• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hà Nội: Khai thác tiềm năng còn bỏ ngỏ

Nguồn tin: Hà Nội Mới, 02/12/2011
Ngày cập nhật: 3/12/2011

Một trong những mô hình nông nghiệp mang lại thu nhập cao cho nông dân hiện nay được xác định là nghề sản xuất hoa, cây cảnh. Nhiều vùng quê hình thành làng nghề hoa, cây cảnh đã xuất hiện hàng trăm tỷ phú. Phát triển sản xuất hoa, cây cảnh đang được coi là hướng đi phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Hà Nội.

Năng suất, chất lượng hoa thấp

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện diện tích trồng hoa, cây cảnh là 2.009 ha, trong đó có 68,9% diện tích (1.350 ha trên 42 vùng tập trung, diện tích 20 ha/vùng) tại 18 xã của 5 quận, huyện: Từ Liêm, Mê Linh, Tây Hồ, Đan Phượng, Thường Tín. Còn lại hoa được trồng phân tán tại các xã, phường, sản xuất nhỏ lẻ, một số diện tích mới chuyển từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng hoa. Các chủng loại hoa, cây cảnh chính của Hà Nội là hoa hồng 770 ha, chiếm 38,3%; cúc 450 ha, chiếm 22,4%; đào 288,2 ha, chiếm 14%; đồng tiền 179,5 ha, chiếm 8,9%; quất 184,7 ha, chiếm 8,2%; lily, lan 14,4 ha, chiếm 0,7%; Các chủng loại hoa khác như thược dược, lay ơn, cẩm chướng… có 67,3 ha, chiếm 3,3% diện tích. Trung bình hằng năm sản xuất hoa, cây cảnh đã cung ứng cho thị trường 1.000 - 1.100 triệu cành hoa, khoảng 1 triệu chậu hoa và 1,2 triệu cây cảnh các loại.

Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, năng suất, sản lượng và chất lượng hoa trồng đại trà còn thấp, diện tích hoa giá trị kinh tế cao chỉ chiếm 11%, không thể đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng. Đáng lưu ý là chất lượng hoa không đồng đều ở các vùng, chất lượng hoa cắt cành còn thấp, tỷ lệ hoa đạt tiêu chuẩn loại 1 chỉ đạt 20 - 50% tùy kinh nghiệm thâm canh, có sự chênh lệch rõ rệt giữa các vùng hoa, cây cảnh truyền thống và các vùng mới được mở rộng. Hạn chế đối với người trồng hoa, cây cảnh là nông dân thiếu kỹ thuật và kinh nghiệm, sản xuất manh mún, thiếu vốn đầu tư, thiếu thông tin về thị trường, tiêu thụ bấp bênh; chưa thu hút được các doanh nghiệp trong đầu tư phát triển sản xuất tiêu thụ hoa, cây cảnh. Đặc biệt, phần lớn diện tích sản xuất đại trà không tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật về mật độ trồng và kỹ thuật chăm sóc (tỉa cây, thay cây, chế độ chiếu sáng… không đúng kỹ thuật; lạm dụng phân bón). Nông dân còn lúng túng khi gặp thời tiết không thuận lợi, khó điều khiển thời điểm nở hoa đúng vào các dịp nhu cầu tăng cao.

Áp dụng công nghệ, đột phá khâu giống

Hà Nội chưa hình thành được hệ thống cung ứng giống hoa chất lượng cao. Với những giống chủ động được như hồng, cúc, thược dược chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và phương pháp nhân giống truyền thống như gieo từ hạt, trồng từ củ, mầm, nhánh nên chất lượng giống kém, dễ bị thoái hóa, làm giảm chất lượng hoa. Tuy chủng loại hoa của Hà Nội phong phú nhưng thiếu giống hoa đẹp, chất lượng cao. Các giống hoa cao cấp phải nhập khẩu từ Hà Lan, Trung Quốc dẫn đến bị động mà số lượng chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sản xuất. Ông Nguyễn Duy Hồng, Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, nghề trồng hoa Hà Nội chưa phát triển, người dân chưa đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng như nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới hiện đại... Hiện chỉ có khoảng 39,5 ha hoa và cây cảnh trồng trong nhà lưới, nhà che nilon được xây dựng trong những mô hình hẹp, nhỏ lẻ tại một số vùng chuyên canh (Từ Liêm, Hoàng Mai, Mê Linh, Đan Phượng). Bên cạnh đó, các vùng trồng hoa chưa ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong sơ chế, bảo quản sản phẩm.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân cho rằng, mức độ đầu tư cho hoa, cây cảnh tương đối cao, trung bình cần 120 - 200 triệu đồng/ha, còn hoa cao cấp mức độ đầu tư rất cao, khoảng 3 tỷ đến 20 tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, tại các vùng hoa chuyên canh, có trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất (Từ Liêm, Mê Linh, Tây Hồ) hiệu quả sản xuất hoa, cây cảnh đạt cao, khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha/năm; diện tích trồng hoa hồng chất lượng cao đạt doanh thu đến 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm, còn với hoa lily, lan cho thu nhập cao hơn nhiều lần.

Trước thực trạng tiềm năng bị bỏ ngỏ, Sở NN&PTNT vừa trình UBND TP đề án "Phát triển sản xuất hoa, cây cảnh Hà Nội giai đoạn 2011 - 2016" mục tiêu đến năm 2016, diện tích đạt 2.165 ha với tốc độ mở rộng các vùng mới là 60 - 80 ha/năm. Mỗi năm tăng từ 5 - 10% năng suất và giá trị kinh tế. Tổng nhu cầu vốn cho đề án cần 971 tỷ đồng, trong đó kinh phí chủ yếu do doanh nghiệp và người sản xuất tự đầu tư là 682 tỷ đồng. Hà Nội tập trung phát triển sản xuất hoa giá trị kinh tế cao là chính (hoa hồng, lily, lan, đào) để đạt thu nhập 350 - 400 triệu đồng/ha/năm (tăng từ 40 - 75 triệu đồng/ha/năm so với hiện nay). Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, Hà Nội đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp như hỗ trợ dồn điền đổi thửa, tập huấn đào tạo, thiết bị máy móc, quảng bá xây dựng nhãn hiệu tiêu thụ hàng hóa... Hà Nội hỗ trợ mỗi năm khoảng 20 mô hình hộ và trang trại, hình thành 4 vùng lớn là, vùng hoa hồng 170 ha tại Mê Linh, vùng hoa lily 15 ha ở Đan Phượng, Chương Mỹ, vùng hoa lan 15 ha đang lựa chọn điểm Hoài Đức hoặc Gia Lâm, vùng hoa đào 20 ha tại Long Biên. Đối với Trung tâm trồng hoa công nghệ cao, dự kiến 2 năm đầu lấy thu bù chi, tự cân đối, từ năm thứ 3 đến năm thứ 5 đạt hiệu quả 300 - 500 triệu đồng/năm/mô hình khoảng 3.000 m2. Đối với sản xuất hoa giá trị kinh tế cao, diện tích đạt 400 ha, thu nhập ước từ 700 triệu đồng tới 3 tỷ đồng/ha.

Mục tiêu Hà Nội đặt ra là dần thay thế hoa nhập khẩu để tham gia xuất khẩu hoa, dự kiến mức thu nhập hằng năm từ thay thế nhập khẩu và tham gia xuất khẩu hoa đạt đến 1 triệu USD/năm, 1 ha trồng hoa sẽ tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 40 - 45 người.

Đào Huyền

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang