• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng mai làm giàu

Nguồn tin: Người Lao Động, 09/01/2011
Ngày cập nhật: 10/1/2011

Hơn 10 năm trồng mai, gia tài của Trần Tứ Vương là 30.000 gốc mai vàng. Nghề trồng mai đã giúp gia đình anh có cuộc sống sung túc.

Vườn mai của anh Trần Tứ Vương nằm tại ấp 3, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh - TP. HCM với 30.000 gốc mai lớn, nhỏ trên diện tích 3 ha. Đưa chúng tôi ra vườn, bà Huỳnh Thị Nhã, mẹ anh Vương, nói vui: “Nước da của nó đen thui cũng vì mê mai. Ngày nào không ra vườn mai, nó bồn chồn không chịu nổi”.

Anh Trần Tứ Vương (trái) đang chăm sóc vườn mai

Học hỏi để khởi nghiệp

Sinh ra và lớn lên ở huyện Bình Chánh, từ nhỏ, Trần Tứ Vương đã quen với nghề nông. Bấy giờ, mảnh đất nơi anh ở là vùng đất phèn, đường giao thông khó khăn nên gia đình quyết định trồng mía. Những lần xuôi ngược đến các nơi bán mía trong dịp cuối năm, nhìn thấy nhiều cây mai vàng trổ bông thật đẹp, anh đâm ra mê mẩn. “Sau mỗi chuyến đi, tôi thường sưu tầm mai về trồng xung quanh nhà như một thú vui. Từ những cây mai đầu tiên mua về, tôi suy nghĩ nhu cầu tiêu thụ mai của người dân rất nhiều, sao không thử chuyển trồng mía năng suất thấp sang trồng mai...” - Vương tâm sự.

Nghĩ vậy rồi anh lân la tìm đến các nhà vườn ở Thủ Đức để học hỏi kinh nghiệm trồng mai. Bà Nhã nhớ lại: “Hồi đó, ngày nào nó cũng đi lên Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh - Thủ Đức để coi người ta trồng mai. Chiều về tới nhà, nó lại vác cuốc ra vườn lên liếp trồng mai”. Sự cố gắng của Vương đã biến vùng đất trồng mía ngày nào thành vườn mai với những cây mai con được trồng khắp nơi. Nhờ chăm sóc tận tình, cộng với kỹ thuật trồng mai mà anh học hỏi, chẳng mấy chốc vườn mai đã tươi tốt. Vài năm sau, những cây mai đã nở hoa vàng rực cả cánh đồng mỗi khi Xuân về.

Chia sẻ bí quyết

Những ngày cuối năm, Trần Tứ Vương càng tất bật hơn với việc chăm sóc, tỉa cành, tạo dáng, lặt lá cho mai. Với anh, mai không chỉ là người bạn mà còn là vị cứu tinh đã giúp gia đình anh vượt qua khó khăn, có cuộc sống sung túc. Hơn 10 năm trồng mai đã cho anh nhiều kinh nghiệm cũng như bí quyết về kỹ thuật trồng, giúp cây ra hoa đúng dịp Tết. “Nếu thời tiết lạnh, mai sẽ ra hoa muộn, còn thời tiết nóng, mai sẽ ra hoa sớm. Tuy nhiên, không phải cứ đến ngày 15 tháng chạp là lặt lá hết các cây mai mà phải nhìn xem nụ mà canh ngày lặt lá. Cây nào nụ còn nhỏ thì lặt từ ngày 13, 14; cây nào nụ đã khá to thì để đến 18. Khi lặt lá phải cẩn thận, không được để cành bị trầy xước và phải lặt cả lá già lẫn lá non”.

Theo Vương, muốn mai ra nhiều hoa, không chỉ phụ thuộc vào việc chăm sóc lúc trước Tết mà cần cả quá trình chăm sóc lâu dài từ đầu năm, như bón phân, trị các loại bệnh cho lá, thân. Đặc biệt, việc tưới cây đều đặn, vừa đủ, không thừa không thiếu sẽ giúp cây ra hoa tốt. Anh chia sẻ: “Thông thường, sau khi lặt lá, cây có nụ to thì tưới ít nước, để vào chỗ mát và khi ra đọt non thì phải ngắt bỏ đi. Còn cây có nụ nhỏ thì tưới nhiều nước và để ngoài chỗ sáng. Nếu nụ đã lột vỏ lụa vào ngày 23 tháng chạp thì coi như mai sẽ nở đúng Tết. Khi tạo dáng phải áp dụng đúng nguyên tắc dưới lớn, trên nhỏ dần để mai có dáng vững, uy nghi khi chưng Tết”.

Giúp bà con có cuộc sống ổn định

“Vùng Bình Chánh không bị nước ngập do bể bờ bao như một số nơi khác của TPHCM nên mai của tôi vẫn sống khỏe. Tết năm nay, tôi sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 gốc mai” - Vương cho biết. Do trồng và bán trực tiếp nên giá mai của anh khá mềm, chỉ từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/cây. Trung bình mỗi năm, vườn mai đã cho gia đình anh thu nhập hơn 300 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân mà vườn mai của anh còn giải quyết việc làm cho gần 10 lao động thường xuyên. Dịp Tết, số lao động thời vụ lên đến vài chục người. Anh Nguyễn Văn Tuấn, quê ở Bình Chánh, người phụ trách kỹ thuật vườn mai, cho biết: “Nhờ vườn mai của anh Vương mà tôi có công ăn việc làm ổn định với thu nhập 100.000 đồng/ngày. Ngoài ra, trong những lúc khó khăn, tôi còn được anh ấy giúp đỡ tận tình”.

Không dừng lại ở việc giải quyết công ăn việc làm, Vương còn hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều bà con trong vùng, giúp họ có cuộc sống ổn định. Anh Nguyễn Thanh Tú (huyện Đức Hòa - Long An) tâm sự: “Tuy còn trẻ nhưng Vương sống rất có tình với bà con. Nhờ kinh nghiệm của anh mà hơn 10 hộ gia đình gần đây đã đổi đời bằng nghề trồng mai”.

Anh Trần Tứ Vương cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ lai tạo và trồng nhiều giống mai khác nhau để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của khách hàng. Bên cạnh đó, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trồng mai cho những nông dân có nhu cầu, giúp họ ổn định cuộc sống”.

HUỲNH NGA

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang