• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“Chơi chim luyện trí”

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 20/08/2011
Ngày cập nhật: 22/8/2011

Người xưa có câu “Chơi đồ cổ để giữ thần/Chơi cây để giữ lễ/Chơi chim để luyện trí”. Không ồn ào với nhiều CLB chim cảnh thu hút hàng trăm hội viên tham gia sinh hoạt như nhiều tỉnh thành khác nhưng lâu nay nhiều người Quảng Trị vẫn âm thầm chọn cho mình thú chơi chim tao nhã. Những loại chim được người chơi ưa thích là họa mi, chào mào, cu gáy, vành khuyên... và nhiều loại chim khác.

Thú chơi tao nhã

Trong không gian không rộng, quán cà phê chim cảnh nằm đầu đường Hai Bà Trưng (thành phố Đông Hà) rộn ràng tiếng hót líu lo của nhiều loại chim. Anh Nguyễn Anh Tuấn tranh thủ lúc vắng khách đem mấy con chim chào mào, chích chòe than, chích chòe lửa ra trước quán cho chúng tắm nắng.

Anh Nguyễn Anh Tuấn đang chăm sóc chim.

Anh cho biết: “Chơi chim cảnh từ lâu được coi là thú chơi tao nhã và đối tượng chơi khá rộng rãi. Đối tượng chơi chim cảnh không giới hạn tuổi tác hay điều kiện kinh tế bởi từ “bình dân” cho đến “thượng lưu” đều có thể tham gia.

Để được ngắm, nghe tiếng hót, tiếng kêu của các loại chim, người chơi có thể bỏ ra vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng chỉ để sở hữu một con chim theo ý thích riêng mình.

Hiện tại, trên thị trường chim cảnh Quảng Trị, giá một con chim chào mào “đứng lồng” (khi người đến gần chim không hoảng sợ đâm đầu vào lồng) giao động từ khoảng 200 - 250 nghìn đồng/con; chim chích chòe lửa, chích chòe than bổi mới bẫy về có giá 250 - 300 nghìn đồng/con; chim họa mi, khướu bổi có giá từ 700 - 900 nghìn đồng và các loại chim như cu gáy, vành khuyên, sơn ca thì giá từ vài chục nghìn đồng đến vài chục triệu đồng tùy thuộc vào tố chất từng con.

Khi đã mua được một con chim ưng ý rồi thì việc tiếp theo là tìm cho con chim một chiếc lồng phù hợp với giá tiền nhiều khi gấp đôi, gấp ba giá của con chim. Giới chơi chim cảnh hiện rất ưa chuộng loại lồng chim được các nghệ nhân tỉnh Thừa Thiên - Huế chạm trổ công phu mà người chơi chim hay gọi là “lồng Huế” với giá thấp nhất là 2 - 3 triệu đồng, cao nhất là hàng chục triệu đồng. Nếu không có điều kiện để sở hữu chiếc “lồng Huế” thì có thể mua lồng tre bán ở các cửa hàng chim cảnh với giá 300 - 500 nghìn đồng/chiếc”.

Thú chơi chim cảnh thì đa dạng nhưng người chơi chim chia chúng thành 2 loại chủ yếu đó là chim cảnh và chim hót. Chim cảnh phải có mã ngoài đẹp, dáng chuẩn, bộ lông có màu sắc đẹp, mượt mà như yến phụng, hoàng yến, thanh tước... Chim hót ngoài yếu tố dáng, bộ lông thì tiếng hót phải trầm bổng, du dương vang ngân như suối reo, như gió thổi qua rừng cây... Đó là yếu tố hàng đầu mà người chơi chim lựa chọn.

Những loại chim được liệt vào nhóm chim hót đó là họa mi, chích chòe lửa, chích chòe than, khướu, chào mào, cu gáy, vành khuyên, sơn ca... Ngoài ra, người chơi chim nếu không thích chim cảnh, chim hót thì có thể “tậu” cho mình chim sáo, vẹt, nhồng, cà cưỡng... để dạy nói cho chúng. Trong loại chim hót, người chơi chim có thể lựa chọn ra những con có tố chất của một "võ sĩ" để rèn luyện thành chim đấu hay chim chọi (chim đánh nhau như gà chọi).

Quán cà phê chim cảnh của anh Nguyễn Anh Tuấn là nơi người yêu thích chim cảnh đến sinh hoạt.

“Gắn bó với thú chơi chim cảnh đã gần 12 năm, nay tôi mở quán cà phê chim cảnh này vừa để buôn bán kiếm tiền sinh sống vừa là nơi bạn bè, người thân, người yêu thích chim cảnh đến nhấm nháp cà phê và thư thái nghe chim hót. Có lẽ thú chơi chim đã ngấm vào máu thịt rồi nên giờ bảo tôi bỏ nghề chơi chim để chuyển sang nghề khác thì tôi nhất quyết không bỏ.

Buổi sáng, tôi bắt đầu mở “áo lồng” (mảnh vải trùm quanh lồng), sau đó cho chim ăn rồi treo chim lên ngồi nghe chúng hót. Khoảng 8 - 9 giờ sáng, cho chim tắm nắng sau đó lùa chim vào lồng tắm... Phải dành tình yêu cho chúng thì chúng mới “trả ơn” bằng tiếng hót, mang lại sự thanh bình cho một ngày mới hay quên đi cảm giác mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả” - anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.

Người chơi chim thực thụ ở Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung không bao giờ chơi chim theo kiểu tận diệt. Họ chỉ chọn cho mình những con chim hay để chơi, còn chim không hay sẽ thả trả về với thiên nhiên hoang dã. Kiểu tận diệt chủ yếu hiện nay là những người đi bẫy chim bằng lưới. Họ cứ đến vùng rừng núi nào nhiều chim chào mào, khướu, vành khuyên... là bắt đầu giăng lưới và dùng máy điện thoại ghi âm tiếng chim để gọi chim về.

Mỗi lần bẫy như vậy có đến hàng chục thậm chí hàng trăm con bị mắc lưới...sau đó họ mang về thành phố Đông Hà bán với giá rẻ như chào mào có giá khoảng 50 - 70 nghìn đồng/con. Chính kiểu bẫy tận diệt như vậy khiến cho nhiều loại chim đang ngày càng khan hiếm, cạn kiệt dần.

Với người chơi chim, sau nhiều năm huấn luyện, chăm sóc sẽ chọn ra một vài con "chuẩn", có khả năng làm chim mồi để đi “bẫy đấu”, như chim chào mào. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, người chơi chim mang con chim chào mào mồi của mình lên đường tìm đến một vùng rừng núi nào đó... Khi đến nơi, họ tìm chọn cành thế phù hợp sau đó treo chim mồi lên đợi chim rừng đến.

Chim chào mào hay nhiều loại chim khác như họa mi, chích chòe lửa, chích chòe than, vành khuyên, khướu... có tính lãnh thổ rất cao nên khi thấy vùng rừng núi là lãnh thổ của mình có con chim lạ đến xâm chiếm, lập tức nó sẽ bay đến để nghênh chiến. Lúc đầu, chúng dùng tiếng hót để đe dọa, khiêu chiến, sau đó khi không thể chịu đựng được, chúng sẽ lao vào lồng bẫy để đánh chim mồi rồi dính bẫy.

Người chơi mang chim bẫy được về phủ áo lồng, cho ăn các loại trái cây cho quen dần với điều kiện môi trường nuôi nhốt. Sau một thời gian nếu thấy chim hay thì để lại nuôi, còn nếu không như ý muốn thì người chơi sẽ thả chim về với môi trường tự nhiên.

Giữ mãi niềm đam mê

Ngồi tỉ mẩn, nhẹ nhàng đút từng con cào cào cho mấy con họa mi, chào mào, chích chòe lửa yêu quý của mình trước khoảng sân vườn im mát bóng cây, bác Lê Hồng Sơn ở khu phố 1 (phường 1, thành phố Đông Hà) cho biết: “Trước đây, tại thành phố Đông Hà có CLB chim cảnh. CLB chim cảnh Đông Hà được thành lập năm 2002 với khoảng 30 hội viên tham gia sinh hoạt. Lúc đầu, CLB là do bác Nguyễn Xuân Hiền làm chủ nhiệm, đến năm 2007 anh em tín nhiệm bầu tôi làm chủ nhiệm. Mỗi năm, CLB chim cảnh Đông Hà tổ chức thi đấu chim đẹp, chim hay vào các dịp như 30/4 và Tết Âm lịch. Đến năm 2009 thì CLB tạm ngừng hoạt động do không có địa điểm để sinh hoạt bởi muốn duy trì CLB thì địa điểm có vai trò vô cùng quan trọng. Địa điểm sinh hoạt CLB phải hội đủ các yếu tố như phải nằm ở trung tâm thành phố để anh em có điều kiện đến sinh hoạt; có chỗ treo chim, đá chim, bán thức ăn cho chim. Ngoài ra, địa điểm thường là nơi bán cà phê hoặc các thức uống cho hội viên... Trong thời gian tới, nếu tìm được địa điểm thích hợp, CLB sẽ tiếp tục sinh hoạt”.

Như để tôi hiểu hơn về thú chơi chim đã thành niềm đam mê của mình, bác Lê Hồng Sơn giảng giải cho tôi về đặc tính của từng loại chim: “Gần 10 năm gắn bó với thú chơi chim, tôi cũng hiểu chút ít về đặc tính của các loại chim và nhiều câu chuyện khá lý thú về chúng như họa mi là một loài chim có bản tính sống độc lập, anh hùng. Ngay từ khi mới ra ràng, chim non đã tạo thành cặp".

Vùng đồi núi lúp xúp sim mua là nơi vợ chồng họa mi cát cứ. Nếu bị chiếm đất là chúng tự xé toang cuống họng ra tự tử hoặc âm thầm rút về khu rừng khác để mài mỏ, luyện đòn và 3 năm sau đúng vào ngày bại trận sẽ bay về chốn cũ giành lại giang sơn. Họa mi là loài chim rất chung thuỷ, khi chồng bị bẫy, chim mái bay lượn khắp khu rừng kêu những tiếng bi ai sầu thảm như xé lòng.

Còn chim chào mào lại sở hữu những tiếng “triu, uýt, triu triu huýt” lúc trầm lúc bổng, ríu ran khắp một khoảnh không gian đem lại cho người chơi sự hưng phấn khi bắt đầu một ngày làm việc. Một con chim chào mào hay phải có tố chất như ức có hai viền lông đen, mũ to đều, hơi cong từ gốc tới đỉnh, cặp chân to dài, thân hình thuôn thuôn, miệng mỏng ngắn và đặc biệt sở hữu giọng hót như chuông reo vang. Tiếng hót của chim chào mào thì không một loài chim nào có thể bắt chước được.

Với chim cu gáy, để có được một chú chim đẹp, gáy thành thục, căng, chuẩn nhiều khi phải chọn hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con chim bẫy từ thiên nhiên có khi chỉ lựa được vài con. Tiếng gáy của mỗi con cũng có cao độ, trường độ rất khác nhau, chỉ những người chơi chim nhiều năm mới có thể phân biệt được. Thường chú chim nào gáy càng dài, càng quý.

Các kiểu gáy của chim rất đa dạng, người ta phân biệt là tiếng bổ hai, bổ ba... tùy thuộc vào độ dài cũng như nhịp ngắt. Và âm cũng chia thành nhiều loại như âm thổ, đồng, son, kim. Song người chơi chim gáy có kinh nghiệm thường dựa trên tiếng gáy trận có tiếng chu, lèo, vấp của con chim gáy để đánh giá đó là con chim hay, dở... Nói chung mỗi loài chim đều có những đặc tính riêng của nó”.

Mỗi người trong đời đều chọn cho mình một vài thú chơi lành mạnh để giải trí và những người chọn cho mình thú chơi chim cũng chỉ mong muốn mang một khoảng thiên nhiên thanh bình, tràn ngập tiếng chim hót về nhà để quên đi cuộc sống xô bồ thường nhật. Nhưng chơi chim cũng là cách để người chơi luyện trí.

Nhiều người khi đã đạt đến độ điêu luyện thì có thể huấn luyện, ghép đôi cho chim sinh sản sau đó thả ra môi trường tự nhiên để góp phần bảo vệ môi trường, duy trì giống nòi của nhiều loại chim hoang dã đang cận kề bên bờ tuyệt chủng. Quan trọng hơn, mỗi khi đã gắn bó với thú chơi tao nhã này, người chơi sẽ luôn giữ mãi cho mình niềm đam mê khó bỏ.

Mỗi người trong đời đều chọn cho mình một vài thú chơi lành mạnh để giải trí và những người chọn cho mình thú chơi chim cũng chỉ mong muốn mang một khoảng thiên nhiên thanh bình, tràn ngập tiếng chim hót về nhà để quên đi cuộc sống xô bồ thường nhật. Nhưng chơi chim cũng là cách để người chơi luyện trí.

TÔN HIỀN

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang