• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hà Nội: Hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong trồng hoa - Thay đổi cách thức sản xuất

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị, 08/09/2011
Ngày cập nhật: 9/9/2011

Phun thuốc BVTV không có bảo hộ lao động tại xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Images: Văn Thắng

Hiện nay tại nhiều vùng trồng hoa của Hà Nội như Tây Tựu (Từ Liêm), Tân Lập (Đan Phượng), Mê Linh…, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) một cách tràn lan vẫn còn diễn ra phổ biến.

Điều này không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn góp phần vào sự gia tăng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

7 - 10 ngày phun thuốc/lần

Đến vùng hoa Tây Tựu, huyện Từ Liêm, hình ảnh dễ bắt gặp là người nông dân trên vai đeo bình đang phun thuốc BVTV trên những ruộng hoa, mùi hóa chất nồng nặc. Nhiều người dân thậm chí còn không đeo khẩu trang, găng tay bảo hộ. Anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn 3, xã Tây Tựu cho biết: "Cứ vài hôm lại phun thuốc một lần nên chúng tôi quen rồi, đeo khẩu trang vướng víu, khó chịu lắm". Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ nhiệm HTX Tây Tựu số 2 cho biết, tình trạng sử dụng thuốc BVTV khá thường xuyên trong sản xuất hoa. Cụ thể, với hoa hồng, thường có nhiều bệnh như muội kin kin, sương, sâu xanh, sâu tơ… nên phải phun thuốc 1 tuần/lần, tùy theo thời tiết, mật độ có thể dày hoặc thưa hơn. Hoa đồng tiền mặc dù được trồng trong nhà lưới, bao nilon kín nhưng cứ 10 - 15 ngày phải phun thuốc/lần…

Toàn xã Tây Tựu hiện có 315 ha trồng hoa và 128 ha diện tích thuê đất ở nơi khác. Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Tây Tựu cho biết, nguyên nhân sử dụng tràn lan thuốc BVTV trên cây hoa vì hiện nay sản xuất vẫn còn manh mún, tự phát, thâm canh theo tập quán canh tác cũ. "Hàng nghìn mảnh ruộng, hôm nay nhà này phun, mai nhà khác phun nên hầu như hôm nào cũng có người phun thuốc BVTV" - ông Việt cho biết.

Tương tự, tình trạng phun thuốc BVTV tràn lan cũng đang trở thành vấn đề "nóng" mà nhiều người dân xã Tân Lập, huyện Đan Phượng lo ngại. Toàn xã có khoảng 45 ha do các hộ dân ở Tây Tựu đến thuê đất trồng hoa. Ông Bùi Ngọc Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập cho biết: Thuốc BVTV theo gió bay vào làng, ảnh hưởng tới không khí ở các khu dân cư. Cùng với đó, các hộ trồng hoa vứt vỏ bao, chai lọ thuốc BVTV đã qua sử dụng rất bừa bãi và thói quen rửa bình tại các kênh, mương đã khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Thay đổi tập quán canh tác

Thực tế, việc sử dụng quá nhiều thuốc BVTV là ngoài mong muốn của người dân vì họ phải bỏ ra chi phí lớn, công lao động, thời gian và ảnh hưởng đến cả sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều nông dân bày tỏ, nếu không phun thuốc BVTV thì mẫu mã hoa không thể đẹp. Do đó, điều quan trọng là cần giúp người dân thay đổi cách thức sản xuất. Ông Lê Văn Việt cho biết, hiện Sở NN&PTNT Hà Nội đang triển khai dự án xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và bảo quản hoa với diện tích 10 ha tại xã này. Theo đó, người dân sẽ phải sản xuất đúng qui trình, chịu sự giám sát chặt chẽ về kỹ thuật. Ông Việt hy vọng dự án hoàn thành sớm sẽ góp phần thay đổi cách thức sử dụng thuốc BVTV của người dân.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Lý, Giám đốc Trung tâm hoa, cây cảnh, Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), các vùng hoa Tây Tựu, Mê Linh tuy diện tích nhiều nhưng năng suất, chất lượng vẫn chưa đảm bảo. Người trồng hoa đang thâm canh quá mức. Chẳng hạn, hoa hồng chủ yếu phát triển tốt và cho hoa đẹp vào mùa Đông nhưng người nông dân thu hoa quanh năm nên mùa Hè hoa nhỏ, xấu và dễ bị sâu bệnh, sử dụng thuốc BVTV nhiều. Do đó, bà con nên đốn cây vào mùa Hè, để đến tháng 9 mới bắt đầu thu hoạch thì hoa sẽ đẹp hơn, năng suất cao và giảm sâu bệnh.

Đặc biệt, các địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân sử dụng thuốc đúng cách, đúng liều lượng và vứt vỏ bao bì đúng nơi qui định. Đồng thời, hướng dẫn người dân chuyển sang dùng các chế phẩm sinh học để thay thế thuốc hóa học, đảm bảo an toàn cho cả sản phẩm hoa và người sản xuất.

Theo nghiên cứu của Viện Tài nguyên môi trường, Giới vì sự phát triển cộng đồng, tại Tây Tựu chỉ có 28% số hộ nông dân bảo quản thuốc tại các kho riêng biệt và con số này ở huyện Đan Phượng chỉ có 0,49%. 100% số người được hỏi đều trả lời họ vứt bao bì đựng thuốc một cách tự do sau sử dụng.

Thiện Quang

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang