trong nhà kính), bón phân, xịt thuốc ông đều làm. “Dù có người làm công cho mình thì có những việc chủ vườn phải trực tiếp như bón phân gì, xịt loại thuốc gì, người làm đâu quyết định được”.

Mùa hoa Tết - lúc bận rộn nhất trong năm lại là lúc nhà vườn trồng hoa Đà Lạt hút người làm nhất. Ông Thắng đã phải chạy đôn chạy đáo thuê người làm không có. Đơn giản vì dịp này cũng là mùa thu hoạch cà phê. Công hái cà phê được trả cao hơn so với làm vườn nên những người làm công tháng cho các vườn hoa dịp này thi nhau đổ về các vùng trồng cà phê trong tỉnh như Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, qua cả Đăk Lăk để làm thuê. “Công thuê ngày hiện nay nhà vườn trả 100 - 120 nghìn đồng cho công nữ, 130 nghìn hoặc hơn chút cho công nam nhưng hái cà phê ngày có thể trên 200 nghìn đồng hoặc với người hái khoán thì có thu nhập cao gấp 2 - 3 lần”.

Nhưng ngay cả những thời gian không hút lao động trong năm thì chủ nhà vườn trồng hoa Đà Lạt vẫn phải khốn khó vì chuyện nhân công. Không ít người làm thuê nay làm mai nghỉ. Ông Vũ Hoàng Anh, một nhà vườn trồng hoa cũng ở làng hoa Vạn Thành, đã kinh qua kinh nghiệm thuê rất nhiều người làm cho 4 sào trồng hoa hồng và đồng tiền của mình cho biết, rất nhiều người khi xin đến làm không có kinh nghiệm gì về chăm sóc hoa nên chủ vườn phải chỉ bảo từng chút, đến khi làm được là nghỉ, chuyển sang chỗ làm khác vì tiền công cao hơn. Cứ tuyển người mới từ Bắc hay Trung vào, huấn luyện cho họ làm được, vài tháng họ lại chuyển chỗ mới, lại phải tuyển lại. Riết rồi ông Anh phải tự mình làm việc vườn của mình.

Ông Vũ Hoàng Anh đang thu hoạch hoa trong vườn

Mỗi ngày trong vườn hoa đều có công việc, chăm sóc như “con mọn” - theo cách nói của nhà vườn, không thể bỏ bê. Làm vườn là phải tần tảo một nắng hai sương, đi đâu cũng thấy lo. Người làm vườn nào từ chủ vườn đến công làm thuê đều nón rộng che nắng che mưa trên đầu, chân ủng tránh bùn, nữ thêm khăn bịt mặt, áo quần lao động cũ lam lũ, mặt sạm nắng đầy khắc khổ.

2- Người trồng hoa trong vườn sợ nhất điều gì? “Nhện đỏ và trời gió” - ông Thắng cười lớn. Với hoa hồng, nhện đỏ làm tổ và phá hoại cây trồng rất nhanh nên hằng ngày người trồng hoa khi cắt hoa phải thường xuyên quan sát, thấy dấu hiệu nhện xuất hiện phun hóa chất ngay. “Rất tốn kém để diệt được chúng” - ông Thắng cho biết.

4 triệu đồng một lít thuốc trừ nhện đỏ, trung bình mỗi sào pha hóa chất vào 200 lít nước để xịt, xịt kỹ mới đạt hiệu quả. Cũng có những loại bệnh khác như phấn trắng, mốc xám… trên cây hoa hồng nhưng không đáng ngại lắm vì ông Thắng cho biết bâygiờ hóa chất mới nhiều loại có tác dụng rất tốt. Với kinh nghiệm trên chục năm trồng hoa hồng, ông cũng như nhiều người trong làng hoa hồng Vạn Thành biết rất rõ loại hóa chất nào trị bệnh gì: “Phải học nhau, rút kinh nghiệm dần thôi”.

Một nỗi lo khác của người làm vườn Đà Lạt là gió lớn đe dọa nhà kính trong mùa mưa bão. Ban đêm từ trên cao nhìn xuống, Đà Lạt lấp lánh đèn đường và ánh sáng từ những nhà kính trồng hoa, nhưng trong hàng ngàn ha nhà kính hiện có đó, vẫn rất ít các nhà khung sắt vững chãi kiên cố mà hầu hết được làm bằng vật liệu đơn giản như khung tre, tầm vông, phủ bạt ni lông. Không phải là không biết sự bấp bênh của nó, nhưng so với giá thành làm khung sắt vài trăm triệu một sào quá đắt, đa số nông dân Đà Lạt như ông Thành, phải chọn con đường ngắn hơn để đi cùng nông nghiệp công nghệ cao bằng túi tiền khiêm tốn của mình. Mà thật ra, dù làm bằng nguyên liệu đơn giản, mỗi sào nhà kính như vậy cũng chẳng rẻ gì, trước đây chừng 60 triệu, nay đã lên trên 100 triệu đồng. Với 1 ha trồng hoa như ông Thành, để phủ hết diện tích nhà kính phải tốn gần cả tỷ đồng theo thời giá hiện nay.

Cứ mỗi 3 năm, theo ông Thành, nhà kính loại này lại phải tu bổ lại, thay những tấm lợp bị gió xé rách, bổ sung lại số cây mục gãy xiêu vẹo mất khoảng 50% số tiền làm mới. Chỉ khi bảo quản tốt, những nhà kính đơn giản này mới trụ được trong một thời gian nhất định, chừng 5 - 6 năm rồi lo làm lại. Nhưng cũng có khi chỉ làm chưa được năm thì nhà sập, mái tốc vì gió bão, coi như mất trắng tiền đầu tư. Đã có lần gió quật ngã cả dãy nhà lợp gần 7 sào của ông vừa mới làm chưa được năm. Biết là làm khung sắt (kiểu như Cty hoa Hasfarm) để chống chọi gió bão, sử dụng lâu dài vài mươi năm nhưng mỗi sào gần cả tỷ đồng thì… tiền đâu mà làm.

3- Nhưng giá bán hoa mới là nỗi ưu tư chính của người trồng hoa Đà Lạt. Cho đến nay, suốt bao năm canh tác hoa, mỗi ngày bán sản phẩm từ vườn của mình đi, ông Thành và bao nhiêu người trồng hoa Đà Lạt vẫn không biết được giá của mỗi bông hoa ngày đó bán được bao nhiêu? “Trồng hoa chỉ biết làm sao cho hoa đẹp, còn chuyện hoa giá bao nhiêu là của người khác” - ông chua chát.

Hai ngày hoa cắt một lần, gần một hecta hoa của ông mỗi lần cắt chừng 3 - 4 nghìn hoa, cao điểm lên 5 - 6 nghìn. Lâu nay tất cả được đóng gói gửi về các vựa hoa “quen” ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ hay Đầm Sen Tp HCM, đến tháng các chủ vựa sau khi trừ tất cả chi phí và lấy đủ tiền lời cho mình rồi còn bao nhiêu mới gửi lên thanh toán cho ông. Ngày lễ, Tết hoa còn có giá một chút, còn ngày thường quanh năm suốt tháng mỗi đóa hoa hồng chỉ chừng 200 - 300 đồng, “rẻ như cho”. Nhà vườn được vựa thanh toán bao nhiêu hay bấy nhiêu, nhưng có vựa còn chẳng chịu thanh toán tiền nợ, có chỗ “xù” luôn. Nhiều nhà vườn phải khăn gói xuống tận TP HCM để đòi thì mới được trả nhưng “đồng lặn, đồng mọc”.

“Ai bảo rằng nhà vườn Đà Lạt trồng hoa nhanh giàu có, xây nhà lầu mua xe hơi là không đúng, đó chỉ là số ít. Nhìn gia đình tôi đây này, trồng hoa cả mẫu đất, cả chục năm vẫn cực, chỉ được mỗi mùa hoa Tết và vài ngày lễ trong năm có chút tiền tái đầu tư nhà vườn, cho con ăn học. Chỉ có những người bán đất hoặc đi buôn hoa thì mới giàu được” - vợ ông Thành phân trần.

Hy vọng rất nhiều cho ông Anh, ông Thành hiện nay là chợ hoa đấu xảo đang được TP Đà Lạt xúc tiến xây dựng. Chỉ khi tồn tại một ngôi chợ như thế, nơi người trồng được quyết định giá bán của mình thì cơ hội mới đến cho người trồng hoa Đà Lạt.

4- Họ vẫn có niềm vui riêng của mình. Niềm vui đó là gì, là một công việc ổn định hằng ngày với sản phẩm đầu ra được xã hội mong đợi. Hoa hôm nay đã là một hàng hóa với nhu cầu làm đẹp thực sự, trồng hoa đã thành một nghề chuyên nghiệp. Như bao nhiêu nông dân ở Đà Lạt này ông Thành đã trải qua một thời gian dài làm đủ loại rau, trồng khoai tây, khi thu được mùa mất giá, bán đổ bán tháo. Để đến được với cây hoa hồng trong vòng chục năm nay, ông và bao người đã phải mày mò, thử nghiệm, nghe đâu chỗ nào có giống tốt tìm tới, chỗ nào làm được đến học tập. Thành công có, thất bại cũng nhiều ông mới có một mô hình trồng hoa tương đối hoàn chỉnh như hôm nay.

Nổi danh với hoa hồng, nhưng theo ông Thành, đâu phải loại nào cũng trồng được trên đất Vạn Thành; nơi đây chỉ thích hợp với hồng đỏ, hồng nhung, hồng trắng, hồng phấn, còn hồng vàng muốn đẹp phải tìm vào Lạc Dương. Trồng hoa ổn định hơn trồng rau nhiều, và niềm vui của người Vạn Thành như ông Thành chính là niềm tự hào được góp sức biến một vùng ven Đà Lạt hoang sơ trước kia thành một làng chuyên canh hoa hồng lớn nhất nước như hôm nay.

VIẾT TRỌNG

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang