• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trăn trở từ vương quốc hoa

Nguồn tin: Báo Công Thương, 03/01/2011
Ngày cập nhật: 4/1/2011

Gần với Trung Quốc (đất nước có sản lượng hoa số 1 thế giới), Đài Loan (rất mạnh về các loại hồ điệp, catlaya, vũ nữ) và Thái Lan (đất nước của hoa phong lan), điều kiện thiên nhiên lại thuận lợi hơn, nhưng ngành trồng hoa của Đà Lạt vẫn chưa thực sự phát triển. Nguyên nhân vì đâu?

Thiên thời, địa lợi…

Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung có thiên nhiên cực kỳ ưu đãi cho việc sản xuất hoa. Riêng người nông dân ở Đà Lạt đã có tới 70 năm kinh nghiệm trồng hoa. Đà Lạt được người yêu hoa ví như vương quốc hoa bởi muôn vàn loài hoa quyến rũ với hương sắc ngọt ngào.

Không ngoa khi ví ngành trồng hoa Đà Lạt là “ngành công nghiệp không khói”. Bởi lẽ, nếu như hiệu quả của các loại cây nông nghiệp, công nghiệp trên cả nước thường tính trên ha, thì ở Đà Lạt nông dân tính hiệu quả trên sào hoặc trên m2. Cụ thể, so với mục tiêu phấn đấu sản xuất nông nghiệp đạt thu nhập bình quân 50 triệu/ha thì ngành trồng hoa công nghệ cao của Đà Lạt hiện tại đã vượt xa hơn nhiều, cá biệt có thể gấp 10 – 20 lần.

Minh chứng cho những con số đáng ngạc nhiên trên, ông Trần Huy Đường – Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, một công chức nhà nước xin nghỉ việc để theo đuổi nghề trồng hoa nhiều năm nay, nhẩm tính: “Đơn cử với cây hoa lyli, mỗi năm có thể trồng được 3 vụ, bình quân mỗi m2 có thể trồng được 27 cây; sản phẩm thu hoạch sau khi đã khấu trừ các khoản đầu tư, lãi bình quân đạt 1.500 đ/cây, như vậy mỗi năm trồng lyli có thể lãi trên 1 tỷ đồng/ha. Tương tự như vậy, với hoa cát tường mỗi năm trồng được 2,5 vụ, mỗi m2 trồng được 27 cây, mức lãi bình quân 1.000 đồng/cây, ước tính mỗi năm lãi 0,7 tỷ đồng/ha. Cây cúc mỗi năm trồng dược 3,5 vụ, 1 m2 trồng được 50 cây, tiền lãi 400 đồng/cây, vậy là mỗi năm lãi trên 0,6 tỷ đồng/ha”. Có thể khẳng định: Nếu tính lợi nhuận trên vốn đầu tư thì ngành trồng hoa ở Đà Lạt hơn hẳn nhiều ngành dịch vụ khác!

“Thiên thời, địa lợi” đã khiến nhiều công ty nước ngoài đổ bộ sang Việt Nam đầu tư trồng hoa rải rác khắp tỉnh Lâm Đồng. Tùy theo “địa lợi”, mà các công ty này chọn trồng loại hoa nào và hầu như họ đều rất thành công. Trong đó, Dalat Hasfarm trồng ở Đà Lạt các loại hoa ôn đới, ở huyện Đơn Dương các loại hoa cúc; Công ty Apolo trồng ở huyện Đơn Dương các loại hoa hồ điệp, cát tường, Công ty Lâm Thăng trồng ở huyện Di Linh các loại hoa hồ điệp, denrobium; Công ty Thành Công trồng ở huyện Bảo Lộc các loại lá trang trí; Công ty Trường Xuân trồng ở huyện Bảo Lâm các loại hoa vũ nữ, hồng môn…

Hiệu quả kinh tế từ trồng hoa đã rõ, nhưng người trồng hoa tâm huyết ở Đà Lạt không khỏi ngậm ngùi khi Đà Lạt là trung tâm sản xuất hoa nổi tiếng của Việt Nam với trên 70 năm kinh nghiệm, thế nhưng đến nay, hoa hàng hóa tiêu thụ nội địa vẫn là chính, mấy năm gần đây mới xuất khẩu được khoảng 5% - nhưng thành tích này chủ yếu lại thuộc về một công ty nước ngoài: Dalat Hasfarm.

Những nông dân lên đời” và lối đi hẹp

Về làng hoa Vạn Thành, Thái Phiên, Hà Đông (Đà Lạt)… vào những ngày Tết Tân Mão cận kề, đâu đâu cũng thấy không khí khẩn trương cho vụ hoa lớn nhất trong năm. Bên cạnh những vườn hoa đang cho thu hoạch, rất nhiều vườn Lyli, cát tường, cúc, hồng... đang được chăm sóc tích cực; những chậu địa lan vươn cao, hứa hẹn những khoản thu không nhỏ cho các chủ trang trại....

Hiệu quả từ trồng hoa có thể gọi là “siêu lợi nhuận”, thua lỗ vì hoa cũng khó lường! Những người thu được tiền tỉ từ hoa mỗi năm cũng không còn là chuyện mới, những người khốn đốn vì hoa ở Đà Lạt cũng không ít... Đây là kết quả của tốc độ phát triển rất nhanh (khoảng 30%/năm trong 5 năm gần đây), nhưng hoàn toàn tự phát. Nói cách khác, nghề trồng hoa ở Đà Lạt cơ bản vẫn phát triển manh mún, chưa bền vững.

“Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng sở dĩ hoa Đà Lạt “không đi xa được” là vì, người trồng hoa tại Đà Lạt đa phần là nông dân lên đời, cách học của chúng ta là học mót, học lỏm, làm không có bài bản” - ông Trần Huy Đường thừa nhận.

Bên cạnh đó, với nhiều đời làm nông nghiệp, nên vốn của các nông dân hầu như không nhiều. Trong khi, trồng hoa theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao yêu cầu phải có nhà xưởng, máy móc thiết bị, công nhân, quy trình sản xuất…Đơn cử như: Mỗi ha nhà kính chất lượng nhập khẩu để trồng hoa cũng phải 3 tỷ đồng, sơ sài nhất cũng 500 triệu - 700 triệu đồng/ha. “Lực bất tòng tâm”, hầu hết các vườn hoa ở Đà Lạt hiện tại đều là nhà kính, nhà tre hoặc nhà sắt tạm bợ, chắp vá, công nghệ nói chung, đặc biệt công nghệ sau thu hoạch hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.

Cũng vì thiếu kiến thức mà nông dân trồng hoa được ví như “người nghèo nhưng xài sang”. Nghe quảng cáo loại phân A, phân B tốt là mua ngay. Trong khi 90% người trồng hoa không xét nghiệm đất trước khi canh tác, dẫn đến bón quá liều, lãng phí…

Khâu chăm sóc đã vậy, có sản phẩm rồi, những công ty, trang trại ở Đà Lạt chủ động được đầu ra, thỏa thuận được giá bán hợp lý mới “đếm trên đầu ngón tay”! Thực tế có tới 60% sản lượng hoa của Đà Lạt phải bán theo dạng “tệ hơn bán lúa non” vì bị người mua ép giá, nhiều trường hợp còn không thanh toán…

Có 1 chợ hoa tập trung, có chương trình cho vay vốn lớn, đặc biệt có các đề tài nghiên cứu khoa học áp dụng thành công trong thực tế, tập hợp được các chuyên gia tư vấn, kĩ sư nông nghiệp giỏi và tâm huyết với nghề trồng hoa…, là khát khao của rất nhiều thế hệ trồng hoa ở Đà Lạt. Hay như Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt Trần Huy Đường chia sẻ: Chúng tôi mong muốn có được Quy hoạch ngành hoa thật cụ thể, thiết thực để ngành hoa có thể phát triển mạnh hơn, bền vững hơn bằng các cơ sở khoa học, các lợi thế cạnh tranh, và từ những nghiên cứu bài bản về nhu cầu thị trường.

Không lẽ nào, chúng ta sở hữu thiên nhiên ưu đãi cho sự sinh trưởng của các loài hoa, chúng ta có nghề trồng hoa bao đời, có giao thông thuận lợi đến nhiều nước… mà người trồng hoa lại cứ quẩn quanh trong lối đi hẹp? Thị trường xuất khẩu hoa đầy tiềm năng, không lẽ chỉ dành cho người nước ngoài đầu tư trồng hoa ở Đà Lạt mà không phải là những nông dân nhiều đời tâm huyết với nghề?

Chia tay những làng hoa nổi tiếng của Đà Lạt, còn lại trong ký ức tôi là hình ảnh những bông hoa tươi thắm, rạng ngời được chăm sóc, nâng niu bởi đôi bàn tay chai sần của những người trồng hoa. Và đâu đó trong đêm, không chỉ có những ánh đèn miệt mài sưởi ấm cho những bông hoa, còn có cả những người trồng hoa, có trách nhiệm với nghề trồng hoa ở Đà Lạt đang trăn thở. Vì những mùa hoa rạng rỡ…

Hoàng Mai

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang