• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làng mai tỉ phú

Nguồn tin: TN, 2/2/2007
Ngày cập nhật: 4/2/2007

Dường như hiếm có một làng quê nào ở duyên hải miền Trung như làng mai Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Cứ mỗi dịp cuối năm, làng đón hàng nghìn lượt khách cùng phương tiện là các loại cơ giới từ xe tải đến ô tô con tấp nập đổ về mua cây.

Tên làng được hầu hết giới hoa kiểng và người kinh doanh mai Tết khắp mọi miền đất nước thuộc nằm lòng. Chỉ nhờ vào chuyên nghề trồng cây mai Tết, một làng thuần nông vốn khó nghèo trên miền đất từng vàng son những dấu tích văn hóa tường thành, tháp Chămpa cổ xưa nay đã trở thành tỉ phú. Nhà nhà nơi đây từng bước đổi đời với cuộc sống dư dã...

Nhà nhà trồng mai, người người chăm mai!

Không như các làng nghề: đúc đồng, làm nón lá, thêu đan có truyền thống hàng trăm năm trên vùng đất An Nhơn từng xuất hiện Thành Hoàng Đế - kinh đô - gắn liền với sự thăng trầm của các vương triều xưa kia, làng mai Háo Đức chỉ có “thâm niên” chừng hơn 20 năm trở lại đây. “Tuổi đời” ít ỏi song tên làng được nhiều người biết đến với vựa mai có lẽ lớn nhất miền Trung.

Những bậc cao niên tại làng cứ vồn vã kể lại căn cơ thoát nghèo khi chuyện trò cùng khách lạ rằng, bao thế hệ sinh ra và lớn lên từng một thời dầm mưa dãi nắng với ruộng đồng, từng vật lộn khó khăn với cuộc sống mưu sinh nhưng chẳng bao giờ dân làng thoát khỏi cái nghèo bám víu. Bỗng một ngày, niềm hy vọng đổi đời của cả làng chợt lóe lên khi tìm được loài cây có triển vọng kinh tế cao, rất thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng. Đó là vào khoảng những năm sau ngày thống nhất đất nước. Cho đến bây giờ, người dân Háo Đức vẫn luôn miệng nhắc đến tên cụ Lang (nay đã qua đời), bởi cụ là ông tổ khai sinh ra nghề trồng mai Tết tại làng.

Cũng là một người trồng mai Tết, Thôn trưởng thôn Háo Đức Bùi Quý Nam rất hồ hởi “đón” cánh nhà báo, nhà đài mỗi khi tìm về “mục sở thị” cây trồng chủ lực của làng. Thôn trưởng Bùi Quý Nam rành rẽ: “Háo Đức là một làng quy mô khá nhỏ, chỉ có hơn 400 hộ dân. Ngày xưa, sản vật của làng làm ra chủ yếu là lúa. Bây giờ mọi chuyện đã khác. Cả làng tập trung công sức, vốn liếng trồng mai Tết. Lúa thì xay ra gạo ăn được ngay. Mai Tết thì không ăn được nhưng bán lại bộn (nhiều) tiền gấp bội phần. Năm rồi làng mai thu nhập được mấy tỉ đồng. Thử hỏi nếu không nhờ trồng mai thì nông dân làm cái nghề ngỗng gì để được số tiền khổng lồ ấy...”.

Trên các ngả đường của làng mai Háo Đức, nhiều ngôi nhà kiên cố, cao tầng mọc lên nhan nhản. Nhiều vật dụng dù có đắt tiền cũng trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Từ đầu đến cuối làng, đi đâu cũng thấy toàn là mai. Hàng trăm cụ già, con trẻ, đàn ông, đàn bà tất bật trên những vườn mai bạt ngàn kế tiếp nhau đang độ “khai hoa nở nhụy”.

Một chủ vườn mai tên Minh nói như muốn dốc hết bầu tâm sự: “Ở đây, nhà nhà trồng mai, người người cố sức chăm mai. Trồng nhiều đến nỗi ám ảnh. Ăn cũng mai. Ngủ cũng mai. Vật lộn với mai quanh năm suốt tháng. Cây mai san sát, từ ngoài ngõ đến tận hiên nhà. Một khoảnh đất dù nhỏ vài ba mét vuông cũng tận dụng trồng mai. Có cụ già ngoài 70 tuổi cũng đi mua giống mai về trồng để bán. Mai đã tạo nên sự đổi thay cho cả làng. Chỉ tính mươi hôm trở lại đây, đã có hàng chục xe tải đến “ăn hàng”, mỗi xe chở từ vài chục đến vài trăm cây, trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng”.

Thị trường tiêu thụ mai Háo Đức khá rộng. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu chơi mai Tết của cư dân trong tỉnh và các vùng phụ cận, mai Háo Đức còn được các đầu nậu kinh doanh hoa kiểng chuyên chở vào Nam, ra Bắc, lên Tây Nguyên để bán. Mỗi cây mai thương phẩm xuất xứ từ Háo Đức có giá bình quân từ vài trăm đến vài triệu đồng. Một số ít cây thuộc hàng “độc” (mai có tuổi thọ cao, dáng thế đẹp) có khi lên đến vài chục triệu đồng. Hấp lực từ nghề trồng mai Tết với nguồi lợi cao, đảm bảo đã khiến các làng lân cận của Háo Đức bắt đầu rục rịch làm theo.

Nghệ nhân trứ danh ở làng mai

Ở Háo Đức, chỉ có những cụ già neo đơn, người mất sức lao động mới không “dính dáng” đến mai. Còn lại, ai cũng xem mai như là “một phần tất yếu” của mình. Người trồng ít thì vài trăm cây. Kẻ trồng nhiều lên đến gần cả chục ngàn cây. Trong số những đại gia trồng mai ở Háo Đức, ông Sáu Ngữ dù năm nay đã 54 tuổi nhưng vẫn luôn được xếp vào hàng “top ten”. 17 năm trong nghề, khoảnh vườn rộng chừng 5 sào đất của ông Sáu Ngữ luôn thường trực ba bốn ngàn chậu mai, trở thành “tay chơi” mai cự phách khắp vùng.

Nhờ vào giống tốt và kỹ thuật chăm sóc, dưỡng cây “siêu hạng”, mai của ông Sáu Ngữ dần hình thành những dáng thế đặc trưng, được khách hàng xa gần mến mộ tìm đến mua. Ông bảo, mỗi người mỗi ý nhưng phải biết tạo thế cây để ai nhìn vào cũng thích; được như vậy mới mong giữ được mối lái.

Cơ duyên đến với nghề trồng mai Tết của người nghệ nhân này lắm gian truân. Suốt một thời gian dài, ông từng trải qua đủ thứ nghề từ làm ruộng đến làm gỗ xuất khẩu nhưng mỗi khi đúc kết, chung quy lại vẫn nằm trong hai chữ “thất bát”. Ông Sáu Ngữ bộc bạch về chuyện chọn cây mai làm “cây cứu cánh” cho cả gia đình: “Lúc trước, tui đâu có nghĩ tới nghề này. Khi bắt đầu khởi sự trồng, nhiều chủ vườn khác trong làng đã khẳng định danh tiếng của mình rồi. Thấy trồng mai có tiền, tui mày mò trồng thử. Rất may là từ đó cho đến nay, chưa có mùa mai nào trắng tay”. Nhờ vào cây mai, ông cho con ăn ăn học tử tế. Ngoài đứa út đang học lớp 11, hai đứa con đầu của ông vào TP.HCM học đại học nay đã tốt nghiệp ra trường.

Trong vườn mai của ông Sáu Ngữ nổi bật một cây mai cao lớn, tán rộng. Mỗi mùa Tết, hoa nở rộ vàng cả một góc sân. Ông Sáu Ngữ gọi là “cây mai tổ đình, đã thọ qua ba đời”. Ông xem nó như một vật gia bảo của dòng họ, ai mua cũng không bán dù đã có người tìm đến trả giá lên tới 40 triệu. Mấy hôm trước, để cho cây bung nụ kịp đón Tết, ông đã thuê nhân công lặt lá suốt mấy ngày.

Cách ông Sáu Ngữ chơi mai và gắn bó với làng nghề cũng khiến nhiều “đồng nghiệp” thán phục dài dài. Năm trước, có mấy chủ vườn ở tận Đồng Tháp khăn gói ra Háo Đức, tức tốc tìm đến nhà ông Sáu Ngữ không phải mua mai mà nằng nặc muốn thuê ông vào ở hẳn trong ấy để chăm cây. Họ đưa ra một hợp đồng hoành tráng “chăm 3 năm sẽ được trả 300 triệu đồng” vẫn không lấy được cái “gật đầu” của người nghệ nhân làng mai Háo Đức. Ông Sáu Ngữ một mực từ chối bởi “ở lại vườn nhà cũng làm ra được số tiền ấy, đi xa lại nhớ vợ nhớ con, chăm cây sao đặng”! Biết không thể nào lay chuyển được tâm ý, các chủ vườn đành thất vọng quay về.

Điều còn trăn trở

Có thể nói, hàng chục năm qua, người dân Háo Đức đã “sống chung” với mai. Theo đà tăng trưởng như hiện nay, chẳng bao giờ mảnh đất này vắng bóng loài cây này. Phong trào chơi mai Tết ngày càng tăng khiến làng mai Háo Đức phải tìm mọi cách duy trì và nâng cao số lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường ba miền.

Thực tế xảy ra ở Háo Đức đang tiềm ẩn mối hiểm họa khôn lường là nguy cơ ô nhiễm môi trường sống từ thuốc bảo vệ thực vật. Mật độ cây dày đặc, để phòng trừ sâu bệnh, các chủ vườn chỉ biết “cậy” vào thuốc trừ sâu. Họ phun thuốc quanh năm suốt tháng làm cho dư lượng hóa chất độc hại thấm vào đất, mạch nước ngầm mỗi ngày mỗi nặng nề hơn. Vì nguồn lợi kinh tế, các chủ vườn chẳng hề đoái hoài gì đến sức khỏe, hệ lụy bệnh tật nan y mà một lúc nào đó sẽ phát tán.

Để làng mai nổi tiếng Háo Đức phát triển bền vững, thiết nghĩ các ngành chức năng địa phương cần sớm đưa ra lời cảnh báo và có những giải pháp kỹ thuật giúp bà con nông dân biết cách sản xuất an toàn hơn.

Đình Phú

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang