• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kiểng tết ở miền Trung: Mai “ngậm” nụ, quất “ngậm” tiền

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 09/01/2012
Ngày cập nhật: 10/1/2012

Chỉ còn nửa tháng đến Tết Nhâm Thìn nhưng các vườn mai ở miền Trung vẫn “ngậm câm”. Hàng trăm nhà vườn bỏ công chăm sóc suốt năm qua, đến thời điểm cận tết lại gặp rét kéo dài, gây thất thu nghiêm trọng, thậm chí có nhiều người phải mang nợ. Cùng điều kiện, những nhà vườn trồng các loại hoa cúc, ly ly, thược dược, quất… xem chừng sẽ trúng đậm.

Trong khi mai mất mùa thì quất lại trúng đậm. Ảnh: Nguyễn Hùng

Mai “tịt ngòi”

Hội An (Quảng Nam) được xem là vựa hoa của cả khu vực miền Trung. Thông thường những ngày đầu tháng Chạp, các thương lái khắp nơi tìm đến đặt mua nhưng năm nay, không khí tại các vườn mai kiểng ở Hội An hết sức ảm đạm.

Ông Trần Công Thời ở phường Tân An, TP Hội An - một nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm trong nghề trồng mai, có hơn 500 chậu mai trên 15 năm tuổi, không khỏi thất vọng: “Năm nay do thời tiết lạnh kéo dài nên mai không thể nở kịp tết. Tất cả nhà vườn trồng mai ở đây hầu như thất thu gần 100%. Trồng mai rất khó khăn, đầu tư, chăm sóc cả năm trời chỉ mong đến ngày tết bán để thu lại vốn, kiếm chút lời lo tết cho gia đình, nhưng với tình hình như hiện nay, xem ra tết này gia đình chịu cảnh thiếu thốn rồi”.

Chung số phận là những nhà vườn trồng mai kiểng ở phường Hòa An (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đang lo sốt vó vì mai “tịt ngòi”, không chịu ra búp. Hàng ngàn chậu mai đã được cắt tỉa, tạo dáng, thế đẹp đặt sẵn trong sân chờ khách, nhưng khách đến, đi một vòng rồi lắc đầu bỏ về không thèm hỏi một câu.

Ông Trần Ngọc Anh, nghệ nhân trồng mai (tổ 50, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), chua chát nói: “Năm ngoái, chúng tôi cũng thất thu vì thời tiết. Ráng gắng gượng, vay mượn, tập trung chăm sóc mong mỏi năm nay sẽ trúng mùa lấy lại vốn, trả nợ cho người ta. Ai ngờ năm nay lạnh kéo dài từ tháng 11-2011 đến nay, chăm bón kiểu gì mai cũng không chịu ra ngòi, trổ búp. Như vậy xem như mất trắng 2 năm liền”. Để chăm bón gần 1.000 chậu mai, ông Anh đã vay mượn hàng trăm triệu đồng và nhiều khả năng số nợ trên khó trả xong.

Nhiều chủ vườn mai cố gắng dùng biện pháp can thiệp bằng cách thắp đèn điện, tưới nước nóng mong vớt vát được chậu nào hay chậu đó. Nhưng theo những người trồng mai lâu năm, nếu có “ép” ra bông thì cũng không được đẹp, mất thần thái, không đúng cốt cách của một trong tứ quý.

Điền Hòa, một xã thuần nông bên phá Tam Giang thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngoài cây lúa, 100% hộ dân nơi đây còn có thu nhập từ nghề trồng mai vàng. Đây cũng là xã duy nhất tại Thừa Thiên - Huế có câu lạc bộ mai cảnh và tổ chức hội hoa mai hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Họ cũng đứng ngồi không yên khi cái rét cứ kéo dài.

Ông Nguyễn Thành Nam, người có kinh nghiệm trồng mai, buồn rầu: “Kiểu này không biết lấy đâu ra tết để tổ chức hội mai hàng năm chứ nói gì đến bán mai để thu hồi lại vốn đã đầu tư. Nhiều gia đình trồng mai ở đây đang nợ rất nhiều, không biết xoay xở thế nào đây”.

Thời tiết không chỉ làm nhà vườn thất thu mà còn gây mất uy tín. Bởi lẽ, bên cạnh việc trồng mai, các nhà vườn còn nhận chăm sóc mai thuê cho những người có nhu cầu. Nghệ nhân Lê Hai (tổ 50, phường Hòa An), nhận chăm sóc của khách trên 20 chậu mai và với tình thế hiện nay, ông cũng đành mất uy tín với họ. Theo hợp đồng, ông Hai nhận chăm sóc mỗi cây mai với giá 1,2 triệu đồng. Với yêu cầu ông phải chăm sóc, cắt tỉa, uốn tạo dáng đẹp cho cây. Nhất là đảm bảo sao cho đến cận Tết Nguyên đán mai ra hoa phải đạt tỷ lệ khoảng 70%.

Quất, hoa tăng giá

Khác hẳn với không khí ảm đạm tại các vườn mai, những nhà vườn trồng quất, hoa tết... lại khấp khởi vui mừng vì trúng mùa, được giá. Tại vườn quất của anh Lê Trung Nghĩa - phường Tân An (Hội An) chúng tôi chứng kiến cảnh các thương lái tranh giành nhau từng gốc quất. Giá mỗi gốc quất dao động từ 800.000 đến 1 triệu đồng, thậm chí có gốc đến 4 - 5 triệu đồng nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Anh Nghĩa phấn khởi: “Do mai không ra bông kịp nên nhiều người chuyển sang mua quất về chưng tết. Điều này đã giúp chúng tôi trúng lớn trong mùa hoa tết năm nay. Giá quất tăng trên 50% so với năm ngoái, trừ hết chi phí, với gần 1.000 gốc quất, tôi lời khoảng 400 - 500 triệu đồng”.

Một nguyên nhân nữa làm giá quất cảnh năm nay cao hơn là do giá cây giống tăng từ 70.000 - 80.000 đồng năm ngoái lên 100.000 - 120.000 đồng/cây. Bên cạnh đó, giá phân bón, công chăm sóc cũng tăng hơn năm ngoái từ 20% - 30%.

Trong những năm gần đây, bên cạnh hai giống cây chủ lực là mai và quất, các hộ trồng hoa và cây cảnh ở Hội An còn mạnh dạn đầu tư vào các loại hoa ngắn ngày, đặc biệt là cúc đại đóa, ly ly và hoa lan. Anh Nguyễn Đạt (ở phường Cẩm Châu) là người đầu tiên trồng hoa ly ly, cho biết: “Nhờ đặc tính của loại hoa này không chịu tác động lớn bởi thời tiết nên với hơn 1.500 chậu hoa ly ly đang ra búp, trổ bông rất đẹp, gia đình anh thu lãi chừng hơn 100 triệu đồng”. Do thời gian chăm sóc ngắn, không tốn nhiều chi phí, giá trị kinh tế lại cao nên nhiều hộ dân trồng hoa ở Cẩm Châu (Hội An) đã mạnh dạn đầu tư cho loại hoa này với diện tích ngày càng lớn.

Theo ông Mai Thanh Hùng, cán bộ Văn phòng UBND phường Cẩm Hà (Hội An), trong 41.000 chậu quất trên địa bàn toàn xã thì hơn 80% có chất lượng tốt. Đến thời điểm hiện tại người dân đã bán được khoảng 40%. Năm nay các thương lái từ Đà Nẵng vào hợp đồng mua muộn hơn nhưng cũng chỉ khoảng 1 tuần đến 10 ngày nữa là cảnh mua bán sẽ rầm rộ, thậm chí thương lái từ Quảng Ngãi, Huế, Bình Định cũng sẽ đổ về. “Tết năm ngoái, người trồng hoa Cẩm Hà thu về 13,3 tỷ đồng. Còn tính cả năm 2011, con số đó là 17,3 tỷ đồng. Năm nay bà con cũng đang hy vọng lấy quất để gỡ mai”, ông Hùng cho biết.

Nguyễn Hùng – Văn Thắng

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang