• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nước mắt địa lan

Nguồn tin: TN, 7/1/2007
Ngày cập nhật: 7/1/2007

Lão nông Cao Quảng Phú với vườn lan xơ xác. Ảnh: H.B

Thương hiệu "nữ hoàng" địa lan (Cymbidium) được nhiều người biết đến bởi sắc đẹp lộng lẫy của hoa. Đà Lạt là nơi có khí hậu lý tưởng vào loại bậc nhất để cho loài hoa này sinh sôi nảy nở.

Ngoài tiêu thụ nội địa, loài hoa "nữ hoàng" này còn được xuất khẩu, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân Đà Lạt và góp phần tạo nên thương hiệu xứ sở ngàn hoa.

Thế nhưng, khi Tết Nguyên đán đang đến gần thì khoảng 300 - 400 hộ tham gia trồng địa lan với quy mô 200 chậu (đơn vị) trở lên và vô số hộ trồng nhỏ lẻ khác lao đao vì căn bệnh thối củ địa lan, nhiều vườn địa lan đang chết dần chết mòn.

Vô phương cứu chữa!

Giá hoa địa lan cắt cành khoảng 40 - 70 ngàn đồng/cành và từ 100 - 150 ngàn đồng/cành/chậu trong dịp Tết và lễ hội. Cơ hội đổi đời từ cây địa lan là niềm mơ ước của nhiều hộ nông dân sau khi đã bỏ công sức và tiền của đầu tư trong suốt 4 - 5 năm nay. Nhưng tỷ lệ vườn bị bệnh nay đã lên đến 70 - 80%, trong đó tỷ lệ cây chết từ 30 - 60%, thậm chí nhiều vườn chết đến 100%. Anh Ngô Văn Tân (28 tuổi, ở P.4) âu sầu: "Năm 2002 mình cưới vợ, bao nhiêu vốn tích cóp được cùng với vay mượn bà con hàng xóm khoảng 200 triệu đồng, và vay ngân hàng thêm 200 triệu đồng nữa để đầu tư trồng địa lan. Vậy mà vườn lan hơn 30 ngàn chậu đến kỳ thu hoạch lại bị chết đến 40%. Bây giờ đã không trả được nợ mà bình quân mỗi tháng phải trả 5 triệu đồng tiền lãi".

Lão nông Cao Quảng Phú (khu An Sơn, P.3) ngậm ngùi: "Vườn địa lan hơn 20 ngàn chậu được đầu tư chăm sóc suốt 4 - 5 năm nay tốn cả tỉ đồng nhưng nay bị chết hết, mặc dù cứ 3 ngày, 5 ngày bơm thuốc một lần. Nó thối từ dưới rễ thối lên, khi phát hiện đọt bị nhũn mình sờ tay vào là rút ra khỏi đất một cách dễ dàng. Mặc dù trên đỉnh đọt còn xanh nhưng ở dưới chân bẹ lá thối hết, mùi rất hôi. Vì vậy khi phát hiện là toàn bộ rễ đã hư hết".

Bác Nguyễn Văn Căn (ấp Vạn Thành, P.5) cho hay: "Thấy vườn lan cứ chết dần, chết mòn, nên lần lượt thuê 2 kỹ sư nông nghiệp vào trong vườn để nghiên cứu chữa bệnh, thế nhưng họ cũng... bó tay. Hiện tôi đã nhờ người quen làm ở công ty nước ngoài mang 2 chậu lan về TP.HCM nghiên cứu (bệnh) xem có cứu chữa được hay không".

Ngay cả vườn địa lan hơn 1.000 chậu của bác Trần Đức Tấn - Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt cũng bị chết toàn bộ, và bác cũng thở dài: "Chắc Tết nay mình không có địa lan chưng quá!".

Loay hoay tìm hướng ra

Nhiều ý kiến cho rằng phải chăng giống là nguyên nhân của bệnh lan? Bởi hiện nay chưa có cơ quan quản lý giống, nguồn giống và tính sạch bệnh của giống, trong khi đó nhà vườn thường xuyên mua bán, trao đổi cây giống, cây thương phẩm làm tăng nguy cơ phát tán nguồn bệnh. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng: Hiện nay có khoảng trên 30 cơ sở nhân cấy mô các loài hoa tại Đà Lạt và nhiều cơ sở tại TP.HCM tham gia cấy mô địa lan để cung cấp cho Đà Lạt. Các cơ sở nhân giống địa lan không lưu giữ mẫu giống ban đầu nên các mẫu giống không được kiểm tra về tiêu chuẩn sạch bệnh; nguồn giống không được quản lý, các cơ sở nhập giống từ TP.HCM không khai báo với kiểm dịch thực vật nhập nội của tỉnh.

Theo những hộ dân nói trên thì mặc dù địa lan chết nhiều như vậy nhưng hầu hết đều phải tự cứu vườn lan của mình. Nghe giới thiệu thuốc gì, cách chữa trị ra sao thì lập tức đi tìm mua về phun, xịt. Xác lan chết được vứt lung tung, có nơi chở vào rừng đổ, có chỗ bỏ ra đường cho xe rác hốt, có người thì mang đi đốt... Nguy hiểm hơn có nhà dùng lại chậu lan đã chết để trồng những cây kiểng khác. Điều này có thể tiềm ẩn bệnh và làm lây lan bệnh đi nơi khác.

Trước tình hình đó, nhiều hộ trồng địa lan đã không dám đầu tư vào cây địa lan nữa, số chậu còn lại họ lo bán đổ, bán tháo để vớt vát. Chị Liên ở Vạn Thành cho biết: "Vườn lan của mình đã chết hơn 1.000 chậu rồi, bây giờ còn chậu nào thì bán chậu đó, rẻ mắc gì cũng bán, không dám đầu tư vào nó nữa". Tuy nhiên, có nhiều hộ "lỡ" đầu tư vào nhà vườn (nền, khung, lưới) với số tiền khá lớn nên bây giờ vẫn phải tiếp tục xoay sở tái đầu tư, dù chưa biết kết quả thế nào.

Theo kết quả đề tài nghiên cứu tác nhân gây bệnh và các biện pháp phòng trừ bệnh chết củ địa lan tại Đà Lạt của TS Lê Đình Đôn (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) thì tác nhân gây bệnh chính trên cây địa lan gồm 7 loài nấm, 3 loài vi khuẩn, 2 loài vi-rút; chưa phát hiện tuyến trùng ký sinh. Thế nhưng, điều đáng nói là nông dân thì làm sao xác định được nguyên nhân gây bệnh là do nấm, vi-rút hay vi khuẩn để lựa chọn đúng thuốc trị bệnh!

Ông Lại Thế Hưng - Trưởng phòng kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết: "Bệnh thối giả hành (củ) rất nguy hiểm với cây địa lan, tốc độ lây lan nhanh, lúc nào cũng có ổ bệnh trong vườn. Xử lý nó không dễ, phải dùng biện pháp phòng trừ tổng hợp chứ không được sử dụng đơn lẻ một biện pháp". Vì vậy hiện nay quy trình xử lý dựa vào phòng bệnh là chính.

Cây địa lan bị chết khô chỉ còn trơ chậu

Hồ Bình

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang