• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Từ chối 7.000 cây vàng vì cò

Nguồn tin: Báo Khoa Học Đời Sống, 23/11/2010
Ngày cập nhật: 26/11/2010

Từ ngã ba Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP. HCM nhìn về cù lao Long Phước, khu du lịch sinh thái vườn cò Hồng Ký ẩn khuất trong ngút ngàn cây lá xanh mờ. Con đường đất đang chờ tráng nhựa đỏ quạch và trơn như mỡ không làm ngại bước chân của những ai muốn thưởng thức không khí hoang sơ trong lành đã mất dần trong lòng đô thị náo nhiệt. Đây là vườn cò do tư nhân đầu tư, bảo tồn, quản lý và là vườn cò duy nhất nằm trong địa phận TP. HCM.

Du lịch... cò

Đã xấp xỉ tuổi 70, mái tóc trắng xóa, nước da đồng hun, giọng nói sang sảng kiểu nông dân miền Tây thứ thiệt, ông chủ vườn cò Nguyễn Văn Ký hồ hởi kể về những ngày gian khó mưu sinh để giữ lại được vườn cò giá trị hôm nay.

Vùng đất này xưa thuộc làng Ích Thạnh, tổng Long Vĩnh Hạ, quận Dĩ An, tỉnh Gia Định. Khi cha của ông Ký - chiến sĩ đặc công của Chi đội 6 - qua đời, ông Ký được thừa hưởng khoảng 2 ha đất canh tác. Thời ấy vùng Thủ Đức là đất bưng biền, giao tranh liên miên, ông Ký tham gia công tác hậu cần, tiếp tế lương thực cho cách mạng ở khu Long Trường.

Sau giải phóng, do có tới 11 người con (6 trai, 5 gái) nên gia cảnh khốn đốn, thiếu trước hụt sau, ông Ký xin vào làm công nhân ở Xí nghiệp Gia cầm TP. HCM. Ruộng đất để hoang với ngút ngàn dừa, tre của ông bỗng nhiên trở thành điểm cư ngụ lý tưởng cho hàng ngàn con cò bay về hàng đêm.

"Thời đó cái ăn còn không đủ, ai mà nghĩ tới chuyện du lịch sinh thái. Tôi nhớ mãi khoảng năm 1980 - 1981, một hôm có tướng Mai Chí Thọ và anh Ba Đầy (Dương Văn Đầy, Giám đốc Sài Gòn Tourist) về nhà tôi chơi. Thấy cảnh đàn cò quần tụ, tướng Mai Chí Thọ nói rằng: "Ở thành phố mình mà có vườn cò thế này là quý lắm, phải cố gắng gìn giữ! Rồi đời tôi gắn với cò từ đó" - ông Ký kể.

Chủ vườn cò Hồng Ký.

Từ đó ông chăm lo vườn cò, cải tạo vườn dừa cho cò đậu, dựng vài chòi lá cho khách xuống tham quan có chỗ ngồi chơi... Dần dần, số cò về ngày càng nhiều, số người đến tham quan ngày càng đông. Nhờ nằm gần các thắng tích như chùa Hội Sơn, cù lao Bà Sang... vườn cò Hồng Ký được nhiều người biết đến.

Ông trở thành một trong những người đầu tiên mở khu du lịch sinh thái ở TP. HCM. "Bao nhiêu năm qua tôi cố giữ nguyên hiện trạng vườn cò ban đầu. Một số cây tràm nước to lớn như thế kia, con tôi đòi cưa nhưng tôi nhất định không cho vì đó là kỷ niệm, kỷ vật của những người đã giúp tôi có được như ngày nay" - lão nông tâm sự.

Cảm hóa "cò tặc"

"Từ năm 2000 trở về trước người ta bắn phá, trộm bắt cò dữ lắm, nhất là khu Long Trường" - ông Ký nhớ lại. Khi ông cải tạo vườn, trồng thêm tre, dừa, tràm để đón cò về thì đám "cò tặc" cũng bắt đầu nhắm tới. Nhiều thanh niên bơi xuồng "đậu" vào vườn ông, bắn cò, bẻ dừa, nhổ sắn... 7, 8 lần bắt quả tang, lần nào ông Ký cũng mời thủ phạm ngồi uống nước và ôn tồn khuyên: "Kêu công an tới thì chú đâu có lợi gì. Bây thương chú Hai thì đừng có bắn, phá chỗ ở của cò. Muốn nhậu thì cứ nói với chú kiếm cho con vịt hay ít trứng mà nhậu chớ cò có ngon lành gì mà ăn. Chừng nào xin mà chú không cho thì hãy trộm...".

Có lần bầy chó săn của ông phát hiện 2 "cò tặc" trên cây dừa nên chặn bên dưới. Sợ thủ phạm nhảy liều xuống mà mang họa nên ông đứng dưới gốc năn nỉ: "Từ từ xuống chớ té chết đó, xuống chú nói chuyện cho nghe...".

Cứ thế những lần thuyết phục của ông đã cảm hóa nhiều đối tượng, họ không còn phá đàn cò của ông nữa. Cho đến nay, những "thủ phạm" ngày xưa vẫn thường đến vườn của ông chơi, xin nồi lẩu hay chai rượu. Đồ đạc, bàn ghế bỏ tràn lan trong các chòi của ông không hề bị mất.

Đến nay, đàn cò vườn ông Ký đã lên khoảng 10.000 con, có nhiều loại, một số loại được xếp vào sách đỏ. Khoảng tháng tư âm lịch, cò đi đẻ ở vùng rừng Sác, Cần Giờ rồi đầu tháng 9 kéo về ngụ ở vườn Hồng Ký. Chúng thường đi ăn tôm, tép trên các đồng ruộng ở Đồng Nai, Nhà Bè, Cần Giờ... Nếu lo cho cò ăn thì mỗi ngày ông Ký phải tốn cả tấn cá. Cũng có những con cò đi ăn bị thương ở nơi xa, cố bay về tới vườn mới rơi xuống chết, ông Ký lại lặng lẽ đi nhặt và chôn cất tử tế.

Từ chối 7.000 cây vàng

Một chuyện làm ông Ký nhớ mãi là vào khoảng năm 1985, khi vườn cò của ông chưa định hình thì có một thương gia Đài Loan đến tham quan. Vị này thấy khu vườn nằm bên con sông Tắc, chi lưu của sông Đồng Nai, hình thế đắc địa "gối đầu rồng" nên ngỏ ý mua khu vườn với giá 28 tỷ đồng, tương đương 7.000 lượng vàng và chừa lại khu nhà thờ gia tộc cho ông.

"Lúc ấy tôi cũng phân vân lắm vì số tiền quá lớn, nhà thì nghèo, con lại đông. Nhiều người cũng khuyên nên bán đi để lấy vốn làm ăn và chi cho các con", ông Ký hồi tưởng. Nhưng sau nhiều đêm trăn trở, lão nông quyết định không bán.

"Người nông dân sợ nhất là mất đất. Đất gia tiên để lại bán rồi cũng ăn hết, thà giữ lại rồi chia đất cho con. Vả lại lúc ấy tôi chứng kiến nhiều trường hợp nông dân bán đất, ăn xài rồi đi bán... vé số. May cho tôi chớ lúc ấy mà bán thì bây giờ không biết trôi nổi tới đâu nữa". Vợ con ông cũng đồng lòng ủng hộ quyết định của ông.

Khu vườn cò 28 tỷ năm ấy của ông Ký hiện tính theo giá thị trường vào khoảng 45 tỷ, chưa tính vườn cây ăn trái 8 ha, hầm cá, trại heo... "Nếu tính hết tài sản của tôi thì cũng vào khoảng 100 tỷ!" - ông Ký sảng khoái nói.

"Hồi xưa chia cơm sẻ áo, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Bây giờ thì người nghèo đem bán hết đất cho người giàu, rồi ra làm sao? Cả vàm Long Đại đến cầu Trường Phước cả 200 ha, nay chỉ còn 4, 5 người là dân địa phương mà thôi", ông Nguyễn Văn Ký.

Ông Nguyễn Văn Ký là nông dân tiên tiến cấp Trung ương, làm kinh tế giỏi cấp thành phố, đã nhận được gần 40 bằng, giấy khen của các cấp. Vườn cò Hồng Ký là nơi quay một số tập trong các bộ phim Người đẹp Tây Đô, Công tử Bạc Liêu.

Dù được công nhận là "Vườn sinh thái đẹp hạng 3" của thành phố, được UBND quận 9 cho phép in và bán vé vào cổng, nhưng ông Ký không thực hiện. Khách đến ngắm cò vào buổi chiều, còn buổi sáng ông cho xuồng đưa sang khu vườn cây ăn trái bên cù lao Long Phước. Tại đây, khách được ăn trái cây miễn phí, chỉ lấy 15.000 đ là tiền đưa đò cả đi lẫn về. Nếu ai muốn đem trái cây về nhà thì cứ bỏ bịch về vườn cò cân đồng giá là 6.000 đ/kg dù là chôm chôm, xoài hay sầu riêng, mận An Phước... Con trai ông cho biết trái cây nhiều nhất là vào mùa Tết đến tháng 5 âm lịch.

Thiên Tường

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang