• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng bằng sông Cửu Long phập phồng - hoa ngày Tết

Nguồn tin: SGGP, 20/01/2007
Ngày cập nhật: 22/1/2007

Những ngày này, các làng hoa kiểng ở ĐBSCL tất bật chuẩn bị hoa cho Tết Đinh Hợi. Từ Đồng Tháp sang Bến Tre, Cần Thơ… hoa kiểng tràn ngập các vườn. Tuy nhiên, không ít người lo âu bởi năm nay thời tiết thất thường khiến một số vườn hoa bị thất mùa.

Tất bật cho Tết

Hiện mỗi ngày có hàng trăm ghe, xe tải… đến làng hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp) ăn hàng. Từ Tân Quy Đông đi về hướng phà Cao Lãnh, dọc hai bên đường hoa kiểng khoe sắc trông “mê” mắt. “Hổm rày, thương lái từ Đà Nẵng, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh… đến đặt mua hồng, nhưng tôi để tháng chạp bán mới được giá”, anh Nguyễn Văn Dũng, trồng 3 công hồng cho biết.

Khắp làng hoa, ai nấy tất bật ngày mùa. Gia đình nào nhiều thì làm hàng chục ngàn chậu, ít cũng vài ba ngàn chậu. Như chị Nguyễn Thị Bé Ba, ở làng hoa Sa Đéc chuyển hẳn 3 công đất lúa sang trồng hoa kiểng.Anh Đặng ở làng hoa kiểng Chợ Lách (Bến Tre) khoe: “Tôi mới nhập về hoa ngọc anh, hồng ngọc của Thái Lan, rồi đỗ quyên của Trung Quốc… giá từ 30.000đ-50.000đ/ chậu, mấy ngày qua có người đến hỏi mua nhưng tôi đang “o” chờ gần Tết mới tung ra”.

Đáng nể nhất ở Chợ Lách là vườn kiểng thú của ông Năm Công. Nếu như người ta “đeo” theo hoa, thì ông đầu tư vào mặt hàng kiểng thú. Xung quanh vườn nhà ông có hàng trăm cây kiểng thú như rồng, nai, hươu, khủng long, voi…, đặc biệt là kiểng uốn hình 12 con giáp rất đẹp, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hiện tại, ông đang làm 30 “chú heo” ngộ nghĩnh bán vào dịp Tết Đinh Hợi.

Mai, cúc... thất mùa!

Chuẩn bị là vậy nhưng không ít hộ lo âu khi thời tiết không thuận lợi khiến việc chăm sóc hoa kiểng rất khó khăn. Ông Nguyễn Quốc Việt, trồng 3 công mai ở Sa Đéc (Đồng Tháp) nói: “Trên 2.200 cây, giá từ vài trăm đến bạc triệu nên ngày nào cũng bám vườn, cắt cành, giảm bón phân, xịt thuốc…”. Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chợ Lách, thừa nhận: “Trồng mai năm nay cực lắm, mưa liên tục nên phải xả nước thường xuyên và thay chậu tránh bị thúi rễ. Chưa kể nhiều vườn mai nở sớm coi như mất trắng!”.

Không riêng gì mai, mà cúc mâm xôi năm nay cũng “trở chứng” bởi thời tiết lạnh và mưa kéo dài. Chị Nguyễn Thị Lan, xã An Thới, huyện Chợ Lách than: “Trồng cúc mâm xôi cực vô cùng. Vào vụ sớm hồi tháng 6 Âm lịch và chăm liên tục nhưng mưa cứ rải rác kéo dài khiến cúc không làm bông được, lấy gì bán Tết ?”.

Qua khảo sát của chúng tôi ở 2 làng hoa kiểng Chợ Lách và Sa Đéc, nhiều hộ trồng cúc bị thất mùa do thời tiết. Một số nơi cúc nở sớm phải bán “chạy” từ 20.000đ- 30.000đ/giỏ, có hộ cố khắc phục nhưng khả năng cúc ra bông… sau Tết là khó tránh khỏi. Ngoài ra, mưa trái mùa còn làm cho màu sắc hoa không đẹp, khiến nhà vườn phải xử lý khá vất vả.

Còn nhiều lo toan

Ông Trần Văn Thăng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thị xã Sa Đéc, phân tích: “Hàng năm dân Sa Đéc cung cấp thị trường Tết trên 3 triệu chậu hoa kiểng. Trước đây, lợi nhuận từ hoa kiểng trên 100 triệu đồng/ha/năm, nay giảm còn 30- 50 triệu đồng/ha. Nguyên nhân, do chi phí tăng nhưng giá hoa kiểng giậm chân tại chỗ…”.

Đồng quan điểm, ông Lê Phước Toàn, phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, cho rằng: “Cần nhanh chóng khắc phục tình trạng trồng hoa kiểng kiểu nhỏ lẻ, manh mún. Song song, phải tính đến việc xây dựng thương hiệu và tìm những doanh nghiệp lớn làm đầu mối mở thị trường tiêu thụ mới mong đưa nghề trồng hoa đi lên”.

Có thể nói, làng hoa kiểng ĐBSCL tuy nhiều về số lượng, đa dạng chủng loại nhưng lại tụt hậu so với nhiều làng hoa kiểng khác. Nhà nước thiếu đầu tư, trong khi dân trồng hoa kiểng “chữa cháy” bằng cách “làm ngày nào ăn ngày đó”, thiếu hẳn chiến lược phát triển lâu dài, từ đó, dẫn đến tính cạnh tranh rất thấp. Bằng chứng, những lúc “đụng hàng dội chợ” thì hoa ĐBSCL rất khó bán, nhà vườn lâm nợ ngập đầu….

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang