• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Một đời ghép kiểng

Nguồn tin: Người Lao Động, 19/02/2011
Ngày cập nhật: 21/2/2011

Hơn 50 năm trồng và ghép kiểng, nghệ nhân Nguyễn Văn Thật đã tạo ra nhiều loài cây ghép mới lạ để “góp vui cho đời”.

Tại Hội Hoa Xuân Tân Mão diễn ra ở Công viên Tao Đàn - TPHCM, tác phẩm kim ngân ghép 6 loại đã thu hút nhiều du khách đến tham quan bởi tính độc đáo, mới lạ.

Tác phẩm ấy cũng đoạt luôn giải vàng tại Hội Hoa Xuân năm nay. Chủ nhân của tác phẩm này là nghệ nhân Nguyễn Văn Thật (Ba Thật), người được mệnh danh là bậc thầy của lĩnh vực cây kiểng ghép tại TPHCM.

Mê kiểng từ nhỏ

Khu vườn của nghệ nhân Ba Thật nằm tại số 14, đường số 2, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức - TPHCM với hàng loạt cây ghép được trưng bày khắp nơi. Ngay trước cửa ra vào là cây lồng mứt ghép với mai chỉ thiên đang trổ những bông hoa trắng xóa.

Quanh vườn, nào là cần thăng ghép với tắc, sứ ghép nhất chi mai và ngô đồng, bông trang ghép lá ô rô cùng các loài hoa đang thi nhau khoe đủ thứ sắc màu... Dẫn tôi xem vườn, ông giới thiệu: “Đây là những tác phẩm mà tôi đoạt giải qua các hội hoa Xuân. Mỗi năm, tôi đều có những tác phẩm mới lạ để góp vui cho đời”.

Nghệ nhân Ba Thật bên cây cần thăng ghép cam

Gần 80 tuổi, hơn 50 năm gắn bó với nghề ghép kiểng, nghệ nhân Ba Thật đã tạo ra hàng trăm loại kiểng ghép khác nhau. Ông nhớ lại: “Từ nhỏ, tôi đã mê cây kiểng. Mỗi khi đi đâu thấy kiểng đẹp là tôi mua về trồng trong sân nhà".

Tuy nhiên, loài cây đưa tôi đến với nghề ghép kiểng lại là bông trang gần gũi trong cuộc sống hằng ngày. Hồi đó, thấy bông trang có nhiều màu, tôi thử ghép chúng lại với nhau cho vui.

Lúc đầu do không biết kỹ thuật nên cây chết hết. Sau nhiều lần thử nghiệm, tôi mới phát hiện cây chết là do bị nắng nên dùng bao che nắng lại thì cây sống”. Ngay sau đó, hàng loạt cây bông trang ghép đủ màu sắc: trắng, vàng, đỏ, hồng, cam xuất hiện trên thị trường, được nhiều người đặt mua.

Ghép trên nhiều loại cây

Khi thành công với kỹ thuật ghép bông trang, nghệ nhân Ba Thật tiếp tục ứng dụng trên nhiều loại cây khác. Cây thân gỗ được ông ứng dụng kỹ thuật ghép lúc bấy giờ là bình bát ghép với mãng cầu xiêm.

Không dừng lại, ông tiếp tục phát triển kỹ thuật ghép trên các loài cây, hoa khác nhau như sứ, mai chiếu thủy, mai vàng, mai trắng, xơ-ri, hồng cẩm, ngô đồng cùng các loại hoa, lá.

Bí quyết ghép cây được ông đúc kết là chờ khi đọt non của cây ghép lên chừng một tấc rồi ngắt, dùng dao chẻ đôi thân cây. Sau đó, cắt cây cần ghép, vạt đầu rồi đưa vào thân cây ghép, dùng dây cột chặt thân cây lại.

Cuối cùng là dùng bao ni lông trùm kín để giúp cây tránh nắng và giữ được độ ẩm. Với cây thân thảo, thời gian trùm bao ni lông là 15 ngày, cây thân gỗ thì phải 20 ngày...

Nghệ nhân Ba Thật đến với nghệ thuật ghép cây chủ yếu để thỏa chí đam mê chứ không phải để mưu sinh. Vì vậy, những tác phẩm đoạt giải dù được nhiều khách hàng đặt mua nhưng ông không bán.

Ông chia sẻ: “Với tôi, mỗi tác phẩm là một niềm đam mê, nếu bán rồi, lấy gì mà ngắm?”. Chính vì thế mà trong ngôi nhà của ông, hàng loạt cây ghép qua nhiều năm vẫn được lưu giữ như một kỷ vật.

Không dừng niềm đam mê

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng hằng ngày, nghệ nhân Ba Thật vẫn rong ruổi khắp nơi để tìm kiếm những loài cây, hoa đẹp. Trong những chuyến du lịch nước ngoài, ông vẫn không quên sưu tầm những giống cây mới.

Có lần, nghe đồn ở Phan Rang - Ninh Thuận có loài mai vàng trổ bông đỏ, ông đã cất công đi tìm. “Sau nhiều ngày vào rừng tìm kiếm, tôi vẫn không tìm được giống mai lạ. Tuy vất vả nhưng tôi rất vui vì qua chuyến đi, tôi có thêm nhiều người bạn cũng đam mê cây kiểng như mình”.

Trong ngôi nhà của ông, hàng trăm bằng khen, huy chương qua những lần tham dự Hội Hoa Xuân treo khắp nơi. Suốt mấy chục năm tham gia Hội Hoa Xuân, lặng lẽ góp vui cho đời, ông luôn mong muốn đem những tác phẩm đẹp nhất đến với mọi người.

Chỉ tay ra vườn, nơi có những loài cây vừa mới ghép, ông vui vẻ: “Những tác phẩm đó để dành phục vụ bà con vào dịp Tết năm 2012. Ngoài cây cần thăng ghép 10 loại lá, tôi còn ghép hoa mua rừng với hoa mua giống Malaysia, chúng sẽ cho ra hoa tím to, đẹp”.

Ông Võ Văn Êm, Phó Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh TPHCM, cho biết: “Nghệ nhân Ba Thật là người có tâm huyết với nghề, chịu khó sưu tầm những giống cây quý, lạ. Ngoài ra, ông cũng tận tình truyền đạt kinh nghiệm ghép cây cho thế hệ sau, những người đam mê lĩnh vực ghép kiểng”.

Huỳnh Nga

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang